Jules-Léon Dutreuil De Rhins (1846-1894), người Pháp, là nhà địa lý học, nhà thám hiểm chuyên nghiệp, từng trải các lịch trình hàng hải viễn dương. Xuất thân từ École navale, ông khởi đầu sự nghiệp với công việc thương mãi hàng hải năm 1870. Lần đầu tiên và duy nhất Dutreuil De Rhins làm quen với hàng hải Việt Nam cũng là lần đầu tiên ông tham dự vào công việc trong hải quân Pháp năm 1876. Ông đã tự bạch về việc này:

“Đầu năm 1876, tôi được biết vua An Nam mong muốn có 5 viên thuyền trưởng để cầm lái những chiếc tàu chiến mà nước Pháp đã tặng ông ấy. Tôi đã đề nghị trở thành một trong số ấy và tôi đã may mắn được ngài Bộ trưởng Bộ Hải quân lựa chọn.”[1]

Tàu vận tải Sèvre – con tàu cùng đôi sister-ship với tàu Mayenne, tại cảng Civitavecchia (Italie). Nguồn: theo http://www.netmarine.net/

Trên hải trình từ cảng Sài Gòn ra Huế năm 1876, ông là chỉ huy tàu Scorpion, cùng với các đồng nghiệp Dufourcq, Lelièvre, Hamelin, trong nhiều tháng đã chèo lái những con tàu thực tế không còn quá hữu dụng với hải quân Pháp và đã trở thành món quà chính trị tặng Nam triều. Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, De Rhins đã có nhiều trải nghiệm về thủy quân và hải thương Việt Nam qua nhiều cảng biển Đông Dương. Quan sát của ông được tích lũy trong hành trình đưa tàu biển từ cảng Sài Gòn tới Đà Nẵng, Huế, theo hiệp ước Pháp-Việt năm 1874 được ký tại Sài Gòn. Trong 22 điều khoản của hiệp ước Việt-Pháp 1874 này, điều thứ ba và thứ tư có liên quan tới chủ đề thủy quân của Nam triều và hàng hải của nước Pháp:

“Điều 3: Tổng thống Cộng hòa Pháp cam kết tặng miễn phí Quốc vương An Nam:

– 5 chiếc tàu thủy hơi nước 500 mã lực trong tình trạng hoàn hảo cùng với các bộ nồi hơi và máy móc, được nạp sẵn sàng vũ khí và thiết bị, phù hợp với những quy định về trang bị hàng hải.[2]

Chính sử Nam triều xác nhận thiện chí và quá trình giao tặng 5 tàu thủy hơi nước của chính phủ Pháp:

丙 子 嗣 德 二 十 九 年…

閏 五 月… 命 商 舶 參 辨 阮 有 度 充 欽 差 往 嘉 定 撿 認 贈 好 火 機 戰 船 辰 富 帥 致 書 商 舶 言 該 國 炤 約 贈 船 併 隨 船 礮 械 藥 彈 現 在 嘉 定 邀 以 派 官 往 認 之 舶…

八 月…富 國 遞 交 贈 好 船 礮 藥 彈 等 項 依 約…”

“Bính Tý, Tự Đức năm thứ 29 [1876]…

Tháng Năm nhuận… Mệnh cho Tham biện Thương bạc Nguyễn Hữu Độ sung Khâm sai, đến Gia Định kiểm nhận chiến thuyền có máy do nước Pháp có lòng tốt tặng. Nước Pháp gửi thư tới Thương bạc cho hay nước ấy y theo hiệp ước, tặng tàu và pháo, súng, đạn dược phù hợp; tàu, hiện ở Gia Định, mời  [Đại Nam] phái quan chức tới nhận tàu…

Tháng Tám… nước Pháp y theo hiệp ước, thiện ý giao tặng tàu, pháo, súng, đạn dược…”[3]

Sau khi món quà đến tay Nam triều, Hoàng đế đương thời là Tự Đức đã đổi tên cho 5 chiếc tàu hơi nước ấy là Lợi Tải, Lợi Tế, Lợi Đạt, Lợi Dụng, Lợi Phiếm[4]. Trước đó, những chiếc tàu quà tặng mang tên La Mayenne, D’Estaing D’Entrecasteaux, Scorpion và Biên Hòa.

Trên hành trình khám phá nhiều cảng biển và cảng sông ở Đông Dương, Dutreuil De Rhins đã ghi chép và sau đó cho xuất bản tác phẩm Le royaume d’Annam et les Annamitesjournal de voyage [Vương quốc An Nam và người An Nam: du ký hành trình], Paris: Plon, 1879; tái bản 1889. Trong ấy, vịnh Đà Nẵng với cách gọi của De Rhins là “baie de Tourane” đã được quan sát rõ nét về vị trí địa lý và vị thế thương mãi – chính trị:

“Vịnh Tourane (Cửa Hàn) tráng lệ mang hình dáng một con số 6 cao 13 km và rộng 11 km, nơi đã được chiêm ngưỡng một lần thì không thể nào quên. Khi một hơi gió biển dịu nhẹ thổi làn sương mù qua những hẻm núi và khiến mặt nước gợn sóng, khi những tia nắng mặt trời bắt đầu vén những lớp đầu tiên trong bộ trang phục ban mai của đường chân trời và cho phép nhìn thấy – qua ảo ảnh được phóng đại lên hoặc bị lộn ngược – những chiếc ghe phủ rèm rơm lớn, những vụng nước um tùm cây cối làm nổi bật dáng hình uốn lượn của những đường viền quanh vịnh Hàn. Thật là một bức tranh yêu kiều, quyến rũ, nhưng đó không phải đất Tourane.

Lối vào dòng Hàn giang, 1889. Nguồn: Thư viện số hóa thuộc Đại học Côte d’Azur (Pháp)

Từ lối vào, hãy ngắm vùng vịnh thênh thang này, nơi không một bóng dáng nhà cửa và thường xuyên chẳng có lấy một con thuyền, ta tưởng như đang ở một miền đất vô danh, hoang vu, bức tranh toàn cảnh càng củng cố thêm cảm nhận này. Đó có thể là những hiện tượng ánh sáng vừa muôn hình muôn trạng vừa rực rỡ lóa mắt cứ luồn lách và lay động những đám mây u trầm lang thang qua sườn vách gập ghềnh của những dãy núi có phần đỉnh mất hút trên nền trời; hoặc một bầu không tinh khôi và quang đãng để lộ toàn bộ vẻ uy nghiêm của vùng núi non hùng vĩ có rừng cây bao phủ, nơi bầy mãnh thú sinh sống yên ổn khỏi những cuộc tấn công của con người, ta được đắm mình trong sự thán phục trước tác phẩm nên thơ và kỳ vĩ của tạo hóa; và trong khi đến gần bán đảo thiên văn [Tiên Sa, tức Sơn Trà] ta nhận ra có một vài túp lều nằm rải rác trên sông, ta bị sững người bởi vẻ tương phản kỳ dị giữa bức tranh choáng ngợp này với những công trình nghèo nàn của con người.”[5]

Vịnh Cửa Hàn, 1934. Nguồn: Thư viện số hóa thuộc Đại học Côte d’Azur (Pháp)

“Nằm ở vị trí trung tâm trên bờ biển miền Trung Việt Nam, thuộc một tỉnh sung túc và ở ranh giới phía nam của vịnh Bắc Bộ nơi thiếu những bến cảng xứng với tên gọi, Cửa Hàn luôn luôn thu hút du khách và đưa lại cho nơi này một danh tiếng tương xứng. Thế nhưng cần phải công nhận rằng nằm trong tay người An Nam, cảng này hầu như chẳng có giá trị gì. Chừng nào tình trạng này còn xảy ra, chừng nào việc ngoại thương sẽ chỉ được thực hiện bằng những con tàu nhỏ bé hoặc những chiếc ghe, Cửa Hàn sẽ có nguy cơ bị bỏ rơi để thay thế bằng cảng biển Quảng Nam, một vị trí trung tâm hơn và cũng là thị trường chủ chốt trong tỉnh. Triển vọng thương mãi của Cửa Hàn không chỉ phụ thuộc vào số phận chính trị của nó mà còn liên quan tới những tỉnh láng giềng. Sẽ không đủ để vực dậy Cửa Hàn nếu chỉ có những tàu châu Âu tới đây để chất hàng, mà còn cần có đông đảo người Âu đến đây định cư, thực thi những công trình cần thiết để Cửa Hàn trở thành một đầu vào dễ dàng với mọi hàng hóa, không chỉ từ mỗi tỉnh Quảng Nam mà còn từ Quảng Ngãi…, và loại bỏ tại cảng này những bãi cạn đang xâm lấn mỗi ngày. Những công trình này không có gì quá sức: đã sẵn có nhiều sông ngòi chẳng khác những trục cuốn mà ta có thể kết nối bằng hệ thống kênh rạch; một tuyến đường sắt trải dài kề cận những bờ biển sẽ dễ dàng được triển khai (ta sẽ nhìn xa hơn nữa để thấy việc mở núi trong dãy Hải Vân sẽ ít tốn kém hơn ta tưởng lúc ban đầu). Đối với những bãi cạn trên dòng sông Hàn, rất dễ dàng nạo vét và loại bỏ chúng một lần cho lâu dài, trong khi nắn dòng chảy con sông ra đại dương thông qua eo cát nhỏ phía Tiên Sa…”[6]

Một góc nhìn của người ngoại quốc về Việt Nam bao giờ cũng cần được so sánh với những góc nhìn đa dạng khác, đồng thời đáng được lưu tâm, nhất là khi góc nhìn ấy là của một người đam mê đường biển, một chuyên gia hàng hải, có xuất thân từ quốc gia có nền hải quân và hải thương đương thời vẫn đang thuộc hàng đầu thế giới. Tình trạng địa lý, ưu thế và nhược điểm về thiên nhiên và thương mãi, triển vọng phát triển của cảng Đà Nẵng vào năm 1876 đã lưu dấu trong một du ký không nên bỏ qua.

Danh mục tham khảo :

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên 大 南 實 錄 正 編. Đệ tứ kỷ, Quyển 55-56. Bản Hán văn: Keio University (Nhật Bản)

– Lưu trữ hải ngoại Pháp quốc (ANOM): Fonds des Amiraux  puis du Gouvernement général de l’Indochine

– Dutreuil de Rhins, Le royaume d’Annam et les Annamites journal de voyage. Paris: Plon, 1889, xuất bản lần thứ hai.

– Jean Dupuis, Le Tonkïn et L’intervention française (Francis Garnier et Philastre), Paris: Augustin Challamel, 1898.

– Việt Anh, “Thực tế hàng hải Việt Nam nhìn từ sự kiện giao tặng tàu thủy Pháp-Việt (1874-1876) ”, trong Tạp chí Hán Nôm, số 6 (169), 2021, tr.47-61.

 


[1] Dutreuil de Rhins, sđd.

[2] Jean Dupuis, sđd.r.338-339 (V.A. dịch).

[3] Đại Nam thực lục chính biên (viết tắt: TLCB), Đệ tứ kỷ, Quyển 55, tr.55-56. Bản Hán văn : Keio University (Nhật Bản).(V.A. dịch).

[4] TLCB, Đệ tứ kỷ, Quyển 56, tr.79-80. Bản Hán văn : Keio University (Nhật Bản).

[5] Dutreuil de Rhins, sđd, tr. 28-29.

[6] Dutreuil de Rhins, sđd, tr.49-50.

Việt Anh

Theo TTLTQG