Theo nghiên cứu của Stephen Oppenheimer viết trong sách Eden in the East của ông, thì hiện nay nhiều nhà ngôn ngữ học đã đồng thuận: Trong vùng Viễn Đông có đến 3 ngữ hệ lớn, là Hoa-Tạng (Sino-Tibetan), Nam Á (Austro-Asiatic) và Nam Đảo (Austronesian); ngoài ra, còn có một ngữ hệ thứ tư là Austro-Tai, tức nhóm Tai-Kadai, nhưng mối quan hệ lai lịch chưa rõ ràng lắm.[1]
Còn theo nghiên cứu của Roger Blench viết trong luận đề “Stratification in the peopling of China: how far does the linguistic evidence match genetics and archaeology?” mà ông đã đọc tại diễn đàn Human migrations in continental East Asia and Taiwan: genetic, linguistic and archaeological evidence ở Geneva ngày 10-13/6/2004, thì chỉ riêng trên đất nước Trung Hoa cũng đã có đến 8 ngữ hệ khác nhau. Đó là các ngữ hệ: Hoa-Tạng (Sino-Tibetan) hay Tạng-Miến (Tibeto-Burman), Mèo-Dao (Hmong-Mien), Altaic (như tiếng Turkic, Mongolic, Tungusic), Daic, tức Tai-Kadai hay Kradai, Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian), Indo-European (như tiếng Wakhi, Tajik, Russian…), và Triều Tiên (Korean), Riêng tiếng “Waxianghua” chưa được phân loại.[2]
Hoa ngữ với mối quan hệ Hoa-Tạng
Cũng theo nghiên cứu của Oppenheimer, thì ngữ hệ Hoa-Tạng (Sino-Tibetan phylum) gồm hơn 300 ngôn ngữ, được hơn một tỉ người nói, chỉ đứng hạng nhì sau ngữ hệ Ấn-Âu (Indo-European), và chia thành hai phân hệ chính yếu: phân hệ Hoa Hán (Sinitic subphylum) và phân hệ Tạng-Miến (Tibeto-Burmese subphylum).
Phân hệ Hoa Hán gồm 14 phương ngữ lớn. Trong đó, tiếng Quan Thoại được xem là ngôn ngữ quốc gia chính thức và phổ biến nhất, mà nguồn gốc của nó xuất phát từ phía Bắc sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, 14 phương ngữ của phân hệ Hoa Hán này đã không thể hiểu nhau, nên phải dùng duy nhất chữ Hán để biết ý nghĩa của nhau. Tất cả đều ĐƠN ÂM (monosyllabic) và ĐA THANH (tonal), và KHÁC với các thứ tiếng của những hệ ngôn ngữ khác trên thế giới, như Ấn-Âu và Nam Đảo đều ĐA ÂM (polysyllabic) và ĐƠN THANH (monotonal or atonal).
Riêng nhóm phương ngữ ở miền Nam Trung Quốc, gồm cả tiếng Quảng Đông hoặc còn gọi là Việt ngữ, được nói lan rộng xuyên suốt các vùng dọc bờ biển Thái Bình, từ Korea xuống đến tận Việt Nam, và chiếm một diện tích hơn nửa lãnh thổ Trung Quốc.
Còn phân hệ Tạng-Miến có quê quán xuất phát từ Tây Tạng, Tây Tứ Xuyên, Vân Nam, và vùng đầu nguồn của các con sông lớn Brahmaputra, Irrawaddy, Cửu Long và Dương Tử, và cũng được nói rộng khắp từ các vùng Tây Tạng, Đông-Bắc Ấn Độ, đến các vùng Miến Điện và Tây-Nam Trung Quốc.
Nghiên cứu còn cho biết, mặc dù hai phân hệ Hoa Hán và Tạng-Miến được đa số các nhà ngôn ngữ học đồng thuận gộp chung thành “họ hàng” với nhau; nhưng không phải vì thế mà những cư dân nói các phân hệ này đều có chung nguồn gốc. Vì xét về mặt di truyền thể lẫn diện mạo bề ngoài, họ xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau.
Chẳng hạn, di truyền thể của người miền Nam Trung Quốc và người miền Nam Tây Tạng GẦN GŨI VỚI CÁC CƯ DÂN NÓI NGÔN NGỮ NAM Á và TAI-KADAI hơn, so với các cư dân Bắc Hán nói tiếng Quan Thoại. Còn sọ não của các cư dân phía Nam Tây Tạng và vùng thung lủng đầu nguồn của các con sông lớn đều có khuynh hướng hình dạng tròn (brachycephalic), giống với người Nam Á và Đông Á. Trong khi ấy sọ não của các cư dân sống du mục thảo nguyên ở phía Bắc Tây Tạng và các gia đình quí phái ở Lhasa lại có hình dạng dài (dolichocephalic), giống với người Thổ Nhĩ Kì và châu Ấu. (Oppenheimer, sđd, tr. 126-8).
Cũng cần nói thêm ở đây, các kết quả khảo sát “DNA” do nhà di truyền học Bing Su và các đồng nghiệp của ông thực hiện gần đây cũng cho biết nhiễm sắc thể Y của tộc người Tây Tạng có nhiều nguồn gốc xuất phát từ Trung Á và Đông Á (Su, Bing, et al., 2000).[7]
Hoa ngữ không phát sinh khởi thủy ở Trung Quốc
Gần đây, đã có nhiều nhà ngôn ngữ học bắt đầu nghi ngờ về mối liên hệ gia phả của ngữ hệ Hoa-Tạng. Theo nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học George Van Driem, Hoa ngữ tuy được kể thuộc họ hàng với các ngôn ngữ Tạng-Miến, nhưng là ngôn ngữ không phát sinh ở giai đoạn khởi thủy: vì nó tỏ ra KÉM PHÂN HÓA ĐA DẠNG so với các ngôn ngữ khác của nhóm Tạng-Miến. Do đó, qua gợi ý của các nhà ngôn ngữ học khác, như Benedict, Shafer, Burling, và Bradley, George Van Driem đã đồng tình đề nghị THAY TÊN NGỮ HỆ HOA-TẠNG THÀNH NGỮ HỆ TẠNG-MIẾN.[8]
Còn Roger Blench, cũng trong bài tham luận của ông vừa đề cập ở trên, đã đặt nghi vấn về mối liên hệ gia phả Hoa-Tạng và đã nhận xét: “chính sự phân loại bên trong của ngữ hệ Hoa-Tạng còn nhiều điều mâu thuẫn tranh cãi […]. Lí do là vì Hoa ngữ KHÔNG CÓ TÍNH ĐA DẠNG NHIỀU so với các ngôn ngữ còn lại của ngữ hệ Hoa-Tạng, và đó có thể là do sự bành trướng của Hoa ngữ chỉ mới xảy ra gần đây mà thôi.”
Thật vậy, cũng theo Roger Blench, “Những gì chúng ta biết về Hoa ngữ cho thấy sự bành trướng của Hoa tộc chỉ mới xảy ra gần đây mà thôi; cho nên, gần như không có một văn hóa khảo cổ học xa xưa nào trước thời điểm này chứng tỏ có mối quan hệ với các cư dân nói Hoa ngữ hiện nay.”
Rồi ông giải thích tiếp, “cho dù lai lịch Hoa ngữ bắt nguồn từ đâu trong hệ Hoa-Tạng; nhưng có một sự công nhận rộng rãi, đó là sự bành trướng của Hán ngữ đi dần từ Bắc xuống Nam, từ khu vực trồng lúa kê đến khu vực trồng lúa nước, và đã trấn áp đồng hóa các thành phần cư dân bản địa rất đa dạng. Tuy nhiên, Hoa Hán VẪN KHÔNG THỂ ĐỒNG HÓA CĂN CƯỚC của những cư dân thuộc các khu vực cộng đồng cổ xưa nhất ở miền Bắc Trung Quốc (từ 6.500 năm trước).”
Để dẫn chứng điều này, Tiến sĩ Roger Blench còn cho biết thêm: “Nghiên cứu khảo cổ học của Nhật Bản gần đây về các thành phố cổ xưa ở Trung Quốc, như Pengtoushan (khoảng 6500-5800 TCN), cho thấy chúng KHÔNG THUỘC DI SẢN HOA HÁN, nhưng thuộc di sản của người Mèo-Dao.”
Cùng một quan điểm như thế, nhà khảo cổ học Hoa Kì Bellwood cũng tin tưởng rằng những di tích trồng lúa nước có tính cách đại trà ở Hemudu, gần khu vực cửa sông Dương Tử, đã xảy ra giữa 7.000 và 5.600 năm trước, CÓ NGUỒN GỐC VĂN HÓA NAM ĐẢO (Oppenheimer, sđd, tr. 69).
Hoặc như nghiên cứu của Tiến sĩ Wilhelm G. Solheim II, Giáo sư nhân chủng học Đại học Hawaii, thì cả văn hóa Ngưỡng Thiều ở mền Bắc lẫn văn hóa Long Sơn ở miền Nam Trung Quốc đều phát triển từ những căn bản VĂN HÓA HÒA BÌNH.[9]
Như vậy, qua các dẫn chứng và lập luận trên, chúng ta nhận thấy: Hoa ngữ KHÔNG LÀ NGÔN NGỮ BẢN ĐỊA TIÊN KHỞI ở Trung Quốc, nhưng là do đồng hóa căn cước với những nhóm ngôn ngữ bản địa khác, như Việt, Mèo, Dao, Thái, v.v…, để dần dà biến thái và “khai sinh” thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa-Tạng – với sự bảo lưu cấu trúc của cách nói Hoa Hán, mà ngày nay chúng ta được biết với tên gọi là Quan Thoại.
Nói khác đi, Hoa Hán ngữ không hoàn toàn là tiếng mẹ đẻ của Hoa Hán tộc, nhưng là tổng hợp vay mượn của nhiều ngôn ngữ của các tộc người bản địa KHÁC HOA TỘC đã “hiện diện trên đất nước Trung Hoa trước người Trung Hoa”.
Và có thể đã là lí do khiến John DeFrancis, tác giả sách The Chinese Language: Fact and Fantasy, đã phải thốt ra những lời nhận xét chua cay nhưng xác thực: “Không có tiếng Trung Hoa, chỉ có một nhóm những tiếng nói quan hệ với nhau, mà một số người này gọi là những tiếng nói địa phương hay còn gọi là phương ngữ, còn người khác lại xem như những ngôn ngữ riêng biệt.”[10]
Tóm lại và kết luận
Như vậy, qua những nghiên cứu trên, chúng ta nhận thấy Hoa ngữ không là ngôn ngữ phát sinh khởi thủy ở Trung Quốc, nhưng chỉ là một ngôn ngữ “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều ngôn ngữ địa phương khác. Tuy nhiên, nhờ ưu thế chính trị và nhất là nhờ khả năng vay mượn và đồng hóa với các ngôn ngữ của các tộc người địa khác, mà Hoa ngữ đã dần dà chiếm ưu thế và “thay hình đổi dạng” để chính thức biến thành tiếng nói quốc gia, gọi là Hoa Hán ngữ hay còn gọi là tiếng Quan Thoại.
Ngoài ra, cũng qua những khái quát ngôn ngữ học ở trên, chúng ta đã KHÔNG HỀ THẤY MỐI LIÊN HỆ HUYẾT TỘC NÀO giữa tiếng Việt và tiếng Trung Hoa, vì những lí do chủ yếu mà chúng tôi xin lặp lại sau đây:
Điểm 1, Hoa ngữ tuy xưa nay được xem như ở trong ngữ hệ Hoa-Tạng và cũng được xem như đứng đầu của hệ này, nhưng mối quan hệ này gần đây đã bị nghi ngờ. Lí do là vì không có mối quan hệ huyết tộc, mà chỉ có mối quan hệ chính trị lịch sử (do chủ trương đồng hóa) mà thôi.
Điểm 2, trong khi tiếng Việt Nam đã được nhìn nhận, chẳng những có MỐI LIÊN HỆ DI TRUYỀN THỂ gần gũi với nhóm Việt ngữ bên Trung Quốc, mà còn có nguồn gốc di truyền thể với cả hai ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Đây là điều đã phản ảnh trong các truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” hoặc Phục Hi và Nữ Oa hoặc Âu Cơ và Lạc Long Quân, để nói lên một quá trình kết hợp và lai chủng giữa hai nền văn hóa sông biển và núi rừng của khối dân tộc Việt.
Và điểm 3, cho đến nay các phương ngữ ở Hoa Nam vẫn còn mang “khai sinh” Việt ngữ, tức đã có nguồn gốc xuất phát KHÁC với Hoa ngữ Quan Thoại. Trong lúc ấy, tiếng Việt Nam vẫn một mình một chợ ở tận phía Nam bên này biên giới Trung Quốc, nhưng lại có họ hàng với các phương ngữ ấy – mặc dù đã xa nhau cả về không gian lẫn thời gian.