Con người vượt khỏi thế giới loài vật vì truyền thông được tình và ý cho nhau bằng ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ cá nhân có thể sống kinh nghiệm của mọi người. Ngôn ngữ ghi lại thành văn tự. Nhờ văn tự cá nhân có thể sống kinh nghiệm của muôn đời.

Không có ngôn ngữ thì không có ý thức. Mỗi người cảm xúc, tri giác, tư tưởng, và hành động trong khuôn đúc của ngôn ngữ mình. Ngôn ngữ là khả năng trừu tượng hoá bằng thanh âm của một dân tộc. Mỗi dân tộc sống trong một hoàn cảnh riêng, có kinh nghiệm đối đãi riêng nên cũng có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ chính là cái triết lí tiềm ẩn chung của dân tộc.

Tất cả văn hoá xây trên nền tảng truyền thống giữa người và người, tức là trên ngôn ngữ. Khoa ngữ học nghiên cứu dụng cụ của văn hoá mới xuất hiện từ cuối thế kỉ 19 nhưng đã mở nhiều chân trời mới cho triết, tâm lí, và khoa học nhân văn.

Xây dựng văn hoá Việt phải bắt đầu từ sự cứu xét cho ngôn ngữ và văn tự Việt, là gạch ngói vôi vữa của văn hoá đó.

Hiện người ta chưa tìm được nguồn gốc của ngôn ngữ; chỉ biết rằng ngôn ngữ được phát minh nửa triệu năm trước đây cho con người biết sử dụng khí cụ để biến đổi thiên nhiên, tức là bắt đầu lao động. Tiếng nói thuở ban sơ là những tiếng kêu đi kèm với những cử chỉ, rồi tiến hoá dần thành những âm thanh mang ý nghĩa.

Tiếng nói bao giờ cũng quan trọng hơn chữ viết. Kinh thánh Do-thái còn cho rằng khởi đầu vũ trụ là tiếng nói (logos). Tiếng nói là một sinh hoạt, trong khi chữ viết là một vật thể. Tiếng nói có trước, khởi nguồn cho, và độc lập với chữ viết.

Tiếng nói phổ quát và phong phú hơn chữ viết. Dân tộc nào cũng có ngôn ngữ, mà rất ít dân tộc có văn tự. Số người mù chữ trên thế giới nhiều gấp bội số người câm.

Chữ viết cổ nhất mới có cách đây năm ngàn năm. Chữ viết lúc đầu là vật (que, sỏi, nút dây…), không liên hệ đến tiếng nói. Chữ viết diễn tả tiếng nói có hai dòng chính: một là chỉ ý; và hai là chỉ âm.

Cũng như tiếng nói được coi là tặng phẩm của trời, văn tự lúc đầu giữ vẹn tính chất linh thiêng. Cách đây năm chục năm chữ nghĩa ở nước ta còn là của thánh hiền; và tờ giấy có chữ chỉ có thể mang hoá chứ không được dùng vào việc gì khác.

Tất cả gia tài minh triết của một dân tộc lưu truyền bằng miệng. Đến khi có văn tự, gia tài này được ghi lại trước tiên. Văn tự đó là linh tự của kinh điển.

Linh tự lúc đầu là độc quyền của lớp vu nghiễn tăng lữ. Đó là hierolyph của Ai-cập giữ lại trong Tử Thư; chữ Phạn của Ấn độ giữ lại trong kinh Vệ đàÁo nghĩa (Upanishads)…

Linh tự lúc đầu đều là chữ tượng hình hay chỉ ý, nên không tiện áp dụng cho việc giao dịch thường ngày. Người ta sáng chế một loại chữ tỉnh lược để đáp ứng nhu cầu. Hai loại văn tự này được dùng song song: một cho việc thiêng liêng, một cho việc thế tục.

Phát minh kí hiệu chỉ âm là kết quả của một cuộc cách mạng trường kì đã đảo lộn hoàn toàn ngôn ngữ và văn tự. Chữ nghĩa trở thành phổ thông nhưng không còn hồn nữa, vì mọi kí hiệu không còn liên hệ gì tới thực tại.

Ai-cập mất linh tự khi Macédoine, La-mã, rồi Kitô giáo đồng hoá. Văn tự Tây-phương bắt đầu từ đây qua Hi-lạp chịu chung số phận đó. Người du ca aède là Homère, kẻ cuối cùng giữ được cái minh triết truyền khẩu Hi-lạp, đánh dấu sự truỵ lạc của tâm linh và mở đầu nền văn minh cơ giới Địa-trung-hải.

Các nước Đông-phương đều ở thế khập khiễng: linh tự bỏ quên, mà theo Tây tự cũng không được.

Nước Việt do vận mệnh của lịch sử là dân tộc độc nhất hiện nay trên thế giới giữ được thế chân vạc giữa ngôn ngữ và văn tự. Thế chân vạc đó là tiếng Việt − chữ Nho − chữ Abc, thay thế cho tiếng Việt − chữ Nho − chữ Nôm trước đây.

Tiếng Việt là ngôn ngữ phong phú nhất, chữ Nho của người Việt là linh tự huyền vi nhất, chữ Abc của người Việt hợp lí và dễ dàng nhất.

Sự tổng hợp kì diệu đó sẽ là dụng cụ tuyệt vời để người Việt sinh động với thực tại bằng tiếng Việt, kết nối với quá khứ theo chiều dọc bằng chữ Nho, và mở rộng theo chiều ngang bằng chữ Abc. Thế chân vạc đó sẽ giúp nòi Việt làm được cuộc tổng hợp văn hoá mà thế giới đang chờ đợi.


I
Tiếng Việt

Cho đến nay nguồn gốc và tương quan giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ tại Đông nam Á vẫn chưa được minh chứng một cách khoa học. Chỉ chắc một điều là ngôn ngữ hiện còn dùng gần gũi với tiếng Việt nhất là tiếng Mường. Sự kiện này chứng tỏ người Mường là một bộ lạc Việt xưa dời lên vùng núi và ngôn ngữ ít bị pha trộn vì tiến hoá.

Trong ba ngôn ngữ chính ở Đông nam Á là (1) Austronésien, (2) Môn−Khmer, và(3) Hoa−Tạng, người ta không thể xếp tiếng Việt vào hẳn họ nào. Logan, Forbes, Muller, Ruhn…trong hậu bán thế kỉ 19 cho tiếng Việt thuộc ngữ tộc Môn−Khmer cùng với Chàm. Wilhelm Schmidt (1907) kết hợp tất cả ngôn ngữ Đông nam Á trong một đại ngữ tộc. Haudricourt (1946) và Martinet cho tiếng Việt nằm trong họ Úc−Á. Georges Maspéro (1952) nêu tương quan Thái −Việt.

Khó khăn này gây ra vì tính cách tổng hợp và dung hoá của Việt-ngữ. Tiếng Việt có chung một số ngữ vựng thông dụng với Môn−Khmer, Ấn độ, và văn phạm chung với Thái, từ ngữ bác học chung với Trung-hoa.

Sự vay mượn mà khó có thể xác định ngôn ngữ nào là gốc, vì tiếng Việt có một số điểm tương đồng với tất cả các ngôn ngữ từ Ấn độ đến Thái-bình-dương, nhưng không thể quy kết riêng về một nhóm nào.

Điểm này khiến chúng ta nhớ lại cổ tích thần thoại Bách Việt và một bọc trăm trứng. Tuy nhiên vấn đề nguồn gốc tiếng Việt chỉ có thể giải quyết cùng với nguồn gốc dân tộc Việt.

Dù sao đi nữa nguồn gốc không quan trọng bằng hiện trạng. Chúng ta thử xét lại đại cương vài đặc tính và triết lí tiềm ẩn của tiếng Việt.

I. − ĐẶC TÍNH:

Tiếng Việt ngày nay là một ngôn ngữ đơn âm, đa thanh, không biến dạng, cách đặt câu xuôi (nhưng từ ngữ có thể ngược nếu là chữ Nho, thí dụ: mĩ nhândanh tướng…), ngữ vựng phong phú, âm thanh cụ thể và sinh động.

a. − Đơn âm: Mỗi âm là một tiếng và có một nghĩa gọn gàng khít khao. Có người nêu vấn đề chữ đệm, và một số chữ kí âm của các giáo sĩ thế kỉ 17 để chủ trương chữ Việt đa âm. Thật ra, trong Việt-ngữ có ba trường hợp một chữ có tiếng đệm. Trường hợp thứ nhất là đệm ý: hai từ cùng loại đi với nhau để làm cho nghĩa rộng thêm, và cả hai đều có nghĩa riêng (thí dụ: xe cộchó má). Trong trường hợp này nhiều khi một chữ là mượn của chữ Nho (thí dụ: sinh sốngtrắng bạch). Trường hợp thứ hai là đệm âm (thí dụ: rắc rốirối rắmmơ mànglơ mơ); mỗi tiếng đệm tách riêng tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng khi ghép lại thì làm biến đổi hẳn ý (thí dụ: rối rắmrối rítrối ren) vì nhạc tính của tiếng Việt. Đệm âm cũng chính là đệm ý, vì âm Việt hàm cả ý nghĩa nữa.

b. − Đa thanh: Tiếng Tây phương không có thanh, chỉ có dấu nhấn không làm thay ý. Tiếng Trung-Hoa có 4 thanh. Tiếng Việt có 8 thanh (bình/thượng/khứ/nhập và hai độ phù/trầm) nên nhạc tính hết sức dồi dào. Người ngoại quốc nghe ta nói tưởng chừng như nghe hát.

c. − Không biến dạng: Tiếng Việt không thay đổi theo ngôi vị, giống, số, thời gian…nên hết sức dễ dàng và tự nhiên.

d. − Đặt câu xuôi: Tiếng chính đi trước tiếng phụ. Chủ từ đi trước động từ, rồi túc từ. Danh từ di trước tính từ. Động từ đi trước trạng từ. Văn phạm hết sức giản dị. Ai đã biết tiếng nào, là đều có thể dùng được tiếng đó. Cú pháp điêu luyện là do tài tình, chứ không bó buộc.

e. − Ngữ vựng phong phú: Chưa có một cuốn từ diển nào gom hết tiếng Việt nhưng xét một vài thí dụ (tiếng cười người Việt có hơn 108 tiếng; để diễn tả ý “mang” có: ẵm, bê, bế, bồng, bưng, chở, cõng, đèo, đội, địu, đưa, gánh, gồng, khiêng, mặc, mang, quảy, thồ, vác, xách,… trong khi các ngoại ngữ chỉ có dăm ba tiếng) chúng ta thấy ngữ vựng Việt hết sức giàu những tiếng cụ thể liên quan đến đời sống thường ngày. Ngữ vựng Việt hiện còn nghèo về danh từ chuyên môn và khoa học, nhưng cả hai lãnh vực đều có thể được giải quyết dễ dàng. Từ năm 1945 thực tế đã chứng tỏ chữ Nho và chữ Abc có thể giúp ta tạo đủ chữ cho bất cứ lãnh vực nào cần dùng trong hiện tại hoặc tương lai.

g. ‒ Âm thanh cụ thể và sinh động: Bản chất của tất cả mọi ngôn ngữ là âm thanh chọn vô cớ. Riêng Việt ngữ có một đặc tính có thể diễn tả ngay bằng âm thanh hết sức cụ thể và sinh động. Âm thanh diễn tả động tác hay hình dạng như ong (vòng, long đong, lòng thòng, cong, nòng, dòng, tròng, còng, bòng…). Âm thanh diễn tả ý nghĩa như âm ái (cái, gái, mái, nái.). Nguyên âm, phụ âm, và thanh những khi thay đổi đều có nghĩa riêng. Thí dụ phụ âm PH diễn tả hơi thở, phập phồng như trong những chữ: phình, phè phỡn, phất phơ, phục phịch… Âm EO diễn tả ý không ngay như trong những chữ: dẻo, véo von, khèo, quẹo… Phụ âm TH tả ý nhẹ thoáng như trong những từ: thoảng, thơ thẩn, thấp thoáng. Âm mong manh, âm à âm thầm, âm á qu quyết, âm  uyển chuyển, âm  nng nề, âm ã sng sờ. (Đoàn Phú Tứ, Thanh Nghị, 1942). Không một chữ Nho hay tiếng ngoại quốc nào được dùng theo lối ấn tượng này. (Maurice Durand, BSEI, 1961).

Đặc tính này khiến tiếng Việt gần gũi với đời sống và truyền cảm sâu xa cũng như giảm thiểu tính cách giả tạo của ngôn ngữ. Tiếng Việt là tiếng nói chứa trong âm thanh của cả thơ và hoạ.

2. − TRIẾT LÍ

a. −Con người làm chủ: Tiếng Việt đặt con người làm chủ, mọi việc đều quy chiếu vào con người. Tiếng Việt nói: “trên trời”, “ngoài đường” trong khi một người Pháp chẳng hạn sẽ nói: “dans l’air”, “dans la rue”. Có người giải thích là tiếng Việt trực giác trong khi tiếng Pháp lí luận. Nói như thế là coi người Pháp không có trực giác. Sự khác biệt chính là nằm ở chỗ khi ta nói “ngoài đường” trọng điểm không ở con người mà ở tương quan giữa con đường và ta. Tiếng Việt trọng tâm hơn ngoại vật.

b. − Quý trọng đời sống: Hai tiếng phân loại phổ thông nhất là “cái” và “con” để chỉ vật vô tri và sinh vật. Trong tiếng Việt đời sống được quý trọng hơn. Tuy nhiên, những vật vô tri nhưng mật thiết đến sự sống hay linh hoạt cũng được gọi là “con”. Thí dụ: con dao, con tàu. Chữ ‘cái’ của vật vô tri khi dùng chỉ người là hàm ý không kính trọng. Thí dụ: cái thằng đó.

Cái và con nguyên nghĩa là mẹ và con như trong “Bố Cái Đại Vương”. Chữ cái nới rộng chỉ những gì có sẵn trong vũ trụ, chữ con chỉ những gì được sinh ra. Con bắt nguồn từ cái cũng như đời sống bắt nguồn từ vật vô tri, và đời sống được quý hơn.

c. − Cộng đồng trước, cá thể sau:  Trong tiếng Việt, ngôi vị được ấn định triệt để bằng những tiếng phân loại. Trong tiếng quả cam vật đó là quả trước khi là cam; trong tiếng cá thu vật ấy là  trước khi là thu. Ở đây ta thấy tiếng Việt triệt để hơn hẳn mọi ngôn ngữ trong sự chính xác − hơn cả các bộ trong chữ Nho.

Bản chất đi trước, đặc tính đi sauphổ quát đi trước, đặc thù đi sauquan trọng đi trước, thứ yếu đi sau. Cho nên trong cách đặt câu tiếng bổ túc bao giờ cũng đi sau tiếng được bổ túc. Trong câu: “Người con gái đẹp đi chơi xuân”, người con gái đẹp phải là người trước khi là con gái, và phải là con gái trước khi đẹp….

d. − Nam nữ bình đẳng: Phụ nữ được tôn trọng đặc biệt ở Việt Nam. Người Việt nói “vợ chồng” chứ không nói “chồng vợ”. Trong gia đình vợ chồng gọi nhau là mình tức xếp cùng một hàng không ai trên ai dưới. Mình còn là hoà với nhau thành một. “Mình với ta tuy hai mà một” (Tản Đà).

e. − Bốn bề một nhà: Mọi người đều là anh em. Những tiếng xưng hô của Việt-ngữ không phân biệt người ngoài và người cùng dòng máu (anh, em, ông, bà…) vì người Việt xem tất cả nhân loại như cùng một nhà. Ngay đến Trời, Phật, Tiên… cũng chỉ là ông bà như người hàng xóm. Những tiếng mày, mi, nó không dùng trong gia tộc chỉ áp dụng cho một người khi có ý định khinh thị. Trong danh xưng còn bao hàm cả phê phán đạo lí. Thằng và con dùng cho trẻ nhỏ trong nhà cũng để gọi những người chưa xứng đáng làm người.

Tiếng xưng hô còn có ngôi chỉ cá nhân (tôi, chúng tôi) và ngôi chỉ cá nhân hoà đồng (ta, chúng ta). Người Việt có tinh thần gia tộc và dân tộc cao độ nhất, nhưng đồng thời cũng có tinh thần đại đồng rộng rãi nhất.

g. − Xoá nhoà ngôn ngữ: Người Việt không coi ngôn ngữ là cái gì cứng nhắc và có thực tại riêng, nên tìm cách vượt khỏi giới hạn của âm thanh và muốn xoá nhoà ngôn ngữ, miễn là đạt được ý. Đã hiểu rồi thì “lời với liếc” văn chương văn chiếc” còn giữ làm gì. Đây là một hình thức tiếng đệm hết sức thông dụng trong tiếng Việt mà không hề có trong bất cứ ngôn ngữ nào khác. Người Việt còn thích những kiểu nói không có xác định rõ ràng như không chủ từ hay phụ từ chỉ thời giờ, lí do, điều kiện… (Thí dụ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây) để người nghe tuỳ ý bổ khuyết hay hiểu thế nào thì hiểu (Lê Văn Lý − Sơ thảo Ngữ pháp Việt nam, 1968). Ít ngôn ngữ có nhiều hư tự như tiếng Việt.

Ngoài ra nhờ âm vận Việt đều có ý nghĩa nên có thể dùng tự do để diễn tả (dớ dẩn, đớ đẩn, ngớ ngẩn, vớ vẩn…). Ngôn ngữ chẳng phải là cái khởi đầu, cũng chẳng phải cái chung, cuộc mà hiện nguyên hình là một phương tiện truyền thông.


II
CHỮ NHO

I. − CHÍNH DANH:

a. − Chữ Nho không phải là chữ Hán: Chúng tôi theo cổ nhân mà gọi là CHỮ NHO chứ không gọi là CHỮ HÁN. Việc này có nhiều nguyên cớ.

1. Về định nghĩa: Nòi Hán chỉ là trong những nhiều sắc tộc ở miền Đông châu Á, họ có tinh thần độc tôn và bành trướng, đã chiếm lĩnh dải đất ngày nay gọi là Trung Hoa. Triều Hán kéo dài từ 200 năm trước Tây lịch đến 200 năm sau Tây lịch. Gọi chữ Nho là chữ Hán tức là đồng hoá thứ chữ của văn minh Á Đông với một sắc tộc. Người Trung Hoa gọi thế vì óc “hưng Hán diệt Di” của họ. Chúng ta không thể làm việc vô ý thức đó.

2. Về lịch sử: Chữ Nho được phát minh khoảng 5.000 năm trước đây, tại vùng châu thổ Hoàng hà và Dương tử. Lúc đó chưa có quốc gia nào là Trung hoa mà chỉ có những bộ lạc hùng cứ từng vùng. Người Bách Việt và người Miêu tới trước người Hán và định cư trên miền nứi Thái sơn (núi này sau là nơi tế tự  của mọi triều đại tại Trung hoa). Sau họ bị người Hán đánh chiếm, phải đi về phương Nam.

Khoa cổ sử chưa soi sáng được giai đoạn này. Căn cứ vào truyền thuyết thì Hồng Bàng kỉ (2.879 tr.T.L.) còn có trước lịch sử Trung Hoa (bắt đầu với Hoàng-đế Hiên Viên thị, thuỷ tổ của Hán tộc) đến 182 năm.

Người Việt tự nhận là dòng dõi Thần nông (3.223−3.080 tr. T.L.) gốc ở phía Bắc tỉnh Hồ-nam, đến đời Kinh dương vương mới dời về phương Nam.

Ngay sử của Trung hoa cũng còn ghi chuyện Hoàng đế từ miền Nam Thiên-sơn đến Cam-túc đánh với Xi vưu, tù trưởng của Miêu tộc để chiếm Hoàng hà mà vào bảo hộ Trung-quốc.

Xét về chủng tộc, phong tục, và ngôn ngữ thì người Miêu (Mèo) gần với Việt hơn là Hán tộc. Trong suốt lịch sử Trung hoa họ vẫn giữ được nền tự trị. Miêu tộc cũng là dân tộc thiểu số có mặt trên một diện tích rộng lớn: từ Quế-châu, Hà-nam, Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam đến Tứ-xuyên. Ngày nay tại vùng Quảng tây người ta còn thấy những kiến trúc dưới đất kì diệu thờ chân dung Bàn Cổ và Tam Hoàng đầy đủ từng người. (Xem Tsui Chi, Histoire de la Chine et de la Civilisation chinoise, Payot, 1919).

Ngay thời đại hoàng kim Nghiêu – Thuấn cũng không phải là văn minh Hán tộc mà đích thực là văn minh Bách Việt. Sử Trung hoa còn ghi Nghiêu – Thuấn là người thuộc dòng giống “Đông di” và “Tây di” (Tư-mã Thiên, Sử kí).

Việc Hồ Quý Li xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Ngu (vua Thuấn họ Hữu Ngu) chắc chắn phải căn cứ vào một truyền thống hay sử liệu nào mà nay thất lạc vì thủ đoạn đồng hoá của Trương Phụ. Nguyễn Huệ đòi Lưỡng Quảng, Cao Bá Quát nêu cờ Nghiêu – Thuấn…đều nằm trong tâm thức này.

Ngay nhà Chu cũng không thuộc cùng một giống với nhà Thương, và chắc chắn không phải là Hán tộc. Mạnh tử gọi vua Văn là Tây di, và theo Tả truyện, nhà Chu gọi nhà Thương là ngoại tộc.

Nhà Chu chấm dứt văn minh Tiên Tần, rất tôn quý màu đỏ, mà màu này thuộc quẻ Li chỉ phương Nam. Quốc hiệu đầu tiên của nòi Việt là Xích quỷ cũng mang ý nghĩa vị thần sắc đỏ (quỷ là thần, không mang ý nghĩa của Kitô giáo như ngày nay thường hiểu). Điều  này chứng tỏ dưới nhà Chu còn rất nhiều ảnh hưởng của Bách Việt.

Chính dưới thời Chu (1.134-214 tr T.L.), Kinh Dịch tương truyền do vua Văn và Chu công viết được biên soạn. Ngay tên Hà đồ Lạc thư (đồ hình tại sông Hà; sách của giống Lạc) cũng chứng tỏ nguồn gốc của Kinh DịchKinh Dịch là cuốn sách cổ nhất của chữ Nho, là kinh điển, là linh thư, là tập đại thành của cả Á Đông, phải trả lại cho giống Bách Việt.

Nhà Tần khi thống nhất Trung hoa đã mở cuộc ‘phần thư khanh nho’ là để tiêu huỷ hết tài liệu văn hoá các đời trước. Đó là một mưu đồ bóp méo lịch sử và cưỡng đoạt tất cả cho nòi Hán.

Đến đời Tần thì giống Việt chỉ còn giữ được đất Lưỡng Quảng và Bắc Việt ngày nay.

Chúng ta có thể tạm kết luận rằng trước khi có sử thành văn, nền văn minh trong thời đại hoàng kim Viêm phương đã hết sức huy hoàng. Nền văn minh này có sự đóng góp của nhiều giống dân, trong đó phần của Bách Việt tích cực nhất. Giống Hán tuy có ưu thế về võ lực, nhưng không thể đại diện độc quyền cho truyền thống đích thực của nền văn minh đó.

3. Về ngôn ngữ: Dấu tích cổ nhất của chữ Nho ngày nay kiếm được là những chữ ghi trên “xương rồng” mai rùa thời nhà Ân (1.400 tr T.L.) đào được ở tỉnh An-dương, Hồ-nam năm 1899. Những tài liệu này chủ chốt bàn về sự chiêm đoán và các sinh hoạt lạp hộ, canh nông. Văn tự còn rất thô sơ, tuy đã có những nét chính của chữ Nho, chứng tỏ chữ Nho đã được hình thành trước đó rất lâu, mà nay không còn vết tích gì ngoài truyền thuyết.

Truyền thuyết cho rằng Phục hi bày ra văn tự theo nét bát quái của Hà đồ Lạc thư. Thương Hiệt, một sử thần đời Hoàng đế sáng chế chữ Nho theo vết chân chim. Văn tự có độ 1.000 chữ. Đời Chu (800 tr. T.L.) Sử Lựu đặt lối đại triện hay khoa đẩu tự, hình như nòng nọc, văn tự có độ 3.300 chữ. Đời Tần đốt sách và sai Lí Tư soạn lối chữ tiểu triện, văn tự có đến 7.380 chữ. Tự điển Khang hi (1716) chứa gần 47.000 chữ, nhưng chỉ có độ 4.000 chữ thông dụng.

Cũng như Phục hi tượng trưng cho một trình độ sinh hoạt lạp hộ, Thần nông cho sinh hoạt canh tác, Thương Hiệt (thương: kho thóc; hiệt: bay lên) nếu không chỉ một giai đoạn lịch sử thì cũng có tính cách đại diện cho việc thu thập và san định hơn là sáng tác chữ Nho. Việc nhìn dấu chân chim lại có tương quan mật thiết với giống Bách Việt và Hồng Bàng thờ chim làm vật tổ.

Một số người chủ trương chữ Nho bắt nguồn từ Lưỡng hà châu và Ai-cập nhưng không đưa được bằng cớ. Tuy văn tự hieroglyphe của Ai-cập, văn tự hình nêm cunéiforme của Babylone khởi đầu đều tượng hình, chỉ ý, và viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái (ở đây cũng giống văn tự Maya 1000 tr. T.L.), sự tương đồng không đủ để nêu liên hệ vay mượn.

Có lẽ giả thuyết về một cái nôi văn minh của nhân loại gốc ở trung tâm Châu Á, từ mái nhà của thế giới là Hi-mã-lạp-sơn để đi bốn phương, gần với sự thật hơn.

Lúc đầu con người dùng que, gậy, sỏi…và hình vẽ để ghi nhớ. Văn tự nguyên thuỷ là những đường vạch như hào trong Kinh Dịch và những bức tranh sơ sài. Trước Thương Hiệt, văn tự chỉ là những nút đây (kết thẳng). Vấn đề lịch sử và văn minh Tiên Tần chưa sáng tỏ thì vấn đề nguồn gốc chữ Nho chưa giải quyết được.

Tuy nhiên chúng ta có thể xác định tối thiểu là lịch sử văn minh đó có trước khi nòi Hán từ miền Tây tới, thì văn tự đó cũng không thể là của riêng nòi Hán. Họ chỉ đóng góp trong việc điền lệ chữ Nho. Những văn tự đầu tiên không cốt diễn tả câu văn nói hay viết mà diễn tả tư tưởng trong đầu. Nay người Hán sắp xếp theo lối suy nghĩ của họ tức là chữ bổ túc đi trước (đại đạo, mĩ nhân…) Đây là sự khác biệt lớn nhất, còn ngoài ra về các đặc tính khác (đơn âm, đa thanh, không biến dạng, đặt câu xuôi…) tiếng Việt và chữ Nho hoàn toàn phù hợp nhau.

Một ngôn ngữ phân biệt bằng âm thanh, hình thái, và ý nghĩa. Về âm, Việt Nho gần giống nhưng phong phú hơn Quan-thoại nhiều. Âm Bắc-kinh chỉ có 400 (theo hệ thống phiên âm Wade−Giles), trong khi Việt Nho có cả hàng ngàn. Việt Nho trung thực và bảo tồn được chữ Nho với âm thái cổ trong khi giọng Bắc-kinh mất những ngữ vị đầu và cuối như B−, D−, G−, R−, TR−, V−, và −CH, −K, −M, −P, −T (Y.R. Chao mục “Chinese Language” trong Encyclopedia Britannica, 1965) Về thanh, Việt Nho hơn hẳn tứ thanh của Quan thoại vì có tới 8 thanh.

Tiếng nói quan hệ nhất mà đã độc lập thì chúng ta phải coi Việt Nho là của dân tộc; cũng như người Anh, Pháp, Ý, Đức…coi ngôn ngữ họ là thuộc dân tộc, dù rằng đều thuộc gốc Ấn−Âu với Phạn ngữ.

Về thư pháp, người Việt cũng viết chữ Nho theo một lối riêng, trọng tinh thần hơn là khuôn tắc của Vương Hi Chi (Nguyễn Hiến Lê).

Hình thái chữ Nho đã thành nếp từ 3.000 năm nay và dùng chung cho cả Á Đông, đã vượt được trở ngại âm địa phương. Chúng ta có chữ ABC để diễn tả giọng Việt Nho, nhưng phải giữ hình thái chữ Nho để có một khí cụ văn hoá giao tiếp với quá khứ và các nước Á Đông.

Về ý nghĩa, chúng ta thấy rằng không hẳn cùng một chữ viết người Việt và người Trung-hoa cùng diễn tả một ý. Thí dụ: tiểu tâm người Việt hiểu là lòng dạ nhỏ bé trong khi người Trung-hoa hiểu là cẩn thận; tử tế người Việt hiểu là tốt bụng trong khi người Trung hoa hiểu là kĩ càng chi li.

Đó là chưa kể trong vòng 50 năm gần đây người Việt phải đặt tiếng khoa học và chính trị đã sáng tác hàng chục ngàn chữ mới (như các phái Mac-xit, Duy Dân…, Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn…). Kho ngữ vựng này hoàn toàn của Việt Nho.

Chữ Nho tuy không phải toàn thể tiếng Việt nhưng chiếm hơn một nửa những từ ngữ thông thường và đại đa số từ ngữ bác học. Nho và Việt đã gắn liền nhau như da thịt đến nỗi nhiều khi chúng ta không ngờ (áo/y, quần/quần, chợ/thị, đầu/đầu, khó/khtim/tâm, thân/thân, /vị…).

Tương quan mật thiết này ngày càng tăng vì nhu cầu tạo thêm tiếng mới. 99 phần trăm danh từ học thuyết chuyên môn là chữ Nho. Nếu không am hiểu chữ Nho, sự sáng tác hỗn độn sẽ đưa đến suy tư sai, tai hại vô cùng.

Chúng ta đã thấy chữ Nho vừa là của chung văn minh Á Đông, vừa giữ bản sắc dân tộc.

Tiếng Việt bỏ chữ Nho sẽ trở thành thổ ngữ khiếm khuyết của một bộ lạc. Tiếng Việt có chữ Nho là có được một khí cụ tuyệt vời của văn hoá.

Người Việt nào hô hào loại bỏ hết chữ Nho trong tiếng Việt không những vô ý thức mà còn phản bội công trình dung hoá của tiền nhân.

b. – Chữ Nho không phải là chữ của Khổng giáo

Kể từ khi triều Hán suy tôn Khổng giáo vì những chủ trương đề cao vương quyền và phụ quyền của đạo này, Khổng giáo được gọi là Nho giáo, Khổng học được gọi là Nho học…

Sự thực chữ “Nho” và đạo “Nho” vốn có trước Khổng tử rất lâu và bao trùm cả Khổng học, ‘Thuật nhi bất tác’.

“Nguyên nhân chữ Nho to lớn lắm. Một bên chữ Nhân 人 là người, một bên chữ Nhu 需 là cần phải có. Sách Pháp Ngôn có câu: “Thông thiên, địa, nhân viết Nho” nghĩa là người rõ cả thiên văn, địa lí, nhân sự mới gọi là Nho. Ngày nay chữ Nho nghĩa là người học giả có đủ tri thức.” (Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển, 1931).

Chữ Nho là chữ của người có học (biết chữ: lettré, trái với mù chữ), của kẻ sĩ, của trí thức.

Chế độ quân chủ và độc tôn Khổng giáo đã cáo chung, phải trả chữ Nho về với nguyên nghĩa to lớn của nó là thứ chữ của con người tìm hiểu vũ trụ và đạo.

2. – CHỮ NHO VÀ VĂN MINH:

Thế giới có được 7 hệ thống cổ tự tượng hình tượng ý (không kể cổ tự Maya ở Trung Mĩ, 1.000 năm tr. T.L., tới nay vẫn còn câm nín). Mỗi cổ tự này đặt nền móng cho một văn minh rực rỡ. Ba cổ tự không phân giải đươc là nguyên-Elamite, nguyên-Indic, và nguyên-Crète. Trong số bốn thứ văn tự còn lại: Sumérien, Ai-cập, Hittite, và chữ Nho, hiện nay chỉ còn chữ Nho là còn dùng.

Những văn tự này được gọi là chữ thiêng liêng hay linh tự (hiéroglyphe) vì tàng trữ những kinh nghiệm của con người đối đãi với vũ trụ tự muôn đời.

Sự tồn tại duy nhất của chữ Nho có một giá trị lớn lao vô cùng đối với văn minh. Văn minh là lịch sử ý thức. Để có ý thức, con người đã phải trả giá là tách lìa với vũ trụ.

Đó là ý nghĩa của thần thoại Cây Nhân sinh và Cây Tri thức. Con người đánh mất Thiên đàng vì ăn trái Cây Hiểu biết. Đó là bi kịch của Faust đánh bạn với Mephistopheles và chỉ tìm được an lạc khi quay về với cô thôn nữ hồn hậu Marguerite.

Phân tâm học đã ví ý thức tách biệt con người khỏi thiên nhiên với bệnh thác loạn thần kinh (schizophrénie). Tất cả nỗ lực của con người là để tìm về đạo lớn ‘vạn vật đồng nhất thể’ hay tat tvam asi.

Ngôn ngữ liên hệ mật thiết đến ý thức vì chúng ta nhận thức thực tại (sắc hay rupa) bằng ngôn ngữ (danh hay naman). Một ngôn ngữ tượng hình tượng ý là trung gian giữa ý thức và thực tại, chứ không tạo thành một vật tự tại làm màn chắn giữa con người và tạo vật. Trong ngôn ngữ tượng hình tượng ý, văn tự vừa là nó, vừa là cái gì khác.

Trong ngôn ngữ kí âm thuần tuý, văn tự là chính nó, có hiện hữu riêng và tạo cho chúng ta ảo tưởng là mọi vật có bản chất và yếu tính. (Xem Bertrand Russell, History of Western Philosophy, 1945).

Tất cả triết học Tây-phương đặt cơ sở trên lí luận của Aristote với các luật đồng nhất, nhân quả, tam đoạn…mà luận lí Aristote chỉ là sự duỗi dài và hệ thống hoá văn phạm Hi-lạp, là một thứ chữ có chủ từ, thuộc từ, và biến dạng.

Hình học phi-Euclide của Lobachevski (1829) rồi thuyết Tương-đối của Einstein (1905) đã làm sụp đổ kiến trúc siêu hình duy lí của Tây-phương và ngày càng tiến gần quan niệm đối đãi của triết học Á Đông. Triết học này khởi từ các tương quan mâu thuẫn, âm dương, tĩnh động… chứ không đặt những phạm trù tuyệt đối, hay ý tưởng siêu việt.

Sở dĩ thế vì chữ Nho căn bản là diễn tả tương quan. Trong chữ thanh là xanh, phần trên sinh生 chỉ hình cây cỏ mọc lên đối với phần ở dưới đan là màu đỏ. Trong chữ tri  phần bên trái là thỉ  (mũi tên), và phần bên phải  chỉ cái đích: bao giờ tên đến đích mới biết trúng hay trật.

Thế kỉ 20 các nhà ngữ học, luận lí học đang tìm một ngôn ngữ thuần tuý toán học để gỡ rối cho tri thức luận Tây-phương. Tuy nhiên, tránh được cái ảo tưởng coi ngôn ngữ là thực tại của ngữ tộc Ấn − Âu, họ lại mắc vào vòng xích của một ngôn ngữ giả tạo, không đời sống.

Phong trào phục hồi các triết gia tiền-Socrate để tìm quan niệm dịch lí, biện chứng của sự vật không giải quyết nổi vì Héraclite, Parménide, và Empédocle chỉ còn để lại dăm ba mảnh mún, không mấy xác tín.

Chữ Nho nắm được chìa khoá của vấn đề, vì ngoài tính cách linh tự tượng hình, chữ Nho còn có một gia tài kinh điển đồ sộ bậc nhất thế giới.

Về khoa học, sau hơn hai ngàn năm phân thân và hướng ngoại, Tây-phương ngày nay đã đạt đến trình độ chối bỏ quan niệm cơ giới để quay về dịch lí.

Khoa học Tây-phương bắt đầu với ý tưởng về yếu tính và bản chất, ngầm trong ngôn ngữ Ấn − Âu, triết học Hi-lạp (idée của Platon) và thần học La-mã. Nhưng khoa học đã buộc phải bỏ những quan niệm này mà chấp nhận cái nhìn sự vật của chữ Nho (Aldous Huxley, bài “Adonis and the Alphabet” trong Tomorrow. Tomorrow and Tomorrow, 1952).

Về nghệ thuật, chữ Nho là thơ và hoạ. Mỗi chữ Nho là một hình ảnh cụ thể, vẽ ra trước mắt cái hình tượng hay cái liên hệ của vật muốn chỉ. Văn tự khác không gợi được gì ngoài âm thanh. Trong chữ Nho, các giác quan như thị giác, thính giác, và xúc giác đều được khêu dậy. Tranh của Cézanne, Paul Klee, hay lập thể là những dự phóng tìm về vũ trụ của xúc giác và ý niệm mà chữ Abc, vì độc tôn thị giác, đã làm hư mất.

Ezra Pound cho phương pháp của chữ Nho là phương pháp của khoa học thực nghiệm và cũng là phương pháp độc nhất để nghiên cứu thi văn và hội hoạ (ABC of Reading, 1934). Bàn về hoạ, A. Huxley viết: “Tại Trung-hoa, thư pháp là một ngành của hoạ, hay đúng hơn hoạ là một ngành của thư pháp. Tại Tây-phương, việc viết một bài thơ, dù cho cao cả nhất, cũng chỉ là một động tác thuần tuý máy móc và do đó không bao giờ đưa đến một sự giải thoát tâm lí sánh với một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo tay chân như thư pháp chữ Nho”. (Sách đã dẫn, Bài “Liberty, Quality, Machinery”).


III
Chữ ABC

I. – CHÍNH DANH

Thứ chữ dùng bảng mẫu tự alphabet để kí âm tiếng Việt chúng tôi đề nghị gọi là chữ Việt-Abc hay gọi tắt là chữ Abc. Việc gọi một tên mới cho một thứ chữ đã có trên 300 năm không phải lập dị, mà có lí do sâu xa.

a. Chữ Quốc-ngữ: Trước hết chúng ta không thể gọi văn tự đó là chữ quốc ngữ, bởi lẽ quốc ngữ là tiếng nói của một nước. Phân biệt ngôn ngữ và văn tự là sự chú tâm đầu tiên của ngữ học. Tên gọi “chữ quốc ngữ” được dùng chính thức lần đầu cách đây vừa đúng một thế kỉ khi Pháp chiếm Nam-kì làm thuộc địa (1867) và bãi việc học thi chữ Nho ở Nam-kì để tổ chức nền học theo Pháp và mở Trường Thông-ngôn (1868). Năm 1910 Thống-sứ Pháp tại Bắc-kì ra lệnh cho các công văn phải dịch ra “chữ quốc ngữ” mục đích để bứng rễ dân tộc Việt.

Năm 1917, Hồ Thích khởi xướng việc dùng quốc ngữ Bạch-thoại cùng với năm Pháp chấm dứt chế độ khoa cử ở Việt-Nam. Ưu thế chính trị của người Pháp cũng như sự hăng say cải cách mô phỏng Trung-hoa để học theo Tây-phương của một số người Việt đã khiến tên “chữ quốc ngữ” chiếm vị độc tôn từ đó.

Ngày nay, ưu thế kia không còn, và nhận thức đúng giá trị của tiếng Việt, chữ Nho, và chữ Abc, ta phải gọi lại cho chính danh.

b. – Chữ La-tinh: Có người đề nghị gọi là “chữ La-tinh” (Trung-hoa: Lạp đinh tự; Nhật-bản: Romaji).

Tên “chữ La-tinh” có hai điều không ổn, tuy có phần đúng hơn tên “chữ quốc ngữ”.

Một là, gọi như thế có thể lầm với chữ cổ ngữ La-tinh của người Ý.

Hai là, chữ Abc của ta không hẳn chỉ mượn của La-tinh, mà còn mượn của Tây ban nha, Bồ-đào-nha (chữ N), của Ý (chữ GI), của Hi-lạp (chữ Phi thành PH), của Do-thái (chữ NG)…và có thêm những chữ mới không có trong ngôn ngữ nào (như chữ Ơ, chữ Ư, chữ Đ). Ngay các dấu giọng cũng có nguồn gốc rất phức tạp: ba dấu sắc, huyền, và ngã mượn của Hi-lạp; dấu nặng ở chữ iota dưới; dấu hỏi mượn trong dấu chấm hỏi của La-tinh) – (Xem: Nguyễn Khắc Xuyên, ‘Giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ với chữ Quốc Ngữ’ Việt nam Khảo cổ Tập san II, 1960).

Vậy chúng ta mượn các kí hiệu ở hầu hết các nước dùng bảng mẫu tự Alphabet. Alphabet tức là gọi tắt hai chữ đầu của mẫu tự Hi-lạp: Alpha và Bêta vẽ hình đầu bò và cái lều. Những âm này không dùng trong vần tiếng Việt nên ta đổi là “chữ Abc” và đọc theo lối phát âm Việt để chỉ rằng chúng ta đã đồng hoá văn tự đó thành của ta rồi.

Trở ngại độc nhất của chứng ta là thói quen. Tuy nhiều thói quen đó mới chỉ có 50 năm, và đứng trước lịch sử một dân tộc thì thời gian đó chỉ là giây lát.

2. – CHỮ VIỆT − ABC

a. – Việc thành lập chữ Abc: Những giáo sĩ Âu-châu sang truyền đạo ở nước ta đã có công đầu trong việc thành lập chữ Abc. Điều đó không phải là phép lạ đáng ngạc nhiên gì. Họ chế ra chữ Abc với 3 mục đích. Thứ nhất là để dễ học nói và viết ngôn ngữ bản xứ, để tiện bề truyền đạo. Thứ hai, là có kí hiệu mật để tránh tai mắt của nhà cầm quyền khi cần giao dịch với giáo dân. Mục đích thứ ba, là tách biệt tập thể giáo dân ra khỏi ảnh hưởng văn hoá cổ truyền vì không dùng chữ Nho và chữ Nôm, để tiến tới việc mang toàn thể học thuật và tín ngưỡng Âu Tây vào Việt nam – hay nói theo họ là mang Việt nam “vào lòng Hoà-lan”. Trong  mục đích thứ ba này họ được sự hỗ trợ của Pháp và gặp sự chống đối quyết liệt của triều đình ta.

Không được thấm nhuần trong văn hoá dân tộc (vì mù chữ Nho và chữ Nôm) một nông dân Việt sẽ nghĩ gì khi đọc “Phép Giảng Tâm Ngày” của Alexandre de Rhodes, chẳng hạn ngày thứ bốn giảng về: “những đạo vạy (tà đạo) gồm đạo Bụt, Giáo ngoài và Giáo trong: đạo Lão; đạo Nho: việc thờ ông Khổng: những sự dối trá của Thich ca về linh hồn ta; những điều lầm lỗi trong việc thờ cúng cha mẹ…”?

Những mục đích kia thuộc về lịch sử rồi, không còn gì đáng bàn. Chúng ta chỉ cần minh định hai điểm: một là chữ Abc là một công trình tập thể, không phải là cá nhân; và hai là sự kiện chữ Abc thành công ở Việt Nam mà không thành công ở những nước khác ở Á Đông chứng tỏ điều quan trọng là sự đồng hoá của dân tộc Việt, chứ không phải sự sáng chế kí hiệu mà thôi.

Một nhu cầu thay đổi văn tự bao giờ cũng từ ngoài đưa đến. Từ Ignaccio thế kỉ 16 đến Alexandre de Rhodes thế kỉ 17, chữ Abc đã manh nha thành hình. Alexandre de Rhodes chỉ là người đem in tự điển đầu tiên. Cuốn “Dictionarium Annamiticum – Lusitanum et Latinum in tại La mã năm 1651, không phải cho Việt nam mà là cho nhu cầu của họ. Chính tinh thần dung hoá của dân tộc đã biến một vũ khí ngoại lai thành một dụng cụ cho chính mình vậy.

Xét về việc kí âm, các giáo sĩ như François Xavier và Matteo Ricci đã khởi xướng tại Nhật bản và Trung hoa trước khi cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes ra đời đến cả thế kỉ mà không thành công. Yếu tố quyết định sự sống còn của chữ Abc chính là khả năng của tiếng Việt.

b. – Giá trị của chữ Abc: Chữ Abc có một tiện lợi vô cùng là chỉ với 28 mẫu tự và 5 dấu giọng có thể kí âm trung thực tất cả ngữ vựng Việt. Ngay giữa thế kỉ 17, chữ Nôm đã có khoảng tám mươi ngàn chữ rồi. Việc học ngay một số chữ căn bản cũng đòi hỏi thời gian lâu dài. Chữ Abc học trong ít giờ có thể thành thạo, giải quyết được vấn đề số một của chữ Nho và chữ Nôm là làm cho mọi người biết đọc biết viết mau chóng.

Những tiện ích khác là thống nhất cách phát âm, giản dị sổ sách, đánh máy, ấn loát, truyền tin, soạn từ điển, và phiên âm ngoại ngữ…

So với các nước dùng mẫu tự La-tinh, chữ Abc của người Việt hợp lí hơn cả, vì âm theo đúng chính tả.

Sở dĩ chữ Abc thành công ở Việt nam mà không thực hiện dược ở các nước Đại hàn, Nhật bản, Trung hoa là vì Việt nam không giản lược chữ Nho thành những kí hiệu chỉ âm như Đại hàn và Nhật bản đã thực hiện từ những thế kỉ 13, 14; và tiếng nói Việt nam thống nhất không gồm hàng chục thổ ngữ hoàn toàn không hiểu nhau như ở Trung hoa.

Trong sự giao tiếp với Tây phương chữ Abc của ta là một cây cầu vô cùng tiện lợi (thí dụ trong danh từ hoá học, chúng ta không mất công tìm hàng vạn chữ mới, khác biệt với quốc tế, như người Trung hoa hay Nhật bản).

Nhật bản và Đại hàn biến chữ Nho thành một hệ thống kí âm tức là làm mất hồn của một thứ chữ tượng ý, mà việc học cũng như giao tiếp với Tây phương lại thua xa chữ Abc. Thế tức là hai chân đều khập khiễng.

Trung hoa từ năm 1956 Mao Trạch Đông đã giản lược các nét của 230 chữ Nho và Quốc dân Hội nghị năm 1958 đã chấp thuận một bảng mẫu tự Abc dùng để kí âm chữ Nho và từ ngữ khoa học kĩ thuật Tây phương, cũng như để bài trừ nạn mù chữ, và đặt văn tự cho các dân tộc thiểu số. Tiếng phổ thông Bắc kinh hiện nay mới được 70 phần trăm dân chúng hiểu. Một hệ thống Abc không thể thành lập nếu toàn quốc chưa thống nhất ngôn ngữ.

Tuy nhiên chỉ riêng chữ Abc không đủ. Thiếu chữ Nho, chữ Abc chỉ là cây bật gốc. Ngoài những giá trị triết học, khoa học, và văn học của chữ Nho đề cập trong phần “Chữ Nho” ở trên, ta còn thấy chữ Abc chỉ có thể tìm ngữ nguyên trong chiết tự của chữ Nho, tránh đồng âm dị tự, tránh sai lầm về ý nghĩa và chính tả khi quy chiếu về chữ Nho. Điều quan hệ nữa là việc sáng tác từ ngữ mới phải khởi từ chữ Nho thì mới đúng đắn.

Chữ Abc có những giới hạn không riêng gì trong Việt ngữ mà còn ảnh hưởng đến cả nền văn minh.

Chỉ có chữ Nho và chữ Abc song song mới bảo đảm một phát triển toàn diện.

c. – Việc cải cách chữ Abc: Chữ Abc còn đang trong giai đoạn trưởng thành. So một bản văn thế kỉ 17 và một bản văn ngày nay, ta nhận thấy chữ Abc đã bước được những bước khổng lồ. Tuy nhiên chữ Abc vẫn còn cần cải cách. Công việc cải cách muốn hiệu quả phải do một uỷ ban có uy tín đảm nhiệm và được sự chấp thuận của đa số nhân dân.

Ở đây ta chỉ nêu hai quy tắc đại cương.

(1) Chữ Abc còn nhiều bất tiện và không chính xác cần cải cách.

Chữ Abc do những giáo sĩ thuộc nhiều quốc gia đa tạp đặt ra nên còn mang nhiều tàn tích của thành kiến và ngôn ngữ họ. Các dấu giọng, gạch nối…bất tiện cho việc viết và sử dụng phương tiện thông tin. Trong kí âm tiếng phổ thông của Trung hoa chẳng hạn, người ta dùng 4 số từ 1 đến 4 sau mỗi chữ để chỉ 4 thanh từ thấp lên cao. Những sai lầm về âm vị học và chính tả cần sự tiếp tay của ngữ học.

(2) Chữ Abc chủ về kí âm và giao tiếp với các nước dùng mẫu tự Abc thuộc Tây phương, nên tiêu chuẩn cải cách là kí âm càng trung thực và các dấu hiệu dùng càng phổ quát bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.

3. – CHỮ ABC VÀ VĂN MINH

Người  Phénicie sáng chế ra chữ Abc đầu tiên vào khoảng 1300 năm trước Tây lịch. Sau đó Hi lạp và La mã mượn lại. Dân Phénicie chuyên về thương mại và lập đế quốc đầu tiên trên biển. Họ không sáng tạo được gì để lại ngoài bảng Mẫu tự Abc. Họ có công đơn giản hàng trăm chữ thành vài ba chục nét đơn giản kí âm để tiện lập sổ sách giao dịch với nhiều giống người ở các hải cảng.

Ngay trong sự phát sinh, ta đã thấy chữ Nho và chữ Abc ở hai bình diện khác biệt hẳn: một linh thiêng và một thông tục. Chữ Nho cũng như các linh tự khác làm ra để giới vu nghiễm chiêm đoán bí mật của cuộc sống và cảm thông với quỷ thần. Khổng tử bắt đầu rời xa quan niệm thần bí để đưa vào nhân đạo (“Qủy thần, kính nhi viễn chi”) cũng như Socrate bên Hi lạp kéo triết học từ trên trời xuống. Còn chữ Abc làm ra là để buôn bán giao dịch với kẻ lạ.

Chữ Abc là biểu hiện cho sự cơ tâm thứ nhất của Tây phương. Mẫu tự Abc có những đặc tính sau đây:

a. − Chia lìa ngôn ngữ với thực tại bằng những kí hiệu giả tạo;

b. – Tách con người ra khỏi kinh nghiệm cụ thể, tách thị giác khỏi các giác quan khác, nhất là thính giác và xúc giác;

c. – Tách cá nhân khỏi đoàn thể.

Chính thái độ khách quan, làm mà không tham dự, do chữ Abc gây ra đã giúp người Tây phương có thể bình tĩnh nghiên cứu sự vật, đè nén cảm xúc, và chia sẻ kinh nghiệm để tổ chức đời sống.

Theo Marshall McLuhan (trong cuốn Understanding Media, 1964), chỉ những nền văn hoá Abc mới làm chủ được sự tiếp diễn nối kết theo đường thẳng như các hình thức tổ chức tâm linh và xã hội phổ quát. Việc phá từng kinh nghiệm ra thành các đơn vị đồng nhất để hoạt động, và thay đổi hình dạng sự vật hay kiến thức thực dụng một cách mau lẹ là bí quyết sức mạnh của Tây phương.

Chữ Abc khi rời bỏ linh tự đã hi sinh những thế giới ý nghĩa và tri giác sâu thẳm trong mỗi chữ tượng hình, tượng ý để đạt tới chuyên môn, tổ chức, và hiệu năng.Chữ Nho sống động như một biểu hiện chẳng khác nào bánh xe pháp luân của Phật giáo hay chữ thập của Kitô giáo, trong khi chữ Abc viết ra “Phật” hay “Kitô” không diễn tả được gì.

Ngày nay Hoa kì là nước đứng đầu thế giới về cơ khí cũng là nước nhiều chữ vô nghĩa (chữ viết tắt TV, OK…) nhất.

Tất cả những phát triển về sau của Tây phương rập trên khuôn mẫu chữ Abc như: tổ chức quân đội đồng nhất, thành thị cơ năng thay thế xã thôn tự trị, guồng máy hành chánh và luật lệ..

Chữ Abc viết theo đường thẳng và chia âm thanh thành từng phần, tạo ảo tưởng là không gian và thời gian đồng nhất. Phân công đưa đến phân thời.

Các tu viện Tây phương đời Trung cổ chế ra đồng hồ cơ khí chia thời gian thành mảnh mún trừu tượng đã ảnh hưởng toàn bộ sinh hoạt Âu Châu. Con người không còn sống với kinh nghiệm cụ thể mà trở thành một cái máy. Ăn, mặc, ngủ không theo nhu cầu cá nhân mà theo đồng hồ. Bergson đến thế kỉ 20 mới phân biệt thời gian vật lí và thời gian tâm lí.

Sự chia chẻ không gian sinh ra đời sống riêng tư và cá nhân chủ nghĩa, trong tư tưởng sinh ra những quan điểm khác biệt, và trong công việc thành chuyên môn.

Máy in chữ rời của Gutenberg (thế kỉ 15) triệt để áp dụng nguyên tắc chia cắt và lặp đi lặp lại của chữa Abc đã mở đầu cho thời đại máy móc và kĩ nghệ.

Đến nay con người trí thức Tây phương đã xa lìa thực tại cụ thể, và bị chuyên môn hoá hơn bao giờ hết, đến trở thành phi nhân (bi hài kịch của Charlot trong phim Les Temps Modernes). Tất cả Tây phương đang lên cơn phá huỷ cuồng loạn. Hội hoạ vô hình dung, nhạc phá thể, văn chương chối bỏ ngữ nghĩa… Tất cả là để phản ứng lại tình trạng phi nhân đó.

Bằng cảm tính, người ta quay về với những văn hoá sơ khai (nhạc Jazz, vũ Phi Châu, điêu khắc nguyên thuỷ) hay kinh nghiệm tâm linh (từ thiền Zen đến nghiện LSD). Bằng triết học, người ta chối bỏ tinh thần duy lí của Aristote và Descartes, vũ trụ quan cơ giới của Newton để quay về với tâm thức cổ sơ, thần thoại nguyên thuỷ, và đạo học Đông phương. Tất cả là một trào lưu vĩ đại đòi trở về nguồn.

Khoa học với nguyên tử, hạch tâm điện tử đã biến thế giới thành bốn biển một nhà, năm châu một chợ. Nhân loại phải chọn một trong hai con đường: hoặc là tận diệt loài người, hoặc là thống nhất thế giới.

Nước nào tổng hợp được đạo học và khoa học để cho con người có được một thể nghiệm và trực giác toàn diện về thực tại sẽ dẫn đầu sự trở về nguồn. Nguồn này cũng chính là tương lai của con người sống trọn vẹn ra người.

Chú thích từ bài gốc: Khảo cứu ngắn về chữ viết Việt này được hai tác giả Đào Mộng Nam và Nguyễn Tiến Văn hoàn thành năm 1969 và đăng trên tạp chí Tân Văn số tháng 4 và tháng 5 năm 1969. Bản đăng dưới đây được tác giả Nguyễn Tiến Văn chuyển thành bản mềm trong thời gian làm việc dịch thuật và sinh hoạt văn nghệ ở Sài Gòn (2013). Học Thế Nào hy vọng công trình nhỏ này, có thể vẫn còn khiếm khuyết đâu đó, sẽ giúp các anh chị giáo viên có được một vài gợi ý trong việc dạy chữ và sử dụng chữ trong giảng dạy.

Đào Mộng Nam và Nguyễn Tiến Văn

Tạp chí Tân văn