Sau khi thi đỗ, các tân khoa Tiến-sĩ được vua ban thưởng rất hậu. Ngay từ đời Trần đã được ban áo xiêm, đãi yến, được cưỡi ngựa đi xem kinh thành, đến thời nhà Lê những đặc quyền đặc lợi càng tăng thêm như tên được khắc ghi trên bia đá, lại đặt ra Quán Ðăng Doanh là nhà để tiếp các Tiến-sĩ tân khoa, Ðình Hàm Tượng là lâu đài để đón rước các Tiến-sĩ tân khoa (1) … Sang thời Nguyễn tuy đã giảm bớt nghi lễ song các Tiến-sĩ vẫn còn được thưởng tiền, được ban mũ áo, cờ và biển đề rõ chức vị, được dự yến tiệc, được đi thăm vườn Ngự uyển, xem kinh thành… (đấy là chưa kể còn tục lệ riêng của mỗi làng xóm). Các tân khoa đều phải dâng biểu tạ ân.
* Về lệ cho đi thăm Ngự uyển có hai giai thoại :
a- Gieo cầu : Tương truyền Hán Vũ Ðế (140-187) muốn kén phò mã đã cho phép các Tiến sĩ mới được đi thăm vườn Thượng uyển. Công chúa ở trên lầu cao gieo quả cầu ngũ sắc vào người mình chọn, cũng có thuyết nói là công chúa gieo cầu xuống, ai bắt trúng quả cầu thì được làm phò mã (2).
Thi sỉ Huyền Kiêu có làm bài thơ hài hước (3) :
Ngày xưa công chúa kén chồng,
Lính tráng đeo cồng, ông Sứ đi rao :
“Nào ai tuổi trẻ tài cao,
Sắm sửa mà vào lấy vợ, con vua”.
Có chàng bảng trạng, tên chua,
Nhân đi lễ chùa, dong ngựa long câu.
Gót hoa công chúa lên lầu,
Gieo quả hồng cầu, trúng mũ Trạng nguyên.
Trạng nguyên đã có vợ hiền,
Công chúa ưu phiền, khóc ướt chăn loan !
b- Trâm vàng : Theo Toan Ánh (4) thì các Tân khoa, do Lễ bộ Thượng thư và Giám thí hướng dẫn, được cư”i ngựa đủ yên cương đi thăm Ngự uyển, được phép hái một bông hoa để cho thợ kim hoàn trong cung đánh lại bằng vàng, cài trên tai trái. Lãng Nhân kể giai thoại về ông Nghè Tân (Nguyễn Quý Tân, 1814-58) tham vàng nên chọn hoa dâm bụt cho to (5), còn Vũ Trọng Khánh lại chép là chọn hoa chuối và giải thích là vì thuở nhỏ Nghè Tân quá nghèo khổ, phải ăn củ chuối, hoa chuối, trừ cơm nên chọn hoa chuối để thấy hoa thì nhớ lại vật đã giúp mình đ” đói lòng thuở hàn vi (6).
* Về tục lệ ban đặc quyền cho các tân khoa ta còn biết ít nhiều nhờ các bản hương ước khắc ghi trên bia đá những quy định mỗi khi làng có người đỗ đạt :
– Làng phải tùy theo học vị mà cắt dân phu đi đón rước vinh quy, ít nhất là 50 người, nhiều là vài trăm để khiêng kiệu, lọng, bồi ngựa cho Tân khoa, cho cả bố mẹ và vợ Tân khoa.
– Làng phải chuẩn bị lễ mừng : câu đối, trướng, lễ vật của hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh, không kể của bạn bè, thân thuộc.
– Phải cắt đất làm nhà cho Tân khoa. Ðịa điểm phải được Tân khoa đồng ý hoặc do Tân khoa chọn. Có người chưa đỗ đã đánh tiếng muốn chiếm chỗ này, tranh nhà người khác v.v… nên ta mới có câu “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng !”. Dưới đây xin trích vài bản hương ước :
* Bia miếu xã Yên-đông, huyện Nam-sách, tỉnh Hải-dương (…) tạo năm Vĩnh-thịnh 12 (1716) : Quan viên, chức sắc, kỳ lão cùng dân chúng sĩ, nông, công, thương, hội bàn, lập ước văn cam kết thực hiện các điều quy định khuyến khích các việc thiện, ngăn trừ điều ác :
1) Người thi đậu Tiến-sĩ được bản xã trích thưởng 5 mẫu công điền ;
2) Ðậu Tứ trường, mỗi thôn cấp thưởng một mẫu (7) ;
3) Ðậu khoa Thư toán, mỗi thôn trích thưởng 8 sào ;
4) Ðậu Tam trường, trích thưởng 5 sào…
* Bia Văn chỉ xã Bồng-lai, huyện Hoài-đức, tỉnh Hà-đông (…) tạo năm Cảnh-hưng 26 (1765). Ấp trước đã có điều lệ nhưng lâu ngày giấy sách hư nát, nay đem khắc lên bia đá để lưu truyền về sau, nhân đó quy định thêm một số điều mới :
a) Ðặt học điền, quan điền một mẫu, châu thổ 4 mẫu để cúng dư”ng thầy ;
b) Văn giai : Ðỗ Tiến sĩ được cấp quan điền 2 mẫu 8 thước, châu thổ 6 mẫu ;
c) Võ giai : Từ Tam phẩm đến Nhất phẩm được cấp quan điền 2 mẫu… (8).
* Bia Văn chỉ xã Quảng-chiếu, huyện Ðông-sơn, tỉnh Thanh-hóa (…) tạo năm Thành-Thái 7 (1898). Ðể biểu dương thuần phong mỹ tục, trọng đãi hiền tài, Văn hội (Hội Tư Văn) xã Quảng-chiếu, huyện Ðông-sơn (Thanh-hóa) lập bia ghi 6 điều quy định như sau :
1) Từ nay về sau trong xã có người thi đỗ Tiến-sĩ thì Văn hội sửa lễ mừng và mừng tiền 12 quan. Ðối với người thi đỗ Tạo sĩ bên võ cũng thế ;
2) Người thi đỗ Cử-nhân hoặc trúng Võ cử được mừng tiền 6 quan ;
3) Người thi đỗ Tú-tài được mừng tiền 4 quan… (9).
I – ÂN TỨ TRƯỚC THỜI NGUYỄN
– NHÀ TRẦN
1304 Cho ba người đỗ đầu (Tam khôi) ra cửa Long-môn Phượng thành đi chơi đường phố 3 ngày.
1374 Cho các Tân khoa ăn yến và áo xấp, dẫn ba người đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày (10).
– NHÀ LÊ
1442 Ngày 3/3 xướng danh, yết bảng, ban tước trật, mũ áo, yến Quỳnh-lâm, cho ngựa đưa về.
4/3 Trạng nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ơn.
9/3 Bái yết Thánh thượng để vinh quy.
1481 Tháng 5 xướng danh. Lại bộ ban ân mệnh, Lễ bộ mang bảng vàng nổi âm nhạc, rước ra ngoài cửa Ðông hoa. Mã-cứu-ty (Ty nuôi ngựa) kén ngựa tốt đưa Trạng-nguyên về nhà.
1493 Ngày 8/5 truyền lô. Lễ bộ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Ðông-hoa.
27/5 ban mũ áo
28/5 ban yến.
* Ðiển lệ ban mũ áo định từ đời Hồng-đức, các đời sau dùng theo : Mũ và đai ban ở ngoài cửa Ðoan-môn, hoa bạc ban ở công đường Lễ bộ.
Mũ : Tam khôi và Hoàng giáp mỗi người một mũ phác đầu có hai cánh, lá đề “Tam sơn” bằng thau ;
Ðồng Tiến sĩ mũ cũng thế, chỉ kém hai cánh. Trước kia mũ Ðồng Tiến sĩ không có tai mà có đuôi, có ý phân biệt rõ quá khiến những người đỗ Phụ bảng hổ thẹn, có người đến chết. Vua bèn sai bỏ cái đuôi đi, chỉ phân biệt ở chỗ không có cánh.
Áo và Ðai : Ðai của Trạng nguyên bịt bạc nặng một dật (tức “nén” = 10 lạng), làm bằng gỗ tốc hương bọc lụa mầu tím than, hoa bạc một cây 9 cành nặng 9 đồng cân ; đai của Bảng nhãn bịt bạc nặng 8 lạng làm bằng gỗ tốc hương bọc lụa mầu tím than, hoa bạc một cây 8 cành nặng 8 đồng cân ; đai của Thám hoa bịt bạc nặng 8 lạng làm bằng gỗ tốc hương bọc lụa mầu tím than, hoa bạc một cây 7 cành nặng 7 đồng cân.
Áo chầu đều bằng lụa đoạn huyền hoa liên vân.
– Ðai của Hoàng giáp bịt thau, làm bằng gỗ tốc hương bọc lụa mầu tím than, hoa bạc một cây 6 cành nặng 6 đồng cân ; đai của Ðồng Tiến sĩ bịt thau làm bằng sừng trâu bọc lụa mầu tím than, hoa bạc một cây 5 cành nặng 5 đồng cân.
Áo chầu đều dùng ô sa (11).
– NHÀ MẠC
– 1529 Minh-đức 3 (Mạc Ðăng Dung) :
24/2 Truyền lô ở điện Kính-thiên, bộ Lễ mang bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học. Hôm đó cấp tiền bạc theo thứ bậc.
27/2 ban áo mũ, xiêm đai hơn hẳn lệ thường.
28/2 ban yến tại Lễ bộ.
7/3 cho vinh quy, ban tiền theo thứ bậc. Sai Từ thần soạn văn bia, Ðông quan (bộ Công) khắc bia đá.
– 1595 Thi Ðông các, ban mũ áo như Tam khôi ở ngoài cửa Ðông-môn :
Mũ phác đầu như nhau.
Ðai bịt bạc và một cành hoa bạc.
Áo chầu cho người đỗ Trạng nguyên bằng đoạn mầu quan lục ; áo cho người đỗ số 2 và số 3 mầu huyền.
– NHÀ LÊ TRUNG HƯNG
1652 8/5 Xướng danh ở cửa điện Kính-thiên, Lễ bộ khiêng bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học, có trống nhạc dẫn đường.
3/7 Lại bộ ban ân mệnh ngoài cửa Ðoan-môn, ban áo mão, cân đai, lại cho dự yến tiệc, nghe ca nhạc.
7/7 Lạy từ Thánh thượng vinh quy về làng.
1670 Gọi loa xướng danh, yết bảng ngoài cửa nhà Thái học. Ban ơn theo lệ cũ : áo mão, cân đai, cấp thẻ phát bạc, dự yến Quỳnh-lâm.
1673 Ngày 22/12 xướng danh, Lệ bộ khiêng bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học.
Tháng giêng, theo lệ cũ, ban cho chữ “Khoa” để nêu sự khác thường. Cấp phát tiền kho, mũ áo, cân đai, dự yến Quỳnh-lâm.
1683 Thi Ðình xướng danh, treo bảng trước cửa nhà Quốc học rồi thưởng cành hoa bạc, ban áo xanh, đai mão, yến Quỳnh-lâm (12).
1697 Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học.
Quán Ðăng doanh = nhà để tiếp đãi tiến sĩ tân khoa.
Ðình Hàm tượng = lâu đài để tiếp Tiến sĩ tân khoa.
1736 Trịnh Giang cho :
Tiến sĩ được cấp tùy hành dân xã 35 người
Hoàng giáp được cấp 40 người
Thám hoa được 45 ngưới
Bảng nhãn được 50 người
Trạng nguyên được 55 người. (13)
1766 Ngô Thì Sĩ đỗ đầu, được Chúa ban bài thơ, ngày vinh quy cho lính, voi tiễn về làng. Tĩnh quốc công Trịnh Sâm cũng cho một bài thơ (14).
1781 Hoàng Quốc Trân có anh đỗ thi Hương được thêm hai biển : Giáo tử đăng khoa (Dậy con đỗ đạt) và Song thân cụ khánh (Cha mẹ còn khoẻ mạnh cả) (15).
1787 Chiêu Thống định chức vụ bộ Hộ về ứng chế thi Ðình :
– lệ cho ăn yến thì Lễ bộ làm bản kê đưa sang, chiếu phát tiền công, tiền gạo muối, giao cho Thái quan và Lương uẩn làm;
– về mũ áo, xiêm đai, cành hoa ban cho các Tiến sĩ thì quan Lễ bộ tư sang Công bộ lĩnh tiền ở bộ Hộ chiểu lệ mà làm ;
– Lễ bộ tư sang Công bộ lĩnh tiền công ở Hộ bộ làm bảng vàng, hòm gỗ giao cho nha môn phụ trách phụng hành (16).
II – ÂN TỨ THỜI NGUYỄN
1822 Sau khi ra bảng hai ngày, đãi yến ở công đường bộ Lễ. Ngày ban yến ai trúng Nhất giáp thì ban trâm và hoa bằng bạc mạ vàng. Các quan Giám thí, Ðộc quyển, Thu quyển, Kiểm duyệt quyển, Kinh dẫn Cống sĩ, Truyền lô, Tuần la kiêm Hộ bảng, Ấn quyển, Chia cấp quyển kiêm biên chép cùng các Tiến sĩ mới mỗi viên được một trâm và một hoa bạc, những người giúp việc như Di phong, Thu chưởng… mỗi viên một trâm và một hoa lụa.
Hôm sau Tiến sĩ dâng biểu tạ ơn trước điện Kiền-nguyên và đến Quốc tử giám làm lễ Thích điện (lễ Khổng Tử).
Cho về vinh quy hai tháng, cấp cờ biển và gia ân cho ngựa trạm đưa về. Lại sai dựng bia ở Văn miếu (Thăng-long). Lấy làm lệ về sau (17).
1835 Ðịnh lại lệ thưởng cấp trâm hoa : ai đỗ Ðệ Nhất giáp thì thưởng trâm bạc mạ vàng, đỗ Ðệ Nhị, Ðệ Tam giáp đổi thưởng trâm bạc. Quan trường trước thưởng trâm bạc nay đổi ra trâm bạc mạ vàng, những người phụ giúp trước thưởng trâm mầu nay đổi ra trâm bạc nhỏ.
1838 Dụ rằng :”Xưa đỗ Tiến sĩ, nhà Tống có lệ ban yến ở vườn Quỳnh-lâm (phủ Khai-phong), nhà Minh, nhà Thanh đãi ở bộ Lễ. Nước ta từ trước theo lệ nhà Minh, nhà Thanh, cho những người Trúng cách ăn yến ở bộ Lễ, duy người trúng tuyển Ðình đối cho ăn yến trong vườn Thượng uyển để tỏ ơn long trọng hơn. Chuẩn cho bắt đầu từ khoa này cho Tân khoa Tiến sĩ ăn yến ở vườn Thư-quang, gọi là “Bữa yến Thư-quang”, lấy nghĩa “Thư” là thư thả phát triển tài năng, “quang” là sáng tỏ, mở đường cho văn trị.
Tiến sĩ mới lĩnh yến xong cho mỗi người một con ngựa Thượng tứ đi xem hoa vườn Thượng uyển. Bộ Lễ mặc phẩm phục dẫn đi trước, biền binh che lọng đi theo từ cửa Ðông đi ra khắp các đường phố, xem hoa. Lệ Tiến sĩ cư”i ngựa xem hoa từ đấy (18).
– Ðịnh lại lệ ban mũ áo Tiến sĩ :
Trạng nguyên, theo lệ cũ, được mũ áo hàng lục phẩm ;
Từ Bảng nhãn xuống đến Tam giáp Tiến sĩ đều được :
1 mũ sa trước và sau có một bông hoa bạc ;
1 áo bào bằng đoạn trơn mầu quan lục, bổ tử nền đỏ thêu mây ngũ sắc ;
1 xiêm bằng sa nam, hai bên nền đỏ, nẹp thêu mây ngũ sắc ;
1 đai bằng sừng bịt đồng ;
Khăn bịt đầu ;
Hia, tất (19).
1841 Khoa này vì có tang (vua Minh-Mệnh băng hà), ban bạc thay yến. Lễ Truyền lô, cuộc xem hoa đều đình. Trước một ngày các Tiến sĩ vào lễ bàn thờ Tiên đế, hôm sau lạy tạ Vua ở tiền điện.
– Ðịnh lại lệ mũ áo Tiến sĩ (20) :
Trạng nguyên : mũ kết bằng tóc, mặt trước đính hoa bằng vàng, mặt sau đính hoa bạc, một cái cầu bằng bạc, hai cánh chuồn viền bạc ; áo bào bằng đoạn bát ty dệt hoa mầu lục ; đai bằng đoạn mầu đỏ thẫm, mặt trước dát một miếng bằng bạc mạ vàng, hai miếng đằng sau bọc bạc, trên mặt khảm đồi mồi, còn bẩy miếng nữa bọc đồng mặt dát bằng sừng đen ; xiêm bằng sa đoạn dệt hoa mầu lam ; bổ tử nền lụa đỏ thêu chim bằng trắng ; hia, tất, hốt gỗ.
(…)
Tam giáp : mũ bằng tóc, hai hoa đều bằng bạc, cánh chuồn không viền ; bổ tử thêu con cò ; đai 3 miếng bằng bạc dát sừng đen, bẩy miếng bọc đồng…
1843 Sau lễ Truyền lô, hôm sau ban yến ở vườn Thường-mậu (lệ cũ ban yến cho Tiến sĩ mới ở vườn Thư-quang).
Cho người đỗ Nhất giáp : trâm hoa mạ vàng, cho cư”i ngựa về vinh quy. Thành lệ vĩnh viễn.
1847 Ðịnh lại lệ Tiến sĩ mới đỗ làm biểu tạ. Lệ cũ hội họp tập tấu của Tiến sĩ tạ ân đều do bộ trình tiến. Khoa này chuẩn cho đều phải làm biểu tạ dâng lên trần tình để xem học thuật thế nào. Do bộ dẫn đến sân rồng chiêm bái.
– Ðịnh lại kiểu mẫu bổ tử cho ba giáp :
Nhất giáp thêu con hạc và đám mây ;
Nhị giáp thêu con chim ở nước mầu trắng ;
Tam giáp thêu cò hay chim ở nước (21).
1856 Ðịnh lại lệ ban mũ áo hoa trâm thi Ðiện. Lệ cũ Tiến sĩ Nhất giáp mỗi viên được một cành trâm nhỏ bằng bạc nặng 6 đồng cân, mạ thêm 4 phân vàng 10 tuổi. Trang sức vào mũ Ðệ Nhất danh thì vừa vàng vừa bạc xen lẫn, Ðệ Nhị, Ðệ Tam danh thì đóa hoa đằng trước mũ bằng bạc nặng 1 đồng cân 5 phân, mạ thêm 2 phân vàng 10 tuổi.
Từ nay :
Phàm cành hoa trâm lớn, cánh hoa đổi dùng vàng 7 tuổi, mỗi cánh nặng 6 đồng cân ;
Cành hoa trâm nhỏ cánh bằng vàng 7 tuổi, mỗi cánh nặng 1 đồng cân, cành bằng bạc nặng 4 đồng cân.
Mũ : hoa đằng trước, vàng 7 tuổi, mỗi cánh 1 đồng cân (22).
1877 Các Tiến sĩ Tân khoa lĩnh mũ áo rồi cư”i ngựa đi thăm vườn Tịnh-tâm (23).
1901 Chủ khảo Cao Xuân Dục xin cho Phó bảng cũng được ban mũ áo như Tiến sĩ. Vua y.
1910 Bộ Học xin cho Phó bảng cũng được dự yến như Tiến sĩ.
CHÚ THÍCH
1- Lê Triều Chiếu Lịnh, I I I, 201.
2- Bảo Vân, Thi ca cổ điển, tập Hạ, 376.
3- Hình như đăng trong Thanh Nghị Trẻ Em.
4- Toan Ánh, CNVN, 103.
5- Lãng Nhân, GTLNTT, 275.
6- Vũ Trọng Khánh, Giai thoại các vị Khoa bảng Việt-Nam, 56, 358-60.
7- Văn Khắc Hán Nôm, bia số 1207, tr. 655.
8- Văn Khắc Hán Nôm, bia số 1503, tr. 823.
9- Văn Khắc Hán Nôm, bia số 1709, tr. 933.
10- SKTT, tr. 90, 165.
11- KMC, 13.
12- Nguyễn Ðăng Ðạo, 95 – Bi Ký, I I I, 143.
13- CM, XVI I, 32.
14- Tục Biên, 295.
15- Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Ðôn, 218.
16- Quan Chức Chí, 50-60.
17- Minh-Mệnh Chính Yếu, I I I, 80 – TL,VI, 52-4 – ÐKL, 26.
18- TL, XX, 114-6 – Minh Mệnh Chinh Yếu, I I I, 98.
19- TL, XX, 143.
20- Ðại Nam Ðiển Lệ, 329.
21- TL, XXVI, 295.
22- TL, XXVI I I, 200-1.
23- Jean Jacnal, tr 50. Theo Huỳnh Côn (đỗ Phó Bảng khoa 1877).
Chim Việt Cành Nam