Từ trước đến nay, khi đề cập đến thời điểm lên ngôi của Nguyễn Huệ, nhiều tài liệu đã ghi chép đó là ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) tại núi Bân (Phú Xuân-Huế), sau đó, từ Phú Xuân, nhà vua đã kéo đại quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh trong dịp tết Kỷ Dậu (1789). Sự kiện này đã được sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi chép:

“Mậu Thân, năm thứ 9 (1788) Tháng 11 : Giặc Tây Sơn là Nguyễn Văn Huệ tự lập làm vua, xưng hiệu là Quang Trung năm thứ 1. Chính lệnh của Tây Sơn đều tự Huệ mà ra. Nhạc chỉ giữ có Quy Nhơn, Phú Yên thôi.) ( ĐNTL T1, sđd, r. 239).

Sách Đại Nam liệt truyện cũng do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn ghi chép cụ thể hơn:

“Huệ được tin báo cả mắng rằng: con chó Ngô là hạng gì, lại dám ngông cuồng như vậy, tức thì ra lệnh cử binh. Các tướng đều xin chính vị trước, để ràng buộc lòng người. Huệ bèn đắp đàn ở bên nam núi Ngự Bình, lấy ngày 25 tháng 11, tự lập lên ngôi hoàng đế, đổi năm đầu là Quang Trung (1788); ngay ngày hôm ấy đem cả tướng sĩ, quân thủy quân bộ đều tiến đi; ngày 29 đến Nghệ An, đóng quân ở lại hơn 10 ngày…” (ĐNLT T2, sđd, tr. 517).


Tượng đài vua Quang Trung ở núi Bân (Thừa Thiên Huế)

Căn cứ vào đó, trong cuốn Quang Trung anh hung dân tộc (1788-1792) xuất bản lần đầu năm 1944, tác giả Hoa Bằng đã viết với cùng nội dung tương tự :

“Bắc Bình vương đang chú mắt vào thời cục Bắc hà thì Nguyễn Văn Tuyết từ núi Tam Điệp, vâng lệnh Ngô Văn Sở, phi ngựa trạm, đem tin khẩn cấp vào thành Phú Xuân (ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân 1788)…

Bấy giờ các tướng tá ai cũng khuyên vương nên hãy trước chính vị hiệu để ràng buộc lấy lòng người Nam, Bắc rồi sau sẽ ra bắt sống quân hùm beo ấy.

Chiều ý chư tướng, Bắc Bình Vương sai chọn ngày lập đàn Giao ở Bân Sơn, phía Nam núi Ngự Bình làm lễ tế trời đất và các thần sông núi…

Ngày hôm đăng quang, vua Quang Trung tự làm tướng, cầm đầu đại binh, đốc thúc các tướng sĩ ở tế đàn, kéo cả quân bộ, quân thủy rầm rộ ra Bắc hà với các triều khí đang tưng bừng bồng bột.” (Quang Trung…, sđd, tr. 186).

Tuy nhiên, trong tập Hoàng Lê nhất thống chí do nhóm Ngô Văn Gia Phái biên soạn đã chép là ngày lên ngôi của Nguyễn Huệ là 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788).

“Bắc Bình vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ mười một niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu thân (1788). Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An…”. (HLNTC, sđd, tr. 218).

Nội dung ghi chép trong Hoàng Lê nhất thống chí đã tạo ra sự nghi ngờ về thời gian vua Quang Trung kéo quân ra Bắc: chỉ trong vòng mấy ngày mà cả đoàn quân cả vạn người đến kịp Thăng Long trong dịp Tết?

Về thời điểm đô đốc Nguyễn Văn Tuyết nhận nhiệm vụ vào Phú Xuân thông báo, sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi chép là đúng ngày 24 tháng 11 âm lịch, đô đốc Tuyết vào đến Phú Xuân báo tin cho Bắc Bình Vương về tình hình quân giặc xâm phạm, cũng như việc thụ phong của vua Lê:

“Vì vậy việc quân Thanh đến Thăng Long, và việc vua Lê thụ phong ngày 22 tháng 11, từ Thanh Hóa trở vào, không một người nào được biết. Ngày 20 tháng ấy (tức tháng 11-TTT), (Ngô Văn) Sở lui về Tam Điệp, thì ngày 24 Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân. Bắc Bình vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay, nhưng các người đến họp đều nói: “Chúa công với vua Tây Sơn (tức Nguyễn Nhạc- TTT chú) có sự hiềm khích, đối với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh, càng dễ sinh ra ngờ vực hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính hiệu vị, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, rồi sau sẽ cất công ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa là muộn.

Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông thần núi, chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế…” (HLNTC, sđd, tr. 217).

Với các nội dung trên, nhà nghiên cứu Brian Wu đã nêu lên nghi vấn vì đã nảy sinh những điều vô lý:

1- Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, ngày 24 tháng 11, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết mới đến được Phú Xuân báo tin cho Bắc Bình vương về việc quân Thanh sang Thăng Long, và nếu ngay hôm sau – 25 tháng 11 (như Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép trong Thực lục và Liệt truyện ) Nguyễn Huệ lên ngôi thì chuyện đắp đàn 3 tầng ở núi Bân, việc chế tác áo cổn mũ miện, việc tế cáo thần núi, thần sông và bao nhiêu việc khác mà chỉ trong …1 ngày là xong, điều đó rất khó tin !

2- Cũng theo ghi chép trong Hoàng Lê nhất thống chí; ngày lên ngôi vua là 25 tháng Chạp, thì cần phải xem lại sử kiện có thật hay không việc quân Tây Sơn đi bộ thần tốc chỉ vài hôm từ Huế ra tới Thăng Long đúng vào dịp Tết Kỷ Dậu ?

Về vấn đề này, chúng tôi có nhận định như sau:

Như chúng ta đã biết, Hoàng Lê nhất thống chí (hay An Nam nhất thống chí) là bộ sách tiểu thuyết lịch sử viết theo thể chương hồi, vì thế nặng về hư cấu. Hơn nữa, sách không được khắc in mộc bản mà truyền lại là những bản chép tay, vì thế nội dung có nhiều vấn đề chưa thật sáng rõ. Cũng như thế, sách Đại Nam liệt truyện do Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép về triều Tây Sơn cũng chỉ là nặng về truyện, do đó không thể đòi hỏi sự chính xác được ở cả hai sách. Tuy nhiên, tổng hợp các điều ghi chép trên, chúng ta thấy việc lên ngôi của Bắc Bình vương vào 25 tháng chạp là điều rất khó xảy ra theo như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu trước đây. Do đó sự kiện chỉ có thể xảy ra vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788). Lý giải việc lên ngôi của vương chỉ sau 1 ngày nhận tin là điều hoàn toàn có thể xảy ra: vì tính cấp bách của việc quân, Nguyễn Huệ phải nhanh chóng lên ngôi để “danh chánh ngôn thuận” trước khi kéo quân ra Bắc. Do đó, có thể nói rằng những nội dung ghi chép Bắc Bình vương lệnh cho đắp đàn, chế ra áo cổn mũ miện…cho lễ lên ngôi chỉ là phần hư cấu, thêm thắt. Có thể hiểu rằng, với địa thế núi Bân có sẵn ở phía nam núi Ngự Bình sát với kinh đô Huế, việc lên ngôi được Nguyễn Huệ cho tiến hành ngay mà không phải cần bày biện nhiều nghi thức, nghi lễ vì tình hình bấy giờ đã quá cấp bách, do quảng cách khá xa và quan trọng hơn là cần huy động dân binh để chiến đấu, vì thế ông không thể để chậm trễ. Chỉ như thế mới giải thích được tiến trình hành quân ra Bắc, trong đó có thời gian nghỉ để chiêu mộ binh lính ở Nghệ An mất đến 10 ngày.

Từ những nhận định đó, thiển nghĩ việc hàng năm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức kỷ niệm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi cần chuyển qua tháng 11 Âm lịch, chứ không phải tháng Chạp mà bấy lâu nay chúng ta đã thực hiện. Cũng như thế, trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 9, các tác giả đã dựa và Hoàng Lê nhất thống chí để ghi rằng ngày lên ngôi của Nguyễn Huệ là 25 tháng Chạp năm Mậu Thân cũng cần phải được hiệu đính lại trước khi giảng dạy cho học sinh.

Tài liệu tham khảo:

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục T1, Nxb Giáo Dục, 2007.

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện T2, Nxb Thuận Hóa, 1994.

– Ngô Văn gia phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân-Kiều Thu Hoạch dịch, Nxb Văn Học, 1994.

– Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Quang Trung anh hùng dân tộc, Sở VHTT Bình Định xuất bản, 2003.

Tôn Thất Thọ

Theo Chim việt Cành Nam