Bạn Nguyễn Mạnh Côn cho biết rằng người Nhựt chỉ Trời bằng danh từ ngoại quốc mà họ đọc là SORA. Đành thế. Nhưng chúng tôi đâu có đối chiếu các ngôn ngữ khác, mà chỉ đối chiếu Mã Nhựt thôi.

Người Nhựt có hằng tá danh từ Trời mà một là của Ấn Độ: SAMA, nhưng họ lại dùng sai. SAMA của Ấn chỉ trỏ VÒM TRỜI, còn họ thì dùng để chỉ ÔNG THIÊN, và tại sao họ sai, chúng tôi xin giải thích.

Trong quyển sử của chúng tôi, chúng tôi có để lộ ra một mâu thuẫn lớn:

I) Chúng tôi cả tin vào tiền sử học.

II) Mặt khác chúng tôi lại bác tiền sử học, họ cho rằng nhóm Nhựt bộ Mã từ Nam Dương đi lộn trở lên Nhựt để cướp ngôi của nhóm Lạc bộ Trãi đã có mặt ở đó từ hơn 2.500 và đã dựng nước rồi.

Vì điểm sử đó không liên hệ đến ta, nên nếu có sai cũng không sao, và chúng tôi cố ý sai để chờ đợi một cuộc bắt bẻ về sự mâu thuẫn đó. Khi một điểm sử có mâu thuẫn, thì điểm sử ấy phải sai. Khi kẻ cả tin vào tiền sử học, lại nói rằng tiền sử học sai, thì phải bắt bẻ kẻ đó. Nhưng không có ai bắt bẻ chúng tôi về mâu thuẫn đó cả, mặc dầu tám tháng đã qua rồi, thành thử nay chúng tôi xin trình ra sự thật: tiền sử học đúng. Nhưng sách tiền sử học không dịch ra đây được thì chúng tôi ủng hộ tiền sử học bằng ngôn ngữ, và trong sách nầy tài liệu ngôn ngữ tìm được chỗ đứng hợp lý.

Khoa khảo tiền sử có thể thiếu sót mà không thể sai. Họ có chứng tích hẳn hoi nên họ mới dám viết như thế.

Nhưng dĩ nhiên là họ không có chứng tích ngôn ngữ như chúng tôi, và đây là loại chứng tích ấy.

Nhựt Bổn, từ Nam Dương đi Nhựt RẤT TRỄ mãi sau khi tiếp nhận văn minh Ấn Độ rồi, mới đi, bằng chứng là trong Nhựt ngữ đầy dẫy tiếng Ấn Độ:

Chuyện tránh thai ly kỳ của kỹ nữ Nhật Bản thời xưa

Sama                          = Trời

Macham → Michi    = Đường đi

Nama → Namê →Na          = Tên

Dĩ nhiên là vừa mới vay mượn, chưa kịp tiêu hóa là họ ly khai, nên chi họ dùng sai. SAMA của Ấn Độ chỉ có nghĩa là VÒM TRỜI, bị Nhựt hiểu là ÔNG THIÊN. Còn MACHAM chỉ có nghĩa là ĐƯỜNG TINH THẦN y như chữ ĐẠO của Trung Hoa, lại bị Nhựt biến thành ĐƯỜNG ĐI: Michi.

Ta tự hỏi họ đi làm gì và tại sao họ biết có Lạc bộ Trãi ở đó, để mà tới đó.

Họ không biết gì hết, tại thuận buồm xuôi gió vào mùa Nồm thì họ tới Nhựt, chỉ có thế thôi, còn lý do ra đi của họ là vì tôn giáo.

Quả thật thế, người Nam Dương đã mất luôn tôn giáo thờ Bà Trời của đại khối Mã Lai, vì đạo Bà La Môn xen vào quá mạnh. Cho tới ngày nay, họ còn đúc nhưng lưỡi gươm y hệt như người Đông Sơn, mà họ gọi là LAĐAI, nhưng họ chẳng còn biết đến Trời nữa, trong khi đó thì các thần xã ở Nhựt còn nguyên vẹn, giống đình của ta, và Thần Đạo, tôn giáo của chủng Mã Lai, còn được Thiên Hoàng thờ, mặc dầu Phật giáo ở Nhựt rất mạnh.

Hiện nay ở Nam Dương chỉ còn giống ta có cái ao cá và lũy tre làng, còn thì tôn giáo và cảm nghĩ đã hết từ khuya.

Thế nên sử Nhựt chép rằng vua đầu của Thiên Hoàng lên ngôi 5, 6 trăm năm trước Tây lịch, bị sử gia Âu châu thụt lại tới đầu Tây lịch là đúng khít nút. Lên ngôi một ngàn năm trước đó là các ông vua lon con của Lạc bộ Trãi, họ chưa thống nhứt như Hùng Vương nên mới bị bọn sau nuốt hết. Những ông vua ấy, Nhựt hoàn toàn bí, chỉ có sử Tàu là biết lõm bõm mà thôi. Bọn ấy cũng đã văn minh rồi nhờ dân 127 huyện Tàu di cư ra, nhưng cứ thua, vì như đã nói, họ chưa thống nhứt.

Bọn đi Madagascar và Trung Mỹ, chắc chắn là cũng vì lý do tôn giáo, và quả thật đến Trung Mỹ họ gặp bọn Trãi ở đó và hai đàng tiếp tục thờ Trời (và mần thịt người để tế thần y hệt như bọn Đông Di và Nam Man mà Tống Ngọc đã tả).

Quí vị đã thấy, chứng tích ngôn ngữ không có kém chứng tích tiền sử học chút nào hết. Nếu chúng tôi không có đọc tiền sử học mà biết tiếng Ấn và tiếng Nhựt thì cũng đi tới cái kết quả mà tiền sử học đã tới. Hơn thế, chúng tôi tới xa hơn là chúng tôi biết Lạc bộ Mã có ghé Đông Pháp lập ra Lâm Ấp và Phù Nam, còn tiền sử học thì không biết điều đó.

Nhờ ly khai, nên Nhựt giữ được đạo thờ Bà Trời của chủng Mã Lai:

Hiện nay tại Hòn Chén (Ngọc Trản) ở Huế, ta có đền thờ Thiên Y A Na mà xem ra thì đó là tôn giáo Đồng Bóng có tánh cách tương tự như các đền thờ ở đất Bắc.

Tên thánh gồm một chữ Nho „Thiên”, ghép lại với một danh từ Mã Lai Y A Na có nghĩa là Mẹ:

Ra đê:                    Ana

Giarai:                   Ina

Chàm Kim:           Ina

Nam Dương:        Inang

Nam Kỳ trung cổ:    Áng na

Việt Nam cổ thời:     Nạ

Cổ ngữ Tây Âu:   Nả

Người thờ, không giải thích được minh bạch Thiên Y A Na là gì, nhưng ta hiểu được đó là một danh xưng hỗn hợp Hoa Chiêm, Chiêm đây là Cổ Chiêm Thành, chớ Chàm hiện kim nói Ina, chớ không nói Y A Na. Vậy Thiên Y A Na là Mẹ Trời, tức Bà Trời, mẹ của muôn loài, theo tôn giáo thờ Trời của chủng Mã Lai (chớ không phải thờ Mặt Trời, và Mặt Trời ở trống đồng chỉ là tượng trưng).

MẸ thì hiện nay Đại Hàn còn chỉ bằng danh từ Ô-Mô-Ni mà Ô-Mô-Ni không xa nhưng danh từ trên đây một cách đáng kể, nếu dựa vào luật biến dạng kỳ khôi của Swadesh. Năm ngàn năm đã qua rồi thì một danh từ đã biến nát hết, X có thể biến ra Ô-Mô-Ni, Ina, Y A Na, v.v.

Nhựt Bổn chỉ mẹ bằng danh từ HAHA. Nhưng cách đây hai ngàn năm, hẳn là không phải là HAHA mà là cái gì đó.

Truyền thuyết Nhựt Bổn, được ghi chép lại trong bộ Cổ sự ký, tập I, có nói đến cặp bán thần là IZANA EM GÁI, hai vị bán thần nầy là hai anh em ruột, con của Bà Trời Thiên Chiếu.

Hai tên thần trên đây là viết theo chữ La Tinh, chứ viết theo chữ Nhựt thì sẽ đọc ra là Y-DA-NA.

Y-DA-NA rất gần Y-A-NA ở Ngọc Trản, mặc dầu hai vị thần đó là con, chớ không phải là Mẹ Trời. Nhưng hai người con đó là con đối với thượng giới, chớ vẫn là Mẹ (cha mẹ) đối với loài người.

Văn tự của thời quyển KOJIKI ra đời là văn tự của năm 714, việc ký hiệu chưa ổn định, truyền thuyết lại mù mờ, nên ta không thể biết chắc gì hết, nhưng không sao ta không thấy sự liên hệ giữa Y-A-NA ở Huế và Y-DA-NA ở Nhựt, liên hệ về hình dáng của danh từ và ý nghĩa của danh từ, cả hai hình thức đều cho thấy ý niệm MẸ TRỜI, và cả hai hình thức đều cho thấy ngôn ngữ của Lạc bộ Mã (Chàm và nhóm Thiên Hoàng) không khác nhau bao nhiêu từ năm 741 S.K. Đến năm đền Ngọc Trản được xây cất lần đầu, cái lần đầu đó, không còn ai biết là vào năm nào, và tại đâu, bởi không chắc lắm là tại hòn Ngọc Trản ngày nay, nhưng chắc chắn là không thể trước thời Hồ Quý Ly, người đã chiếm đất Chàm cho tới Chiêm Động (Quảng Nam), tức vào mạt điệp nhà Trần của ta, giữa thế kỷ 14.

Từ năm 714 đến đời Hồ Quý Ly thì một ngàn năm đã qua, và danh từ bị biến dạng Y-A-NA đến Y-DA-NA và vừa đúng theo luật Swadesh, tức chỉ mới biến có một lần.

Cũng nên biết điều nầy là người Chàm có ngôn ngữ y hệt như Nam Dương, tức y hệt như nhóm Thiên Hoàng từ Nam Dương di cư lên Nhựt. Nay ta thấy đã khác, không phải vì có sự biến dạng theo luật Swadesh, mà vì người Chàm mà thiên hạ biết, tức Chàm Ninh Thuận, không phải là người Chàm, mà chỉ là người Phù Nam. Sử Chàm chưa được viết đúng ở đoạn nào cả. Nhìn vào các địa danh Chàm ở miền Trung, ta thấy nó giống hệt Nam Dương mà rất khác Chàm nay. Chàm nay nói MƯ TAI = Chết, nhưng địa danh lại là MATI = Mất.

Không thể bảo rằng có sự biến dạng theo luật Swadesh, vì luật ấy chỉ nói đến 20% danh từ trong một thời gian là một ngàn năm, nhưng ở đây thì biến đến 100%.

Tóm lại tôn giáo thờ Bà Trời, Mẹ Trời của chủng Mã Lai (ít lắm cũng là Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã, tức Austronésiens) là một tôn giáo có tánh cách duy nhứt vào cổ thời, chớ không phải là những tin tưởng tạp nhạp chưa thành hệ thống như nơi các dân tộc cổ sơ khác, và nhóm ly khai khỏi Nam Dương để đi Nhựt Bổn có lý do mạnh mà ly khai vì tôn giáo.

Bọn Lạc bộ Trãi có thờ Bà Trời hay không thì không còn dấu vết gì để ta dám xác nhận hay phủ nhận. Trên thế giới, chỉ có ta mới kêu „Trời ơi!” mỗi lần kinh sợ hay than thở, nhưng ta có sống chung với Lạc bộ Mã, thành thử cũng có thể nói là ta bị ảnh hưởng, mà không dám chắc là ta đã thờ Trời. Nhưng Lạc bộ Mã thì chắc 100%.

Danh từ Trời của Đại Hàn gồm thêm từ NIM mà Nim vừa có nghĩa là Ông, là Bà. Đại Hàn là Lạc bộ Trãi, mà họ gọi Trời như thế, cũng có thể tin rằng Trãi cũng thờ Trời, nhưng không chắc gì hết vì đó là chứng tích rất mong manh.

Thần đạo, tôn giáo chánh của người Nhựt, đã bắt đầu suy từ thời Nại Lương vì ảnh hưởng Phật giáo quá mạnh. Tuy nhiên người Nhựt cứ giữ và xem đó là tôn giáo chánh thức vì chủ bái là Thiên Hoàng.

Đạo Phật một ngàn lần thịnh hơn, từ đó đến nay, nhưng không hề được hưởng tư cách tôn giáo chánh thức mà chỉ được nhà vua bảo trợ thôi.

Và trong Thần đạo, cứ là Bà Trời và anh hùng dân tộc được thờ phượng, hơi khác ta một chút xíu là ta không còn Bà Trời, nhưng rất giống Bắc Việt là luôn luôn đền thờ cất theo kiến trúc thượng cổ của chủng Mã Lai là nhà sàn.

Một dân tộc giữ đạo như thế, hẳn phải mang cả danh từ, danh xưng HARI theo họ trên bước đường di cư thứ nhì, ngược chiều với bước di cư thứ nhứt, và dĩ nhiên HARI không còn là HARI nữa, vì hai ngàn năm đã qua rồi, luật Swadesh đã chi phối HARI đến hai lần là ít: HARA HI.

Quyển sử của chúng tôi quá dày nên khi in, phải chặt bớt, hóa ra nhiều điểm, nói không hết lời. Đối chiếu ngôn ngữ trong đó chỉ là chuyện phụ thuộc. Ở đây chúng tôi xin trình bày rõ rệt về danh từ Trời.

Trước hết, đại khối Mã Lai chỉ có một danh từ độc nhứt để chỉ ba ý niệm:

Vòm trời
Ông trời
Mặt trời

Các nhóm Mã Lai kém mở mang ở rừng núi hiện đang còn dùng như vậy. Thí dụ người Sơ Đăng chỉ có danh từ HAI để chỉ ba món kể trên.

Các nhóm văn minh thì có hai ba danh từ:

1.      Vòm trời

  1. Ông thiên và Ngày
  2. Ngày

4.      Mặt trời

Nhưng không phải nhóm nào cũng có đủ số 4, riêng Nhựt thì có hàng chục với lối vay mượn xô bồ và vô ích của họ là lối biến nghĩa kỳ dị của họ. Thí dụ KAMI chỉ là đại danh từ mà Thần Nam Dương dùng để xưng ta với loài người thì Nhựt biến thành ÔNG THẦN. Đó là chỗ biết riêng của chúng tôi. Nhưng tự điển Pháp-Nhựt còn dịch kỳ dị nữa: Kami = Thần, Kami = Tạo hóa. Thế thì họ lại biến cả Kami là Ông thiên nữa, chớ không riêng gì SAMA và SORA.

Nhưng tất cả những danh từ Trời, Vòm Trời, Mặt trời, đều do một danh từ độc nhứt hồi thượng cổ mà ra, đó là danh từ HANA hoặc HANAL, hoặc HAI chớ không phải HARI hoặc HARA gì hết.

Tiếng Đại Hàn có những danh từ sau đây:

Hananim       = Ông trời

Hanul      = Vòm trời

Hai          = Mặt trời

Nal          = Ngày

HANA là số 1, NIM = ÔNG. Hananim = Ông số 1 = Ông trời = Vị thần to nhất của chủng Mã Lai thờ mặt trời (theo Tây, nhưng theo chúng tôi thì là thờ Ông trời, hoặc Bà trời tùy theo nhóm mẫu hệ hay phụ hệ)

Cái ông số 1, đẻ ra vòm trời : HANUL, đẻ ra mặt trời : HAI, đẻ ra NAL.

Đại Hàn là đầu đàn của Lạc bộ Trãi trên thế giới, và Sơ Đăng là đầu đàn của Lạc bộ Trãi trong lãnh thổ Việt Nam, thế nên hai anh đầu dọc ấy có danh từ trùng hợp với nhau, nhưng Sơ Đăng nghèo nàn hơn vì kém mở mang:

Sơ Đăng

Hai      = Ngày

Hai      = Mặt trời

Hai      = Vòm trời

Hai anh khác, cũng cứ trong lãnh thổ Việt Nam giữ cái khoen nối kết thứ nhì:

Mạ và Xi Tiêng

Nar     = Mặt trời

Nar     = Vòm trời

Nar     = Ngày

(người Mạ đã tiến đến hình thức Ngai= Ngày)

Ta thấy rõ là HANUL đẻ ra NAL ở Đại Hàn, và NAL Đại Hàn đẻ ra NAR.

Danh từ HAI và NAR vô cùng quan trọng vì nó cho thoáng thấy HARI của Câu Tiễu, của Nam Dương.

HAI đẻ ra HARI được, mà NAR cũng đẻ được nhờ âm AR, âm nầy có mặt trong HARI.

Thế thì HARI của Nam Dương không là gốc tổ, nhưng trong quyển sử, chúng tôi phải dùng HARI làm đối tượng, vì đó là danh từ của dân tộc đang tự xưng là Mã Lai. Chưa ai nhìn nhận Đại Hàn là Mã Lai thì không thể dùng danh từ Đại Hàn để làm cái đích. Hơn thế quyển sử ấy đã quá dày, chúng tôi không thể giải thích dài dòng về độc một danh từ. Một lý do nữa khiến chúng tôi chỉ phớt qua về ngôn ngữ trong quyển sử là vì chúng tôi làm việc, dựa trên tiền sử học và chủng tộc học, mà hai khoa đó chê chứng tích ngôn ngữ nên chúng tôi để dành chứng tích ngôn ngữ cho quyển nầy.

Bọn Trãi di cư đi Nhựt Bổn đồng lúc với bọn Trãi di cư đi Đại Hàn, có lẽ cũng đã nói HANA hồi cổ thời. Nhưng HARA bí mật của Nhựt thì lại không phải do HANA mà ra, mà là do HARI vì bọn lãnh đạo ở Nhựt là bọn Mã, từ Nam Dương di cư lên, và dĩ nhiên là mang theo HARI của Nam Dương.

Đến nơi, họ thắng trận, nhưng bọn Trãi bại trận có văn hóa đã cao lắm rồi, thành thử có sự nhượng bộ phần nào của kẻ thắng trận. HANA không bị tiêu diệt, nhưng HARI phải biến thành HARA để dung hòa, Trãi giữ được âm A cuối, Mã đưa vào được R.

Danh từ HARA của Nhựt được giữ kín, người thường chỉ biết HARA là cái bụng, là đồng bằng, nên khi chúng tôi nói danh từ HARA là ông Trời, ai cũng cho là sai.

Danh từ HARA chỉ có các nhà bác học mới biết, vì đạo thờ Bà Trời hồi cổ thời chỉ có hai quý tộc là họ Imbê và họ Nakatomi là được quyền tế lễ thay cho vua, và mới được nói đến HARA với cái nghĩa là Bà Trời. Dân chúng chỉ biết HARA là cái bụng, là đồng bằng.

Hiện nay hai họ đó đã tàn lụn, và Thiên Hoàng giữ độc quyền tế lễ và dân chúng tiếp tục không biết HARA.

Nhựt giữ kín HARA, nhưng vẫn sáng tác các danh từ khác, mà sáng tác hằng tá, hằng lô, với ngữ căn HARA bí mật đó.

HIRU, biến dạng của HARA, được mở đèn xanh, ai muốn dùng, tha hồ mà dùng.

HI, một sự co rút của HIRU cũng được mở đèn xanh.

Nhiều người biết tiếng và chữ Nhựt Bổn cứ nói rằng HI do NHỰT của Trung Hoa vì quả sách Nhựt Bổn viết chữ HI bằng văn tự Trung Hoa là NHỰT mà không viết bằng văn tự của họ. Đó là một việc làm kỳ cục của Nhựt vì đáng lý gì HI, danh từ quốc ngữ của họ, họ phải viết ra bằng văn tự quốc ngữ, chớ sao lại viết bằng chữ Tàu để gây ngộ nhận?

Chúng tôi e rằng người Nhựt đã quên danh từ của họ nhiều hơn ta, sự quên mà chúng tôi đã nói đến nhiều ở Chương II và chính họ cũng tưởng HI do Nhựt của Trung Hoa, nên họ mới viết chữ NHỰT để dịch chữ HI, mà không viết bằng quốc ngữ Nhựt Bổn, trong khi đó thì NHỰT BỔN rõ ràng được đọc là NIHON chớ không là HIPON.

Nhựt dụng    = NICHIYOO

Nhựt Bổn = NIHON

Nhựt dạ    = NICHIYA

Nhựt Mỹ   = NICHIBEI

Chúng tôi thấy hiện tượng kỳ dị ấy xảy ra ở nhiều danh từ, thí dụ danh từ SÁN (xơ mít) của Lạc bộ Trãi, họ nói SANA, thì không có gì lạ, nhưng lạ lắm là thay vì viết SANA bằng quốc ngữ Nhựt, họ lại viết ra bằng chữ Tàu. Còn SAN HÔ là tiếng Tàu 100% lại không được viết bằng Hán tự mà lại được viết bằng Hiragana. Họ làm việc kỳ cục như vậy, khiến người nước khác, học ngôn ngữ của họ, không còn biết ngữ nguyên ra sao cả, mà có thể chính họ cũng quên chăng, họ mới viết HI= Nhựt?

Tại sao SUIĐÔ được viết bằng hai chữ Hán THỦY và ĐẠO, còn SAN HÔ thì lại viết bằng Hiragana thì thật chẳng biết đâu mà mò.

Sự thật thì danh từ NHỰT của Trung Hoa, Nhựt Bổn đọc là NI, chớ không là HI. Cái mà họ đọc là HI chỉ là sự co rút của HARA và HIRU.

Họ có hằng tá danh từ do HARA và HIRU đẻ ra.

HARAMA      = Trời trong sáng sau cơn mưa

HARERU       = Trời sáng

HARESHON            = Vòng sáng quanh mặt trời

HARU            = Xuân (Mùa mặt trời)

HI                   = Mặt trời

HIASHI         = Ngày thu ngắn

HIATARI       = Phơi trải dưới ánh mặt trời

HIBOSHI      = Phơi khô

HIDAMARI   = Nơi được mặt trời hong cho ấm

KARARI         = Trời trong

ASAHI           = Mặt trời mọc

Nhưng ta chỉ cần biết là Nhựt đã biến HARI thành HARA, được giữ bí mật vì lý do tôn giáo, còn thường dùng thì:

1) Hi = Mặt trời, tương đương với Matahari

2) Hi = Ngày, tương đương với Hari

Vòm trời ( Fimrament) được chỉ bằng SARA.

Tuy nhiên, như đã nói, tiếng Mã Lai Nam Dương cứ còn rơi rớt lại đó đây nên ta mới nối kết giùm họ được. Thí dụ họ biến:

Nam Dương:            KAKI

Chàm:           TCAY

Việt Nam:     CẲNG

Nhựt:            ASHI

Nhưng KaKi còn nguyên vẹn trong ngôn ngữ Nhựt, trong danh từ MIZUKAKI = Cẳng nước = Cẳng có bẹ (Palmipède)

Thế nên chữ HARE, những HI của họ, ta mới biết do đâu mà ra, mặc dầu họ dấu biệt HARA.

Trên Cao Nguyên, người Sơ Đăng chỉ có độc một danh từ là HAI để chỉ ngày, Ông trời, và Vòm trời, và chính Hai đẻ ra HARI và TAGAY, Tagay đẻ ra NGÀY của ta.

Thế nên chúng tôi mới trình ra xâu chuỗi Hari = Trời, trong khi HARI chỉ là NGÀY của Mã Lai Nam Dương.

Tuy nhiên chúng tôi có nói rõ trong quyển sách đó rằng Nam Dương vẫn có dùng HARI trong một trường hợp độc nhứt để chỉ VÒM TRỜI. Đó là danh từ MẶT TRỜI của họ, họ nói là Matahari.

Thế thì Ngày với Trời đã bị đồng hóa ở khắp các địa bàn Mã Lai vậy.

Chúng tôi thấy nhiều xã hội Lạc không có danh từ Vòm Trời, chớ đừng nói là danh từ Ông Thiên là chuyện cao xa. Cả Vòm Trời, lẫn Ngày đều được gọi chung y như nhau. Nhưng các nhóm đã lập quốc thì có phân biệt hẳn hoi:

Nam Dương:          Hari = Ngày – Langít = Vòm trời

Châu Giang:           Hari = Ngày – Langít = Vòm trời

Chàm Ninh Thuận:         Hray        = Ngày – Lingik = Vòm trời

Chàm Bình Thuận:          Hrơy       = Ngày – Lingik = Vòm trời

Cao Miên biến Langít thành LÔ NGHỊT và chỉ TRỜI CHIỀU, còn Việt Nam cũng lập quốc, cũng văn minh, nhưng ta biến một danh từ thành hai danh từ, chớ không có sáng tác thêm danh từ thứ nhì, hoặc cũng có dùng Langít y như Cao Miên, nhưng đã đánh mất rồi.

Và xâu chuỗi biến dạng như sau:

Đại Hàn:       HANA

Nam Dương:            HARI

Nhựt:            HIRU

Nhựt:            HARA

Chàm:           HRAY

Chàm:           HRƠY

Rađê:             HRỤE

Sơ Đăng:       HAI

Đại Hàn:       HAI

Tới đây, ta đã thoáng thấy NGÀY ló dạng với âm AI của Sơ Đăng và âm AY của Chàm.

Nhưng còn phải qua vài cái khoen nữa, đáng kể nhứt là cái khoen NAR của Xi Tiêng và Mạ. NAR vừa là NGÀY vừa là VÒM TRỜI, lại có sự ló dạng của tử âm N và một mảnh vụn AR của HARI, trong NAR.

Nhưng ta cứ cho Trời đi luôn cái đã rồi mới nói chuyện NGÀY được.

Ta nói HƠRY của Célèbes đi liền sau HORƠY của Chàm Ninh Thuận. Nhưng từ HƠRY đến BLƠNY của Bà Na thì chúng tôi thiếu mất một khoen là khoen HƠNY mà trong xâu chuỗi CÁI LỢI của V.N thì có:

Nam Dương:            Lơny

Giarai:           Lơni

Việt Nam:     Lợi

Nhưng mất một cái khoen, mà cái đà biến dạng đã được sự biến của LƠNY thành LƠI cho thấy, thì ta có thể cho xâu chuỗi tiếp tục được. Vả lại, ta còn tìm được cái khoen BLƠ, ngay trong Việt ngữ. Dưới trào nhà Nguyên (trào Trần của ta) một sứ giả Trung Hoa có phiên âm một mớ danh từ Việt Nam. Ta thấy rằng họ phiên âm đúng hết, thí dụ: CHẲNG LÀNH họ phiên âm thế nào mà Quan Thoại thì nghe na ná như CHẲNG LÀNH, nhưng các nhà nho ta đọc hai chữ phiên âm đó là CHƯƠNG LĨNH. Như vậy ta có thể dùng cái bản phiên âm đó được để biết danh từ TRỜI của ta dưới đời nhà Trần ra sao.

MẶT TRỜI được phiên âm là BỘT MẠT. Đây là sự lầm lẫn về cú pháp của một sứ giả có cú pháp là Thiên Diện, Nhân Diện, v.v. Sự thật thì phải là MẠT BỘT.

MẠT là MẶT, không có gì rắc rối cả. Bột thì hơi phiền. Cái chữ Nho BỘT ấy, Quan Thoại đọc là PÔ.

Sao ta lại nói MẶT PÔ? Không, ta không nói MẶT PÔ còn vị sứ giả ấy cũng đã chứng tỏ biết cách phiên âm đúng. Ông ta chỉ không đúng vì có một âm Việt không thể phiên âm đúng đó là BLƠ.

BLƠ là cái khoen mà Pháp gọi là Antérieur immédiat de BLƠNY.

(Cũng nên biết rằng ngay trong biểu phiên âm đó, danh từ MẶT TRĂNG cũng đã được phiên âm là PHÙ BỘT MẠT, tức MẠT PHÙ BỘT. Mạt là Mặt. Phù thì họ đã dùng để phiên âm lu bù tiếng Việt:

B’ Nam = Phù Nam

Blù = Phù = Trầu

Chăm Pu Lô = Chiêm Phù Lao (Cù lao Châm)

Mặt khác, các quyển sách Tây xưa cũng có ghi chép rằng danh từ TRĂNG của ta xưa là Bulăng.

Cái đời xưa đó, chỉ là thế kỷ 18. Nhưng nhà Nguyên lại cai trị vào thế kỷ 13, và có thể 500 năm trước khi nói Bulăng, ta nói khác hơn là Bublơn chẳng hạn.

BU được phiên âm là PHÙ, còn BLƠN cũng cứ là BỘT, chính vì không thể phiên âm BL được nên ở cả hai danh từ, kẻ ấy đều dùng danh từ PÔ để diễn tả BL).

Đại Hàn:                  HANA, HANUL

Nam Dương:          HARI

Nhựt:                       HARA

Nhựt:                       HIRU

Chàm:                      HRAY

Jêh:                           HOERÒÉ

Chàm:                      HRƠY

Célèbes:                   HƠRY

Việt Nam đời Trần: BUƠ

Bà Na:                     BLƠNY

Rôglai:                     HURƠI

V.N Trung cổ:         BLỜI

V.N hiện kim:         TRỜI

Các phụ chi Mạ:     TROK, TRỒ

Mạ:                          TRÔ

Sự mọc đầu, mọc đuôi thình lình, đã có xảy ra thì chưa chắc đã thiếu một cái khoen giữa HƠRY và BLƠNY.

Ta bước sang NGÀY.

Danh từ NAL là NGÀY của Đại Hàn và Nar là NGÀY của Xi Tiêng, tuy khá giống nhau, nhưng cơ cấu lại khác hẳn.

NAL chỉ là sự co rút của HANA.

NAR lại là một cuộc chuyển mình lớn lao của HANA để biến sang HARI và NGÀY với các mảnh AR cuối, và mảnh N đầu.

Chúng ta đã thấy cứ bằng vào phương pháp lấy lửa thì người Xi Tiêng cổ sơ nhứt trong khối đồng bào Thượng. Thế thì họ là Trãi đồng hạng với Trãi Đại Hàn và chính họ đã chuyển bụng đẻ cho cái bào thai HANA đẻ ra một cặp song sinh chưa thành hình hằn: Ngày và Hari. NA báo hiệu Ngày, AR báo hiệu Hari.

Đại Hàn:             HAI   = Ngày            Hanul         = Vòm trời

Sơ Đăng:            HAI   = Ngày            HAI            = Vòm trời

Mạ và Xi Tiêng:           NAR     = Ngày      NAR   = Vòm trời

Đại Hàn:             NAL = Ngày

Danh từ của Xi Tiêng rất quan trọng vì nó có mọc đầu N trước nhứt. Còn một mảnh của HARI trong âm AR.

Danh từ Chàm với âm AY cuối và Sơ Đăng với âm AI cuối cũng rất quan trọng.

Thế thì có sự đẻ chửa sau đây:

Sơ Đăng:        HAI             = Ngày

Xi Tiêng:         NAR           = Ngày

Lào:                 NGÊ           = Ngày

Roglai:             TƠ NGÊ     = Ngày

Khả Lá Vàng:                    T’NGAI             = Ngày

Cao Miên:       TH NGAY = Ngày

Khả Tu:           TANGAAI = Ngày

Jêh:                  NGAI          = Ngày

Mạ:                  NGAI          = Ngày

Kơ Yong:        NGAAI       = Ngày

Mường:          NGAI          = Ngày

Việt Nam:       NGÀY        = Ngày

Một danh từ độc nhất HANA, đẻ ra hai danh từ do một thủ phạm chửa hoang là Xi Tiêng khi họ mọc đầu N thành hình và mọc đuôi R giữ AR và chỉ cả hai thứ bằng danh từ lai căng N + AR.

Chính NAR là đầu đảng của mọi biến dạng khi các dân tộc chẻ hai Nar ra thành N và AR rồi tha hồ gắn đầu, gắn đuôi mới vào. Nhưng đó là sự bí mật của năm tháng u minh, rất khó mà biết thật chính xác.

Hana đẻ ra → N → Đẻ ra đám con Ngày

Hana đẻ ra → AR → Đẻ ra đám con ARI, HARI, HARA.

(Người Cil và người Duan có lẽ còn cổ sơ hơn cả người Xi Tiêng nữa, nhưng chúng tôi không biết ngôn ngữ của hai thứ người đó. Có lẽ cái khoen nối kết thiếu là ở đó).

Cũng nên biết rằng trong Đại Hàn ngữ HANA là ÔNG TRỜI. NAR của Xi Tiêng và của Mạ do đó mà ra. Và HANA là đầu đàn đã biến thành HARI tại Nam Dương rồi Nhựt mang nó từ Nam Dương lên Nhựt và biến thành HARA.

Nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một danh từ độc nhất đã đẻ ra tất cả, mà cái danh từ đầu đàn đó có lẽ là HANA của Đại Hàn.

Đứa con bị giấu giếm là HARA của Nhựt, không ai biết là có, nhưng nó vẫn có. Và đọc Chương nầy rồi thì quý vị đã đọc quyển sử, không còn cho rằng chúng tôi nói bướng khi bảo rằng Nhựt ngữ có Hara = Trời.

Phải biết lịch sử của hai dân tộc độc quyền trong tôn giáo thờ Bà Trời là quý tộc Imbê và quý tộc Nakatomi mới biết có cái danh từ HARA không bao giờ được phép xuất hiện trong sách vở Nhựt Bổn

Bình Nguyên Lộc