Tôi lên phố thị cao nguyên nhiều lần nhưng không thấy chán. Bởi lên đó không những được hít thở không khí trong lành, mát rượi, mà với tôi, còn có ba cái thú sống chậm: ngồi cà phê, tản bộ và ngủ say giấc.

Lên Đà lạt vào thập niên 80, 90 , tôi hay đến café Tùng ở khu Hòa Bình. Đây là quán lâu đời; xưa là nơi ưa thích của giới trí thức, văn nghệ sĩ dừng chân, gặp gỡ; nay thì khách đa dạng hơn. Với sự tồn tại hơn nửa thế kỷ cùng phong thái tận hưởng cà phê chậm, nhẹ nhàng, trầm tư ngắm phố xá qua khung cửa kính; có thể nói café Tùng là tiểu tiết gắn liền với thương hiệu DALAT.

Café Bà Năm ở 13 Phan Bội Châu, một dạng quán cà phê kho bình dân Đà Lạt từ trước 1975, nay vẫn còn lưu giữ nét cũ; và cũng bởi sự không thay đổi ấy khiến tôi thích đến. Khách đa phần là dân lao động; nay dân phượt cũng tìm đến nhiều, vì phong cách phục vụ thong thả, từ tốn và cách pha chế vẫn như xưa.

Hầu như, mỗi lần lên miền sương khói, tôi đều đến hai điểm café này, ngồi hàng giờ, một mình, thưởng thức từng ngụm café thơm lừng, ngẫm ngợi về những ngày đã qua và thật kỳ lạ, bởi, trong tôi chỉ còn đọng lại những gì thật hay, thật đẹp, còn bao phiền não tự tan biến hết.

Những năm gần đây, phố núi có nhiều điểm café mới, đẹp. Ngồi Café Dalat Nights, Thiên Mộc Trinh, Xuân Hương garden coffee, tôi có “view” gần như toàn cảnh Đà Lạt. Bởi phóng tầm mắt về hướng nào cũng thấy bạt ngàn thông xanh và các loài hoa khoe sắc. Nhìn phố xá nhấp nhô trong sương mù, đèo dốc; hít thở khí trời lành lạnh buổi sáng, nhấp ngụm cà phê nóng hổi, thấy đời nhẹ êm.

Còn nhiều quán café đẹp nữa…Nhưng tôi vẫn thích nhất là café Rainy ở 24B/1 Hùng Vương. Bởi nơi đây như công viên thu nhỏ; chụp hình góc nào cũng đẹp; đặc biệt khách tùy chọn chỗ ngồi ở ba khu nghe nhạc riêng biệt theo gu của mình: nhạc Trịnh, nhạc trẻ, nhạc ngoại.

Tối đến, khi phố xá đã lên đèn, tôi lững thửng ra Hồ Xuân Hương xem thiên hạ câu cá đêm. Đi vòng hết bờ hồ là thấm mệt , tôi uống ly sữa đậu nành nóng hổi; rồi từ từ tản bộ về. Trong trạng thái hai chân mỏi nhừ, trời lạnh dần về khuya, tôi chui vào chăn, trôi vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay.

Tản bộ ở phố núi là được kết hợp hai trong một, vừa tập thể dục, vừa ngắm phố phường xen lẫn trong các đồi thông miền sương khói làm ta thấy nhẹ lòng, cứ ước điều không tưởng: giá như phố xá chỉ toàn là người đi bộ, không có xe cộ qua lại, không có tiếng còi, không ánh đèn pha …sẽ yên bình, thơ mộng biết bao!
Thả bộ trong mưa nhẹ Đà Lạt cũng rất thú. Khoác áo ba- đờ – xuy, tôi thong thả từng bước trên vỉa hè. Những hạt mưa nhỏ, lất phất đậu vào má, lên vành tai nghe man mát, se se lạnh. Cứ thế, tôi nhẩn nha các phố, thấy bụng cồn cào thì tạt vào quán cóc ăn nhẹ, rồi loanh quanh tiếp.

Thường tôi lơn tơn khắp phố phường, đèo dốc đến mỏi gối chồn chân mới chịu về nhà trọ. Đêm ngủ ở phố núi mà chợt thức, thấy ngoài trời còn mưa thì dậy làm gì. Những lúc như thế, tôi bật điện thoại, vào youtube, mở nhạc không lời, vừa nghe, vừa lơ mơ ngủ tiếp.

Có hôm dậy rồi, mở cửa ra thấy mù sương, tôi thả bước thong dong về phía đồi thông, hít thở không khí trong, nhẹ và se lạnh, chầm chậm quay về trong bảng lảng mây khói. Vào nhà, tôi lại đánh tiếp một giấc nữa cho đã. Đi chơi mà, cứ chậm rãi, từ từ, vội gì.

Với tôi, một lữ khách yêu Đà Lạt, luôn muốn thấy đô thị cao nguyên này đẹp, thơ mộng. Song hơi tiếc, vì phố núi bây giờ xô bồ, bon chen hơn; khác xa Đà Lạt ở đầu thập niên 80, khi lần đầu tôi đặt chân đến, là một phố thị kiểu châu u với nhịp sống, phong thái người Đà Lạt chậm rãi, nhẹ nhàng, thanh thoát, lịch lãm.
Phát triển kinh tế là mong muốn của chính quyền và người dân thành phố mộng mơ. Song, thiết nghĩ, giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hóa và khí hậu riêng có của Đà Lạt là việc cấp thiết và vô cùng quan trọng. Được vậy, chắc chắn Đà Lạt sẽ là điểm đến lý tưởng nhất Việt Nam.

Còn với tôi, Đà Lạt luôn là nơi tôi được cảm nhận sự thú vị, nhẹ nhàng, thanh thản mỗi khi muốn sống chậm lại giữa thế gian vội vã./.