Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp đã xuất bản tập sách rất có giá trị về mặt lịch sử trong giai đoạn quân và dân ta kháng chiến chống thực dân xâm lược, nhất là trong thời gian trước và sau khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký kết. Tập sách có tựa Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua châu bản triều Nguyễn.
Theo lời anh Nguyễn Thanh Thuận; người đồng biên soạn và dịch thuật cuốn sách này thì trong số các châu bản (văn thư triều Nguyễn thời vua Tự Đức) được tìm thấy có cả những chỉ dụ, mật thư, tấu trình liên quan đến các nhân vật trong kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ. Ban biên soạn đã tìm thấy trên 100 châu bản liên quan trực tiếp đến công cuộc chống Pháp. Các châu bản này có thời gian từ những ngày đầu khi Pháp đánh Gia Định (1859) cho đến khi Pháp chiếm trọn Nam kỳ (1867), và kéo dài đến những năm cuối đời vua Tự Đức, trong số đó có những châu bản ngầm chỉ đạo công cuộc chống Pháp, giành lại đất Nam kỳ. Theo đó, ngay từ những ngày đầu Pháp tấn công Gia Định, vua Tự Đức(1847-1883) đã liên tục ra nhiều chỉ dụ quan trọng trong việc điều động đại binh Kinh phái, huy động dân đắp lũy, ngăn ngừa bạo loạn, phòng thủ Gia Định và các tỉnh Nam kỳ.
Châu bản Tự Đức tập 102 tờ số 105 ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859) truyền Dụ các tỉnh tăng cường gia cố đồn bảo chép: “Nay truyền cho Võ Duy Ninh, Trần Tri xem xét sự thể, nếu như không thể chặn bọn chúng lên bờ tiến dần vào thành tỉnh thì lập tức đóng chặt cổng thành trước, chuẩn bị nhiều gỗ đá đắp luỹ, phân chia binh lính cố thủ.
Đạo binh của Trương Văn Uyển thì ở ngoài thành chọn nơi đóng đồn, điều gấp binh lính các tỉnh, nghĩa dân hương dõng tuỳ cơ tiến đánh. Trong ngoài hiệp đồng tấn công, đợi đại binh do Kinh phái, không đợi ngày đến nơi, sẽ phối hợp đánh dẹp, thì cũng có khả năng nên việc, không được hoang mang”.
Ngày 17/2/1859, tỉnh Gia Định thất thủ sau hai ngày chiến đấu. Hộ đốc Võ Duy Ninh tự vẫn. Nhân dân tự động quyên góp lúa tiền ủng hộ quân binh. Vua Tự Đức lệnh cho Thống đốc Tôn Thất Hiệp kêu gọi nhân dân sáu tỉnh Nam kỳ đứng lên cùng quân triều đình chống giặc, giữ vững tinh thần để bảo vệ các tỉnh thành lân cận
Châu bản 23, tờ 62 có đoạn: “Nay căn cứ theo tấu báo của tỉnh Biên Hòa, giặc Tây đã áp sát, thành Gia Định đã thất thủ. Đã đến các nơi gần đó là Bình Định, Bình Thuận và Khánh Hòa, lấy mỗi tỉnh một cơ vệ đến để cho đông. Vậy Tôn Thất Hiệp hãy đến trạm Biên Long hoặc tỉnh Biên Hòa và tạm dừng lại chờ các sắc binh lính tiến đến, rồi tùy theo tình thế , hoặc lưu lại Biên Hòa, hoặc tiến đến Gia Định, tùy cơ để điều động.”
Tiếp đến, khi tỉnh Biên Hòa thất thủ, nhà vua ra lệnh tăng cường bố phòng những nơi xung yếu, nhất là cửa biển, thuỷ lộ quan trọng, đắp thêm đồn luỹ, luyện tập quân sĩ. Châu bản Tự Đức tập 102, tờ 105, ngày Ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12-03/3/1859 chép:
“Truyền dụ, nhắc nhở lại cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Biên Hoà, lại từ Định Tường đến Hà Tiên, ngoài Bắc từ Quảng Trị đến Nam Định, đều phải gia tâm sửa sang chấn chỉnh, phàm các cửa tấn rộng và sâu, tàu thuyền có thể ra vào, đều phải chọn những nơi trọng yếu xây luỹ, đắp đồn bảo hoặc thổ sơn, pháo đài, đặt pháo lớn, binh lính phòng giữ cho nghiêm.
Các đường sông, sông nào sâu rộng thì chọn những nơi cạn hẹp quan yếu cắm đóng cọc gỗ, hoặc làm các thảo long để ngăn giữ, vỗ về nhân dân, luyện tập binh sĩ làm sao để biên cương luôn bền vững, chớ vì trước mắt chưa có việc gì mà thi hành qua loa”.
Trong tình thế bắt buộc, triều đình Huế đã ký kết hoà ước Nhâm tuất (1862), tuy nhiên vua Tự Đức không muốn hòa và cũng không nghĩ đến việc cầu cứu nhà Thanh để đối phó với Pháp, mà tự mình cố gắng giải quyết. Nhà vua muốn giữ được ba tỉnh còn lại và giành lại đất đai đã mất nhưng không tạo cớ cho Pháp gây sự. Cùng với đó, vua cũng ngấm ngầm khuyến khích, trợ giúp lực lượng kháng chiến trong vùng Pháp chiếm đóng. Đây là một công việc vô cùng phức tạp, nên phần lớn được thực hiện trong bí mật để tránh sự ngờ vực của người Pháp. Trong số các châu bản được tìm thấy có không ít những những chỉ dụ, mật tư, tấu trình liên quan các nhân vật kháng Pháp ở Nam kỳ như Trương Định, Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn, Thiên hộ Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Âu Dương Lân…..
Sau khi 3 tỉnh miền Tây lần lượt rơi vào tay Pháp (tháng 6 năm 1867), triều đình vẫn bí mật phái người vào Nam kỳ do thám địch, nắm dân tình, ngầm hỗ trợ các lãnh tụ nghĩa quân, gom góp quân binh, nghĩa dõng xiêu lạc, khuyến khích người mộ nghĩa nhằm gây dựng lực lượng, tích góp binh lương chờ thời cơ, ban thưởng cho những người có công lao trong chiến đấu…
Riêng trường hợp Trương Định, sau khi ký kết hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình điều động quan quân đi nơi khác. Trương Định được thăng Lãnh Binh An Hà (An Giang – Hà Tiên) nhưng ông vẫn ở lại chiến đấu. Theo báo cáo của Thiên Hộ Dương vào tháng 7 năm Nhâm Tuất (1862), Trương Định gởi thơ cho Thiên Hộ Dương (đang ở Bình Cách, Định Tương) nói rằng khởi nghĩa đơn độc thì sẽ thất bại, yêu cầu ông đến để luận bàn. Thiên Hộ Dương cử Nguyễn Hữu Huân đi. Tại đây, Nguyễn Hữu Huân đã gặp Thị vệ Nguyễn Thi do triều đình phái vào phong cho Trương Định làm Bình Tây Đại tướng quân, Thiên Hộ Dương làm Chánh đề đốc, Nguyễn Hữu Huân là Phó đề đốc với đầy đủ sắc phong và ấn triện.
Sau tháng 7 năm Nhâm Tuất (1862), Trương Định vẫn được triều đình ngấm ngầm ủng hộ. Bấy giờ, Từ Dũ Thái hậu bị đau mắt, thầy địa lý bảo rằng lăng mộ Đức Quốc công bị động nên vua Tự Đức cho xuất tiền đắp lũy Sơn Quy bảo vệ, kỳ thực là lấy cớ giúp nghĩa quân Trương Định. Vua Tự Đức còn sai phò mã Phạm Đăng Thuật; chồng của công chúa Quy Đức vào giúp Trương Định và Phạm Đăng Thuật đã hy sinh tại Sơn Quy. Trương Định còn có nguồn hậu cần lớn từ người vợ thứ là bà Trần Thị Sanh thuộc dòng bên họ ngoại của nhà vua. Năm 1863, Chủ sự Bộ Lại sai phái là Nguyễn Tiến Túc tấu trình:
“Triều đình ngưng việc binh, lòng dân móng nhớ, căm thù quân giặc (nên đã) đi đến hai tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long chờ đợi thời cơ. Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đều là người đứng đầu mà nhiều lần lùi bước (mất chữ) người đến nhưng không theo, lại mong lui về chờ đợi (…) Hy vọng có thể chuyển đến quan Thị vệ và các quan viên họ ngoại của Hoàng thượng, mật truyền các lời rằng giao cho Trương Định cùng các hàng sĩ phu bảo cho dân chúng biết, giải thích về khoản tiếp tục cùng với Trương Định hợp đồng phái người giả làm tàu buôn, bí mật đến tỉnh An Giang mật trình xin cấp đạn dược (…)
Huống hồ bọn Tây cướp chốn đô thành đã lâu, ỷ vào tài nghệ giỏi tất binh lính sinh ra kiêu ngạo, chỉ muốn thu được lợi trong việc mua bán. Ta giữ điều nhân nghĩa không rời, nhân lúc binh lính chúng cao ngạo lo buôn bán, ta chớp thời cơ cũng có thể lo liệu được.
Còn bọn kiêu binh sẽ sai Trương Định cùng các sĩ phu nhiều lượt chia nhau chống giữ sẽ được thắng lợi.
Ngày 11 tháng 9 năm Tự Đức thứ 16 (27/10/1863).”
Sử chép rằng khi quân Pháp dưới quyền điều khiển của Bonard hạ lệnh tấn công vào Sơn Quy, Trương Định giả thua dụ địch đuổi theo vào chốn sình lầy đã bố trí quân mai phục, giết chết nhiều lính Pháp. Quân Pháp đưa chiến hạm vào rạch Gò Công, bao vây Sơn Quy, nghĩa quân chiến đấu rất hăng, hai bên đều thiệt hại, hai dũng tướng của Trương Định là Đặng Kim Chung và Lưu Bửu Đường hy sinh.
Nghĩa quân ở Tân Long-Bình Dương, Bình Long, Bình An, Long Thành nổi lên tiếp ứng nhưng đều thất bại. Nghĩa quân Trương Định ở Sơn Quy lại rơi vào thế cô lập, ngày 7 tháng Giêng năm Quý Hợi (1863), thế cùng lực cạn, Trương Định phải rút về Lý Nhơn. Theo hướng dẫn của Huỳnh Công Tấn, quân Pháp phục kích bắn Trương Định bị thương, không để sa vào tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết vào ngày 20 tháng 8 năm 1864 (tức 18 tháng 7 năm Giáp Tuất)..
Bà Trần Thị Sánh cho xây mộ chồng tươm tất và dựng mộ bia: ” Đại Nam-Bình Tây Đại tướng quân Trương Công húy Định chi mộ.”
Nội dung một bản tấu khác dâng lên nhà vua liên quan đến Trương Định:
“Cố Trương Định mộ nghĩa ở Gò Công chấn động thôn dân, đánh lấy được thảy đều vui mừng, cùng nhau báo cáo. Hoặc cùng nộp đưa tiền bạc, lúa gạo, lấy đó làm quân lương, hoặc quyên nộp đồng sắt, hỏa dược, cứu tế, quân nhu. Già trẻ khỏe mạnh ở nhà đều ứng mộ, lòng ham muốn nhanh chóng được giết giặc Tây di, lấy lòng thù hận oán ghét không cần suy tính. Đồn Gò Công bị giặc Tây vây bắn, ứng viện đều không có đạn dược, mỏi mệt kiệt sức, chống giữ không nổi đành phải phân tán về nguyên quán. Bọn Tây tra thám lùng bắt những người từng ứng mộ, quyên nạp. Xác định đúng người, tài sản tịch thu nhà cửa hoặc đốt cháy, đem treo cổ hoặc đem bắn. Có người bị lưu đày nhưng khi được thả ra lại đi mộ quyên ở các thôn (…)
Thần: Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Đức Tánh
Châu điểm:
Ngày 18 tháng 10 năm Tự Đức thứ 16 (03/12/1863)”
Căn cứ vào chức An Hà Lãnh binh, Trương Định được nhà vua ban tên thụy là Phấn Dũng Đại Tướng Quân, truy tặng Ngũ Quân Quận Công.
Năm Tự Đức thứ 27 (1874), tỉnh thần Quảng Ngãi thấy chánh thất của Trương Định là bà Lê Thị Thường còn nghèo khổ nên đề nghị cấp Tự điền để con cháu có điều kiện hương khói thờ tự.
Không riêng gì Trương Định, khi hay tin các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị thất bại, vua Tự Đức rất thương xót và truyền dụ tìm kiếm thân nhân của các đầu mục khởi nghĩa để chu cấp tiền bạc và ban tập ấm cho con cháu, sai quần thần làm lễ tế những nghĩa sĩ tử tiết ở Nam kỳ… Chẳng hạn, sau khi hay tin Thiên hộ Võ Duy Dương mất, vua đã đề nghị thưởng công đầu và truy thụ cho Thiên hộ Dương lên Quản cơ.
Các châu bản liên quan đến công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ được trình bày trong cuốn sách đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, gợi ra nhiều hướng nghiên cứu mới, như thái độ của triều đình đối với các cuộc khởi nghĩa và các lãnh tụ nghĩa quân ở Nam kỳ sau khi Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết. Tập châu bản cũng cho thấy hành trạng của một số nhân vật lịch sử đã bị ngộ nhận như cho rằng Phan Trung là phản quốc; Nguyễn Công Nhàn là Hùng dũng tướng mà nhát gan…, hoặc một số sự kiện bị đánh giá sai lệch như các cuộc nổi dậy từ sau khi Pháp đánh Đà Nẵng là do chính sách cai trị hà khắc của Tự Đức hay đây là kế gián trị, đòn nội công-ngoại kích của người Pháp,…
Có thể nói rằng, đây là những tài liệu lịch sử có giá trị, chẳng những cung cấp cho chúng ta một góc nhìn mới về những cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ dưới thời vua Tự Đức, mà còn có thêm một góc nhìn khác về vua Tự Đức; người đã tự nhận lỗi về mình khi để mất nước vào tay thực dân xâm lược.
Châu bản Tự Đức tập 102 tờ số 105 ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859) truyền Dụ các tỉnh tăng cường gia cố đồn bảo. Nguồn: Trung tâm LTQGI.
Tờ tấu của Viện Cơ Mật ngày 18 tháng 8 năm Tự Đức thứ 23 (1870) liệt kê công trạng và xét thưởng những người Nam Kỳ chống Pháp, trong đó có Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương. Nguồn Trung tâm LTQG 1.