Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức có giảng: “so le: không đều, cao thấp hay hơn kém nhau: Đôi đũa so le, hai tuổi so le quá nhiều”. Đây là một từ khá thú vị vì thoạt nghe, ta cứ tưởng nó có nguồn gốc từ Tây phương, nhưng tra trong sách vở, ngữ liệu thì không thấy cơ sở nào chứng minh điều đó. Vậy “so le” có gốc gác như thế nào?
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình rằng “so” chính là “so” trong “so sánh”. Căn cứ vào điều đó, kết hợp với định nghĩa, người ta cho rằng “le” có bà con với “lệch”. Thậm chí đã có người khẳng định rằng, “le” là từ cổ của “lệch” trong tiếng Mường, còn đọc là “lé”, chính là “lé” trong “mắt lé”, cùng một hàm nghĩa “chệch đi”. Hiện chưa có cơ sở để xác thực điều này, nhưng chúng tôi cũng tìm thấy trong từ điển Mường Việt của Viện ngôn ngữ học một chút manh mối như sau: “lé: lẻ. Con khổ pa là con khổ lé: con số ba là con số lẻ. Tiền lé: tiền lẻ”. Như vậy, tuy chưa xác định được “le, lé” với nghĩa “lệch đi” nhưng ta cũng thấy được phần nào chúng có quan hệ với “lẻ” tức “dư ra, không tròn”.
Một giả thuyết khác cho rằng “le” có nghĩa “thòi ra, dôi ra” như trong “le lưỡi”. Để chứng minh điều này, có thể dẫn ra định nghĩa trong từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, xuất bản năm 1931 như sau: “So le: cao thấp không đều nhau”. Kết hợp với lời giải thích của Lê Văn Đức ở đầu bài, ta thấy “so le” ban đầu chủ yếu nói về sự chênh lệch của chiều dài thay vì vị trí. Căn cứ vào điều đó, ta có thể kết luận “so le” là đem so thì bị dôi ra, thòi ra, và “le” cùng một chữ với “le” trong “le lưỡi” là có cơ sở. Ý kiến này thực chất không mâu thuẫn với ý kiến đầu cho rằng “le” bắt nguồn từ “lé” trong tiếng Mường, mà hai ý kiến có thể bổ sung cho nhau.
Tóm lại, “so le” không phải một từ mượn ở Tây phương, mà có gốc rất thuần Việt, trong đó “so” là “so sánh” còn “le” khả năng cao là “dư, lệch”. Ngày nay, “so le” không chỉ nói về độ dài mà còn chỉ vị trí lệch, như hai góc so le trong, lá xếp kiểu so le…