Vào hè, những chùm hoa khế đã bắt đầu nở bung, hồng hồng, tím tím nổi bật hẳn trong tán lá xanh ngăn ngắt. Ngoại tôi bắc ghế ra ngồi trước ngõ, nơi cây khế vươn dài những cánh tay đầy hoa lá, gió lùa qua, cánh hoa khế lao xao rụng. Ngoại móm mém nhai trầu rồi hỏi tôi:

– Bao giờ cái Yến nó về hả Trang?

Tôi ngồi lướt điện thoại, mắt không rời màn hình mà trả lời ngoại:

– Chịu thôi bà ơi, chắc sang tháng chị ấy về, bà ngóng làm gì mệt ra, bao giờ về thì chị ấy gọi điện.

– Chờ nó điện thì lâu lắm. – ngoại chép miệng thở dài.

Cha mẹ tôi sinh được hai chị em, chị Yến lớn hơn tôi tận bảy tuổi, hồi bé chị quấn ngoại lắm. Vì năm đấy mất mùa, cha mẹ tôi phải bỏ xứ đi làm xa, ngoại một mình ở nhà nuôi chị như con. Mười tám tuổi chị lên Hà Nội học Đại học rồi mấy năm sau lấy chồng trên đấy luôn, đi biền biệt. Ngoại tôi nhớ chị, nhắc mãi, nhưng chị tôi chẳng mấy khi về. Ngày còn học Đại học, nghỉ buổi nào chị đi làm thêm buổi đấy, ít hẳn những lần về thăm nhà, ra trường đi làm lại càng vắng những cuộc điện thoại về cho ngoại, ngoại nhớ chị lắm lúc khóc thầm.

Ngoại sắp tám lăm tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng răng vẫn còn đủ để nhai trầu trệu trạo, dì Năm tôi sang thăm bao giờ cũng dụ ngoại cắt tóc cho mát, kêu hè rồi, cắt gọn gàng như đầu Mỹ Linh để đỡ phải gội nhiều, ngoại kêu:

– Đầu Mỹ Linh là đầu gì?

Tôi lấy điện thoại, gõ hình ca sĩ Mỹ Linh cho ngoại xem, ngoại nheo mắt:

– Cha bay, tóc ngắn cũn, thế chải chuốt làm sao được.

Dì Năm phì cười:

– Mẹ già rồi, chải chuốt ai xem.

Dì nói vô tư thế mà ngoại tôi giận, ngoại ngó lơ chỗ khác, miệng móm mém nhai trầu rồi nói, giọng hờn dỗi:

– Ừ, tao già rồi, nên bay có mấy khi ngó ngàng đến.

Ngoại giận nên nói thế chứ thật ra ngoại biết thừa đứa con nào cũng thương ngoại hết, chẳng qua vì công việc, vì gia đình con cái, vì những nỗi lo toan mà các con dành ít thời gian về thăm mẹ. Dì Năm sang nhà, nói chuyện bâng quơ cho ngoại đỡ buồn, ngoại thỏ thẻ hỏi han:

– Thằng chồng bay dạo ni còn uống rượu không?

– Vẫn vậy mẹ ơi, nhưng nay say rượu là về ngủ một mạch, chả đập phá gì nữa, rõ là mừng.
Ngoại hỏi đến cái Lan, cái Cúc, hỏi cả thằng cu Tôm – cháu nội dì Năm, dì bảo nó bị nổi mề đay đang phải đi cắt thuốc. Ngoại gạt đi:

– Cắt thuốc chi cho tốn kém, tí nữa hái nắm lá khế về nấu nước tắm, hồi bay nhỏ tao tắm suốt.
Nói là làm, ngoại bắt tôi mang túi ra gốc khế hái lá cho dì, dì cầm về miệng cười toe.

Còn thương gốc khế bên thềm

***

Mẹ tôi đánh cái xe máy cà tàng vào trong sân, vứt đấy rồi ra thềm ngồi, mẹ bỏ mũ bảo hiểm, tháo cái khăn che mặt rồi thở dài. Thấy mẹ về, ngoại bỏ dở việc đang làm, rót cho mẹ cốc nước rồi đem ra.

– Có chuyện chi mà hôm nay không dọn hàng xuống, lại vứt xe chỏng chơ thế kia.

– Chán chả buồn dọn mẹ ơi – mẹ tôi đón lấy cốc nước của ngoại rồi thở dài thêm cái nữa.

– Thế có chuyện chi?

– Người ta sắp giải tỏa khu chợ để xây trung tâm thương mại. Rồi sắp tới đây buôn bán phải đi xa hơn, tiền bỏ ra thuê chỗ ngồi ở chợ cả năm trời giờ đòi lại người ta không trả.

Mắt mẹ tôi buồn buồn, mẹ đi buôn cá ở chợ tạm trên huyện, giờ chợ giải tỏa mẹ cũng chưa biết sẽ buôn bán ở đâu. Những chợ khác người ta đã cố định chỗ ngồi giờ mình chen vào thì ai cho, mà ngồi ngay đầu chợ bảo vệ ra đuổi thì chạy trối chết. Nghĩ nhiều đâm chán, mẹ gọi tôi ra dọn hàng. Tôi đang viết dở bài thuyết trình, uể oải bước ra một cách miễn cưỡng. Cái chậu nhôm mẹ buộc sau xe hôm nay nặng trịch, tôi khệ nệ bê đặt xuống nền sân tráng xi măng phẳng lì. Hôm nay cá còn nhiều, có con chết ngửa cả bụng lên trời, trắng hếu, tanh tanh, bữa nay lại ăn cơm toàn cá cho xem.

– Sao hôm nay cá còn nhiều vậy mẹ? Tôi nhặt những con cá chết ưỡn bụng lên trời ra một cái thau nhỏ.

– Hôm nay ít người mua.

– Mọi hôm mẹ còn đổi cá với người ta mà, sao hôm nay còn nguyên vậy mẹ?

– Mày hỏi chi nhiều thế, mang cá vào. – mẹ tôi quát.

Đêm đấy tôi nghe tiếng bố mẹ nói chuyện với nhau, giọng mẹ vẫn buồn, mẹ nói đến khoản tiền nợ ngân hàng chưa trả hết, đến học phí sắp tới của tôi, đến đám giỗ bà nội chuẩn bị phải góp tiền, trăm khoản phải lo thế mà giờ mẹ chuẩn bị mất việc. Mà cũng không phải mất việc, mẹ vẫn đi buôn cá đấy, mà chẳng biết buôn ở đâu.

Ngoại ngồi trong buồng nghe thấy hết, tôi thấy vẻ mặt ngoại co lại, những nếp nhăn xếp dày trên trán, khóe mắt ngoại ươn ướt, ngoại thương cha mẹ tôi vất vả quanh năm mà chẳng khá lên được. Trong căn buồng tối om om, chỉ mỗi ánh đèn bàn của tôi sáng le lói, tôi thấy ngoại lôi trong ngăn kéo đầu giường ra một cái hộp nhỏ con con, ngoại ngắm nghía cái thứ trong hộp rồi lại cất vào.

Sáng sớm, ngoại đưa cho mẹ tôi cái hộp, bên trong là đôi hoa tai bằng vàng ta mà đợt mừng thọ tám mươi tuổi vợ chồng dì Tư mua tặng. Ngoại tôi sinh năm cô con gái, nhưng mỗi dì Tư là sung sướng nhất, hồi trẻ dì đi làm ở công ty may rồi được giám đốc công ty để ý, thế là cưới. Vợ chồng dì ở tuốt trên thành phố, cả năm hiếm lắm thì được hai lần về thăm ngoại, một là ngày giỗ ông, hai là ngày giáp Tết. Dì ít về nhưng mỗi lần về thì ai cũng có quà. Có bận làm ăn được, dì còn biếu mẹ tôi cả dăm triệu, mua cho ngoại cơ man là thuốc bổ, nhân sâm. Ngoại không chỉ đưa cho mẹ tôi cái hộp mà còn đưa cho mẹ một sấp tiền, đồng to có, đồng nhỏ có, mẹ tôi rưng rưng nước mắt:

– Của con Tư cho mẹ, mẹ giữ lấy chứ đưa con làm chi.

– Tao già rồi, còn sống mấy đâu mà cần tiền, vợ chồng bay ở với tao, chăm lo từng miếng ăn, nay khốn khó chả nhẽ tao ngó lơ, coi sao được.

Mẹ tôi ôm ngoại khóc không thành tiếng, từng tuổi này ngoài chăm lo cho ngoại miếng ăn giấc ngủ, mẹ chưa đưa cho ngoại được đồng nào, giờ cầm những đồng tiền dưỡng già này, mẹ thấy mình tồi tệ quá. Nhưng mẹ nghĩ đến khoản nợ sắp đến kì hạn trả, đến học phí sắp sửa phải nộp cho tôi, mẹ nuốt nước mắt vào lòng, cầm cái hộp và xấp tiền của ngoại. Cha tôi đi làm mộc cho người ta, lương lúc nhiều, lúc ít, năm ngoái cha bị tai nạn giao thông suýt chút nữa không qua khỏi, tiền chạy chữa thuốc men, tiền nằm viện mấy tháng trời, mẹ tôi không xoay xở đủ phải vay ngân hàng, thành ra nhà đã khó lại càng khó hơn.

Chị Yến về, mang theo thằng cu Tùng đã được gần hai tuổi. Tôi thấy ngoại mừng như tết, ngoại lăng xăng đi ra đi vào, lúc thì nựng cu Tùng, lúc lại giúp chị Yến việc nọ, việc kia. Tôi ngồi trong buồng làm bài tập, thấy chị cứ sai ngoại hết cái này, cái nọ, tôi đâm cáu:

– Chị tự đứng dậy mà làm đi, bà già rồi, làm gì cũng chậm chạp, muốn vừa ý thì tự thân vận động!

– Thôi, tao còn nuôi được bốn, năm đứa con thì một đứa chắt ăn nhằm gì. – ngoại cười móm mém.

– Mày lo cho cái thân mày đi, học hành không đến nơi đến chốn thì chó nó rước. – chị Yến nói với giọng xỉa xói.
Tôi chúa ghét cái tính của chị, lần nào về chị cũng như bà hoàng, cơm bưng nước rót, chị chẳng màng suy nghĩ, cứ thế ung dung hưởng thụ. Mẹ tôi mấy lần cũng chửi chị té tát, vì cái thói đỏng đảnh, ngại việc, việc nào mà nhờ được thì chị chẳng bao giờ mó tay, bất đắc dĩ không nhờ vả được ai thì chị mới tự mình làm.

Tôi bắt gặp ngoại đang cầm hộp sữa bột lên ngắm nghía, mắt ngoại nheo lại để cố đọc những dòng chữ bé tí ti trên vỏ hộp, tôi hỏi thì ngoại sượng sùng nói:

– Tao định xem cách pha sữa, nãy pha cho thằng cu Tùng con Yến nói loãng quá.

– Ôi giời, bà để chị ấy tự làm, chả ai làm vừa lòng chị ấy được đâu.

Ngoại tôi lại cười hiền, bảo tôi bớt cáu gắt với chị Yến đi, chị cả năm mới về được mấy lần nên để chị vui vẻ đi, ngoại đưa cái hộp cho tôi bảo đọc, tôi liếc qua rồi lắc đầu.

– Chịu bà ơi, chữ Tây chữ Tàu cháu hiểu chết liền.

***
Tôi vừa học về, thấy tiếng chị Yến oang oang trong nhà.

– Bà không làm được thì bà làm ơn ngồi một nơi đi, bà làm đổ hết cả hộp sữa rồi thì thằng chắt ngoại biết uống cái gì. Nhờ cái gì cũng làm hỏng, bực hết cả mình.

Tôi ném cái ba lô xuống nền nhà đánh phịch, chị Yến đang bế thằng Tùng liền quay ngoắt lại. Tôi cáu:

– Chị một vừa hai phải thôi, bà cũng chỉ vì muốn giúp chị nên mới làm, chị ăn nói với bà cái kiểu thế à.

– Tao mượn, tao khiến à? Cái hộp sữa hàng Nhật tao mới mua, hãy còn nguyên, giờ đổ hết đấy, mày nhìn xem.

– Nếu chị không thích ở đây thì chị về nhà chị đi, ở đấy có cô osin làm hết việc cho, ở đây không ai chiều được cả, cháu chắt vô ơn.

Mắt tôi nguýt dài, tôi cúi người nhặt cái ba lô rồi bỏ vào buồng, ngoại lúi húi hốt lại đống bột vương vãi trên sàn nhà, mắt rưng rưng. Tôi kéo tay ngoại đứng dậy, nói xéo xắt:

– Bột đắt thế, mình đụng vào lại mang tiếng bà ơi, đổ cũng đổ rồi, ai cần mà bà hốt.

Ngoại ngồi thu lu trên giường mãi không ngủ, tôi nghe tiếng ngoại thở dài. Ngoại buồn như xác hoa khế rụng đầu ngõ, miên man. Thằng cu Tùng sợ ngoại, mỗi lần ngoại vươn đôi tay ra định bế là nó khóc thét lên, có thể nó sợ khuôn mặt nhăn nheo và nổi đầy hạt đồi mồi, đôi mắt đã đục ngầu và hàm răng đen óng, chắc nó sợ vì chưa bao giờ nhìn thấy một khuôn mặt như ngoại trước đây. Ngoại còn buồn vì chị Yến, ngoại thấy mình bất lực, thấy mình làm việc gì cũng hỏng bét, làm chị Yến cáu gắt cả ngày.

Mùa khế đơm hoa | Văn hóa xã hội

Cu Tùng nổi đầy mề đay trên người, ngoại âm thầm bắc ghế hái nắm lá khế ở đầu ngõ đem vào đun nước. Đun xong ngoại gọi chị Yến đưa thằng Tùng ra tắm, chị cau mày:

– Thuốc tây, thuốc ta còn chẳng ăn ai chứ nắm lá khế này thì chữa được gì, có khi còn nặng thêm.

– Tao nuôi mẹ mày với các dì, rồi đến nuôi chị em mày, chả nhẽ tao còn không rành, thuốc tây có khi lại hại hơn đấy, Yến ạ.

Chị Yến quay ngoắt đi:

– Bà lại lôi chuyện nuôi mẹ cháu với mấy dì, chuyện ngày xưa rồi. Giờ người ta sống khác, bà làm ơn đừng làm mấy chuyện thừa thãi nữa đi.

Ngoại tôi buông thõng cái chậu đang bốc khói ngun ngút ở trên tay, nghe đánh choang một tiếng dài, nước đổ lênh láng, đôi chân nhăn nheo của ngoại dính nước ướt nhẹp. Tôi lao từ trong buồng ra, vội vàng kéo ngoại đứng tránh vũng nước, mắt ngoại đỏ hoe, ko biết có phải khói làm cay mắt ngoại…

Chị Yến đưa thằng Tùng về ngay chiều hôm ấy, ngoại không tiễn ra đầu cổng nơi cây khế vươn mình hứng nắng như mọi khi, ngoại nằm im trong buồng, quay mặt vào vách. Hôm ấy, lá khế rũ mình xuống, buồn hiu hắt…

***

Ngoại nhờ tôi đèo bằng xe máy qua nhà bà Tâm, hôm nay người ta mang bà ấy ra đồng…

Tôi thấy ngoại đứng lặng trước nấm mồ mới vun, cầm cái khăn mùi xoa chấm lên mắt, ngoại tôi khóc – khóc cho người bạn già đã đi về cõi vĩnh hằng xa xôi, ngoại khóc vì giờ đây ngoại không còn ai để tâm sự, để bầu bạn, để hàn huyên những lúc vui buồn. Người đi đám đã về hết, chỉ còn hai bà cháu tôi đứng lại giữa cái nắng hạ tháng sáu, ngoại để đầu trần, quấn khăn xô đứng lẻ loi giữa những nấm mồ. Không hiểu sao nhìn thấy cảnh đấy tôi lại sợ mất ngoại, tôi sợ một ngày người đứng ở chỗ ngoại là tôi và… người ngủ giấc ngủ sâu dưới lớp đất kia là ngoại, tôi sợ hãi, thật sự sợ hãi, tôi không muốn mất ngoại, không muốn để thân xác ngoại tôi hóa thành những hạt bụi. Tôi chạy đến nắm lấy cánh tay ngoại, như sợ những ý nghĩ vừa nãy thành sự thật.

– Thôi mình về thôi bà ơi!

– Cho bà ở đây thêm lúc nữa. – ngoại thều thào, tiếng nói như bị đánh loãng bởi những cơn gió hanh khô đang thỏa sức quăng quật.

Ngoại trở về nhà với đôi mắt đỏ hoe, trưa đấy ngoại bỏ ăn mà bắc ghế ra gốc khế ngồi. Ngoại ngồi nhai trầu móm mém và tay phe phẩy cái quạt nan. Đời người thật ngắn ngủi, thoắt cái đã đến tuổi xế chiều, ngoại hay ví tuổi con người như thời gian của một ngày, khi ta còn trẻ là buổi sáng – lúc ấy ta dồi dào sức khỏe nhất, hăng hái và liều lĩnh nhất, tuổi trung niên như buổi trưa – buổi trưa thì hay đói, con người vào thời điểm ấy đặt nặng nhu cầu của bản thân, đó là lúc họ suy nghĩ kĩ càng nhất, chọn lựa tỉ mỉ và cân nhắc, đến tuổi trung niên họ không còn xốc nổi, mọi năng lượng của sự ngông cuồng đã bị tiêu hao vào buổi sáng hết rồi. Tuổi già như một buổi chiều ảm đạm – người ta đã không còn đủ sức để vươn mình cho những dự định mới, buổi sáng và buổi trưa đã làm điều đó rồi, hoặc có những người thật đáng buồn khi cả cuộc đời họ vẫn chưa biết điều mình muốn là gì. Tôi hỏi ngoại muốn quay về tuổi nào, ngoại cười:

– Cho tao về buổi trưa thôi, lúc ấy tao có ông mày, sống vui vẻ đầm ấm, tao chẳng mong gì nhiều.

– Chắc bà yêu ông lắm đây. – tôi trêu.

– Tao chẳng biết yêu là gì, chỉ biết là thiếu ông mày mấy chục năm nay thì tao đã chẳng còn nhiều niềm vui nữa.

Ngoại tôi hay thích ra ngồi ở gốc khế vì đấy là cái cây cuối cùng mà ông tôi trồng trước khi ra đi mãi mãi, ngoại chẳng nói ra nhưng tôi biết ngoại sống tình cảm lắm, ông mất là nỗi mất mát lớn nhất đời ngoại. Cây khế đầu ngõ lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, còn chúng tôi lớn lên cùng với những nồi nước lá khế chữa mụn nhọt, với những trưa ngồi vắt vẻo trên cành gặm quả khế vàng ươm, là món ô mai khế chua chua, ngọt ngọt ngoại làm, lớn lên và khỏe mạnh như những chiếc lá khế xanh biếc trên cành.

Chị Yến trở về vào một chiều trời nổi gió lớn, một tay chị bế thằng Tùng, một tay xách va li. Chị về gục dưới chân ngoại tôi khóc nức nở, ngoại cúi xuống ôm chị vào lòng rồi vỗ về như đứa trẻ khóc vì đói sữa. Chị Yến về vì sự phản bội của chồng, vì những vô cảm của người đàn bà đối với chính ngôi nhà của mình, chị hối hận, nhưng muộn cả rồi…
Chồng chị đã có người đàn bà khác, anh không thể chịu nổi khi trở về căn nhà lạnh ngăn ngắt với người vợ không nấu nổi cho chồng bữa cơm, một người vợ thờ ơ với những yêu thương thường ngày, một người vợ không biết cảm thông và chia sẻ, chỉ luôn biết cáu gắt và đòi hỏi… Anh ấy đã quá mệt mỏi rồi.

Ngoại tôi vẫn đều đều ra ngồi đầu ngõ, ngửa cổ cảm nhận một chút ít xanh mát của đám lá khế, thảng hoặc ngoại nhìn xác hoa khế thả đầy dưới đất, tím lặng, lòng buồn miên man. Rồi những mùa hoa khế cứ lặng lẽ trôi đi, có một mùa hoa buồn tan tác – mùa hoa mang ngoại tôi rời xa những dịu dàng…