Tổ chức Khoa cử cũng như giáo dục của ta, trên đại cương, đều theo khuôn mẫu của Trung quốc.

I – TỔ CHỨC GIÁO DỤC VÀ HỌC THUẬT Ở TRUNG QUỐC

1 – Thời Thượng cổ :

Từ nhà Ngu (2255-2208 tr.TL) đã lập nhà họcThượng Tường và Hạ Tường ở chỗ đảng.

Thời nhà Hạ (2205-1786 tr.TL, vua Vũ) Tiểu học gọi là Tây Tự, Ðại học gọi là Ðông Tự.

Thời nhà Thương/Ân (1766-1123 tr.TL) Tiểu học gọi là Tả Học, Ðại học gọi là Hữu Học.

Kinh Lễ chép rằng quy định ngày xưa cứ 25 nhà gọi là một lư, lư có trường dậy học vỡ lòng gọi là Thục, khi đã biết ít nhiều thì học tại nhà Tường ở đảng (500 nhà), tốt nghiệp lên châu (12 500 nhà) học ở nhà Tự, thành tài lên Kinh học ở nhà Học cũng là nơi dậy các hoàng tử và con các quan khanh, sĩ, đại phu.

2 – Nhà Chu

chia ra hai thời kỳ :

a – Từ Tây Chu (1122-770 tr.TL) về trước, học vấn dành cho hạng quý tộc, chỉ có trường công.

b – Từ Ðông Chu (770-247 tr.TL) về sau, học thuật lan ra đến dân gian. Có hai loại trường học :

– Trường Quốc học dành cho con nhà quý tộc học để ra làm quan ;

– Trường Hương học cho con nhà bình dân học, nếu học giỏi cũng được vào Quốc học, có thể ra làm quan.

Từ Khổng Tử (551-479 tr.TL) mới có trường tư dậy mọi giai cấp. Giai cấp mới, gồm các thương nhân, tân địa chủ, vì giầu có mới thích học và trở thành giai cấp Sĩ, ra làm quan thay thế lớp quý tộc (1).

Trình độ học vấn cũng chia làm hai :

– Tiểu học cho bình dân từ 8 đến 14 tuổi, học kính nhường, ứng đối ;

– Ðại học gọi là Tích ung hay Thành quán, từ 14 đến 20 tuổi, học lục nghệ tức là lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thư (viết chữ), số (toán) vv.

Học thuật đến đời Chu đã thịnh nhờ có các triết gia như Khổng Tử (Khổng Khâu), Lão Tử (Lý Nhĩ), Trang Tử (Trang Châu), Mặc Tử (Mặc Ðịch), Dương Tử (Dương Chu), Tuân Tử (Tuân Huống), Mạnh Tử (Mạnh Kha) vv…

3 – Nhà Hán (206 tr.TL- 220) :

Ở hương ấp có nhà Tường, nhà Tự ; ở châu quận có nhà Học, nhà Hiệu.

Vương Mãng (8-23) mở nhà Minh đường, Tích ung, Linh đài và hàng vạn gian nhà cho học sinh ở. Hán Minh Ðế có khi đến giảng sách ở nhà Minh đường.

Phong trào trường tư đã thịnh (2).

4 – Thời Lục Triều (265-581) = Lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần :

Xã hội loạn ly, các Học Hiệu chỉ có danh không có thực, trường công ít, nhân dân phải tự lo lấy việc học nên trường tư rất thịnh.

Vì loạn lạc, lòng người chán nản, miệt thị lễ giáo, thích rượu chè, chơi bời, tư tưởng yếm thế, lãng mạn, duy mỹ, ưa bàn về huyền lý, gọi là cái học thanh đàm.

5 – Nhà Ðường (618-907) :

Thời Ðường sơ còn giữ nhiều tính cách hoa mỹ của Lục Triều, đến Thịnh Ðường mới phục hồi văn học thời Hán, lấy kinh sử làm cốt (Hàn Dũ : “Văn dĩ tái đạo” = văn để chở đạo), bài xích phong trào ủy mị, bỏ cái học thanh đàm.

Ðặt Quốc tử giám coi việc học chính, quản lĩnh 6 học quán : Quốc tử học, Thái học, Tứ môn học, Luật học, Thư học, Toán học. Có hai quán riêng cho con hoàng thân, quốc thích.

6 – Nhà Tống (690-1279) :

Hán nho nệ cổ, đời Lục Triều thì thiên về huyền học, xuất thế, đến Ðường Tống mới phản lại mà nhập thế.

7 – Nhà Minh (1368-1644) :

Các nhà Học, nhà Hiệu do các Giáo thụ, Huấn đạo đảm trách việc dậy dỗ.

Vương An Thạch (1021-86) nhận thấy lối học từ chương, ký tụng, không hay, đổi phép thi trở lại hỏi nghĩa Kinh. Mở rộng nhà Thái học, đặt ở đó ba xá :

– ngoại xá cho những người mới vào học ;

– trung xá cho những người học xong ngoại xá ;

– thượng xá.

8 – Nhà Thanh (1644-1911) :

Trường học vẫn theo quy củ nhà Minh, chỉ sửa vài điều cho thích hợp với người Mãn.

Năm 1905 bãi Khoa cử, chia trường học thành 5 bậc :

– Sơ đẳng tiểu học

– Cao đẳng tiểu học

– Trung học

– Cao đẳng dự bị

– Ðại học.

Ở tỉnh có những trường Tiểu học, Trung học, Cao đẳng và Sư phạm. Vẫn giữ các danh mục Cử, Cống, Tiến-sĩ.

II – TỔ CHỨC GIÁO DỤC Ở VIỆT-NAM TRƯỚC NHÀ NGUYỄN

1 – Nhà Lý :

Các vua nhà Lý, ngay từ vua Thái Tổ, đều là những người “lầu thông kinh sử”. Việt Sử Lược chép :”Thái Tổ thích xem hết kinh sử (…) Khi dựng điện Triều Nguyên sai đặt bên tả viện Tập Hiền (văn học) bên hữu điện Giảng Võ” (3). Năm 1070, vua Thánh Tông cho dựng Văn miếu ; năm 1076, vua Nhân Tông cho xây Quốc tử giám, sai các hoàng tử đến học ; năm 1087, xây Bí thư các.

2 – Nhà Trần :

Năm 1243, bắt con các văn thần vào Quốc tử giám học ; năm 1253, ban chiếu cho các học giả vào viện Quốc học giảng Cửu kinh (Tứ Thư, Ngũ Kinh) ; năm 1272, hạ chiếu tìm người thông hiểu Kinh Truyện cho hầu toà Kinh Diên (nơi vua học) và sung làm Tư nghiệp Quốc tử giám ; năm 1384, xây Thư viện trên núi Lạn kha (Phật tích) (4).

3 – Nhà Hồ :

năm 1398, Quý Ly cho rằng chế độ quốc học thì có đủ nhưng ở các châu huyện chưa có, bèn ban cấp ruộng học cho các phủ châu, bắt các viên Ðốc học ra sức dậy dỗ học trò, cuối năm nhà vua sẽ tự thi xét và cất nhắc.

4 – Nhà Hậu Lê :

Thời Hồng-Ðức, hàng năm phát sách Tứ Thư, Ngũ Kinh,Văn Tuyển,Văn Hiến Thông Khảo, Cương Mục vv. cho các phủ ; định lệ các Giám sinh, Nho sinh, Sinh đồ ngày rầm, mồng một phải điểm mục, nếu vắng mặt thì phạt : vắng một lần phạt 140 tờ giấy trung chỉ, vắng 3 lần đánh 40 roi, vắng 5 lần bắt sung quân.

Theo Bùi Huy Bích thì con cháu các quan học ở Sùng văn quán hay Tú lâm cục, người dân thường nếu thi Hương đỗ vào Tam trường thì học ở trường Hiệu, vào Tứ trường được học ở Giám (5).

1721 Quy định trường Quốc học dùng Tế tửu và Tư nghiệp làm chức quan giảng dậy. Con cháu các công thần văn võ đều được vào học cùng những học trò khác. Mỗi tháng thi một kỳ Tiểu tập để khảo học trò đã được vào học ; bốn tháng trọng (mỗi mùa có ba tháng, tháng trọng ở chính giữa, tức là các tháng 2, 5, 8, 11) thi Ðại tập khảo các Sinh đồ, Cử-nhân. Ai bốn kỳ đều trúng tuyển cho quan Giám đứng ra bảo cử, sẽ bổ dùng.

Trường Hương học dùng Hiệu quan giảng dậy Sinh đồ và Ðồng sinh tuấn tú trong phủ mình tình nguyện vào học. Mỗi tháng hai khóa thi khảo. Ai trúng tám kỳ mà là Sinh đồ thì được miễn các kỳ thi khảo hàng năm, còn là Ðồng sinh thì cho được vào trường thi Hương (6).

1767 Nhà Thái học ngày rầm, mồng một tập làm văn. Bốn tháng trọng khảo duyệt y như phép thi, trúng cao thì cất nhắc bổ dụng. Các xứ ngoài Ðề đốc Học Chính, các Thừa Ty sức cho Hiệu quan (Giáo, Huấn) bốn tháng trọng khảo như Quốc học. Kẻ trúng tuyển là Sinh đồ thì làm Cử-nhân, là Học sinh thì đợi kỳ thi và đã là Sinh đồ thì không bị truất nữa (7)).

Chúa Trịnh Căn (1682-1709) thấy mua sách học bị Hoa thương bắt bí nên sai người sang Trung quốc học trộm nghề làm giấy về truyền cho phường An-thái, ở gần Hồ Tây, cạnh phường Liễu-chàng (phường này vốn đã học được nghề in từ thế kỷ thứ 15). Song phải đợi đến thời Trịnh Giang (1729-1740) mới chế đủ giấy in các sách cần dùng cho việc thi cử và từ đấy cấm mua sách của Trung quốc (8).

1779 Ðịnh rõ quy chế, chấn chỉnh việc học. Trước hết dậy thực tế, có đức hạnh, sau mới đến văn từ. Học sinh chia hai hạng : Một là Trúng thức Giám sinh, hai là Nho sinh Sinh đồ. Hàng ngày nghe giảng sách. Ai có học hạnh, tài phẩm thì Chính đường bổ dùng (9).

III – GIÁO DỤC THỜI NHÀ NGUYỀN

A – LUẬT LỆ BAN HÀNH

1 – Vua :

Sử chép từ đời Trần, năm 1128 Vua bắt đầu ngự điện Kinh Diên nghe giảng sách.

Vua Chiêu Thống nhà Lê sáu ngày một lần cho giảng sách ở toà Kinh Diên, mỗi ngày một lần cho giảng sách ở viện Nội-hàn. Thường cùng Bùi Dương Lịch vào trong nội bàn giải nghĩa sách.

Vua Minh-Mệnh nhà Nguyễn rất hiếu học, những lúc nhàn rỗi thường triệu hai, ba đại thần đến giảng luận về nghĩa lý trong kinh sách và những sự tích đời xưa, đời nay, phong tục, sự vật ở nước ngoài (10).

Năm 1885, vua Ðồng-Khánh tuyên bố :”Ðức không thể bỏ một ngày không sửa, học không thể bỏ một ngày không giảng. Nay lễ lên ngôi đã xong, Khâm thiên giám chọn ngày mở nhà Kinh Diên, cho Nguyễn Hữu Ðộ, Phạm Ðình Bính, Nguyễn Thuật sung giảng quan”. Ngày 13 tháng 9, vua ngự điện Văn-minh, sai quan chuẩn định nhật kỳ tiến giảng : mồng 2, mồng 8, 12, 16, và 28.

2 – Các Hoàng tử, Hoàng đệ:

Gia-Long tỏ ra rất chăm sóc đến việc giáo dục hoàng tử Cảnh, ngay sau khi hoàng tử chính thức lên ngôi Ðông cung, vua cho dựng nhà Thái học, đặt Ngô Tòng Chu vào chức Phụ đạo, lại thêm 2 Thị giảng, 8 Hàn lâm viện Thị học cùng 6 Quốc tử giám Thị học, ngày hai buổi giảng bàn kinh sử. Ðông cung nói gì, làm gì, Thị học phải ghi chép, mỗi tháng một lần dâng lên vua xem. Khi nhận thấy Ðông cung chịu ảnh hưởng của Bá Ða Lộc, say mê đạo Thiên Chúa, tìm cách kín đáo ngăn cản, cho ra ở riêng.

Minh-Mệnh mới lên ngôi đã khiến các hoàng tử, hoàng đệ vào học ở nhà Hữu Phương Ðường, lấy Cần-chính Ðại Học Sĩ Ngô Ðình Giới, Lê Ðại Nghĩa sung chức giảng quan, hễ con em biếng lười thì đánh. Lại sai Bộ Lại chọn 8 người đức hạnh, siêng năng, sung làm bạn đọc sách của các hoàng tử (11). Ngô Ðình Giới định quy trình giảng học gồm 11 điều : kinh sử, trích yếu, ngày giảng sách, ngày tựu học, nghi lễ hầu hỏi vv. Vua dụ rằng mỗi khi trời rét quá thì cho về phủ khai giảng song các hoàng tử phải xuống chiếu mà ngồi, không được cậy là chỗ nhà riêng mà bỏ lễ.

Năm 1872 định cách thức giảng dậy ở nhà học Dục Ðức : Hoàng tử Ung Chân đã nhiều lần đặt các viên giảng tập sớm tối giúp đỡ sửa chữa thế mà 3, 4 năm nay học và hành đều chưa thấy tiến ích (…) Tư chất của người bậc trung trở xuống không dậy không nên người, không nghiêm không được (..) Bèn sai chọn lấy một cái roi mây giao cho hai viên giáo đạo để làm hình phạt trong khi dậy. Gian chính giữa nhà học đặt một cái án để sách, gian bên Tây đặt một chỗ người giảng, hai viên giáo đạo cùng ngồi một chiếu. Lại cách một chiếu đặt chỗ giảng tập hai viên một chiếu. Ở trước chiếu ấy có kỷ để sách mỗi người một cái. Gian bên Ðông đặt chiếu ngồi nghe giảng của Hoàng tử, chiếu ấy thấp hơn chiếu của viên giáo đạo một bậc nhưng đối ngang nhau (…) Hàng năm trước ngày khia giảng Khâm-thiên-giám chọn ngày tốt tư cho bộ Lễ sắm sửa lễ phẩm. Sáng sớm hôm ấy một viên giáo đạo ăn mặc chỉnh tề ba lần làm lễ dâng rượu, một viên giáo đạo tiếp theo làm lễ bốn lễ, Hoàng tử lễ bốn lễ, hai viên giảng tập tiếp theo lễ bốn lễ.

Trong Hồi Ký Bảo Ðại viết :

“Năm tôi lên 5 thì không còn được ở trong cung của các bà Hoàng Phi cùng với bà nội tôi mà phải sang ở Ðông cung, còn gọi là Thanh cung vì mầu xanh là mầu của phương Ðông và cũng là mầu của mùa Xuân, theo ý nghĩa của ngũ hành trong Dịch lý. Ðông cung có một phòng ngủ, một phòng khách, một phòng ăn và dẫy nhà phụ thuộc. Hàng ngày quan Phụ đạo đến dậy tôi học chữ Nho, học Luận Ngữ, học đạo làm người và đạo làm vua. Ðây là một nhà Nho, một vị quan học vấn uyên thâm. Ông cùng đi sang Pháp để kèm tôi về môn cổ học trong thời gian tôi lưu trú tại Pháp.

Trong bốn năm liền, tôi đã sống hoàn toàn cô lập, ăn một mình, học một mình, theo một chương trình đã được ấn định. Mỗi buổi sáng, sau khi điểm tâm qua loa, quan Phụ đạo đến giảng một đoạn sách Luận Ngữ, bắt tôi học và đọc lại. Bài học chữ Nho này luôn luôn hướng vào những châm ngôn, tục ngữ hay ca dao rất thông thường, phổ biến trong dân gian, đại để : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chính vì dựa vào Khổng học mà quyền hạn của vua có gốc rõ rệt, đồng thời cái quyền năng ấy cũng bị kiềm chế (…) Khi học kỹ bổn phận của đế vương tôi mới làm tròn sứ mệnh của ngôi Hoàng đế, làm cha mẹ dân. Thỉnh thoảng cha tôi đến xem tôi đã học đến đâu. Ngài thường hỏi tôi về những điều đã học và chỉ yên trí khi nào tôi đã nhập tâm. Trong thời gian đó, tôi chẳng có món đồ chơi nào. Buổi trưa tôi chơi trong vườn hoa ở phía sau cung điện.Vườn có tường cao bao bọc, về mùa Xuân hoa cỏ đua nhau nở, giữa vườn có ao sen, tôi thường ngồi đó câu cá cả giờ.

Trong những dịp lễ lạc, tôi đến vấn an bà tôi và theo một nghi thức chặt chẽ : chỉ được quỳ mà thưa gửi, trong khi bà tôi ngồi sau chiếc mành trúc, tôi chỉ trông thầy lờ mờ” (12).

3 – Thế tử :

Năm 1727, Quốc lão Chưởng Phủ Sự Ðặng Ðình Tướng dâng quyển Thuật Cố Quy Huấn Lục, xin đem ban cho Thế tử nhà Chúa, gồm tám thiên, mỗi mục viện dẫn kinh truyện, cổ thư : bồi dưỡng tính tình, coi chầu đúng thời, phân biệt trung và nịnh, gần người trung chính, xa lánh nữ sắc, tránh kiêu căng, xa xỉ vv. Chúa khen, sai ban cho Thế tử (13).

4 – Tôn sinh :

Nhà Tôn học đường lập ra để dậy con cháu các hoàng thân, định rõ chương trình, khóa hạch vv. Vua Minh-Mệnh cũng tỏ ra rất trọng việc học :

Năm 1822, Minh-Mệnh chọn trong Tôn thất từ ba đời trở xuống, lấy 60 con em nhỏ tuổi thông mẫn, tuấn tú, cho vào nhà Thái học đọc sách gọi là Tôn sinh, cấp lương tháng, ban mũ Tứ phương bình đính, áo sa hoa mầu bảo lam trong lót vải trắng, kiểu tràng vạt, xiêm bằng trừu mầu lam, đai đỏ, hia tất đủ bộ.

Năm Minh-Mệnh thứ 10, bộ Lễ xin định Tôn học khoá trình :

a – Quan Học chính xét người học chăm hay lười, số ngày ngồi học, nghĩa lý thuộc hay không, văn nghệ tập tành thông hay không, rồi tâu lên. Hạng ưu được tăng lên một nửa nguyên bổng, hạng thứ bị giảm một phần ba, hạng liệt giảm một nửa lương.

b – Ðịnh lại lệ xin nghỉ học : Húy nhật cha mẹ cho cáo 5 ngày, húy ông bà, tổ tiên, cho cáo 3 ngày, bệnh nặng cho cáo 10 ngày, có thể xin gia hạn. Vô cớ thác bệnh bị đánh đòn (14).

Minh-Mệnh thứ 11 : Ban cho các Tôn sinh ở Quốc tử giám mỗi người một bộ Tứ Thư và giấy, bút, mực. 12 người đi sát hạch, trúng ưu hạng, được thưởng mỗi người hai quyển sách nhỏ bọc lụa và một hộp bút mực. Ðợi kỳ Phúc khảo rồi bổ dụng.

5 – Ấm sinh :

Năm 1852 quy định phép học, phép dậy các Ấm sinh.

Năm 1886, định lệ chi lương cho Ấm sinh. Người nào cha đã nghỉ việc hay chết, lương vẫn theo lệ cũ. Nếu cha tại chức thì Hội đồng sát hạch, xét hạng ưu, bình, được 3 cân dầu ; chưa sát hạch, hạng nhất và nhì cũng được 3 cân dầu, hạng ba được 2 cân. Cấp thêm mỗi tháng 2 quan tiền bút giấy, còn gạo lương ở kho đều đình cấp (15).

Năm 1888, tuyển con em quan viên từ 15 đến 22 tuổi, lấy 5 người, cấp cho mỗi người 10 đồng, cho sang Ba-lê học chữ Tây (trước đó đã tuyển 20 người) (16).

6 – Dân gian :

Năm 1825, định lại phép giảng dậy : trước giảng Kinh, Truyện, sau đến chính sử. Học quan cùng học trò phải chỉnh tề khăn áo, phân biệt trên dưới, ngồi yên. Ai lười học, hư nết, học kém thì đánh vào áo để làm nhục.

Năm 1829, Nguyễn Công Trứ tâu : những làng ấp mới tại các huyện Kim-sơn, Tiền-hải, đều họp dân phiêu lưu, xin cho đặt trường học, dựng nhà học, đón thầy dậy. 8 tuổi cho vào nhà học, dậy quét nhà, hiếu trung, kính nhường, sau mới dậy văn ; 16 tuổi cho lên trường huyện, phủ hay trấn. Ai không học được cho đổi nghề khác (17).

Năm 1836, ban sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Ðại Toàn, Thi Văn Tập Yếu vv. 1170 bộ cho Quốc tử giám và học đường. Ðịnh khóa trình cho Quán Tư dịch học tập văn tự ngoại quốc. Học 3 tháng : chữ Tây mỗi ngày 2, 3 chữ, chữ Xiêm, Lào, mỗi ngày 7, 8 chữ ; từ 5, 6 tháng trở đi : chữ Tây từ 4, 5 chữ đến 6, 7 chữ, chữ Xiêm, Lào từ 8, 9 đến 11, 12 chữ. Ba tháng một kỳ, thuộc viên bộ Lễ và Nội các chia nhau đi sát hạch, cuối năm đồng sát hạch. Năm 1846, cho bộ Lễ và Quốc tử giám sửa bản in Tứ Thư, Ngũ Kinh Ðại Toàn in tiếp để cấp thêm. Học trò muốn cũng cho đến Quốc tử giám mà in (18).

Năm 1872, sai Nguyễn Hoằng đi Gia-định mua sách. Tướng quyền tạm của Pháp soạn cho 8 loại, cộng 333 quyển, đồ bản 36 tờ, trong số có 3 loại về đạo giáo thì trả lại. Trả tiền tướng ấy không nhận, vua viết thư và biện trâu, dê để tặng (19).

7 – Học quan :

Bộ Lễ coi việc giáo dục cả nước. Ở tỉnh có quan Ðốc học, ở phủ có Giáo thụ, ở châu, huyện có Huấn đạo, do triều đình bổ, mỗi người coi một trường công trong hạt. Những sĩ tử học trường tư hạng khá đều được đến học tập ở trường công của các viên Ðốc học, Giáo thụ, Huấn đạo, đợi khoa thi Hương.

Năm Minh-Mệnh thứ 6, định rằng thi Hạch xong, xét sĩ số nhiều hay ít để phân biệt học quan tốt hay xấu. Năm 1856, Nguyễn Hữu Kiện, ấm sinh, học Quốc tử giám, năm ngoái thi Hương viết không đủ quyển, quan bộ Lại cho là các quan ở Giám khảo hạch không tinh, xin theo lệ Ðốc học các tỉnh, mỗi học sinh có vết xấu thì phạt học quan 9 tháng lương bổng. Vua chuẩn (20).

Năm 1881, định lệ thưởng phạt các học quan. Sĩ số trong hạt :

– từ 50 người trở xuống, có một người đỗ Phó bảng thì các giáo viên tại chức đủ 3 năm được thăng một cấp ; nếu có một người đỗ Tiến sĩ thì được thăng một cấp, kỷ lục một lần ;

– từ 60 đến 100 người, có một người đỗ Phó bảng được thăng kỷ lục hai lần ; có một người đỗ Tiến-sĩ, thăng kỷ lục ba lần ;

– từ 600 đến 1 000 người, có một người đỗ Phó bảng, thăng kỷ lục một lần ; có một người đỗ Tiến-sĩ, thăng kỷ lục hai lần.

Tùy theo số người đỗ mà thưởng thêm. Người nào tại chức chưa đủ 3 năm thì thưởng bớt đi. Học trò hạt khác đến học mà đỗ học quan cũng được thưởng.

Lệ phạt : Thi Hội không ai đỗ thì Giáo, Huấn cùng Thượng ty tại chức từ một năm, bị phạt ba tháng lương ; tại chức 1 năm rưỡi, phạt 6 tháng lương ; tại chức 2 năm, phạt 9 tháng lương ; tại chức 3 năm, phạt một năm lương (21).

B – TỔ CHỨC HỌC VỤ

Triều đình chỉ chú trọng tổ chức việc học ở kinh đô, đặt giáo chức ở các lộ, các phủ cho học trò có chỗ học tập để đi thi, còn bậc tiểu học không tổ chức, các tư gia phải tự đón thầy về dậy. Trường tư được mở ra rất nhiều, kể cả những trường Ðại tập do các quan về hưu hay cư tang giảng dậy. Thầy nào nổi tiếng hay chữ rất đông học trò, ngày bình văn thường cho phép cả những người không phải học trò mình cũng được dự nghe. Theo Vũ Ngọc Phan thì mấy trường nổi tiếng ở Thăng-long xưa là trường Ðại tập của Phương Ðình Nguyễn văn Siêu, của ông Cử Kim-cổ Ngô văn Dụng, ông Nghè Ðông-tác… Ngày bình văn, học trò các nơi xa đổ về nghe rất đông (22).

Ðại khái, việc học chia ra ba trình độ :

1 – Ấu học và Tiểu tập :

Trẻ con khoảng 5, 7 tuổi bắt đầu học vỡ lòng những sách có vần cho dễ nhớ, học cha anh trong nhà hay học Thầy đồ trong làng. Trong “Ngày Xuân nhớ Xuân”, Tản Ðà cho biết lên 5 đã học Tam Tự Kinh, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi ; 6 tuổi học sử, Luận Ngữ, Truyện, quốc ngữ ; từ 7 đến 10 tuổi học làm câu đối, thơ văn.

Con gái, nếu được đi học, cũng bắt đầu bằng Tam Tự Kinh, Minh Ðạo Gia Huấn, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Hiếu Kinh, Luận Ngữ ; 10 tuổi học Kinh Lễ, song chỉ học thiên “Khúc Lễ” và “Nữ tắc”, thêm mấy bài Ðường thi, mỗi ngày viết một tờ phóng ; đến 13, 14 ngừng học để tập nữ công (23).

a – Tiên học lễ : Lễ dậy người ta biết cách cư xử, phân biệt thân sơ, tôn ti trật tự. Gia đình được hòa mục, xã hội yên bình là nhờ ở lễ. Trên thực tế, người ta dậy trẻ cách đối xử với mọi người có phép tắc, trên kính, dưới nhường, biết hiếu thảo, biết tam cương (đạo vua tôi, vợ chồng, cha con), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Mục đích là để dậy cho đứa trẻ có phẩm hạnh, biết phải trái, nên người hữu ích, người có tài mà vô hạnh thì chỉ biết có mình, không giúp đỡ ai, là hạng người vô ích trong xã hội.

b – Hậu học vănVăn phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả triết lý, chính trị, lục nghệ (lễ, nhạc, xạngựthư , số ) chứ không phải chỉ rèn luyện câu văn cho hoa mỹ suông.

Trước hết người ta dậy chữ Hán, học nghĩa và mặt chữ rồi tập viết, tập đồ. Lúc đầu dùng bút tre nhúng nước lã tô theo chữ khắc trên bảng gỗ, mấy tháng sau quen tay mới được tô mực theo chữ son viết sẵn trên giấy rồi viết phóng. Tập đồ chừng 6 tháng có thể viết buông được, tức là viết lấy một mình theo mẫu. Ở nhà quê không có sẵn giấy thì tập viết trên đất bùn hay cát.

Lệ thường buổi sáng học mặt chữ, kể nghĩa, đọc bài hôm trước, buổi chiều tập viết, cả tháng không nghỉ ngày nào (24).

Học ôn : lớp nhỏ một tháng hai lần, lớp lớn một lần. Mỗi kỳ ôn, học trò mang sách lên để Thầy chỉ định những chỗ nào phải ôn, phần nhiều bắt đầu từ kỳ ôn trước đến cách bài mới học một vài tờ. Quên chữ nào phải hỏi ngay. Hôm sau, Thầy mở sách đọc một câu, trò phải đọc tiếp câu sau, hỏi hai, ba câu khác nhau nếu đọc tiếp trơn tru thì được phê lên sách ưu mác tức là tốt thượng hạng. Sau đó, Thầy xếp thứ tự để định thưởng phạt. “Thưởng” thì chỉ thỉnh thoảng mới được phát giấy bút hay mực, còn “phạt” thì kỳ nào cũng có. Bị phê liệt phải quét nhà, phải đòn, hoặc luồn khố tức là phải chui qua “khố”, qua đũng quần một trò giỏi, để thấy nhục nhã mà trở nên chăm chỉ (25).

Viết ám tả : Thầy giở sách chọn một câu đọc lên rồi cất sách đi, hạn phải viết 20 hay 40 chữ. Học trò viết từ câu thầy đọc, đếm đủ số chữ thì ngừng, dù đang giữa câu cũng mặc (26).

Tập làm văn bài : bắt đầu học làm câu đối chữ Nôm, loại dễ 2, 3 chữ, tập chia bằng trắc, rồi bằng chữ Hán. Học đủ lối văn trường thi : kinh nghĩa, thơ phú, văn sách. Thường thì ngày  (lẻ) học thơ phú, ngày ngẫu (chẵn) học kinh nghĩa, văn sách.

2 – Trung tập :

Khoảng 10 đến 15 tuổi, vẫn học Thầy đồ trong làng, cũng có thể lên phủ huyện học các quan Giáo, Huấn. Tản Ðà cho biết 11 tuổi học làm thơ ; 14, học làm văn đủ lối ; 19, học Pháp văn.

Sách học bắt đầu với Tứ Thư, Ngũ Kinh, sử Trung quốc từ thời Bàn Cổ đến Nguyên, Minh, Nam sử từ đời Hồng Bàng đến Hậu Lê, rồi đến “Bách gia chư tử” tức các triết gia của Trung quốc. Học đủ thứ : triết lý, trị dân, giáo dân, mưu lược, võ nghệ, thiên văn, địa lý…

Lệ hàng ngày thì mỗi buổi học ba thứ, thí dụ : Kinh Dịch, Trung Dung và Tống sử. Một học sinh tốt giọng mở sách đọc hết bài và lời bàn của một chương, rồi Thầy giảng từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gần đến nghĩa xa, lời bàn nào phải, lời nào quấy…

Hàng tuần học làm văn. Học làm câu đối 7 chữ gọi là câu đối thơ, câu đối 8 chữ gọi là câu đối phú. Tập làm thơ phú ít vần, kinh nghĩa (giảng giải kinh sách) loại dễ. Bài đoạn là văn sách (thuật trị nước) ngắn, dễ. Khi đã thông thì học làm đủ lối như chiếu (vua thông tin cho thần dân), biểu (của quan dâng lên vua), luận.

Học trò lấy đầu đề về nhà làm, hôm sau đem đến nộp. Thầy chấm xong chọn các bài hay hoặc những đoạn hay trong một bài rồi cho bình tức là đọc to lên để mọi người cùng nghe, rồi Thầy giảng những chỗ hay, chỗ dở. Người “bình” phải có giọng tốt, to mà rõ ràng, lại phải biết cách chấm câu, lên bổng xuống trầm tùy lúc ngân nga, hiểu nghệ thuật bình văn, nhấn mạnh vào một số tiếng khiến cho câu văn hay nổi bật lên, không phải tùy ý muốn đọc cách nào cũng được. Cuộc bình văn thường kéo dài mấy tiếng đồng hồ (27).

3 – Ðại tập :

Khoảng 14, 15 trở lên, nếu học giỏi thì lên tỉnh theo học trường quan Ðốc học, hoặc các trường tư do các quan cư tang hay về hưu giảng dậy để luyện đi thi Hương. Cũng học sách và tập làm văn, nhưng ở trình độ cao hơn Trung tập.

Năm 1825, định lệ khóa tập làm văn hàng tháng ở nhà học vào những ngày 3, 9, 17, 25. Chiếu theo đầu bài bốn kỳ thi Hương, có yết bảng để khuyến khích. Cũng có khi mỗi tháng tập hai kỳ, lĩnh đầu bài về nhà làm. Thỉnh thoảng có một kỳ làm ngay tại nhà Thầy, gọi là nhật khắc (28).

Lệ năm 1838 : ở tỉnh, ngoài Ðốc học, các quan Tuần phủ, Bố chính, Án sát mỗi tháng một kỳ ra đầu bài để luyện học trò. Hạng ưu được thưởng giấy, bút, mực.

Thi thử : trước mỗi kỳ thi Hương, làm bài ngay tại trường. Vì là thi thử nên không loại ai, tất cả đều được dự đủ 4 kỳ. Lại chấp nhận cho cả những người không phải học trò mình cũng được phép dự thi. Các Giáo, Huấn, văn thần hàng tỉnh được mời tới chấm thi.

Chữ Hán vốn không phải là thứ ngôn ngữ thông dụng hàng ngày, người xưa thường chỉ dịch nghĩa rời rạc từng chữ một cách máy móc nên câu chữ Hán tuy có nghĩa lý mà sang tiếng Việt biến thành ngô nghê, khó hiểu, thí dụ : Nhân chi sơ mà dịch là ” người chưng xưa” thì đến người lớn còn không hiểu nói gì trẻ con. Huống hồ lại dậy đạo nghĩa khô khan cho trẻ mới học vỡ lòng chưa đủ trình độ hiểu biết, chỉ chiếu lệ học thuộc lòng cho vừa lòng người lớn cho nên trẻ con mới hay trốn học.

Ðứng trên quan điểm phái Tân học, Sở Bảo đã lên tiếng chỉ trích Hán học :”Học một mớ triết lý chẳng bổ ích gì cho óc non nớt, một giáo pháp của lối học hư văn, đầy khuyết điểm” (29).

Dương Quảng Hàm dè dặt hơn :”Với cái mục đích chú trọng về đạo đức và luân lý nên cách dậy không vụ sự mẫn tiệp, không cốt cho đứa trẻ chóng biết dùng chữ, đặt câu (…) Bất kỳ một bài học, một quyển sách dậy một chữ, một câu, là dậy một điều đạo nghĩa, không kể tuổi tác, trình độ hiểu biết của học trò, cho nên mới đem những triết lý cao siêu, phức tạp ra dậy trẻ mới học vỡ lòng như bàn về tính Thiện Ác (“Nhân chi sơ, tính bản thiện“), hay chuyện khai thiên lập địa (“Hỗn mang chi sơ, vị phân thiên địa” = thuở khai thiên lập địa, lúc đầu chỉ là một khối hỗn độn). Dù là dậy toán học cũng vẫn hướng về mục đích ấy, thí dụ : số 3 tượng trưng cho tam cương, hoặc trỏ vào Trời, Ðất và Người ; số 5 tượng trưng cho ngũ thường…“. Mục đích cốt cho trẻ thuộc lòng, chưa cần hiểu biết ngay, sau này lớn lên, có kinh nghiệm, suy ngẫm, sẽ thấm dần… (30).

CHÚ THÍCH

1 – Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, tr. 25.

2 – Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương, tr. 150.

3 – Việt Sử Lược, tr. 110, 117.

4 – Ngô Tất Tố,Văn Học Ðời Trần, tr. 15.

5 – Bùi Huy Bích, tr. 162 – Lê Quý Ðôn, Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 96.

6 – Tục biên, tr. 83.

7 – Tục biên, tr. 314.

8 – Nguyễn Triệu Luật, Ngược Ðường Trường Thi, tr. 67-8.

Ðào Trinh Nhất, Trung Bắc Chủ Nhật, số 183, 14/11/1943.

Nhưng theo Nguyễn Trãi (Đức Trai, tập Hạ, tr. 725) thì phường An-thái đã biết làm giấy sách từ đầu đời Hậu Lê, còn theo Biên Niên, tr. 37, thì nghề làm giấy của ta tinh xảo từ thời còn là Giao-chỉ, vì có “nhà buôn nước Ðại Tấn đến Giao-chỉ mua ba vạn tờ giấy “mật hương”.

9 – Tục biên, tr. 447.

10 – SKTT I, tr.260 – Cương Mục XX, tr. 33 – Minh-Mệnh Chính Yếu, I, tr. 219 ; III, tr. 101-2.

11 – Minh-Mệnh… , I, tr. 64, 69.

12 – Bảo Ðại, Con Rồng Việt-Nam, tr. 26-9.

13 – Tục biên, tr. 104-5.

14 – Minh Mệnh Chính Yếu, I, 77.

15 – Thực Lục, XXVII, tr. 328-9 ; XXXVII, tr. 221-2.

16 – Thực Lục, tr. 136.

17 – Thực Lục, IX, tr. 221-2.

18 – Thực Lục, XVII, tr. 179-80, 360 ; XXVI, tr. 93.

19 – Thực Lục, XXXI, tr. 229.

20 – Thực Lục, XXVIII, tr. 268.

21 – Thực Lục, XXXV, tr. 79-80.

22 – Vũ Ngọc Phan, Những Năm Tháng Ấy, tr. 51.

23 – Ngô Tất Tố, Lều Chõng, tr. 72.

24 – Trần văn Giáp, Khai Trí Tiến Ðức, tr. 66 – Chu Thiên, Bút Nghiên, tr. 17.

25 – Bút Nghiên, tr. 49.

26 – Bút Nghiên, tr. 53.

27 – Bút Nghiên, tr. 91.

28 – Thực Lục, VII, tr. 203.

Nguyễn Triệu Luật, Bốn con yêu và hai ông đồ, tr. 80.

29 – Sở Bảo, Trung Bắc Chủ Nhật, số 27, 1940.

30 – Dương Quảng Hàm,Văn Học, tr. 23-31.

CUỘC BÌNH VĂN TRONG NHÀ GIÁM

Khoảng năm Giáp Thìn (1784-1785) đời Cảnh-Hưng, ta mới ra du học đất Kinh thành. Cứ mỗi tháng, trước ngày sóc (= mồng 1) vọng (= ngày rầm) một ngày thì nhà Quốc học (Quốc tử giám) mở cuộc bình văn. Ta có theo các bậc cha anh xuống nghe bình văn thì thấy trên thềm, khoảng giữa, ngảnh mặt về phương Nam, có trải ba cái trúc tịch. Ở trên là vị quan Tri giám ngồi, ở giữa là quan Tham tụng và quan Hành Tham tụng ngồi, ở dưới là các quan Bồi tụng ngồi. Các quan Thị lang, Tham đô thì ngồi phía Ðông, ngảnh mặt về hướng Tây. Còn các người khác đều ngồi phía Tây mà ngảnh mặt về hướng Ðông. Chiếu người bình văn ngồi về hướng Tây. Lúc bình văn, các quan chính phủ ngồi giữa chủ trì, các quan ngồi chiếu phía Ðông thì thỉnh thoảng bàn bạc, cân nhắc. Lệ cũ vẫn như thế. Lúc bấy giờ quan Thái phó, Quận công Nguyễn Hoãn lại mới được triệu ra làm quan Tri Quốc tử giám, ngồi chiếu trên, khoảng giữa, rồi đến vị liệt hầu là Bùi Huy Bích lấy chức Hành Tham tụng, ngồi chiếu giữa. Võ-nghị Uông Sĩ Diễn, Mộ-trạch Võ Huy Dĩnh, Thu-hoạch Phan Cẩn, An-vĩ Trần Xán đều lấy chức Bồi tụng ngồi chiếu dưới. Chiếu phía Ðông thì Lý Trần Quán, Nguyễn Ðình Trạc. Còn từ Lê Huy Tiềm trở xuống đều ngồi ở chiếu phía Tây. Lúc bình văn thì tiếng Hoàng Vĩnh Trâm rất trong, rất vang, tiếng Nguyễn Cầu rõ ràng, bình dị. Lưu Tiệp giọng ngắn mà đọc không rõ, Thiều Sưởng thì đọc không nghe ra tiếng gì cả. Còn cái quyền cất nhắc thì chỉ do Bùi Huy Bích quyết định ; thứ đến các quan Bồi tụng cũng có bàn bạc, cân nhắc. Duy quan Tri giám Nguyễn Hoãn thì thủy chung nín lặng không nói câu nào, thỉnh thoảng chỉ sẽ cười hi-hi mà thôi. Ta trong bụng lấy làm ngờ, hỏi các bè bạn thì ai cũng cười, không bảo rõ. Ta lại càng ngờ, sau hỏi đến các bậc lão thành thì có người bảo rằng :”Nguyễn công học vấn không được học trò phục cho nên lúc bình văn ở nhà Giám không tỏ ý khen chê gì cả”.

(…) Lúc mới đến hội họp, quan Tri giám đứng ở phía Tây, chiếu giữa, quan Tham tụng, Bồi tụng thì đều đứng xế về phía Ðông Nam chiếu mình ngồi, các quan ngồi ở chiếu phía Ðông thì đứng về phía Ðông chiếu mình ngồi. Quan Tri giám lúc bấy giờ mới hướng vào hai chiếu giữa, vái chào mời ngồi, quan Tham tụng, quan Bồi tụng đều vái đáp lại. Rồi quan Tri giám lại vái mời chiếu phía Ðông, các quan Thị lang, Tham đô đều vái đáp lại. Lại hướng vào chiếu phía Tây vái chào mời ngồi, các quan chiếu phía Tây đều vái đáp lại, xong rồi đều lên chiếu theo thứ tự mà ngồi. Chiếu giữa và chiếu phía Ðông thì hộp trầu, ống súc (ống nhổ) bầy đủ mỗi vị quan viên một bộ, còn chiếu phía Tây thì mỗi chiếu hai hộp trầu, hai ống súc. Mặt trời đứng giữa trưa, quan Tri giám sai nha dịch bảo lính lệ sửa soạn cơm trưa, cỗ bàn cũng lịch sự lắm. Cứ lệ thì do nhà bếp riêng quan Tri giám làm cỗ, mà tiền thì dân tạo lệ (dân sở tại sung làm lính lệ) cung ứng và lấy tiền thuế các hồ Huy Văn.

Phạm Ðình Hổ (1768-1839), Vũ Trung Tùy Bút

Phạm Ðình Hổ, tục gọi là Cụ Tế Ðan-loan (huyện Ðường-an, Hải-hưng). Cha đỗ Cử-nhân, làm Tuần phủ Sơn-tây rồi cáo về ở phường Hà-khẩu (hàng Buồm, Hà-nội). Mồ côi cha từ sớm, về ở với mẹ, lớn mới theo cử nghiệp, đỗ Sinh-đồ. Thời Tây-Sơn ra Bắc, còn là Hàn nho. Gia-Long thống nhất, có đi thi nhưng không đỗ. Minh-Mệnh trọng là người có học vấn, cho làm Hành tẩu viện Hàn lâm, rồi Tế tửu Quốc tử Giám, Thị giảng Học sĩ. Ưa nghiên cứu cổ sử, địa lý, triết học.Tác giả Vũ Trung tùy bút, đồng tác giả Tang thương ngẫu lục với Nguyễn Án. Có người cho ông là Chiêu Hổ, bạn văn thơ của Hồ Xuân Hương, song xét ra tính nết, văn phong của ông đạo mạo, khác hẳn Chiêu Hổ.

Khoảng 1785 Bùi Huy Bích giảng sách ở Quốc-tử-giám, theo Cương Mục XX, 12.

“BÌNH VĂN” DƯỚI NGÒI BÚT ÐẶNG THÁI MAI

Ngày bình văn thì từ sáng sớm trên sàn nhà đã rải ra hàng chục chiếc chiếu với bút nghiên, ấm chén, trầu, nước và điếu cầy, đèn dầu lạc. Ðến giờ bình, mấy chục ông Sinh đồ vừa ngồi chăm chú nghe, vừa nhai trầu, hút thuốc, uống nước, đôi khi gật đầu lia lịa hay rung đùi mỗi một lúc nghe được một câu văn bình mà mình phục là hay. Thỉnh thoảng người bình dừng lại trong chốc lát để các thính giả phát biểu ý kiến riêng của mình về bài văn vừa được “tuyên độc”. Những buổi học tập thế này đối với thầy trò hồi ấy vui vẻ, ồn ào chả kém nào một ngày hội linh đình, nhộn nhịp. Thảo nào, khi đọc sách gặp được một câu văn, câu thơ hay, thì các cụ vẫn ghi vào bên cạnh lời bình truyền thống : Khoái chá nhân khẩu (ngon miệng như được ăn miếng nem, miếng chả !).

Ngày bình văn thường được ấn định vào ngày mồng một trong tháng âm lịch. Nghe đâu sự lựa chọn thời điểm này cũng có cả một ý nghĩa văn chương và lịch sử lâu đời. Không biết ngày xưa, ở một nơi nào bên Tầu, có một quả núi gì rất nhiều cỏ thơm và nhiều thỏ, và các chú thỏ ở đây cũng có một nếp sống là lạ : cứ vào đêm ba mươi sáng mồng một thì người ta thấy đông đảo họ nhà thỏ tụ họp cùng nhau nhẩy nhót chíu chít, nhìn trời đất, nhá hoa lá và rung đùi có vẻ rất là đắc ý. Người ta bảo rằng đó là những cuộc hội họp vui chung để làng thỏ cùng nhau trò chuyện về thú vị của đời sống mình trong tháng vừa qua. Âu cũng là nếp sống khá tao nhã (nếu các chú thỏ cùng biết làm văn và bình văn) vả lại vì sao các vị cũng rung đùi ? Hình như mối liên tưởng duy nhất ở đây là ở chỗ lông thỏ đã được dùng làm bút, và bút là dụng cụ cần thiết để viết văn.

(…) Bỗng một ngày đầu tháng nào đó trong năm ấy (…) thì một tai bay vạ bốc đã tới với tôi. Ông thân tôi bỗng ra lệnh cho tôi lên nghe bình văn ! Tiếng sét lưng trời giữa một buổi giời quang mây tạnh có đánh vào tai tôi trong giờ phút “thái bình” này, chưa chắc đã gây lên trong tâm hồn tôi những nỗi kinh hoàng đến thế. Tôi không chịu đi lên giảng đường : mẹ tôi và chú Ðĩ Thiêm đẩy tôi lên. Ông thân nhét tôi vào một góc sau tràng kỷ. Chắp tay lại, và ngồi đấy ! Màn kịch cũng như diễn viên quả tình chẳng có gì là hấp dẫn : bao nhiêu là bộ mặt xa lạ, và nghiêm nghị quá đi ! Ðặc biệt là những bộ râu quai nón và mũi diều hâu. Rồi đến khi một thầy đồ bình văn lên giọng ngâm nga đọc thì nhịp nhạc đối với tôi lại càng vô vị, chả bùi tai tí nào ! Và ngay cả những giờ phút huyên náo đầy nhiệt tình, thì ông thân tôi và các thầy đồ bàn bạc với nhau về một câu văn, câu phú gì đó, cười cười nói nói, đắc ý như thấy hiện thân của cái Ðẹp, thì tôi lại chỉ khao khát nghĩ tới những tiếng sáo của con diều giấy mà lũ bé chăn trâu đang thả cho bay bổng lên trời cao, bên bờ sông ngoài kia.

Tôi buồn. Rồi tôi cảm thấy đói, (giờ này, chắc mẹ đã về chợ và đang sắm sửa bữa ăn trưa). Hình tượng những miếng bánh, miếng thịt dưới nhà bếp bắt đầu lởn vởn trước mắt tôi. Tôi quên cả cái uy nghiêm của bố, cả cái trịnh trọng của ngày bình văn. Tôi không thấy gì nữa, không nghe gì nữa. Tôi muốn “tếch” khỏi chốn này. Tôi bắt đầu nhoai từ từ ra khỏi cái ghế của mình, lùi ra mấy bước nữa, dừng lại một chốc sau lưng một cậu đồ đang chăm chú ngồi nghe, và rồi cuối cùng tôi đã thoát khỏi vòng vây, xuống được tận nhà bếp ! Mẹ tôi ngần ngại một lúc, nhưng rồi cũng bê ra cho tôi một đĩa bánh mướt, một đĩa giò lụa và một chén nước mắm trên cái khay gỗ. Ngon ơi là ngon ! Trong chốc lát này tôi cảm thấy một niềm vui sướng đậm đà hơn lúc ngồi nghe lỏm bình văn trên kia nhiều. Nhưng kià ! Các thầy đồ bắt đầu nối tiếp nhau khom lưng chào quan thầy, rồi kẻ trước người sau, hớn hở ra về như vừa dự một bữa tiệc bánh mướt, giò lụa rất ngon vậy. Tôi bắt đầu hoảng. Thì ngay lúc ấy, chú Thiêm đã xuống gọi tôi.

Không xong rồi ! Lên trước án thư, tôi thấy ông thân tôi đang “vào” một cơn giận dữ mà tôi chưa bao giờ thấy. Ông cụ bắt tôi chắp tay lại rồi hỏi từng câu : Sao lại bỏ trốn ? Sao không ngồi nghe bình văn ? Ði xuống bếp làm gì ? Những câu hỏi dập dồn này được thét vào tai tôi với một giọng mỗi lúc một dữ tợn. Lý do rành rành ra đấy. Tôi biết trả lời thế nào ? Tôi không có gì để nói cả, ông thân tôi lại càng giận. Cuối cùng, ông bảo chú Thiêm đi lấy một con roi mây rồi bắt tôi nằm dài lên trên một cái bàn viết. Ðây là trận đòn đầu tiên, và cũng là trận đòn duy nhất mà tôi đã nhận được từ tay ông thân tôi, từ tay người mà tôi biết là người yêu tôi hơn ai hết. Có lẽ cụ cũng không nỡ đánh đau và đánh nhiều lắm đâu. Nhưng xưa nay tôi chưa hề bị đối xử như thế này. Chưa quen… Dầu sao một trận đòn vẫn là một trận đòn.

Ðặng Thái Mai, Hồi Ký

Ðặng Thái Mai (1902-84) người Nghệ-an, thuộc gia đình khoa bảng. Lúc nhỏ học chữ Nho, rồi theo trung học ở Vinh, năm 1828 tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Sư Phạm Ðông-dương. Vào Huế dậy trường Quốc học, rồi tham gia cách mạng, vào đảng Cộng sản, nhiều lần bị tù. Là một trong những người sáng lập phong trào truyền bá quốc ngữ. Viết các báo tiếng Việt và tiếng Pháp như Tin tức, Lao động vv. Nổi tiếng với những cuốn Văn học khái luận (lý luận văn học theo quan điểm cách mạng,1944) ; Lỗ Tấn (1944) ; Tạp văn trong văn học Trung quốc hiện đại (1945) : Văn thơ Phan Bội Châu (1959)…

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Chim Việt Cành Nam