Thành ngữ ba chìm bảy nổi dùng để ví cảnh ngộ của một người khi lên xuống, phiêu giạt, long đong vất vả nhiều phen: “Cái con người hai mươi chín mới nói chuyện vợ con đã ba chìm bảy nổi vì nghèo khổ” (Nguyễn Thế Phương, “Đi bước nữa”).

Ca dao về sản xuất | Tạp chí Quê Hương Online | Ủy ban Nhà nước về người  Việt Nam ở nước ngoài

Sở dĩ có được nghĩa này là do chúng được cấu tạo bằng cách đan xen hai tổ hợp ba bảy và chìm nổi.

Chìm và nổi là hai động từ trái nghĩa nhau “chuyển từ mặt nước xuống dưới sâu” (chìm) và “chuyển từ dưới sâu lên trên mặt nước” (nổi). Từ chỗ biểu thị tính liên tục của hành động hết chìm lại nổi… tổ hợp dùng để chỉ sự gian truân, vất vả của một người nào đó, vừa qua khỏi điều không may này, lại gặp phải sự éo le trắc trở khác: Cuộc đời chìm nổi.

Ba và bảy là hai số đếm. Khi tham gia tổ hợp, chúng biểu tượng số lượng không phải một, cũng không phải ba hay bảy cụ thể, mà là nhiều: Có ba bảy cách làm; Thương anh ba bảy đường thương. Khi dùng đan xen vào các tổ hợp khác, ba bảy thường được tách ra theo kiểu như ba lo bảy liệu (lo liệu nhiều), ba lần bảy lượt (nhiều lần), ba dây bảy mối (nhiều lo)…

Ba chìm bảy nổi còn có thể nói thành bảy nổi ba chìm hoặc là ba chìm bảy nổi chín (sáu) lênh đênh.

TH/ST