Qua nét cọ của các họa sĩ, bìa báo xuân Sài Gòn thập niên 1950 luôn có hình ảnh người đẹp mặc áo dài, thướt tha du xuân, vãn cảnh với mai đào rực rỡ.

Nắng Sài Gòn hanh hao những ngày đầu năm. Đường phố chộn rộn hơn hẳn từ dạo cuối tháng 12 đến nay vẫn chưa ngớt cái không khí náo nhiệt. Đánh dạo một vòng quanh Sài Gòn, tôi nghía mắt qua những sạp báo bên hè, thoáng dòm thấy ảnh bìa rực rỡ hoa, màu sắc tưng bừng, mẫu ảnh bìa thì đẹp ngời ngời, lòng không khỏi nghĩ hồi xưa báo Tết hình bìa thế nào nhỉ? Bìa báo Tết Sài Gòn xưa có mẫu đẹp bận áo dài thướt tha cầm nhành hoa, có bánh trái, có bao lì xì không? Hồi xưa người ta hổng thường chụp hình lắm nên để ảnh bìa sao ta? Thiệt thắc mắc quá chừng.
Thế là về tìm hiểu, thấy ngay những hình ảnh như thế này, qua nét cọ của các họa sĩ, bìa báo xuân Sài Gòn thập niên 1950 luôn có hình ảnh người đẹp mặc áo dài, thướt tha du xuân, vãn cảnh với mai đào rực rỡ. Bìa báo Tết Sài Gòn xưa giản dị mà đầy đủ nội dung, gợi nên nhiều cảm xúc dù chỉ mới lướt sơ qua.
Bìa báo Tết Sài Gòn xưa – Ảnh tư liệu

Trong quyển “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” (phần hai, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP HCM) , tác giả Phạm Công Luận dành một phần để nói về tranh bìa báo xuân thập niên 1950. Anh phỏng vấn ông Lê Minh – họa sĩ nổi tiếng một thời chuyên vẽ bìa sách truyện chưởng Kim Dung và tranh các loại. Theo ông Lê Minh, thập niên 1950 là thời hoàng kim của giới họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân ở Sài Gòn. Thời này, xu hướng dùng ảnh bìa báo Tết chưa có nên các họa sĩ như Lê Trung, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm có nhiều đất để sáng tạo.

Tranh trên báo xuân Giáp Ngọ 1954 của báo Thần Chung. Bức tranh toát lên nét hồn hậu của làng quê miền Tây.

Bìa báo Tết Sài Gòn xưa. Ảnh tư liệu

Khi xem các tờ báo xuân gần 60 năm trước, tôi thật sự thấy đó là những bức tranh đẹp, gợi cảm. Đó là dạng mỹ thuật dành cho đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ tích cực dành cho những người bình thường không mấy khi tiếp cận những gallery sang trọng hay các phòng khách xa hoa. Trong ký ức của người Sài Gòn lục tỉnh hay ở các tỉnh xa, đó là những hình ảnh khó phai, đầy cảm xúc khi nhìn lại” (Phạm Công Luận).

“Mỗi năm nhận khoảng 5 – 6 bìa là có tiền ăn cái Tết huy hoàng rồi”, họa sĩ Lê Minh nhớ lại. Ảnh tư liệu

Khoảng một tháng trước Tết, các báo thời đó như: Sân Khấu Mới, Tia Sáng, Phụ Nữ Ngày Mai… bắt đầu đặt họa sĩ vẽ bìa xuân. Các chủ báo không yêu cầu gì cụ thể… Tuy nhiên, bìa báo xuân phải có hình ảnh một cô gái xinh đẹp, có cành hoa mai, có cảnh đi lễ chùa, đi chợ hoa, cho bồ câu ăn, lư nhang trầm…

Tranh không rõ tác giả trên bìa báo Việt Thanh – Xuân Tân Mão 1951. Ảnh tư liệu

Bây giờ là thời đại của công nghệ, hình ảnh lại tràn lan trên mạng, chẳng mấy khó khăn để có thể nhanh chóng cho ra một trang bìa cắt ghép đủ hình ảnh chụp nét và chân thực muốn có hoa có trái là có ngay, công nghệ in ấn ngày càng hiện đại, thế nên bỗng dưng loại nghệ thuật quần chúng này không còn đất sống. Hẳn cũng đáng để chúng ta dành thời gian ngắm nghía lại một nét đẹp giản dị đã thành kí ức.

Thất Sơn