Trong sách “Mã thuyết” của đại văn học gia đời Đường, Hàn Dũ viết rằng: “Thiên lý mã thường có mà Bá Nhạc lại không thường có”, Bá Nhạc là người hiếm hoi có thể nhận biết thiên lý mã vậy. Rất nhiều khi, năng lực chân thực của một người không được người khác lý giải và tán thưởng, thậm chí còn bị coi thường xem nhẹ. Lúc ấy, rất nhiều người thường có tâm chán nản hoặc sinh ra bực tức, oán trách người khác. Kỳ thực, đó không phải là thượng sách.
Khi gặp tình huống bị người khác không lý giải được, thậm chí bị coi thường xem nhẹ, một người nên xử lý như thế nào mới là thượng sách?
Đức Khổng Tử đã từng khuyên bảo các học trò của mình rằng, “Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?” (Luận Ngữ), ý tứ chính là người khác không hiểu ta mà ta không nổi nóng, không oán giận họ, thế mới là tính cách của người quân tử. Điều tối quan trọng chính là phải bảo trì được tâm thái cân bằng, không nên nổi giận, cũng không nên vì thế mà chán nản nhụt chí, càng không thể vì thế mà từ đó trở đi coi mình là người thất bại hoàn toàn.
Oán giận dễ dàng khiến con người bị kích động, mất đi lý trí, từ đó mà sinh ra hậu quả không tưởng tượng được. Nhưng để kiềm chế bản thân không nổi nóng, không oán giận là một việc không hề dễ dàng. Chỉ những người có quy phạm đạo đức mới có thể ước thúc được lời nói và việc làm của mình. Cho nên, “người không hiểu ta, ta không trách họ” là một loại đức hạnh, một loại cảnh giới, phải trải qua quá trình không ngừng cố gắng tu dưỡng mới có thể đạt đến được.
Trong lịch sử, những người có tài năng thực sự mà có thể đạt đến cảnh giới “bình thản khi bị người khác xem thường” đều được người đời tôn kính, ngưỡng mộ và được sử sách ghi chép lại không ít. Trong sách “Thế thuyết tân ngữ” có ghi lại một câu chuyện như vậy:
Đới Quỳ và Tạ An đều là quan lớn thời Đông Tấn. Nhưng Tạ An lại thường cậy tài khinh thường với Đới Quỳ và Đới Quỳ cũng biết rõ điều này.
Một lần, sau khi hai người gặp mặt nhau thì đứng lại nói chuyện hàn huyên một lúc. Đối với Tạ An mà nói, cuộc hàn huyên ấy chẳng qua chỉ là cuộc trò chuyện xã giao mà thôi. Trong cuộc trò chuyện, hai người đã nói một chút về đàn cổ và vấn đề sáng tác.
Dưới con mắt của Tạ An, Đới Quỳ không có tài năng nổi trội nên trong khi trò chuyện Tạ An thể hiện ra dáng vẻ khinh khi xem thường. Nhưng Đới Quỳ lại không để tâm đến thái độ ấy của Tạ An mà thực sự dùng hiểu biết của mình về đàn cổ và sáng tác để đàm luận cùng Tạ An.
Hơn nữa, các quan điểm của Đới Quỳ về đàn cổ đều rất có kiến giải và thể hiện tầm hiểu biết thâm sâu. Ngoài ra, khi đàm luận về những phương diện khác, Đới Quỳ cũng thể hiện ra trình độ không tầm thường của mình. Cuộc đàm luận đã khiến cho Tạ An cảm thấy mình thực sự thua kém Đới Quỳ. Ông cũng cảm nhận sâu sắc học vấn và tấm lòng khoan dung, nhẫn nhịn của Đới Quỳ, vì thế ông đã lập tức thay đổi thái độ của mình.
Trong mối quan hệ với Đới Quỳ, Tạ An bắt đầu với tâm thái tự phụ nhưng lấy tự thẹn mà chấm dứt. Còn Đới Quỳ ở tình huống bị coi thường, bị khinh khi mà vẫn giữ được nội tâm bình thản, trước sau đều không tức giận, không oán trách, không ăn miếng trả miếng để đáp lại. Cuối cùng, ông đã dùng chân tài thực học của mình mà cải biến thái độ của đối phương. Đây thực sự là phẩm hạnh cao thượng vô cùng khó được của Đới Quỳ.
“Người không hiểu ta, ta không oán trách” là một loại tu dưỡng, cũng là một loại cảnh giới. Người có được cảnh giới này sẽ luôn giữ được tâm thái bình hòa khi đối mặt với mọi phương diện của cuộc sống. Đồng thời, họ cũng xử lý tốt được các mối quan hệ trong xã hội.
Tục ngữ nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ cần chúng ta là hoa tươi thì lo gì không có hương thơm mát tỏa ra xung quanh? Chỉ cần chúng ta có tài năng và đức hạnh thực sự thì lo gì người khác không biết?
An Hòa