Ở miền Nam khoảng năm 1960, tờ Dân Nguyện của ông chủ bút Hà Thành Thọ bỗng khởi đăng nhiều kỳ (feuilleton) cuốn tiểu thuyết võ hiệp Lam y nữ hiệp của Hồng Kông; một tác phẩm thuộc loại “tân trào võ hiệp tiểu thuyết” (danh từ của các nhà xuất bản Hồng Kông), nghĩa là nó khác với các loại “cựu trào” trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Do mới và lạ, Lam y nữ hiệp được đông đảo người đọc đón nhận, khen hay, báo bán đắt như tôm tươi! Thấy “ngon ăn”, một tờ báo khác vung tiền “mua đứt” dịch giả cuốn Lam y nữ hiệp, mời ông này dịch bộ Lã Mai Nương.
Sau đó không lâu, năm 1961, trên báo Đồng Nai đã đăng nhiều kỳ truyện Cô gái Đồ Long của tác giả Kim Dung, người dịch là Tiền Phong Từ Khánh Phụng, từ đó, truyện võ hiệp kỳ tình bắt đầu lên cơn sốt ở miền Nam.
Thực ra trước đó, đã có một số bản dịch như Bích huyết kiếm của Từ Khánh Phụng (báo Đồng Nai), Anh hùng xạ điêu của Đồ Mập (báo Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử (báo Mới). Tuy nhiên, lúc đó, truyện kiếm hiệp vẫn được xem là thứ giải trí “rẻ tiền”. Đến khi bản dịch Cô gái Đồ Long ra đời mới tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức.
Một số nhà văn nhà báo lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong… Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, công phu nhất là Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung. Cũng từ đó, xuất hiện thêm nhiều dịch giả truyện Kim Dung tài hoa nhất; trong số đó có Hàn Giang Nhạn với các bản dịch Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký, với cách hành văn thanh thoát tự nhiên, sinh động đã làm lôi cuốn hàng vạn độc giả thanh thiếu niên.
Trong lúc Tờ Đồng Nai đăng nhiều kỳ truyện Cô gái Đồ Long thì tờ Dân Việt khai thác tài dịch thuật của Tam Khôi, tờ Báo Mới, đăng bộ Thần điêu đại hiệp và hàng chục tờ báo (trong số đó có một số nhật báo Hoa ngữ như Thành Công, Tân Văn Khải Báo, Luân Đàn Mới, Nhân Nhân, Quang Hoa, Á Châu, Kiến Quốc…) đua nhau đăng truyện chưởng. Có báo sắp khai tử, nhờ đăng Cô gái Đồ Long mà hồi sinh mãnh liệt, lượng phát hành tăng vọt!
Tên truyện của Kim Dung được nhiều báo khai thác theo những cách khác nhau, như trường thiên tiểu thuyết Thiên long bát bộ, có báo đặt tên là A Tỷ Kiều Phong, báo thì đăng Lục mạch thần hiếm, có báo lại là Cô Tô Mộ Dung…
Truyện chưởng (kiếm hiệp tân kỳ) càng ngày càng làm cho nhiều người, nhất là thanh niên “say như điếu đổ” với những Võ lâm ngũ bá, Cô gái Đồ Long, Võ lâm tuyệt địa, Lưu Hương đạo soái, Tiếu ngạo giang hồ, Kiếm sĩ si tình, Giang hồ hiệp khách, Tướng cướp Liêu Đông, Lục mạch thần kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc Đỉnh Ký, Thiên long bát bộ…
Từ Đài Loan, Hồng Kông, sách chưởng của những Mộ Dung Mỹ, Gia Cát Thanh Vân, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Nhược Minh, Nam Kim Thạch, Độc Cô Hồng, Điển Ca, Kim Dung, Trần Thanh Vân, Trần Trung Vân… tràn vào Sài Gòn – Chợ Lớn qua tờ Minh Báo từ Hương Cảng (Hồng Kông), với hơn 30 nhà xuất bản tranh nhau in truyện chưởng như An Hưng, An Thành, Bừng Sống, Đại Hưng, Đông Hưng, Đông Phương, Hương Hoa, Quyền sống, Vui Sống, Vân Thành, Sông Hữu, Sông Xanh, Trung Thành, Trường Giang, Thành Phương, Thời Đại, Thế Kỷ, Tổ Hợp Tiến, Tổ Hợp Sống…
Có 5 nhà xuất bản in 5 bộ chưởng của Ngọa Long Sinh, trong đó có bộ dài tới 2 000 trang; có ít nhất 6 nhà xuất bản in sách chưởng của Gia Cát Thanh Vân. Trong hơn 10 sách chưởng của cây bút này, có bộ Tứ hải quần hùng dài hơn 1300 trang, bộ Đoạt hồng kỳ dài hơn 1500 trang. Không hề kém cạnh, sách chưởng của Cổ Long được bốn nhà xuất bản in khoảng 11 bộ, cộng chung lại gần 40 tập, tròm trèm 13.000 trang!
Tuy nhiên, nổi bật hơn cả vẫn là truyện của Kim Dung với mức kỷ lục: hơn 20 bộ, trong đó Cô gái Đồ Long gồm 6 tập với 2370 trang; Lục mạch thần kiếm 8 tập với hơn 2.400 trang; Anh hùng xạ điêu cũng 8 tập với 2.820 trang, còn Tiếu ngạo giang hồ có tới 15 tập với ngót 3000 trang.
Từ khi thể loại truyện chưởng tràn ngập Sài Gòn – Chợ Lớn, lập tức xuất hiện một “guồng máy dịch thuật”: Từ Khánh Vân, Từ Khánh Phụng, Thương Lan, Phan Cảnh Trung, Hàn Giang Nhạn, Phương Thảo, Khưu Văn, Dương Quân, Quần Ngọc, Lão Son Nhân, Điền Trung Tử, Lã Phi Khanh… Phan Cảnh Trung dịch ít nhất 10 bộ chuởng của 6 tác giả, in ở 5 nhà xuất bản. Từ năm 1969 đến 1973, riêng Thương Lan đã dịch không dưới 62 bộ chưởng của 5 tác giả, in ở 5 nhà xuất bản khác nhau, còn Hàn Giang Nhạn thì dịch ít nhất 25 bộ truyện chưởng, in ở 5 nhà xuất bản, trong đó, truyện Kim Dung đã là 14 bộ gồm 102 tập với ngót 25.000 trang! Đặc biệt, bộ Ỷ thiên Đồ Long ký (tức Cô gái Đồ Long) do Từ Khánh Phụng dịch (Nxb Trung Thành; 1966) thu hút hàng trăm ngàn độc giả thuộc mọi tầng lớp.
Bên cạnh việc tranh nhau phóng tác, in truyện chưởng, cải biên truyện chưởng thành truyện tranh, viết truyện chưởng… giả, người ta còn tổ chức những cuộc đàm luận, tranh cãi, phân tích, phê bình truyện chưởng, thậm chí một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo ghiền truyện kiếm hiệp đến độ đã không ngần ngại lấy tên các nhân vât võ lâm làm bút danh như Lê Tất Điều (Kiều Phong), Nguyên Sa (Hư Trúc), Chu Tử (Kha Trấn Ác)…
Các cao thủ võ lâm trong truyện chưởng Kim Dung như Lệnh Hồ Xung, Hoàng Dược Sư, Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Đông Phương Bất Bại, Cừu Thiên Nhận, Âu Dương Phong, Vi Tiểu Bảo, Nhạc Bất Quần, Quách Tỉnh, Châu Bá Thông, Vương Trùng Dương… được giới trẻ coi như thần tượng, hoặc như những anh hùng hảo hán. Những tên nhân vật, chiêu thức võ công ai cũng phải nằm lòng để không bi chê là… lạc hậu! Hai bộ chưởng Xác chết loạn giang hồ và Lệnh xé xác (dịch giả Lã Phi Khanh) luôn là vật bất ly thân, là sách “gối đầu giường” của không ít tay anh chị giang hồ thời đó!
Chưa hết, từ khi truyện chưởng Kim Dung xuất hiện, khắp hang cùng ngõ hẹp ở Sài Gòn – Chợ Lớn, đi đâu cũng nghe những “tiếng lóng” nhuộm màu sắc võ lâm như: “Thằng cha đó bị tẩu hỏa nhập ma”; “Cà chán là tao cho một chưởng”; “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái”; “Gã đó chơi ma giáo”; “Cái bang đại hiệp”; “Ông này công phu thượng thừa, đao thương bất nhập” hoặc “Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam Tông Miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá”…
Do sách, báo in tràn ngập truyện kiếm hiệp, đầy dẫy chiêu thức kỷ ảo, quái đản, bí hiểm như Ma Vân Chưởng, Hàn Băng Chưởng, Thất Thương Quyền, Hàm Mô Công, Giáng Long Thập Bát Chưởng, Nhất Dương Chỉ, Lăng Ba Vi Bộ… dẫn đến sự bùng nổ trào lưu thanh thiếu niên ùn ùn “tầm sư học đạo”. Một số võ đường dạy võ cổ truyền đang lèo tèo dăm bảy môn sinh, bỗng chốc học trò kéo đến nườm nượp xin thọ giáo. Một số lò võ còn trương bảng chiêu sinh thường kèm luôn mấy chữ “Thiếu Lâm Nga Mi, Võ Đang, Côn Lôn”…
Nhiều người nói rằng“Hội chứng truyện chưởng Kim Dung” ở miền Nam VN trước 1975 rất mạnh mẽ, đến nỗi ảnh hưởng đến một bộ phận …du đãng cướp giật ở Sài Gòn ngày đó, Bọn chúng đã mơ tưởng luyện thành tuyệt kỹ Bích hổ du tường (thằn lằn leo tường) nhằm dễ bề leo rào khoét vách; ôm mộng học được công phu Thủy thượng phiêu (chạy trên mặt nước) như nhân vật Cừu Thiên Nhận trong Anh hùng xạ điêu hòng thoát thân cho lẹ nếu chẳng may bị cảnh sát rượt!
Cũng do quá nhập tâm truyện chưởng Kim Dung, có những “chính khách” lúc thảo luận, tranh luận, tọa đàm về đường lối kinh tế, ngoại giao, chính sách kinh tế, xã hội, an sinh… họ đều viện dẫn lý lẽ dựa trên các sự kiện, nhân vật… võ lâm trong truyện chưởng! Không chỉ “đi sâu vào thế giới Kim Dung”, nhiều người còn bỏ công sức, tiền của tổ chức các buổi “luận đàm” về tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung và sản phẩm của họ không chỉ là các bài báo lẻ tẻ mà có khi là sách, là công trình chuyên khảo về truyện chưởng Kim Dung công phu như Vô Kỵ giữa chúng ta của Đỗ Long Vân (Nxb Trình Bày, 1968); Nỗi băn khoăn của Kim Dung (Nguyễn Mộng Giác, Nxb Văn Mới, 1972).
Một vài hãng phim ở Sài Gòn thấy đề tài kiếm hiệp “ngon ăn”, vội nhảy vào khai thác; sau Báu kiếm rửa hận thù, xuất hiện phim Quái nữ Việt quyền đạo do hãng Mỹ Vân thực hiện (đạo diễn Lê Mộng Hoàng, kịch bản Lê Khanh) với bốn “quái nữ” gồm Thanh Nga, Lệ Hoa, Á hậu Ngọc Tuyết, Ngọc Dung cùng Thanh Việt, Văn Chung, Khả Năng, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Kim Cúc, Năm Châu, chỉ đạo võ thuật: Lý Huỳnh; Long hổ sát đấu do hãng phim Cửu Long thực hiện (chỉ đạo võ thuật là võ sư Hồng Kông Hàn Anh Kiệt và Lý Huỳnh) với các nghệ sĩ Trần Quang, Hoàng Long, Việt Hùng, Bạch Lan Thanh, Ngọc ĐanThanh, Ba Vân, Lý Huỳnh….
Đã có người nhận định: Điều “giá trị nhất” trong các tác phẩm của Kim Dung là mọi người phải đối xử tốt với nhau, và cần phải rèn luyện để có tài mà trừ dẹp điều xấu; tuy nhiên, điều hạn chế thấy rõ nhất là nếu chỉ có tài nghệ trong võ công không thôi thì sẽ không giải quyết được điều gì. Chính vì thế nên trong những năm 90 của thế kỷ kỷ trước, nhiều tác phẩm của Kim Dung được xuất bản lại, nhưng xem ra không tạo nên một sự chấn động nào …