Để giải thích điều này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của từ “phò mã”. Nhiều người cho rằng “phò” là hỗ trợ, giúp đỡ, “mã” là ngựa, và “phò mã” là người phụ trách chăm sóc ngựa cho vua. Thực tế, “phò mã” có Hán tự là 駙馬 trong đó mã (馬) đúng là ngựa nhưng phò (駙) không có nghĩa “giúp đỡ” mà là từ chỉ con ngựa gắn vào xe kéo

. Vào thời xưa, mỗi lần vua đi tuần du thường dùng xe ngựa, vì lý do an ninh nên sẽ có một đoàn theo hộ tống, tất cả đều có xe thiết kế như xe vua để không ai biết vua ngồi ở đâu. Người chuyên trách việc sửa soạn ngựa xe cho đoàn này (và kể cả xe vua) được gọi là phụ mã đô uý, âm xưa đọc là phò mã. Do có lần xảy ra việc quan phụ mã đô uý hành thích hoàng đế nên từ đời Tấn, Tư Mã Viêm đưa ra quy định chỉ có chồng của công chúa mới được giữ chức này.

Những chàng rể của vua, vốn được gọi là “hoàng tế” (tế: con rể), nhưng do có lệ như trên nên dần dần quen được gọi là “phò mã”. Theo thời gian, người ta mặc định luôn “phò mã” là rể vua mà quên mất hẳn chức phụ mã đô uý kia. Tới đây có thể sẽ có độc giả thắc mắc: con rể của vua gọi là “phò mã”, vậy con dâu của vua gọi là gì? Thưa rằng, con dâu của vua được gọi là “hoàng tức”, trong đó tức là cách nói gọn của “tức phụ” nghĩa là con dâu.

(Tham khảo Chuyện đông chuyện tây, Tầm nguyên từ điển và bài viết của Nguyễn Thanh Điệp) —

 

TH/ST