Xe kéo tay xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1884. Đó là hai chiếc xe do Công sứ Bonnal cho nhập từ Nhật Bản về, một chiếc để dùng và một chiếc để biếu Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ.

Thời gian này, ngoài một số rất ít ô tô của quân đội Pháp ra, phương tiện giao thông ở Hà Nội chủ yếu là xe ngựa và xe kéo tay của người bản xứ. Năm 1886, cả Hà Nội chỉ có 2 chiếc ô tô, một của Giáo hội chuyên để chở cha đạo Puginier và một của nhà thầu Sở Công chính ở Hà Nội là Coutel (xe này đã từng chở Henri Rivière đi đánh quân Cờ Đen ở Cầu Giấy). Mặc dù sau này ở Hà Nội có thêm các phương tiện giao thông công cộng khác như ô tô khách, xe xích lô, xích lô máy…, nhưng xe kéo tay vẫn tồn tại với nhiều thăng trầm trong một khoảng thời gian rất dài (từ 1884 đến sau 1950) và đã trở thành một phương tiện giao thông đặc trưng cho diện mạo đô thị ở Hà Nội.

Ngay sau khi xe kéo tay xuất hiện ở Hà Nội, phương tiện giao thông này đã hấp dẫn những người thợ bản xứ, họ đã chế tạo ra những xe kéo tay phù hợp với địa hình và điều kiện của Việt Nam, tạo ra một ngành kỹ nghệ mới trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Ảnh chụp mẫu xe kéo tay xin lưu hành tại Hà Nội của ông Amiot ở 51 phố Teinturier (phố Thợ Nhuộm) tháng 3-1933. Mẫu xe này không được cấp phép vì không đáp ứng được những đặc trưng theo quy định của Hội đồng Thành phố và vì số lượng xe được phép lưu thông tại Hà Nội đã đủ. MHN, hs: 4531.

Giai đoạn trước năm 1924

1. Trước năm 1924, Hà Nội sở hữu các loại xe kéo tay tiện nghi nhất và sạch sẽ nhất vùng Viễn Đông, đó là xe kéo thuộc các hãng Verneuil hoặc Bobillot.

Xe rộng rãi và tiện nghi – gối tựa mềm mại – cái tỳ tay và vải bọc ghế được thay hàng ngày. Mui xe và bọc xe luôn phải kín, phu xe được tuyển chọn kỹ càng và am hiểu về đường sá.

2. Tại sao lại như vậy? Bởi vì có 2 hạng xe kéo tay: xe hạng nhất có số lượng khá hạn chế và chủ yếu dành cho người Âu; xe hạng nhì có bánh gỗ, còn được gọi là “xe thổ tả” dành riêng cho người bản xứ và chuyên chở đồ tạp nham, bẩn thỉu.

Giai đoạn từ năm 1924 trở đi

1. Việc loại bỏ xe kéo bánh gỗ vào năm 1924 đã dẫn tới một sự đồng nhất từ dưới lên bởi như vậy, người nhà quê được phép sử dụng tất cả các loại xe kéo mà không có sự phân biệt.

2. Hệ quả: Hà Nội sở hữu những chiếc xe kéo bẩn thỉu nhất vùng Viễn Đông. Những chiếc xe kéo này trở thành mối “nguy hiểm” thực sự đối với người sử dụng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Vào những lúc mưa phùn, chúng trở nên nhem nhuốc và không thể sử dụng được.

3. Lẽ dĩ nhiên là bất kỳ ai cũng nhận thức rõ về sự xuống cấp này, người ta phàn nàn, rồi tranh luận tại các cuộc họp của Hội đồng thành phố, thậm chí nó trở thành đề tài được mổ xẻ trên khắp các mặt báo. Để khắc phục trình trạng này, rất nhiều sáng kiến được đưa ra song đều thất bại do chưa tìm được giải pháp thực sự phù hợp. Một số người cho thuê xe hoàn toàn mới nhưng chỉ sau 28 ngày, chúng trở nên nhơ nhuốc như xe cũ. Hơn nữa, những người có đủ thẩm quyền để ra quyết định đều sở hữu xe ô tô hoặc xe kéo tay riêng, do vậy họ không bận tâm đến vấn đề đang tác động đến những người thuộc “hạng xoàng”.

4. Việc cần làm hoặc ít nhất là phải thử. Đơn giản là chỉ cần khôi phục 2 hạng xe kéo như trước đây. Đó không phải vì tất cả những xe này đều có bánh cao su mà vì không còn có những chiếc xe kéo thuộc hai hạng nữa. Thực tế này hiện đang tồn tại ở các thành phố khác tại khu vực Viễn Đông. Việc lập lại 2 hạng xe kéo trong điều kiện dưới đây sẽ tự động dẫn tới việc các xe kéo sạch sẽ và tiện nghi xuất hiện trở lại mà không làm tổn thương hay làm mất lòng người nào.

5. Cần phải thử nghiệm – Hiện có khoảng 1.700 xe kéo đang lưu thông, tất cả đều rất bẩn, nhất là vào mùa mưa. Do đó, chúng ta có thể sử dụng 300 chiếc hạng nhất và 1.400 chiếc hạng nhì. Hai hạng này được phân biệt rõ bởi thùng xe và kiểu dáng theo thể thức dưới đây:

Phu xe tại Hà Nội. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Xe hạng nhất

– Màu xe: Màu gỗ đánh verni (màu vàng) giống như trước đây

– Trang phục của phu xe: Màu xanh có viền trắng.

– Cảnh sát chịu trách nhiệm kiểm soát việc các chủ xe hàng ngày có tuân thủ các quy định như: Rửa và khử trùng xe; thay vải bọc ghế; mui xe và bọc xe phải kín.

– Phu xe: Phải nắm vững các quy định về lưu thông trong thành phố và đủ sức khỏe để kéo một người Âu.

– Phí vận chuyển phải được niêm yết trên xe, chẳng hạn như:

+ Cuốc 10 phút: 10 xu;

+ Cuốc trên 10 phút: 25 xu;

+ 25 xu/giờ có nghỉ và 20 xu/giờ kể từ giờ thứ 2

+ 30 xu/giờ không nghỉ và 25 xu/giờ tính từ giờ thứ 2

Xe hạng nhì

– Màu xe: Màu ghi

– Trang phục của phu xe: Màu ghi

– Cảnh sát chịu trách nhiệm kiểm tra độ chắc chắn của xe.

– Phu xe: Bất kỳ phu xe hay hành khách là người bản xứ hay người Âu đều phải nói tiếng An Nam.

– Phí vận chuyển: Không có bảng giá niêm yết. Thực tế cho thấy trước khi kéo xe, phu xe và hành khách thường hay mặc cả về giá cả, kể cả hành khách là người bản xứ giàu có.

Hệ quả của mô hình tổ chức kiểu này

Giống như phần lớn người dân, ngay cả khi những người An Nam hay người Hoa giàu có cũng thường xuyên mặc cả giá từ 3-5 xu đối với mỗi cuốc thông thường, họ thường sử dụng xe hạng nhì, nhất là những người phải mang theo đồ đạc bẩn thỉu.

Theo kết quả khảo sát, con số 300 xe kéo hạng nhất ban đầu rất có thể sẽ tăng lên hoặc giảm đi.

Chúng ta nên thử nghiệm cách làm này bởi nó không làm tổn thương ai cả. Khi chở khách, phu xe phải mặc trang phục sạch sẽ, màu trắng hoặc bằng vải dạ và buộc phải thay hàng ngày. Tuy nhiên hiện nay, thay vì giặt giũ các tấm vải bọc ghế, các phu xe lại tìm cách che dấu vết bẩn. Mà yếu tố cơ bản nhất trong vấn đề vệ sinh là việc thay giặt thường xuyên. Trong trường hợp dịch bệnh, những chiếc xe kéo này chính là các ổ vi khuẩn. Vậy điểm quan trọng của việc ban hành các thông tư lớn về vệ sinh và điều trị dự phòng là gì nếu chúng ta để dịch bệnh lây lan và biến một loạt các xe kéo ở Hà Nội thành “xe thổ tả”?

Hãy để các nhà cầm quyền và ủy viên hội đồng thành phố dành một chút thời gian, hay chí ít là tưởng tượng để quên mất rằng họ đang sở hữu những chiếc xe ô tô hạng sang, hãy để họ nghĩ một chút đến thân phận hèn mọn của những người đóng thuế, rằng một ngày nào đó, bản thân họ hoặc con cái của họ có thể đột xuất phải hạ cố đi một chiếc xe kéo công cộng và bị lây bệnh ghẻ hoặc bệnh phong từ đó, nếu không phải là bệnh dịch hạch hoặc bệnh tả…. Hãy để họ một lần thể hiện lòng vị tha và quan tâm đến lợi ích công cộng hơn là những lời có cánh.

Ngài Công sứ-Đốc lý mới và thân thiện của chúng ta sẽ có cơ hội tuyệt vời để thực hiện bước tiếp theo, mang lại cho thành phố tốt đẹp của mình danh tiếng vốn có mà những chiếc xe kéo đã làm mất đi kể từ năm 1924.

Phu xe. Nguồn: Trang Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp

Tạp chí Revue Indochinoise số 22 ngày 9-10-1937 viết:

Cũng như nhiều vấn đề khác, vấn đề xe kéo thường thấy người ta bàn đến luôn mà vẫn chưa giải quyết được.

Nhưng mà chúng tôi dám chắc rồi dần dần – chưa biết mấy chục năm nữa – thế nào Hà Nội cũng có ngày không còn vết tích xe kéo nữa. Thời gian ấy ắt hẳn còn giài vì xem ngay như nước Nhật văn minh đến bực ấy mà xe kéo cũng còn đầy phố thì ta đủ hiểu trong nước ta bỏ ngay xe kéo đi không phải là việc dễ.

Tuy nhiên, từ nay cho đến cái ngày ta bỏ hẳn được xe kéo đi, ai là người có lòng nhân đạo thương đám ngựa người cũng hãy nên mừng cho họ một chút, là vì ông Đốc lý Hà Nội mới ra nghị định cấm hai người lớn ngồi chung một xe.

Thật vậy! Không có cái gì làm cho người ta có thể thương tâm bằng hôm nào giời nắng chang chang, nóng bỏng rẫy chân, hay giời mưa đường chơn như đổ mỡ, mà thấy một người ốm yếu kéo độ hai ông ăn mặc tây to như hai ông hộ pháp đang ỳ à ỳ ạch trèo lên một cái giốc như giốc Yên Phụ…”.

Ảnh chụp mẫu xe kéo tay xin lưu hành tại Hà Nội của chủ hãng xe kéo Văn Tài ở 90 phố phố Teinturier (phố Thợ Nhuộm) tháng 2-1939. Mẫu xe này không được cấp phép vì không đáp ứng được những đặc trưng theo quy định của Hội đồng Thành phố và vì số lượng xe được phép lưu thông tại Hà Nội đã đủ. MHN, hs: 4531.

Đúng như bài viết của Tạp chí Revue Indochinoise, quá trình loại bỏ xe kéo tay tại Hà Nội đã phải kéo dài tới 13 năm (từ 1937 đến 1950).

5 năm sau khi yêu cầu xoá bỏ xe kéo tay được nêu lên rộng rãi trong xã hội, tín hiệu đầu tiên về vấn đề này mới được phát đi từ chính quyền Thành phố. Đó là Nghị định ngày 18-3-1942 của Đốc lý quy định việc lưu hành xe kéo tay và xe xích lô (cyclo-poussse) trong Thành phố Hà Nội, ấn định số lượng xe được phép lưu hành kể từ tháng 4-1942 là 1.700 chiếc. Sự xuất hiện của xe xích lô ở Hà Nội từ tháng 3-1942 đã đánh dầu thời kỳ cáo chung của xe kéo tay ở thành phố này (Xe xích lô bắt đầu lưu hành ở Sài Gòn từ năm  1937).

Tuy nhiên, ban đầu xích lô không được công chúng đón nhận ngay bởi người ta cảm thấy nguy hiểm, hành khách ngồi ở đằng trước có vẻ như một vật hứng chịu mọi sự va chạm, xung đột. Nhưng rồi trước những thuận lợi mà nó mang lại, người ta đã quen dần với sự hiện diện của nó trong thành phố. Hàng ngũ phu xe cũng nhanh chóng chấp nhận xích lô bởi vì đạp xe rõ ràng đỡ mệt hơn, trông “xứng đáng với con người hơn” là kéo xe, chạy đằng trước trông như “người ngựa”.

Năm 1949 là năm có những chuyển biến quan trọng đối với xe kéo tay ở Hà Nội. Tháng 2-1949, Thành phố ra nghị định quy định nâng tổng số xe kéo tay và xe xích lô chạy trong nội thành từ 1.700 lên 2.500 chiếc. Điều quan trọng nhất, Nghị định này quy định “không cấp giấy phép chạy thêm cho xe kéo mới, xe kéo hư hỏng bắt buộc phải xin thay bằng xe xích lô”. Có thể xem nghị định này như hồi chuông báo thời kỳ cáo chung của xe kéo tay ở Hà Nội bắt đầu gióng lên những tiếng đầu tiên. Và tiếng chuông cuối cùng chính là Nghị định số 3194 THP/ND của Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí ngày 30-11-1949 ra lệnh cấm hẳn không được dùng xe kéo tay trong Thành phố Hà Nội kể từ ngày 1-7-1950Xe kéo tay ở Hà  Nội chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình kể từ ngày này.

Xe xích lô lưu thông tại Hà Nội năm 1953. Ảnh sưu tầm.

——————————————————————————————————————————————

Bài viết tổng hợp thông tin từ các fonds MHN, TCHN của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và từ các tác phẩm:

– André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929;

– R. Bonnal: Au Tonkin, Hanoï, 1925;

– Các tạp chí Revue Indochinoise; l’Eveil économique và báo Trung Bắc Tân Văn.

– Hồ sơ 4353, phông Tòa Đốc lý Hà  Nội, năm 1937-1938.

Đào Thị Diến

Theo TTLTQG