Mặc dù là một album nhỏ chỉ với 10 bức tranh nhưng với cách tiếp cận thú vị bằng hình ảnh, bộ sưu tập đã góp phần làm phong phú, sinh động những nét sinh hoạt đặc sắc của người Việt; đồng thời góp thêm nguồn tư liệu hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống xã hội tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Chắc hẳn nhiều người đã biết đến cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite) của Henri Oger[1] với 4577 bức tranh khắc gỗ mô tả đời sống, sinh hoạt, tập quán, sản xuất, buôn bán, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian… của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Cuốn sách xuất bản lần đầu tiên năm 1910 với số lượng ít ỏi 60 bản nhưng đã tạo ra sự khác biệt mang tính tiên phong, mới lạ trong việc nghiên cứu về đời sống sinh hoạt và các ngành nghề truyền thống đặc trưng của người Việt. Cuốn sách đã được tái bản một số lần và gần đây nhất là năm 2009 dưới sự chủ trì của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội.
Tuy nhiên có một album nhỏ còn ít được biết đến, chỉ với 10 bức tranh phác thảo nhưng đã phản ánh khá sinh động đời sống của người dân Việt Nam những năm 1920. Bộ sưu tập được công bố trên trang của Thư viện Quốc gia Pháp (gallica.bnf.fr) với tựa đề 10 peintures annamites représentant les métiers au Tonkin, 1923 (10 bức tranh của người An Nam tượng trưng cho các ngành nghề ở Bắc Kỳ, năm 1923).
(https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53194865d/f19.planchecontact.r=ANNAM)
Bộ tranh không có tác giả, chỉ có thông tin về thời gian năm 1923, tuy nhiên không rõ đây là năm tác giả vẽ hay công bố xuất bản. 10 bức tranh được phác họa khá đơn giản, trên nền vải, không sử dụng nhiều màu sắc, chú thích ngắn gọn, mô tả các ngành nghề cơ bản ở miền Bắc Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 như nghề mộc, nghề cắt tóc, nghề kim hoàn, nghề đóng giày hay những sinh hoạt đời sống thường nhật như quán ăn, tát nước, cày ruộng, xay lúa, lấy ráy tai, thậm chí là hút thuốc phiện…
Mặc dù album nhỏ này chưa mô tả được hết các ngành nghề, tuy nhiên với cách tiếp cận thú vị bằng hình ảnh, bộ sưu tập đã góp phần làm phong phú, sinh động những nét sinh hoạt đặc sắc của người Việt. Đồng thời góp thêm nguồn tư liệu hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống xã hội tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Người nông dân cày ruộng (Paysan labourant sa rizière)
Một quán ăn ở Bắc kỳ (Restaurant tonkinois des Annam)
Cặp vợ chồng nông dân tát nước vào ruộng ở Nam Định (Couple de Paysans irriguant leur rizière – Nam-Dinh – Tonquin)
Người thợ đóng giày ở Bắc Kỳ (La cordonnière – Tonkin)
Thợ mộc (Charpentier)
Thợ kim hoàn (Bijoutier)
Người phu đang xay lúa (Coolie décortiquant son riz)
Thợ cắt tóc (Barbier)
Thợ cắt tóc lấy ráy tai cho khách (Barbier nettoyant les oreilles de son client)
Những người hút thuốc phiện ở Bắc Kỳ (Fumeurs d’opium Annam – Tonkin)
[1] Henri Oger (1885-1936?) tên đầy đủ là Henri-Joseph Oger, người Pháp, ông đã đến Đông Dương từ năm 1908 đến năm 1919 và có 3 năm sống, làm việc tại Hà Nội (1907 -1909) với vai trò quản lý viên trong cơ quan hành chính dân sự của chính quyền Pháp tại Đông Dương. Trong quá trình xây dựng các dự án nghiên cứu thực đia về văn minh vật chất của người Việt Nam ông đã vẽ phác họa các ngành nghề đặc trưng và đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt, sau đó tập hợp khắc gỗ thành 4577 bức tranh. Đây là bộ sưu tập phong phú và đầy đủ nhất bằng hình vẽ về đời sống, ngành nghề tại Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Theo TTLTQG