Trong các tác phẩm và các bài viết trước, tôi đã chứng minh Maya và cổ Việt liên hệ ruột thịt với nhau. Bài viết này khai triển thêm sau những chuyến đi thăm địa bàn cổ của người Maya ở Trung Mỹ  gồm  vùng đất ngày nay thuộc Mexico [Yucatan (phế tích Chichen Itzá), Costa Maya  (Kohunlich), Cozumel], Belize (Atun Ha)  và Guatemala (Quiriguá).

Đền Chim Condor, phần đầu ở dưới đất có mỏ và khoang cổ trắng phía trước đầu tại Machu Picchu (ảnh của tác giả).

Trước hết xin nhắc lại vài điểm chính đã viết nhằm chứng minh có sự liên hệ ruột thịt  giữa Maya và cổ Việt.

.James Churchward đã cho rằng người Maya phát gốc từ một lục địa Đất Mẹ (Motherland) dính liền với  Đông Nam Á gọi là Mu giờ đã mất (Lost Continent of Mu). Mu chính là  Việt ngữ Mụ (có một nghĩa là Mẹ). Maya liên hệ với Đông Á cổ (đôi lúc ông gọi là Naga-Maya Đông Á) trong đó có cổ Việt.

.Có ít nhất hai tác giả ở Miền Nam Việt Nam trước đây cho rằng có sự liên hệ giữa Việt Nam và Maya Trung Mỹ:

-Bình Nguyên Lộc trong “Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam”  cho rằng Maya ngữ Trung Mỹ châu là tiếng Hùng Vương đợt II và tiếng Mã Lai là «nguồn gốc » của tiếng Việt. Như thế Maya ngữ liên hệ với Việt ngữ.

-giáo sư Kim Định trong Việt Lý Tố Nguyên cho rằng Maya liên hệ với Bộc Việt. Bộc hiểu theo nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh là Bọc, là túi, nang. Bộc Việt là Nòng Việt, dòng âm, ngoại, dòng Vũ (trụ), Không Gian.

.Tôi cũng đã chứng minh  giữa Maya và Việt Nam có một sự liên hệ mật thiết về văn hóa, cổ sử và ngôn ngữ. Họ là tộc thờ mặt trời thuộc dòng Nòng, dòng không gian, âm, dòng nước, dòng Mẹ, Mặt Trời không gian (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Tiếng Việt Huyền Diệu).  Xin kể lại  một vài ví dụ để soi sáng.

-Từ Maya

Maya nghĩa là gì? Theo các nhà nghiên cứu Maya Tây phương ngày nay, Maya có nghĩa là ‘not many’: “The name Mayapán, given to Maya New Empire which endured from A.D. 987 to 1697 means the ‘Standard of the Not Many’, from Maya (not many) and pán (standard). It was sometimes called Ichpa meanning ‘within the closure’, an exactly parallel idea on the Nahuaque as Lord of the Ring” (Irene Nicholson, Mexican and Central American Mythology, tr.123) (Tên Mayapán, đặt cho Tân Đế Quốc Maya kéo dài từ 987 đến 1697 Sau Tây Lịch có nghĩa là “Tiêu chuẩn Không nhiều“, do Maya là ‘Không nhiều’ và pán ‘tiêu chuẩn’. Đôi khi cũng được gọi là Ichpa có nghĩa là “trong vòng kín”, chính là ý nghĩa song song với Nahuaque, “Chúa Vòng“). Câu cắt nghĩa này thật là tối nghĩa và gần như là ngớ ngẩn. Đây là cách giải nghĩa đã đi lệch ra ngoài. Bây giờ ta thử dùng Việt ngữ và chữ nòng nọc để tìm nghĩa đích thực của tên tộc Maya xem sao. Đối chiếu với Việt ngữ ta thấy Maya (không nhiều) quả thật có nghĩa là Mấy(mấy cũng có nghĩa là không nhiều như sức mấymấy hơimấy kẻ… Mấy liên hệ với mỡmậumụ có nghĩa là không có gì, xem dưới). Do đó Maya chính là MấyKhôngPán chính là Việt ngữ  bản, buôn, mường chỉ người, chỗ ở, đất nước. Bản về sau cũng có nghĩa là căn bản, đơn vị gốc dùng làm tiêu chuẩn, các nhà nghiên cứu Maya hiện nay đã hiểu theo nghĩa standard là tiêu chuẩn này. Mayapán là Bản Mấy, Bản Không, Mường Mấy, Mường Không. Không có nghĩa là hư không, là Khôn, Nòng. Vì thế mà từ Mayapán có nghĩa đi đôi với Ichpa có nghĩa là  “within the closure“, là “quây kín”, “Ring”, “Vòng”. “Lord of the Ring” là “Chúa Vòng”.  Ở đây ta phải hiểu theo chữ nòng nọc, theo vũ trụ giáo. Theo v=n, víu = níu, Vòng = Nòng. Vòng là Nòng, là Khôn tức ngành âm. Rõ như ban ngày là Maya là Mấy, Không mang ý nghĩa Vòng, Nòng, Khôn, Hư Không. Maya là một tộc thuộc ngành Nòng, Khôn, Không Gian, Vũ (trong vũ trụ), Nước trong vũ trụ tạo sinh. Vì thế hình hai vòng tròn đồng tâm mang ý nghĩa hai nòng O là hai âm, thái âm, nước là biểu tượng chính của Maya như thấy ở các hình rắn cuộn tròn (rắn mang một ý nghĩa biểu tượng cho nước).

Kukulcan

và thấy rất nhiều ở các kiến trúc khác.

Điều này cũng thấy rất rõ là nét nổi bật nhất của Maya là mặt trời của Maya là mặt trời âm và có cả mặt trời cõi âm.

-Trong Maya ngữ, Maya ngữ có Ma– có nghĩa là Mẹchính là Việt ngữ Má, Mạ, Me, Mẹ, Mợ, Mụ. Nếu Ma đứng đầu từ tức là tiền tố thì Ma– có khi mang nghĩa phủ định (negation) có nghĩa là khôngkhông cóchớ có (James Churchward, Land of Mu). Điểm này cũng giống như trong Việt ngữ có các cổ ngữ mựamỡ có nghĩa phủ định như thấy trong thơ Lê Thánh Tôn, thế kỷ 15:

 Mỡ ểu áo vàng chẳng có việc.

Mỡ ểu có nghĩa là chớ có kêu ca (giải thích của Bùi Đức Tịnh, Văn Phạm Việt Nam, Xuân Thu, tr.237), mỡlà không; tiếng Huế  (mô có = không có), Quảng Đông ngữ mụmậu (không), ểu biến âm với (sợ), eo (sèo), mỡ ểu là chớ có e sợchớ có eo sèo.

-Don Antonio Batres Jaurequi, một học giả uyên bác về Maya của Guatemala, trong quyển sách “History of Central America”, đã chứng minh câu nói cuối cùng của Chúa Jesus khi bị đóng đinh trên cây thập tự là tiếng Maya và tôi cũng đã chứng minh câu nói này là tiếng Việt (xem Đức Chúa Jesus Nói Tiếng Việt)..

-Chữ viết nòng nọc vòng tròn-que trong văn hóa Maya giống chữ viết nòng nọc vòng tròn-que trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Vắn tắt xin đưa ra một vài ví dụ điển hình, ngoài chữ hai vòng tròn đồng tâm nói trên xin đưa thêm một ví dụ nữa là vị Thần Mưa Chac của Maya. Vị này có một cái mũi hết sức kỳ dị không giống ai, trên mũi có những chữ ba vòng tròn đồng tâm giống hệt như trên trống Cổ Loa II.

Thần Mưa Chac của Maya.

Cái mũi hình cong như móc câu rất kỳ dị của thần Mưa Chac của Maya chính là chữ nòng nọc móc câu có một nghĩa là mưa, sấm. Mũi chính là tên của Thần Mưa Chac. Chiếc mũi móc câu này chính là chữ móc câu có nghĩa là mưa, sấm trên hình búa thiên lôi (“vật hình trâm”) trên trống Nam Ngãi II.

Mũi móc câu của Thần Mưa Chac được xác thực, khẳng định bởi  chữ nòng ba vòng tròn trên mũi của Thần Chac  (hai vòng tròn đồng tâm là thái âm nước và dấu nòng tí hon nòng ở giữa là một xác định tố) cũng có cùng một nghĩa là mưa, nước.

.Bằng chứng DNA

Cuối cùng bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy nhất là nghiên cứu di truyền học dựa trên DNA:

.Sự khảo cứu dựa trên DNA của Tiến sĩ J.Y. Chu chứng minh rằng con người Homo sapiens sapiens phát xuất từ đông châu Phi tới vùng Lưỡng Hà rồi đến Đông Nam Á. Ở đây, họ chia ra làm hai nhánh. Một nhánh đi lên phía Bắc tức Trung Hoa rồi vượt qua eo biển Bering qua Mỹ châu. Nhánh thứ hai đi xuống Nam Đảo ở Thái Bình Dương. Một số trong nhánh này về sau qua  Mỹ chầu.

.Steven Oppenheimer trong Địa Đàng ở Phương Đông cũng xác nhận là thổ dân Mỹ châu từ duyên hải Á châu qua.

.Đường di dân trên cũng được nghiên cứu mtDNA của Ballinger và đồng nghiệp xác thực (1).

.Gần đây nghiên cứu về mitochondrial DNA của dân Maya cho thấy người Maya có những đi thể giống người cổ Việt. Người cổ Việt và Maya đều có:

a-Haplogroups :  A, B, C và D.

b-Thất thoát cặp căn bản số 9 giữa 2 di thể  (gene) COII/tRNALYS (“9bp deletion between COII/tRNALYS  genes”, bp = base pair) (1)                                                                  

Tóm lại, hiển nhiên Maya Trung Mỹ liên hệ ruột thịt với cổ Việt. Như thế văn hóa của Maya và Cổ Việt có những tương đồng là chuyện tất nhiên. Chúng ta đã biết cốt lõi của văn hóa Việt là Vũ Trụ Tạo Sinh  có tín ngưỡng là Vũ Trụ giáo, Việt Dịch nòng nọc  dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương còn ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn, như thế văn hóa cổ Maya cũng phải là vậy. Ta có thể dùng truyền thuyết và cổ sử Việt để nghiên cứu văn hóa Maya và ngược lại.     

Bây giờ chúng ta tuần tự so sánh văn hóa Maya và cổ Việt qua quá trình Vũ Trụ Tạo Sinh.

Vũ trụ thuyết, truyền thuyết sáng thế của Maya còn được ghi lại trong các Codices (số ít là Codex, sách ghi lạ nền văn minh Maya tiền-Columbus) và đáng kể nhất là còn ghi rõ trên một bia đá C ở Quiriguá, Guatemala.

Tác giả đứng trước bia đá E cao lớn nhất,  Quiriguá, Guatemela.

Hư Không, Vô Cực

Hư vô, vô cực, không gian là nòng O. Người Maya có tục chôn người chết ở thế ngồi như thai nhi ngồi trong bụng mẹ giống người Việt cổ chôn ngồi trong các chum vò mang hình ảnh dạ con vũ trụ, hư không, không gian. Chết là trở về lòng Mẹ vũ trụ, trở về hư vô.

Hư vô, không gian Maya có một khuôn mặt là con số zero. Maya có con số không trước cả người Hy Lạp, La Mã.

Maya theo ngành nòng âm, nước nên quan niệm hư vô chuyển qua âm nước trước, thoạt đầu là Biển Vũ Trụ giống như Ai Cập cổ. Nên con số không được diễn tả bằng hình con sò có hai cái ngà.

Con số không zero 0 của họ được gọi là con sò. Họ lấy theo hình trai sò hư không nghiêng về ngành nòng, âm, nước nữ (con sò sống dưới nước, biểu tượng cho nước, chỉ bộ phận sinh dục nữ). Đặc biệt con sò số không của Maya mang hình ảnh y chang con sò Nữ Oa có hai cái “ngà” đúng như Gs Kim Định trong Việt Lý Tố Nguyên đã viết “Nữ Oa là một thứ ốc có hai ngà” (tr.274). Cũng nên biết Nữ Oa có đuôi rắn thuộc dòng nòng, nước như Maya và Maya cũng có vật tổ rắn (xem dưới). Như thế họ ruột thịt với Nữ Oa (điều này cũng cho thấy Nữ Oa không phải là của Trung Hoa (xem Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Đôi khi Zero cũng được biểu tượng bằng hình hoa có bốn cánh hoặc con số zero được nhân cách hóa, thần thánh hóa thành một vị thần đội trang phục đầu có hình nòng O trong có chữ viết nòng nọc móc câu, theo duy âm mang nghĩa nòng không gian nước. Lưu ý là hoa tai của Thần Zero cũng là chữ vòng tròn có dấu vòng tròn tí hon ở tâm cho biết số không liên hệ với nòng O không gian.

Thần zero (Verás, Essential Collection, Cancun, Mexico).

Trong các chữ viết hình ngữ số không zero diễn tả bằng đầu người cũng thường có hình vòng tròn trong có dấu nòng tí hon (xem phần chữ viết Maya).

Thường ở giữa một thành phố-quốc gia (city-state, một nước thu nhỏ của một đại tộc) hay tại một trung tâm thờ phượng bao giờ cũng có một chỗ gọi là Nab, biển hay Lakam ja, “đại thủy” (great water), từ đó mọc lên những đền tháp, một tháp khổng lồ hay thường thường là ba tháp nhỏ ứng với ba hòn đá tạo dựng nên vũ trụ.  Bài viết bằng hình tự Maya ở mặt đông của bia đá C ở Quiriguá diễn tả truyền thuyết sáng thế, Vũ Trụ Tạo Sinh của Maya. Vũ trụ được tạo dựng nên bởi ba hòn đá làm nền móng: hòn thứ nhất là ngai đá con báo “jaguar throne stone”, hòn thứ hai là ngai đá rắn “snake throne stone” và hòn thứ ba là ngai đá nước “water throne stone”. Vũ trụ như một ngôi nhà vĩ đại do ba tảng đá vũ trụ tạo thành vì thế được diễn tả bằng ba ngọn tháp. Nhà thờ phượng được đặt trên đỉnh tháp cao hay bệ bàn thờ được đặt ở chính giữa trung tâm của ba tháp dùng để cúng dâng những vật hiến tế. Vật hiến tế được đốt lên coi như là ngọn lửa cháy từ lòng lò lửa của ba tháp. Nhà của người Maya coi như là một tiểu vũ trụ nên ở giữa nhà có một lò lửa gồm có ba hòn đá xếp theo hình tam giác mang biểu tượng ba hòn đá tạo dựng vũ trụ (tương đương với ba ngọn tháp ở đền đài). Ba hòn đá chính là ba ông đầu rau (hearthstone) của chúng ta. Chính nơi lò lửa này người Maya thực hiện những nghi thức tế lễ tương đương với ngọn lửa ở bàn thờ ở trung tâm vũ trụ của ba ngọn tháp. Họ đốt các tế vật cúng dâng lên vũ trụ trời, đất, tổ tiên.

.Cõi Đất thế gian Trung Thế được cho là nằm trên lưng một con cá sấu, có khi con cá sấu này đang nổi trên một hồ nước có hoa súng hay trên lưng một con rùa. Đây là hình ảnh Đất nguyên khởi nhô lên từ nước nguyên khởi, Biển Vũ Trụ.

Trứng Vũ Trụ, Thái CựcNhất Thể

Con sò số không có hai chấm, hai ngà tức hai dương có một khuôn mặt lửa, dương, thái dương cũng mang hình ảnh trứng hỗn mang vũ trụ có hai mầm âm dương.

Thọat đầu Maya có con Chim Cõi Trời Thiên Điểu Itzam Yeh hình chim-rắn nhất thể (xem dưới). Về sau khi mhóm Nahua tới vùng của người Maya (967-997 STL) sự thờ phượng Rắn Lông Chim (feathered serpent) Quetzal của Mexico được thu nhập vào thành Rắn-Chim Kukcucan nhất thể.  Quetzal là giống chim thuộc loài Trogon có đuôi rất dài (có khi dài hơn cả một mét) tôi gọi là chim phướn (chim này là quốc biểu chim của Guatemela hiện nay) và Coatl là rắn. ‘Kukul’ là chim, ‘can’ là rắn. Giải nghĩa theo Việt ngữ thì Kukul là chim cúc cu, chim tu hú biểu tượng cho gió (thiếu âm) và ‘can’ đọc thêm hơi vào là chăn, trăn, biểu tượng cho nước (thái âm). Tộc Quiché của Maya thì có thần Gucumats tương ứng với Kukulcan và Quetzal-coatl. Gucu- là cúc cu, -mat là mang, mãng (xà) là rắn (manmangbiến âm với mát theo kiểu  từ ghép man mát).

Hiện nay các nhà Mễ học hay Maya học gọi là rắn-lông chim với lông chim là tính từ thì chỉ con rắn bay được tức con rắn, con trăn gió biểu tượng cho Thần Gió, đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là một thứ thuồng luồng gió, một thứ rồng gió của chúng ta. Ngoài ra ta phải hiểu theo những diện khác nữa của Dịch như hiểu theo diện lưỡng hợp thì gọi là Rắn-Chim, hai vật biểu riêng rẽ là Rắn và Chim. Rắn-Chim dưới  diện nhất thể ứng với Thái Cực tương đương với  Thần Nông-Viêm Đế  nhất thể, với bọc trứng Hùng Vương  có hai di thể (gene) Rắn Lạc Long Quân và Chim Âu Cơ.

Tóm lại Kukulcan có một khuôn mặt nhất thể.

 -Lưỡng Nghi

Chim rắn ngành nòng âm

Khi  Rắn-Chim tách ra thành hai cá thể rắn và chim riêng biệt là lưỡng nghi, lưỡng cực.

 Chim là nọc, trụ (của vũ trụ), mặt trời mang dương tính lửa, mặt trời của ngành nọc, dương, mặt trời (xem dưới).

Rắn  là nòng thái âm, vũ (của vũ trụ), nước ứng với bầu vũ trụ, bầu trời, không gian, có khi có một khuôn mặt là con rắn hai đầu biểu tượng cho nước như thấy qua bệ Ngai Nước (Water Throne) của vị vua K’an Joy Chitam của Palenque  diễn tả bằng con rắn hai đầu (hai đầu là hai rắn, hai nòng âm, thái âm, có một khuôn mặt là nước).

Vua K’an Joy Chitam ngồi  trên Ngai Nước rắn hai đầu ở giữa, cha ngồi trên ngai báo và mẹ ngồi trên ngai rắn một đầu (chi tiết trên một tấm đá ở điện Palenque, do Linda Schele vẽ).

Báo là con thú bốn chân sống trên mặt đất có một khuôn mặt biểu tượng cho Đất âm và rắn một đầu khi cuộn lại cắn đuôi biểu tượng cho không gian (như cái gôn của trò chơi bóng người, xem dưới). K’án Joy Chitam vua Nước là con của cha Đất âm, mẹ Không Gian Trời.

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt thì Chim lửa ứng với ngành Hùng Vương chim, lửa lên núi Âu Cơ và  Rắn nước ứng với ngành Hùng Vương rắn, nước Lạc Long Quân xuống biển.

Các vị thần Maya đều có một cái “bóng” đối nghịch theo nòng nọc, âm dương dưới dạng hôn phối vợ chồng giống như trong truyền thuyết Việt (Đế Minh với Vụ Tiên, Kì Dương Vương với Thần Long, Lạc Long Quân với Âu Cơ…)

Hình ảnh lưỡng nghi nòng nọc, âm dương thấy rõ nhất qua trò chơi bóng người (ball game) nòng nọc, âm dương, trời trăng, vũ trụ. Trong trò chơi bóng này, quả bóng tròn làm bàng mủ cây tức một thứ cao su (mủ cây sa-bô-chê sapote là một thứ cao su non được dùng làm kẹo cao su chewimg gum) được coi là mặt trời tức nọc, dương, lửa, bộ phận sinh dục nam nguyên tạo. Người chơi bóng chỉ được dùng đầu, người, không được dùng tay chân hất hay đá vào “gôn”. Gôn là một vòng tròn hình con rằn cuộn tròn ngậm đuôi biểu tượng cho không gian, nòng, âm.

Gôn vòng tròn hình con rắn cuộn tròn ngậm đuôi trong trò chơi bóng mặt trời-không gian, vũ trụ của Maya (hình của tác giả chụp từ một poster tại Chichen Itzá, Yucatan, Mexico). 

Đây là trò chơi bóng người không gian-mặt trời, vũ trụ  nường nõ, nòng nọc, âm dương. Cũng vì thế mà trò chơi bóng này có ít nhất ba khuôn mặt. Khi chơi vào dịp tế lễ vũ trụ, trời đất, thánh thần tức dưới khuôn mặt tín ngưỡng thì đội nào thắng sẽ được vinh hạnh đem ra làm vật hiến tế (được làm vật tế thần là một vinh hạnh một đời mới có của một người Maya giống như ngày nay một tín đồ được đi hành hương tới một vùng thánh địa của tôn giáo mình). Đây có lẽ là một khuôn mặt chính của trò chơi nòng nọc (âm dương) giao hòa này. Sau trò chơi là lễ hiến sinh người để cầu xin càn khôn, vũ trụ, trời đất, đại vũ trụ  và tiểu vũ trụ con người được tương hòa, tương hợp với nhau.

Khi chơi bóng dưới diện mang mầu sắc chính trị, chiến tranh thù nghịch thì đội nào thua sẽ bị đem ra làm vật hiến tế.

Khuôn mặt thứ ba của trò chơi là giải trí thì sẽ không có đội nào dù thắng hay thua được hay phải bị làm vật hiến tế.

Trò chơi bóng người này có cùng ý nghĩa với tục ném còn của Mường Việt và Lạc Việt Tráng (Zhuang).

Maya có Hai người hùng sinh đôi (The Hero Twins) Hunaphu và Xbalanque, trong  Popol Vuh được biết  dưới tên là Hun Ahaw and Yax Balam (Classical pot K1226). Hai người sinh đôi mang hình ảnh phân cực thành lưỡng cực, lưỡng nghi từ nhất thể Trứng Vũ Trụ, Thái Cực.

Ta thấy rõ như ban ngày văn hóa Maya nghiêng nhiều về cực âm và nòng âm mang tính chủ.

Tứ Tượng

Quan niệm  tứ tượng thấy rất rõ trong văn hóa Maya.

.Bốn vị thần trụ chống trời ở bốn phương trời.

Bầu trời được chống ở bốn phương bởi bốn vị thần gọi là  Bacobes (Bacaboobs). Mỗi vị thần được diễn tả bằng một cây có chim muông và mầu sắc khác nhau: phía đông có mầu đỏ, Tây có mầu đen, Bắc mầu trắng và Nam mầu vàng.

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, chúng ta cũng có bốn vị tổ phụ Đế Minh, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương (thế gian) ứng với  tứ tượng.

Thêm vào đó thường chính mỗi vị thần lại có bốn khuôn mặt ứng với  tứ tượng của ngành, tộc riêng của mình với mầu sắc khác nhau như Itzamna: có bốn khuôn mặt (xem dưới). Itzamna mang hình bóng Lạc Long Quân, nên giống như Itzamna, Lạc Long Quân cũng có bốn khuôn mặt ứng với  tứ tượng của ngành mặt trời nước của mình như 1. Lửa-nước (khuôn mặt mặt trời nước, mặt trời hoàng hôn, thần sấm), 2. Đất nước, Lạc điền ruộng nước, non Sùng Lãm (núi âm, có nước cây cỏ mọc tươi đẹp, Cao Đẹp tức Sùng Lãm), ngành An Dương Vương, 3. Gió nước (thần sấm dông gió Phù Đổng thiên vương là hiện thân của Lạc Long Quân mang khuôn mặt Gió-Lửa của Lạc Long Quân) và 4. Nước nước (long nhân, long hộ, cá sấu, dao long, giao long, Giao Việt)…

Hùng Vương có chim biểu là con cò gió cò Lang cũng có nhiều khuôn mặt cò ứng với nòng nọc, âm dương,  tứ tượng như thấy rõ qua hình cò trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn cũng  có nhiều loại cò như cò Gió, Cò Lang trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I mà hiện nay các nhà làm văn hóa Việt Nam hiểu lầm là chim Lạc, cò Lạc; cò nước, cò Lạc mỏ cong như trên trống Hàng Bún, cò Lạc cánh có chữ sóng nước trên trống Hữu Chung, cò Lửa trên trống Đông Sơn IV, cò Đất trên trống Hà Nội I (xem Chim Lạc hay Cò Lang?).

Các vị thần Maya có tới hàng trăm (có sách nói tới 166 vị) vì không những có nhiều khuôn mặt ở một cõi, mỗi thế mà còn có những khuôn mặt khác ở những cõi khác nhau của Tam Thế. Khuôn mặt của các thần Maya thay đổi ở mỗi vị thế trên bản đồ vũ trụ và gieo ảnh hưởng khác nhau lên trên định mạng của con người. Điểm này cũng giống trong truyền thuyết và cổ sử Việt ví dụ như Lạc Long Quân có khuôn mặt sinh tạo Tạo Hóa đội lốt Thần Nông ngành nòng âm ở Thượng Thế, Thần mặt trời Nước, Hoàng Hôn, Thần Biển ở Trung Thế và Thần Cõi Âm (Diêm Vương) có thủy phủ ở vịnh Hạ Long.

 Xin lưu tâm.

 Ở đây qua các khuôn mặt khác nhau của các vị thần Maya ta rút ra một điều quan trọng là các nhân vật truyền thuyết và cổ sử Việt phải được nhìn dưới nhiều diện theo nòng nọc, âm dương, tứ tượng, tam thế … nghĩa là phải nhìn theo lăng kính khác nhau của Vũ Trụ Tạo Sinh, của Dịch. Các nhà làm văn hóa Việt  hiện nay chỉ nhìn theo một diện rồi tranh cãi chí chóe, chỉ cho mình là đúng còn người khác là sai. Thật ra ai cũng đúng cả nhưng đúng theo kiểu thầy bói sờ voi. 

 .Như đã nói ở trên mỗi vị thần có một khuôn mặt theo hôn phối âm dương vợ chồng nên ta có tứ tượng dương hôn phối với tứ tượng âm.

-Tam Thế

Tứ tượng dương hôn phối với tứ tượng âm  ứng với bát quái sinh ra vũ trụ, chia ra Tam Thế.

Thượng Thế

Thượng Thế ứng với vòm Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ. Như đã nói ở trên Cõi Trên, Bầu vũ trụ, hư vô được biểu tượng bằng con rắn cuộn tròn lại ngậm đuôi.  Từ trời heaven “ca’an” của Maya đồng âm với từ rắn “can”. Ở tầng Nhất Thể, Thái Cực cõi trên, theo duy dương được biểu tượng bằng con chim trời, Thiên Điểu Itzam Yeh hình chim và rắn còn quyện vào nhau (xem dưới), Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là chim Cắt Viêm Đế- Rắn nước Thần Nông mà hình ảnh còn thấy rõ qua hình chim nằm trong miệng rắn nước ở đầu các mũi thuyền trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và các trống họ hàng.

Như đã nói về sau theo duy âm là con Rắn Lông Chim Kukulcan được nhận diện như là rồng  trời (heavenly dragon) là do  bị ảnh hưởng bởi Rắn Lông Chim Quetzal-Coatl của Mexico. Lúc này nhìn dưới diện nhất thể tương ứng với khuôn mặt Thần Nông-Viêm Đế nhất thể.  Vì thế theo duy dương, ngành nọc dương chim thì có biểu tượng chim-rắn là Itzam Yeh ứng với Viêm Đế-Thần Nông và theo duy âm, ngành nòng thì có biểu tượng rắn-chim là Kukkulcan ứng với Thần Nông-Viêm Đế. Do đó ta cần phân biệt theo nòng nọc, âm dương nên có khi nói là Thần Nông-Viêm Đế hay Viêm Đế-Thần Nông.

Cõi trên Thượng Thế, Bầu Trời được biểu tượng bằng rắn, rồng cho thấy Maya thuộc ngành nòng âm, nước (thái âm).

Cõi Thượng Thế gồm13 tầng cai trị bởi 13 vị thần oxlahuntiku. Điểm này tương đồng với Phật giáo có quan niệm là có 13 giai đoạn, 13 bậc (step) để tới được Niết Bàn như thấy ở các tháp stupa của phật giáo biểu tượng cho Cây Vũ Trụ ví dụ như tháp ở Đền Khỉ Swoyambhunath, ở Katmandu, Nepal (Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng rất đậm của Vũ Trụ giáo, sẽ có bài viết riêng).

Trung Thế:

Trung Thế là cõi đất thế gian ứng với cành ngang của Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ. Maya cho cõi đất là mặt bằng nằm trên lưng con cá sấu, có khi là con cá sấu nổi trên mặt một hồ hoa súng hay trên lưng một con rùa nước có bốn góc giữ vững bởi tứ trụ Pahuatun ứng với bốn phương trời, có mầu sắc giống như bốn trụ chống trời ở trên.

Tại cõi đất thế gian này ngự trị bởi Mẹ Đất Ixu Na’kab, Thần Săn Bắn và thần Bắp Ngô Yum Ka’ax (xem ở hình Cây Tam Thế).

Vì là dòng nòng âm, nước, cõi đất thế gian của Maya chủ yếu là vùng đất âm nên mới cho là nằm trên lưng cá sấu hay mu rùa nước. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, vùng đất chủ yếu của Lạc Long Quân là đất âm có nước, ruộng nước, lạc điền, ao đầm cũng liên hệ với khuôn mặt rắn, cá sấu (giao long) và rùa (kim qui) của Lạc Long Quân.

Hạ Thế

Cõi dưới Hạ Thế gọi là Xibalba ứng với phần rễ của của Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ. Hạ Thế gồm có chín tầng cai quan bởi các “Chúa Tể của Bóng Đêm” (Lords of the Night) gọi là Bolontiku. Ở đây ta lại thấy chín tầng cõi âm của Maya tương đồng với chín tầng địa ngục của Phật giáo.

Tầng đáy thứ chín gọi là Mitnal cai trị bởi Thần Chết Ah Puch và ở đây có Mặt Trăng chim (the bird Moon), Báo Đêm (Night Jaguar), Baluk Chanton và Chac Xib Chac, Thần Hiến Tế. Người Maya sau khi chết đều phải đi qua đây để được phán xét.

-Trục Thế Giới

Tam Thế được nối kết, thông thương bằng Trục Thế Giới tương ứng với thân của Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ.

Như đã nói, ở giữa một thành phố hay của một quần thể đền đài của Maya thường có một quảng trường gọi là Nab: biển hay Lakam ja “đại thủy” (great water), từ đây mọc lên những đền tháp thường là ba ngọn tháp. Nếu nhìn dưới diện Tam Thế thì tại trung tâm của ba tháp tạo nên vũ trụ có Trục Thế Giới thông thương ba cõi có một công dụng làm đường, làm trục liên lạc với các thấn linh ba cõi và dùng để cúng dâng vật hiến tế. Vật hiến tế đốt ở bàn thờ ở chính giữa ba ngọn tháp coi như là trên Trục Thế Giới.

Một tháp lớn hay ba tháp nhỏ mọc lên từ Biển Vũ Trụ coi như là đất nguyên khởi trong đó có Trục Thế Giới giống như quan niệm của người Ai Cập cổ mô đất nguyên khởi nhô lên từ một hồ nước được diễn tả bằng trụ Djed cũng có nột khuôn mặt là Trục Thế Giới (xem Ai Cập cổ và Cổ Việt), tương tự chúng ta có Động Đình Hồ (Động núi hình Đình có mái nhọn như cây đinh nhô lên từ một Hồ nước).

-Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống

Tam Thế và Trục Thế Giới được biểu tượng bằng một cây gọi là Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống. Cây này là cây ceiba, yaax-che. Maya lấy cây bông gòn làm biểu tượng cho Cây Tam Thế.

Cây Vũ Trụ của Maya. (Verás, Essential Collection, Cancun, Mexico).

Lưu ý phía tay trái (người xem) là phía âm có nữ thần Ichabel yax, Ixchel, rắn… phía tay phải là phía dương có thần mặt trời Kinich Ahau, chim quetzal… theo đúng ngữ pháp của hình, dấu, chữ viết nòng nọc…

 Ở chỗ khác Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống được biểu tượng bằng một cây hình chữ T (tau) hay hình Chữ Thập.

  

 Cây Tam Thế hình Thập Tự ở Đền Thập Tự (Temple of the Cross) ở Palenque (Wikipedia). 

 Vòm cây này là Thượng thế diễn tả bằng hình con Chim Cõi Trời Thiên Điểu Itzam Yeh (xem dưới).

Cành Cây ngang của cây là thanh ngang của Cây Thập Tự là Trung Thế, Cõi Đất thế gian được diễn tả bằng con Rắn hai đầu (vì là dòng nòng, âm, nước, đất thế gian là đất âm có nước nên mới biểu tượng bằng rắn hai đầu) (xem dưới).

Rễ Cây là Hạ Thế, cõi âm được diễn tả bằng mặt một loài thủy quái có miệng là ngõ vào cõi âm.

Thân Cây tức trụ cây thập tự là Trục Thế Giới nối kết, thông thương Tam Thế.

Điểm lý thú là Maya ngữ gọi cây là “te” và Cây Tam Thế có hình chữ T (phát âm theo tiếng Việt là Tê giống âm Maya te). Còn loại Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời trông giống cây Thập Tự, cây thánh giá thì  khi bị người Tây Ban Nha thống trị, Cây Thập Tự của Thiên Chúa giáo và Cây Tam Thế  chữ thập của Maya đã nhập vào nhau thành một nên đã giúp người Tây Ban Nha cải đạo, đổi đức tin của người Maya rất dễ dàng. Quả thật ra thì cũng đúng vì khi cây thập tự cắm trên một đế cao cũng mang hình bóng Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống trong Thiên Chúa giáo ví dụ như: cây thánh giá cắm trên đế hình tháp có ba bậc Tam Thế biểu tượng cho Cây Tam Thế của Thiên Chúa giáo Coptic Ai Cập cổ.

Cây thánh giá cắm trên đế hình tháp có ba bậc Tam Thế biểu tượng cho Cây Tam Thế của Thiên Chúa giáo Coptic Ai Cập cổ (hình của tác giả chụp tại một nhà thờ Coptic ở Ai Cập).

Hay cây thánh giá cắm trên hình tháp trong các hình biểu tượng của Thiên Chúa giáo cũng biểu tượng cho vũ trụ. Thật ra phải hiểu đây là Cây Vũ Trụ (ảnh hưởng của Vũ Trụ giáo còn thấy rất rõ trong các tôn giáo lớn ngày nay như Ấn giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo).

Cây thánh giá trên đế hình tháp mang nghĩa vũ trụ (cây). (tài liệu tác giả lấy tại Alberobello, vùng Puglia, Ý nơi có những ngôi nhà Trulli hình nón tròn xoay trên nóc có rất nhiều biểu tượng liên hệ với Vũ Trụ Tạo Sinh).

Ngoài ra Thần Bắp Ngô Yum Ka’ak, một vị thần thế gian chính yếu, sinh tử của Maya cũng mang hình bóng của Cây Đời Sống.  Nhờ thần sấm chớp Chaac bửa đôi mua rùa, Thần Bắp được tái sinh, chui bật lên ra khỏi mu rùa giống như nẩy mầm từ hạt bắp trong lòng đất lên khỏi mặt đất mu rùa nổi trên Biển Vũ Trụ. Thần trở thành một Cây Đời Sống  (giải thích theo mặt đất thì đây là con rùa nước, có chỗ lại giải thích là con rùa vũ trụ tức con rùa gió biểu tượng cho vòm vũ trụ).

Thần Bắp mọc ra khỏi mặt đất mu rùa trở thành Cây Đời Sống (Bích họa thời Tiền-Cổ điển tại San Bartolo,100 STL).  (Verás, Essential Collection, Cancun, Mexico).

Cây Tam Thế (với nhiều hình dạng khác nhau) của Maya cũng chuyên chở thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh giống như của cây Nấm Tam Thế, Nấm Vũ Trụ của người Thái ở Nghệ An và của cổ Việt còn thấy qua trống đồng nòng nọc, âm dương Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) của đại tộc Đông Sơn. Cây Nấm Tam Thế là Cây Tam Thế tuyệt hảo nhất trong tất cả các loại Cây Tam Thế  vì cây nấm có nóc hình vòm biểu tượng hoàn hảo, đúng trăm phần trăm hình vòm vũ trụ, vòm trời.

Chúng ta cũng có đền Hùng Vương ở núi Ngũ Lĩnh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ với ba đền Thượng Trung Hạ mang hình bóng Cây Tam Thế (xem Cấu Trúc Đền Hùng Vương).

 -Tái sinh, Vĩnh Cửu

Người Maya quan niệm đại vũ trụ và tiểu vũ trụ (con người) đều bị hủy diệt và được tái sinh.  Từ khởi thủy tới ngày nay đã trải qua nhiều chu kỳ. Đến cuối chu kì này, ngày cuối của baktunes 13, vũ trụ sẽ có đại hồng thủy như những lần đã qua (Dresden Codex). Như vậy vũ trụ chấm dứt vào ngày 21 tháng 12 năm 2012. Đây là cách “Tính Dài” (Long Count) của một thứ Lịch Maya. Sau khi chấm dứt (hủy diệt, có người cho là tận thế) vũ trụ lại được tái sinh.

Dịch

  Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, tôi đã nói tới Dịch Maya.

-Quan Niệm Tín Ngưỡng

Như đã thấy tín ngưỡng Maya rất đa dạng dựa trên nguyên lý lưỡng hợp, chim-rắn, nòng nọc, âm dương, tốt và xấu, thiện và ác. Các vị thần Maya rất đa diện, có những khuôn mặt biến đổi tùy từng địa phương, thường ứng với bốn phương trời tức tứ tượng. Điểm này về ngôn ngữ học, thấy rất rõ qua ký tự, chữ viết của Maya, tên các vị chúa tể (lords) gọi là ajaw được viết ít nhất bằng bốn dấu hiệu ngữ (logograph) hình đầu người. Các nhà ngữ học Maya hiện nay không hiểu tại sao. Nhưng nếu chúng ta nhìn dưới diện tứ tượng của Vũ Trụ Tạo Sinh, của Dịch thì chúng ta sẽ hiểu rõ là mỗi vị chúa tể này ứng với một tượng của tứ tượng là Lửa, Nước, Gió, Đất giống như bốn vị tổ phụ của chúng ta là Đế Minh (Tượng Lửa), Kì Dương Vương (Tượng Đất), Lạc Long Quân (Tượng Nước) và Hùng Vương lịch sử (Tượng Gió) và giống như trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn có bốn loại trống trong sáu loại theo phân loại của tôi có hình dạng khác nhau ứng với tứ tượng (Cơ Thể Học Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á). Trong bốn dấu hiệu ngữ hình đầu người ajaw này đều có chữ viết nòng nọc vòng tròn-que nói rõ cho biết mỗi vị thuộc tượng nào ví dụ Ajaw có mũi khoằm, một dạng biến thể của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que móc câu, có nghĩa là mưa sấm là vị chúa tể ứng với tượng Nước tương đương với Lạc Long Quân (xem bài viết về Chữ Viết và Lịch Maya).

Cốt lõi văn hóa của Maya là Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Dịch giống chúng ta. Con người là tiểu vũ trụ. Con người và vũ trụ ruột thịt với nhau, là một. Con người và thượng đế là một. Những quan niệm này giống hệt người Việt cổ. Họ quan niệm vũ trụ và con người liên tác với nhau theo hai chiều. Con người nhận những khí lực, sinh lực từ vũ trụ và ngược lại vũ trụ, trời đất cũng lấy sinh lực của con người, phải tùy thuộc vào con người để mà sống còn, để mà tồn tại. Vũ trụ cũng như con người cũng bị tàn lụi, hủy diệt (quan niệm này con người ngay nay mới thức tỉnh nhận ra, cổ võ hướng về môi trường xanh”). Vũ trụ, mặt trời phải được nuôi dưỡng hàng năm. Vì vậy phải có những nghi thức hiến tế từ con người để nuôi dưỡng vũ trụ, mặt trời. Trong khi các vị thần Maya hết sức thay đổi về hình dạng và các địa hạt ảnh hưởng lên con người, nhưng tất cả cùng chia xẻ chung một điểm chính là thần năng (divine energy) hay “tinh hoa” “essence” gọi là ku’h (holiness) tương đương với khí thiêng vũ trụ, trời đất. Thần năng, khí thiêng này được thể hiện về thể chất như là một thứ khí huyết như thường thấy thần năng này diễn đạt bằng những giải cuộn dòng máu chẩy (flowing scrolls of blood) có gắn thêm vào những hình hoa và các biểu tượng thiêng liêng (Matthew Looper, Quirigu á, A Guide to an Ancient Maya, Editorial Antigua, S.A. Guatemela, 2007).

Cái gọi là giải cuộn “scroll” thật ra chính là chữ viết nòng nọc  hình móc câu có một nghĩa là nước dương, nước chuyển động, nước chẩy, ở đây diễn tả dòng máu, dòng khí huyết  chẩy từ thần linh, vũ trụ xuống. Vì thế trong thế giới Maya cổ, máu của giới vua chúa được coi là thiêng liêng nhất vì được coi là có cùng khí huyết của thần năng cho nên mới có tục trích huyết (bloodletting) để hiến tế. Máu này lấy từ đầu ngón tay, lưỡi… được đốt thành hơi khói bốc lên trời từ bàn thờ đặt ởTrục Thế Giới tại tâm ba tháp tạo dựng nên vũ trụ như đã biết. Về sau biến đổi đi, mang tính “thế tục” là dùng máu của kẻ thù, hiến tế sống những lãnh tụ thù nghịch khi bắt được.

Chúng ta lúc đầu cũng vậy, gần đây còn nghe câu hát “thề phân thâyuống máu quân thù”. Về sau chúng ta dùng máu loài vật, hiến tế súc vật. Hồi nhỏ tôi còn thấy cúng tiết gà. Ăn máu sống dưới hình thức tiết canh ngày nay còn thấy ở người Việt và ăn salad trộn máu sống ở một vài tộc ở Nam Dương là dấu tích của tục hiến tế máu. Thờ vũ trụ tạo sinh qua hình bóng Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ. Như đã biết Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống sinh ra con người nguyên khởi vì thế con người nguyên khởi (và cả con người ngày nay) cũng cho là có hình cây. Đầu người  ứng với chỏm Cây Tam Thế biểu tượng cho  Thượng Thế, Cõi Trên Tạo Hóa. Điểm này thấy rõ qua chỏm Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ của người Dayak biểu tượng cho Thượng Thế được diễn tả bằng một chiếc sọ người (thường là sọ của kẻ thù săn được).

Thượng Thế, Cõi Trên Tạo Hóa ở đỉnh Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ của người Dayak được biểu tượng bằng một chiếc sọ người.

Vì thế các tộc theo Vũ Trụ giáo trước đây mới có tục thờ đầu, sọ người, dùng đầu sọ kẻ thù làm vật tế lễ vũ trụ, tam thế, thần thánh, tổ tiên. Điều này giải thích tại sao người Maya thuộc văn hóa Olmec thờ những hình đầu Olmec vĩ đại (Olmec colossal heads) như thấy tại La Venta (vùng đất thấp Trung Mỹ ven vịnh Mexico). Đây cũng giống tục thờ đầu người của các tộc Việt cổ thấy qua tục Săn Đầu Người ở Đông Nam Á và Đa Đảo trước đây. Cách đây không lâu người Ao-Naga ở vùng Assam, phía Tây địa khối Vân Nam và các tộc ở Nam Dương còn có tục săn đầu người.

Cũng xin nói thêm về cái bàn thờ trong các đền đài của Maya dùng để dâng cúng đồ tế lễ thường có hình chữ T (tau). Như đã nói Cây Tam Thế cũng có một hình dạng chữ T.  Chúng ta đã biết thân Cây Tam Thế là Trục Thế Giới thông thương ba cõi, dùng làm trục lộ đi lại ba cõi và dùng để dâng cúng đồ tế lễ, hiến tế giống như thân trống đồng hình Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) trên có khắc các hình người (đây là những người có thể đi lại ba cõi như các pháp sư…) hay các thú vật (dùng làm tế vật…) (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Vì thế chiếc bàn thờ chữ T cũng mang hình ảnh Trục Thế Giới dùng để dâng cúng đồ tế lễ.

Bàn thờ chữ T chính là chiếc bàn thiên của chúng ta ngày nay.

Thờ Cúng Tổ Tiên, Anh Hùng, Liệt Nữ

Người Maya thờ phượng tổ tiên, họ thần thánh hóa các vua chúa, anh hùng, liệt nữ, tổ tiên, những kẻ có công đức thành những vị thánh thần để thờ phượng. Tại nhiều nơi tổ tiên được thờ phượng như các vị thần hộ trì (patron deities) cho các làng mạc, thành phố, chỗ ở. Điểm này giống hệt như người Việt.

Các Vị Thần Chính

Các vị thần Maya là hiện thân của các lực thiên nhiên và sức mạnh của vũ trụ tạo ra những ảnh hưởng lên con người, tiểu vũ trụ.

Thần Sáng Thế

Truyền thuyết sáng thế, Vũ Trụ Tạo Sinh của Maya cho thấy vũ trụ do một nhóm các vị thần tạo nên. Trong đó có hai vị thần có biệt danh là Thần Chèo Thuyền Báo Jaguar Paddler và Thần Chèo Thuyền Cá Đuối Stingray Paddler  bởi vì hai vị này thường được diễn tả chèo một chiếc ca-nô.

Điểm này cho thấy Maya thuộc về ngành nòng, âm, không gian, nước ứng với ngành Thần Nông, Lạc Long Quân.

Hunab ku

Vị thần tối thượng, tối cao ở cõi trên tạo hóa là Hunab ku (Maya ngữ Hun có một nghĩa là Một, Đại Hàn ngữ “han” là một, với h câm Hun, han là Pháp ngữ là “un”, Anh ngữ “an”, Việt ngữ “ên” có nghĩa là một và ku là thần. Hunab ku là vị thần số 1). Ta cũng thấy Hun- biến âm với Việt ngữ Cun (h=c, hủi = cùi). Mường ngữ Cun là người đứng đầu, số một, tù trưởng, tộc trưởng như tục ngữ Mường có câu “Cun lang bú chó, Cun vó bú trâu” có nghĩa là tộc trưởng tộc sói lang bú chó, tộc trưởng vó (vó là chân như vó ngựa, vó trâu) bú trâu. Nhưng thường các vị thần tổ tối cao chỉ mang tính cách tượng trưng (Otius deosus) giống như Viêm Đế ở cõi tạo hóa vũ trụ và khuôn mặt tạo hóa của Đế Minh ở cõi sinh tạo thế gian của cổ Việt.

Itzamna

Izamna, con của Hunab ku là vị thần tối thượng của Thượng Thế Cõi Trời thế gian, tạo sinh ra nhân loại và là vị thần bảo trợ cho khoa học, nghiên cứu và chữ viết.

Thần tối thượng của Thượng Thế Cõi Trời thế gian Itzamna ngồi ở đỉnh Cây Vũ Trụ.

Itzamna cũng được coi là có một bộ mặt thế gian, là một tu sĩ đầu tiên, một anh hùng văn hóa. Trong Codices, vị thần này được diễn tả là một người già mũi khoằm (liên hệ với chữ móc câu có một nghĩa là nước dương), mắt rắn, miệng móm không có răng hay chỉ có một cái răng và má hóp. Trong một vài tượng điêu khắc được diễn đạt bằng như một con con cá sấu hay thằn lằn. Itzamna có nghĩa là Gia Tộc Thằn Lằn hay Cá Sấu (House of Iguana or Alligator). Itzam trong ngôn ngữ Yukatec có nghĩa là thằn lằn hay cá sấu và na là nhà (Maya ngữ na ruột thịt với Việt ngữ nhà). Sự thờ phượng Itzamna thịnh hành ở Itzamál tại phía bắc bán đảo Yucatán.  Trong huyền thoại, Itzamna được diễn tả giống như là Rồng Trời (Heavenly Dragon). Itzamna biểu tượng cho sự hài hòa hôn phối nòng nọc, âm dương đối nghịch kiểu vợ chồng (harmony of opposite).

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, ta thấy Itzamna mang hình bóng của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân của chúng ta có một khuôn mặt tạo hóa ở cõi trên đội lốt Thần Nông. Lạc Long Quân là vị thần tối thượng của ngành nòng âm, không gian, nước (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc). Lạc Long Quân-Thần Nông là khuôn mặt nòng âm của thần tổ Viêm Đế-Thần Nông nhất thể. Lạc Long Quân cũng được diễn tả là một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc quần áo trắng. Lạc Long Quân cũng có cốt là rắn, rồng. Lạc Long Quân hôn phối với Âu Cơ  đẻ ra bọc trứng hài hòa nòng nọc, âm dương Hùng Vương. Người Việt cũng coi Lạc Long Quân là một vị thần huyền thoại và một thần tổ, tổ phụ thế gian.

Ixchel

Maya có hai vị nữ thần chính, một trẻ, một già đều gọi là Ixchel là nữ thần Ixchel trẻ và Ixchel già còn gọi là Ixchabel yax. Nữ thần già Ixchabel yax, bạn đời của thần Itzamna, có da trắng, là thần mẫu của tất cả các vị thần khác, liên hệ với canh cửi và hội họa. Nữ thần này tương ứng với một khuôn mặt của Âu Cơ, thần mẫu của tất cả các vua Hùng, có da trắng mang bản thế khí gió có mầu trắng là một khuôn mặt sinh tạo, tạo hóa  khí gió Tốn của Âu Cơ  hôn phối với khuôn mặt Chấn tạo hóa đẻ ra bọc trứng thế gian. Khuôn mặt hôn phối nòng nọc, âm dương khí nước đối nghịch dạng vợ chồng của Ixchabel với Itzamna ngành nòng âm tương tự như Âu Cơ và Lạc Long Quân ở cõi tạo hóa.

Nữ thần trẻ Ixchel là thần mắn sinh, sinh sản và nước thủy triều, liên hệ với mặt trăng và nước. Đây là khuôn mặt ruột thịt theo hôn phối anh em (như thấy trong truyền thuyết Ai Cập cổ hai anh em sinh đôi cùng bản thể lấy nhau) hay cha con của Ixchel với Itzamna, ở dạng tương đồng bản thể nước. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt ta thấy rất rõ Ixchel có những khuôn mặt của Lạc Long Quân là thần biển (có nước thủy triều), có khuôn mặt là ông trăng (mặt trời đêm), nước và dĩ nhiên có khuôn mặt sinh tạo, mắn sinh, sản xuất phái nam.

Kinich Ahau

Kinich Ahau là thần-có mắt mặt trời (“Sun eyed Lord”).

Thần Mắt-Mặt Trời Kinich Ahau có con mắt là hình ngữ kin, mặt trời tại phế tích Kohunlich, Costa Maya, Mexico, trước năm 500 Sau Tây Lịch.

Được gọi tên như thế vì hai mắt vị thần này là hai hình ngữ kin có nghĩa là mặt trời, ngày.

Hình ngữ Maya kin (mặt trời, ngày).

Kinich Ahau cũng được gọi là thần mặt trời Ah Kinchil (“he of the Sun”) là thần sinh tạo ra thời gian và nguồn cội của tương lai.

Trong thời kỳ Cổ Điển và Hậu Cổ Điển, Kinich Ahau mang khuôn mặt của một vị thần toàn năng và oai phong lẫm liệt liên hệ với hạn hán, chiến tranh, hiến tế máu. Các thú biểu là con báo, ở cõi âm là báo đêm, nai, chim hummingbird (biểu tượng cho hùng tính, dục tính nam từ mặt trời, sexual energy from the sun), chim ó (chiến tranh)…

Chaac

Chaac (chac, chaahk) là thần sấm, chớp, mưa, vị thần được thờ phượng nhiều nhất của người Maya. Điều này cũng dễ hiểu vì người Maya vốn là tộc canh nông như người Việt. Chaac có khi diễn tả có những nét rắn như trong Codices (rắn liên hệ với nước, mưa), có khi cầm rìu sấm chớp (búa thiên lôi), nhưng như đã nói ở trên, nét chuyên biệt nhất là mũi hết sức kỳ dị không giống ai của chaac có hình móc câu chính là chữ nòng nọc móc câu có một nghĩa là mưa (nước chuyển động), sấm (nước-lửa). Mũi chính là tên của Thần Sấm Mưa Chac. Thần Chaac cũng là vị thần đa diện có ít nhất là bốn khuôn mặt ứng với  tứ tượng, với bốn phương trời, liên kết với rắn (nước, Thần) và liên hệ với ik, thần Gió (Nông) ứng với Thần Nông, mỗi khuôn mặt có tên riêng và có mầu sắc riêng. Chaac có khi ở  cõi trời trên Cây Tam Thế có khi ở các hố nước cenotes, đường xuống cõi âm.

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt ta thấy Chaac mang những khuôn mặt của Lạc Long Quân là rắn, nước, sấm, mưa, khí gió (dưới khuôn mặt Phù Đổng thiên vương), khuôn mặt tạo hóa đội lốt Thần Nông và chúa cõi âm có thủy phủ ở vịnh Hạ Long (vì là Chúa Cõi Âm nên Lạc Long Quân diệt được con cáo tinh chín đuôi, ngư tinh, gà tinh trắng…).

Kukulkan (kukulcan)

Như đã biết nguyên thủy Maya có Chim Cõi Trời Rắn-Chim Itzam Yeh (xem dưới) và con Rắn hay Cá Sấu Rồng Trời. Về sau khi nhóm Nahua tới vùng của người Maya (967-997 STL) sự thờ phương Rắn Lông Chim (feathered serpent) Quetzal Coatl của Mễ được thu nhập vào thành Rắn-Chim Kukulcan nhất thể. Rắn-Lông Chim Kukulcan là dạng Itzam Yeh hòa hợp với Quetzal-Coatl.

Trong Popol Vuh mô tả Rắn-Lông Chim là Tạo Hóa Creator. Đây là cái nhìn rắn-chim, nòng nọc, âm dương  Nhất Thể ứng với Trứng Vũ Trụ, Thái Cực mang nghĩa sinh tạo, Tạo Hóa.

Các tộc thờ Kukulcan chiếm Uxmal và Chichen Itzá, cai trị cả bán đảo Yucatan, lập nên Mayapán. Tại đây phát triển nông nghiệp, chữ viết cũng như lịch, tôn thờ ngẫu tượng, hiến tế nhựa sơn (copal), máu và người sống.

Tại tháp Kukulcan ở Chichen Itzá, hàng năm có thể thấy thần Kukulcan «bò xuống» cạnh tháp dưới dạng ánh sáng mặt trời vào lúc ban đầu của lúc phân điểm. lúc ngày và đêm bằng nhau (equinox).

Yum Ka’ax

Đây là thần Bắp, Ngô, vị thần chính yếu và sinh tử ở cõi Trung Thế, Đất thế gian. Người Maya thoạt đầu định cư thành những làng cố định gần vùng ven biển vào khoảng giữa năm 6000-2000 TTL (gọi là Thời Cổ « Archaic period »). Bằng chứng về ngôn ngữ học cho thấy mãi tới cuối Thới Cổ khoảng 2000 TTL, người Maya mới tách ra làm hai nhóm: nhóm phía Bắc ở vùng thấp và nhóm phía Nam ở vùng cao nguyên như Guatemela, Chiapas. Thoạt đầu sống ở vùng ven biển họ trồng trọt và đánh cá thêm để sống. Vốn là dân sống bằng nông nghiệp, nên ngô, bắp là hạt của đời sống của họ vì thế thần Yum Ka’ax là một vị thần được thờ phượng rộng rãi, thường được nhắc tới trong Codices. Thần quan trọng và thiết yếu tới độ, như đã biết, trong một truyền thuyết, thần nẩy sinh ra từ mu rùa mặt đất và biến thành một Cây Đời Sống. Yum Ka’ax cũng còn được gọi là thần Đồng Ruộng Ah Mun. Thần được diễn tả là một thanh niên đội trang phục đầu có hình bắp, ngô.

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, Maya cũng vốn là dân làm ruộng ở vùng ven biển, vùng đất thấp giống như các tộc Lạc dân của Lạc Việt Lạc Long Quân sống ở vùng đất thấp ven sông biển làm canh nông, trống lúa nước. Vì thế vị thân chính yếu mang hình bóng Cây Đời Sống của Maya là vị Thần Bắp này giống người Việt cổ thờ các vị thần liên hệ với việc trống lúa nước. Họ có truyền thuyết viết trong sách thiêng Popol Vuh kể rằng thượng đế lúc đầu dùng bùn nặn ra con người nhưng vì nhũn quá, không cử động được, sau đó đẽo con người từ gỗ, con người gỗ nói được nhưng không có linh hồn và không nhớ tới thượng đế. Cuối cùng thượng đế tạo ra con người từ bắp ngô. Con người bắp ngô này  nhận biết thượng đế và biết ơn đã được tạo ra làm người.

Họ sinh ra từ bắp ngô và chúng ta có truyền thuyết sinh ra từ quả bầu.

Ah Puch

Là vị Thần Chết liên kết với bóng đêm, chiến tranh và hiến tế, được diễn tả bằng hình bộ xương hay có thần thể đang bị thối rữa. Thần Ah Puch thường được tháp tùng bởi chim Moan, chó, chim cú, dơi, các thú vật liên hệ với bóng đêm và cõi âm. Đây là khuôn mặt chết đối nghịch với khuôn mặt sinh tạo của Itzamna. Hai khuôn mặt tử sinh này hài hòa cùng nhau để làm nền tảng cho động lực vũ trụ xoay vần. Nói một cách khác Ah Puch là một khuôn mặt Cõi Chết của Itzamna ở Cõi Sinh tạo. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt thì đây là hai khuôn mặt của Lạc Long Quân ở cõi sinh tạo tạo hóa và cõi âm thủy phủ.

°°°

Vật Tổ

Hiển nhiên vật tổ chính của Maya thuộc dòng nòng âm.

a. Cõi tạo hóa

.Vật tổ tối thượng ở cõi vũ trụ tạo hóa dưới dạng nhất thể.

Thoạt đầu thần tổ tối cao ở cõi Tạo Hóa nhất thể là  chim thần Thiên Điểu  (Supernatural Celestial Bird) Itzam Yeh. Chim ở dạng nhất thể có hình chim và rắn còn quyện vào nhau. Như đã  thấy Itzam Yeh đứng ở trên chỏm Cây Tam Thế hình Chữ Thập ở  Đền Thập Tự đã nói ở trên.

Theo diện nhất thể gọi là Rắn-Chim. Theo duy dương gọi là Chim Trời Thiên Điểu siêu nhiên. Vật tổ này biểu hiện cho chòm sao Big Dipper (Đại Hùng Tinh).

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, Chim-Rắn này ứng với nguyên lý lưỡng hợp Chim-Rắn của Đại Tộc Việt. Dưới diện nhất thể là Rắn nòng Thần Nông và Chim nọc Viêm Đế ở dưới dạng Chim-Rắn Viêm Đế-Thần Nông (nhất thể). Dưới diện duy dương là Chim Cắt Viêm Đế. Hình bóng linh thú Chim-Rắn nhất thể này còn thấy rõ ở đầu các con thuyền được diễn tả bằng hình Chim nằm trong miệng Rắn ở trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và các trống họ hàng của trống này.

.vật tổ tối cao của ngành nòng âm, không gian.

Ở cõi tạo hóa cõi trời là con Rắn Thần, Rắn Trời hai đầu của ngành nòng âm không gian như đã biết linh vật rắn hai đầu này là thanh ngang của Cây Tam Thế hình Chữ Thập ở  Đền Thập Tự đã nói ở trên.

Ở cõi trời thế gian là con cá sấu hai đầu có bốn chân sống được trên mặt đất.

Một linh vật Cõi Trời.

Đầu linh thú có hình đầu người chui ra, mình thú là mình cá sấu và đuôi thú cũng là hình mặt người. Đây là con cá sấu hai đầu diễn tả dạng đất-nước của ngành nòng âm ứng với ngành Thần Nông.

Dựa theo vị trí của chân thì con thú ngày có đầu ở phía tay trái thuộc ngành âm. Đầu người phía tay trái phía đầu thú mang dương tính (đầu là dương, đuôi là âm), đầu người phía trái này là dương của âm tức thiếu âm, khí gió (ứng với Nông) vì thế mà trang phục đầu có búi tóc hình gió cuốn, Mặt người ở đuôi mang âm tính tức âm của âm là thái âm, có mũi khoằm, hoa tai có hai vòng tròn đồng tâm thái âm, nước (ứng với Thần). Rõ nhất trên người có có ba vòng tròn  là bà Nòng OOO tức quẻ Khôn, nước vũ trụ. Trong ba vòng tròn có dấu nòng âm tí hon cũng xác định đây là nòng âm nước. Linh thú là thú biểu của ngành nòng âm (nước-khí gió) ứng với ngành Thần Nông. Đây là dạng thuồng luồng, rồng nhất thể ngành nòng âm.

.vật tổ tối cao của ngành nọc, dương, mặt trời.

Đây là con chim Cõi Trên mang dương tính mặt trời của ngành nọc, dương, mặt trời.

Chim vũ trụ, chim Cõi Trên.

Chim có mỏ cường điệu có mấu sắc nhọn, mắt mầu đỏ lửa mang dương tính là chim biểu tượng cho mặt trời, lửa, đậu trân cây mầu đỏ mầu lửa. Trên mỏ có sừng đỏ là nọc lửa, nọc mặt trời. Tay của vị thần đứng cũng diễn tả hình đầu chim có sừng. Chim sừng là chim khướng (Mường ngữ chỉ chim cắt đầu có sừng, Mường ngữ khướng biến âm với Hán Việt khương là sừng), là Anh ngữ hornbill, chim cắt, “chim mỏ có mũ sừng”. Chim cắt là Chim Rìu, Chim Việt.

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là chim cắt, Chim Việt, chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế có họ Khương (sừng) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Vậy chim biểu của ngành mặt trời của Maya là chim mặt trời mang hình bóng chim cắt giống như chim biểu của Đại Tộc Việt là con chim cắt, Chim Việt, chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế, con chim cắt này còn thấy khắc trên trống đồng nòng nọc, âm dương Duy Tiên.

b. Cõi đất Trung Thế

thường là con thú bốn chân sống trên mặt đất.

-Báo (ngày).

Thú biểu được Maya thờ phượng nhiều là con báo (balam).

Trong lễ hội, tu sĩ có khi cũng được gọi là balames, trong Vũ Trụ Tạo Sinh, trong lịch, trong bốn phương trời cũng có chỗ được gọi theo tên balames.

Báo có hai khuôn mặt nòng nọc, âm dương nên có hai loại báo ngày và báo đêm (xem dưới).

Báo (ngày) là loài mãnh thú rất đẹp biểu tượng cho sức mạnh thần quyền thường đi với thần mặt trời.

Cần lưu ý Maya thuộc ngành nòng âm nên đã chọn báo làm thú biểu vì báo thuộc họ nhà mèo mang âm tính (họ mèo biểu tượng cho phái nữ) thay vì những con thú mang hùng tính lửa thuộc ngành nọc lửa có sừng như hươu cọc của Đại Tộc Việt, dê sừng của Ai Cập cổ, bò mộng nandi của Ấn giáo…

-Hươu Nai (ceb)

Hươu nai là thú biểu của Đất dương (núi lửa, núi đỉnh nhọn), đất lửa, khô cằn, là thú biểu của Cõi Đất dương gian. Chúng ta có con Cọc, con Hươu sừng, Hươu Đực, Hươu mặt trời Kì là thú biểu của Kì Dương Vương, vị vua tổ đầu tiên của Đại Tộc Việt (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc) và cũng của cả thế gian. Hươu Kì cũng là biểu tượng cho con người đầu tiên ở cõi trần gian. Cổ ngữ Đông Á Keh là con hươu và cũng là con người đầu tiên trên mặt trời đất (James Churchward). Kì biến âm với keh, với Kẻ (người), với Pháp ngữ qui (người), Latin quo (người). Kẻ biến âm với gốc Hy Lạp ngữ  kera- (sừng, cọc nhọn), Pháp ngữ cerf, hươu sừng. Maya cũng có hươu nai là thú biểu tên Ceb.

Thú biểu nai Ceh.

Hiển nhiên nai Ceh chính là hươu keh, hươu Kì biểu tượng cho cõi đất dương gian và cho con người đầu tiên, thần tổ loài người. Ta cũng thấy rất rõ Kì (Kì Dương Vương), kek, ceh ruột thịt với Ai Cập cổ Keb, Thần Đất.

Hươu nai cũng liên hệ với thần mặt trời Kinich Ahau. Hươu nai cũng được đặt tên cho môt ngày trong lịch gọi là manik. Maya ngữ manik có man – liên hệ với với Việt ngữ mang có một nghĩa là con hươu loài mang mễn. Ngoài ra hươu nai còn có một khuôn mặt dân gian là thần săn bắn.

Một vị thần có trang phục đầu hình nai không có sừng trong Codex.

Điểm cần lưu tâm ở đây là Maya dùng con nai (tức con nái không có sừng) làm thú biểu vì Maya thuộc dòng nòng, âm, nước thay vì dùng con hươu sừng, con cọc là thú biểu của ngành nọc, dương, lửa. Vì thế nai ceb không sừng của Maya biểu tượng cho đất âm hay đất dương phía âm.

Lưu ý trên lưng con nai Ceh ở hình trên có hình mặt trời có tia sáng có hình cánh hoa, trong có hình chữ kin, mặt trời biến thể. Mặt trời  có tia sáng hình cánh hoa là mặt trời thuộc ngành âm, thái dương thần nữ. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, điểm này tương tự như Mẹ Tổ Âu Cơ là Thái Dương Thần Nữ của chúng ta mà người Mường gọi là Ngu Cơ, họ cũng cho Ngu Cơ là con hươu sao.

-Cá sấu (Itzam) và Thằn Lằn

Như đã biết cá sấu là thú biểu của thần Itzamna có ít nhất là bốn khuôn mặt ứng với tứ tượng. Lưng cá sấu dùng làm biểu tượng cho mặt đất thế gian. Cá sấu cũng được thần thoại hóa thành linh vật (tương đương với rồng đất-âm, vùng đầm nước).

Đầu cá sấu thần ở Quiriguá (ảnh của tác giả).

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, cá sấu là biểu tượng cho vùng đất có nước, đất âm của Lạc Việt. Cá sấu thần thoại hóa thành rồng đầm nước, giao long, vật tổ của long nhân, long hộ, Giao Việt (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Hình ảnh cá sấu còn thấy rõ trên trống đồng nòng nọc, âm dương Hòa Bình và hình ảnh giao long còn thấy trên nhiều đồ đồng của Đông Sơn (xem chương Thế Giới Loài Vật trong Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).

Những tộc ở vùng cao không có cá sấu đôi khi dùng thằn lằn thay cho cá sấu vì thế đôi khi Itzam cũng chỉ thằn lằn Iguana (cá sấu và thằn lằn cùng một loài bò sát). Đối chiếu với truyền thuyết  Đông Nam Á, Đa Đảo sự thờ phượng thằn lằn còn thấy qua nghệ thuật khắc gỗ của người Ao-Naga và  thấy trên một vài trống đồng như trên  trống U Bông hay trống Nen-xỏng của Lào và trên trống Sangeang của Nam Dương Sơn (xem chương Thế Giới Loài Vật).

-Rùa

Như đã biết, trong văn hóa Maya, mu rùa dùng làm biểu tượng cho mặt đất. Ngoài ra rùa cũng liên hệ với mưa (giống như Lạc Long Quân thần sấm mưa có một khuôn mặt là Rùa Vàng Kim Qui) và với thiên văn vì rùa biểu tượng cho vũ trụ. Vòm vũ trụ cũng được coi như là mu rùa. Rùa liên hệ với Vũ Trụ Tạo Sinh, Dịch nên chúng ta có “Lịch Rùa”, Hùng Vương tạo hóa liên hệ với  con cua đinh rùa ba ba, với con Cua (cua có mai như mai rùa) (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc)…

°°°°

c. Cõi âm

-Báo đêm

Thần mặt trời Kinich Ahau ban đêm khi đi xuyên qua cõi âm biến thành con Báo Đêm.

-Chó

Chó Maya có một khuôn mặt là con thú tháp tùng thần Cõi Âm, Thần Chết Ah Puch.

Ta thấy chó Maya tương đồng với con chó ngao ở địa ngục của Phật giáo.Ta cũng thấy văn hóa Maya có ba điểm tương đồng với Phật giáo: Thượng Thế Maya có 13 tầng, cõi Niết Bàn có 13 bậc, Hạ Thế Maya có chín tầng, địa ngục Phật giáo có chín tầng và chó có khuôn mặt phụ tá cho diêm vương Ak Puch giống như con chó ngao ở địa ngục của Phật giáo. Maya và Phật giáo đều ảnh hưởng của Vũ Trụ giáo.

Ngoài ra con chó ở cõi âm này cũng tương đồng với con chó ở cõi âm thấy trên các Thuyền Phán Xét Linh Hồn ở trống đồng nòng nọc, âm dương Ngọc Lũ I và ở các thuyền họ hàng của trống này (xem chương Ý Nghĩa Hình Thuyền trong Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Qua hình ảnh con chó ở cõi âm này, rõ như ban ngày Maya, Phật giáo, văn hóa Đông Sơn đều có mẫu số chung là Vũ Trụ giáo.

-Chim Cú

Theo người Maya chim cú là chim của xui xẻo, bất hạnh, chết chóc liên hệ với Thần Chết Ah Puch.

Điểm này giống chim cú của chúng ta, “cú kêu ma”. Chim cú cũng là một khuôn mặt cõi âm của Lạc Long Quân. Từ Lạc (đọc là ‘lạc’ hay ‘cách’) là con cú vọ (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Chữ Nòng Nọc Trong Văn Hóa Maya

Có bài viết riêng.

Chữ Viết và Lịch Maya

Có bài viết riêng.

Kết Luận

Nghiên cứu văn hóa Maya bằng truyền thuyết và cổ sử Việt dựa trên nòng nọc, âm dương, Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Dịch rất dễ dàng, dễ hiểu và mới hiểu thấu đáo được, ngày nay các nhà Maya học chỉ mới nhìn văn hóa Maya bằng một con mắt (thường là mắt phải). Hy vọng trong tương lai các nhà Maya học theo dấu chân tôi, nhìn văn hóa Maya dưới lăng kính của Việt Dịch mà nghiên cứu văn hóa Maya.

Ngược lại ta có thể dùng truyền thuyết và cổ sử Maya để soi sáng, sửa sai, điều chỉnh lại truyền thuyết và cổ sử Việt (ví dụ giống như các vị thần Maya, ta phải nhìn Hùng Vương dưới diện lưỡng hợp, nòng nọc, âm dương, tứ tượng, tam thế, Hùng Vương tạo hóa, Hùng Vương thế gian, Hùng Vương lịch sử…, Lạc Long Quân có nhiều khuôn mặt ứng với tứ tượng, tam thế giống như thần Itsamna…).  Hãy cắt xén bỏ đi những cái gì mà các nhà làm văn hóa Việt bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đã viết sai lệch, bôi bác, Hoa hóa hay của những tay làm xiếc, những tay phù thủy văn hóa Việt hiện nay.

Ta có thể dùng chữ viết nòng nọc vòng tròn-que còn thấy trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn để giải đọc các chữ viết nòng nọc vòng tròn-que trong văn hóa Maya và ngược lại ví dụ như cái mũi hình chữ móc câu mang nghĩa sấm, mưa của thần sấm mưa Chaac với chữ móc câu búa thiên lôi ( hiện nay các nhà khảo cổ học Việt Nam gọi là những “vật hình trâm”) sấm mưa ở trống Nam Ngãi II.

Maya và Việt cổ ruột thịt với nhau, Maya siêu việt về thiên văn học, về lịch, về toán học thì người Việt cổ không nhiều thì ít cũng vậy (trống đồng ngoài biểu tượng cho Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Dịch, sử đồng của Đại Tộc Việt cũng có thể còn tiềm ẩn chứa những dữ kiện về thiên văn, lịch, toán…).  Maya có chữ viết thì cổ Việt cũng có thể có chữ viết. Đó là chữ viết nòng nọc vòng tròn-que còn ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn bởi vì trong chữ viết Maya còn rất nhiều chữ viết nòng nọc vòng tròn-que. Các chữ cổ Mường, Thái sau này có thể là chữ con cháu của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que này.

Cuối cùng ta thấy văn hóa  Maya dựa trên lưỡng hợp, Dịch của ngành âm giống như Việt Dịch ngành âm, nước, rắn Phục Hy (Phục Hy có đuôi rắn thuộc ngành nòng âm, nước cùng với em là Nữ Oa cũng có đuôi rắn, Phục Hy không phải người Trung Hoa) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Điều này xác thực là Dịch không phải phát gốc từ Trung Hoa. Chúng ta và Maya có một loại Dịch thuộc ngành âm khác với Chu Dịch của Trung Hoa mang dương tính (hai hào âm dương của Dịch Trung Hoa đều có hình nọc que mang dương tính của ngành nọc dương). Xin đừng dùng Dịch Trung Hoa giải thích văn hóa Việt.


Tài Liệu Tham Khảo

Ngoài các tài liệu đã ghi ngay trong bài còn có:

1. Nguyễn Đệ và Trần Thị Nhung, Mitochrondrial DNA và Nguồn Gốc Việt Nam, Trung Hoa và Maya, Giai Phẩm Xuân Kỷ Sửu 2009, Hội Y Nha Dược Sĩ Việt Nam  Florida.

Nguyễn Xuân Quang