Trong tiếng Việt, lưu manh là một danh từ dùng để chỉ kẻ lười lao động, chuyên sống bằng trộm cắp, lừa đảo
Về từ nguyên, lưu manh là phiên âm Hán Việt của chữ 流氓 (đọc là liúmáng). Trong đó, lưu (流) có nghĩa gốc là trôi, chảy; rồi nghĩa phái sinh là trôi giạt, lưu lạc, du thủ du thực, rày đây mai đó; còn manh (氓) có 3 nghĩa:
• Nghĩa thứ nhất, manh là dân, ngày xưa chỉ dân chúng, trăm họ;
• Nghĩa thứ hai, manh là dân ở miền thảo dã (tức dân quê. Thời nhà Chu, chỉ những người nô lệ cư trú tại những vùng quê để sản xuất nông nghiệp).
• Nghĩa thứ ba, manh chỉ dân ở đất ngoài đến
Âm xa xưa của chữ manh 氓 trong tiếng Việt là mống, còn được giữ lại trong những lối nói mang tính quán ngữ, như: không mống nào chạy thoát, chết không còn một mống.
Hai tiếng lưu + manh ở trên ghép lại thành danh ngữ lưu manh 流氓, được Hán ngữ đại tự điển (漢語大詞典) giảng là: “Nguyên chỉ vô nghiệp du dân, hậu lai chỉ phẩm chất ác liệt, bất vụ chính nghiệp, vi phi tác đãi đích nhân”. (Vốn chỉ du dân lưu lạc không nghề nghiệp; sau mang nghĩa rộng, chỉ phần tử hay tổ chức bang phái côn đồ, bất lương, phá hoại trật tự trong xã hội).
Thế là lưu manh từ cái nghĩa ban đầu trung hòa thì nay có nghĩa là kẻ du thủ, du thực, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi nghĩa bóng là đứa du côn, bất lương. Tùy theo ngữ cảnh mà nó có thể được dùng như danh từ hoặc tính từ.