Người xưa có câu: “Hữu dung nãi đại, vô dục tắc cương” (Có lòng bao dung nên mới to lớn, không có nhiều dục vọng nên mới giữ mình cương trực). Bao dung, nhường nhịn là một khí phách phi phàm, là một tấm lòng bao la, là một cảnh giới vô tư tràn ngập lòng nhân ái. Đó cũng là truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân loại từ xưa đến nay.

bao dung
(Hình minh họa: Qua pinterest)

Người có tấm lòng bao dung rộng lượng, nhường nhịn là người có phẩm chất đạo đức cao quý. Thời xưa, khi đạo đức của con người còn cao thượng, trong cách đối nhân xử thế, khi gặp những mâu thuẫn và xung đột, cổ nhân thường nhường nhịn, dùng lòng bao dung để thiện giải hết thảy. Dưới đây là một vài điển cố được ghi chép trong sử sách:

“Giả câm giả điếc” làm như không biết

Trong sách sử “Tư trị thông giám” viết: Danh tướng nhà Đường – Quách Tử Nghi sau khi dẹp xong loạn An Sử, trở thành người có công lớn phục hưng gia thất nhà Đường. Hoàng đế Đường Đại Tông hết sức kính trọng Quách Tử Nghi, liền gả con gái là công chúa Thăng Bình cho con trai của Quách Tử Nghi là Quách Ái.

Có một lần hai vợ chồng Quách Ái và Thăng Bình cãi cọ lẫn nhau. Quách Ái thấy vợ tỏ ra vẻ kiêu căng ngạo mạn của một công chúa, thì phẫn uất bất bình nói: “Nàng thì có gì đặc biệt hơn người chứ? Chẳng phải ỷ vào cha là Thiên tử sao? Nói cho nàng biết, giang sơn của phụ hoàng nàng là do cha của ta đánh bại An Lộc Sơn mà bảo toàn lại đó. Vì cha của ta xem thường ngai vàng của Hoàng đế, nếu không đã chẳng có Hoàng đế này đâu!”.

Công chúa Thăng Bình nghe Quách Ái nói loạn như thế, tức khí nổi lên lập tức hồi cung bẩm báo Hoàng thượng.

Hoàng đế Đường Đại Tông nghe con gái khiếu nại xong, thản nhiên nói:“Con còn nhỏ dại nên có rất nhiều chuyện con chưa hiểu. Những gì trượng phu của con nói đều là thật tình cả đấy. Thiên hạ này là do cha chồng của con Quách Tử Nghi bảo toàn lại đó. Nếu cha chồng con muốn làm Hoàng đế, thì đã sớm lên làm rồi, thiên hạ cũng không phải là của gia đình họ Lý chúng ta đâu”. 

Hoàng đế khuyên nhủ con gái không nên nắm bắt câu nói của chồng rồi chụp lên một cái mũ lớn “mưu phản” như vậy, cần phải sống hòa thuận tốt đẹp với gia đình chồng. Được Hoàng đế Đường Thái Tông an ủi, công chúa hết giận, chủ động trở lại nhà họ Quách.

Sau khi Quách Tử Nghi biết chuyện đã rất sợ hãi, nghe nói con trai nói những lời cuồng ngôn, gần như mưu phản, nên lập tức sai người bắt trói Quách Ái rồi dẫn vào cung bái kiến Hoàng đế, xin Hoàng đế trị tội.

Thế nhưng, Hoàng đế Đường Đại Tông lại vui vẻ hòa nhã, không hề có ý trách tội, ngược lại còn an ủi Quách Tử Nghi: “Hai đứa trẻ cãi nhau, có lỡ lời một chút, chúng ta già cả rồi không nên cho đó là thật, chẳng phải tục ngữ có câu: ‘Giả câm giả điếc, không tố gia ông’ đó sao? Làm như không nghe thấy gì là được rồi!”

Quách Tử Nghi nghe xong, trong lòng như gỡ bỏ được tảng đá nặng, cảm thấy vô cùng vui vẻ.

Phong thái độ lượng khi nghe người khác kể những khuyết điểm của mình

quân tử
(Hình minh họa: Qua visiontime)

Trong “Bắc Tề thư” có ghi chép một điển cố:

Vào thời Bắc triều, tại nước Tề, Thôi La giữ chức tả Thừa tướng, rất được Hoàng đế kính trọng và đối đãi trọng hậu.

Thôi La rất thích tiến cử nhân tài. Ông đề cử Hình Thiệu đảm nhiệm việc phụ tá phủ Thừa tướng kiêm quản lý việc chính trị cơ mật với Hoàng đế Thế Tông. Hoàng đế Thế Tông nghe lời Thôi La đề cử, bèn bổ nhiệm Hình Thiệu. Hình Thiệu quả nhiên rất được Hoàng đế Thế Tông tin cậy và coi trọng.

Hình Thiệu bởi kiêm quản việc chính trị cơ mật, cho nên có cơ hội gần gũi với Hoàng đế Thế Tông. Lúc nói chuyện Hình Thiệu thường hay gièm pha nói xấu Thôi La, đến nỗi làm cho Hoàng đế Thế Tông mất vui.

Có một hôm, Hoàng đế Thế Tông nói cho Thôi La biết: “Khanh luôn kể những điều hay điều tốt của Hình Thiệu, mà Hình Thiệu lại hay nói xấu khanh, khanh quả thực là kẻ ngu ngốc!”

Thôi La rộng lượng nói: “Hình Thiệu kể ra những nhược điểm của thần, thần nói đến những chỗ hay của Hình Thiệu, những điều mà hai người chúng thần nói đều là sự thật, không có gì sai cả!”

Thôi La khoan khoan dung đối đãi với người khác, đối với bản thân thì lại vô cùng nghiêm khắc. Ông không chỉ biết chắc được sở trường của người khác, bao dung những chỗ thiếu sót của người khác, mà còn thản nhiên đối mặt với những điều chưa tốt của chính bản thân, đó là phong thái vô cùng khoan dung độ lượng. Chỉ những người có đạo đức cao thượng mới làm vậy được.

Người xưa luôn nhắc nhở con cháu rằng đối nhân xử thế cần phải “Nghiêm khắc với chính mình, khoan dung với người khác”, nhưng muốn làm được như thế thật là không dễ dàng. Nguyên nhân là vì người ta thường có khuynh hướng chú tâm vào những gì không được toàn vẹn, không được tốt đẹp của thế gian, của người khác mà cảm thấy bất mãn không thoải mái.

Khi tâm buồn bực trỗi dậy, họ trách cứ người khác. Vì thế dù là người ngu dốt cũng có thể nhìn thấy rõ ràng và nói ra chính xác những điều lầm lỗi của người khác. Tuy nhiên, khi người thông minh tự kiểm điểm những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân mình, họ thường rất hồ đồ và gặp rất nhiều khó khăn, gần như không tự nhận thức ra được. Bởi thế, học giả đồng, nhà chính trị lỗi lạc thời đại nhà Tống – Phạm Thuần Nhân luôn nhắc nhở học trò rằng, mấu chốt để trở thành người đức lớn là cần phải: “Dùng tâm trách người khác để tự trách mình, dùng tâm khoan thứ mình để khoan thứ người khác”.

An Hòa (dịch và t/h)

TH/ST