Trong quá trình nhập văn bản các nhân viên đánh máy đã tự ý sửa hai chữ “thuyền lan” trong sách gốc thành “thuyền nan”, vì cho rằng sách in sai. Cũng dễ hiểu thôi, do hai chữ “thuyền lan” nghe xa lạ, đến Wikipedia cũng ghi là “thuyền nan” kia mà!

Vậy “thuyền nan” hay “thuyền lan” mới đúng đây?

Khảo sát kho ngữ liệu của Tiếng Việt thì “thuyền lan” xuất hiện 15 lần, phổ biến ở các tác phẩm thơ cổ điển. Chẳng hạn, “thuyền lan” xuất hiện trong tác phẩm “Ai tư vãn” (Ngọc Hân công chúa) do Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải:

Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

Nguyễn Thạch Giang giải thích: “thuyền lan chèo quế: thuyền gỗ lan chèo gỗ quế. Chỉ thuyền chèo quý, sang trọng đưa Ngọc Hân về nhà chồng.”

Xem bài tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ai_t%C6%B0_v%C3%A3n

Từ điển tiếng Việt đã thu thập từ này: “thuyền lan d. thuyền đẹp, thường làm bằng gỗ mộc lan, thời xưa dùng để đi chơi: “Gió cuốn buồm dong lá phất phơ, Thuyền lan lãng đãng giữa doành tơ.” (LTKN – Lâm tuyền kỳ ngộ).

Dần dần “thuyền lan” được dùng mang tính biểu trưng để chỉ loại thuyền đẹp, dùng để đi chơi đây đó. Còn “thuyền nan” thì quá gần gũi với người nông dân vùng sông nước, nó là loại thuyền nhỏ được đan bằng nan tre và thường được trát kín bằng sơn ta hoặc nhựa đường, dùng làm phương tiện chuyên chở nông sản, phụ phẩm, phân bón, v.v.

(Nguồn ảnh: Internet)

Trong thơ ca, “thuyền lan” thường được dùng để miêu tả hoặc tái hiện những khung cảnh trữ tình, đầy thi vị, nếu ta cứ thử bằng thay “thuyền nan” thì thấy câu thơ sẽ trở nên thô cứng, giảm đi sức truyền cảm tinh tế. Sau đây là một số minh hoạ:

Gió cuốn buồm dong lá phất phơ,
Thuyền lan lãng đãng giữa doành tơ.
Nhớ nhà làng hạnh chèo thơ thẩn,
Thương khách cung trăng sóng vật vờ.
Vườn thắm vui trông sao lác đác,
Non xanh thẹn thấy nhạn lơ thơ.

(Lâm tuyền kỳ ngộ. Khuyết danh)

Bớ chiếc thuyền lan!
Khoan khoan ngớt mái
Đặng đó đây tỏ một đôi lời phải trái nghe chơi.

(Ca dao)

Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan,
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông…
Ô kìa! Bên cõi trời đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.

(Mòn mỏi. Thanh Tịnh)

Lòng tôi như chiếc thuyền lan,
Tình cô như khách sang ngang một chiều
Thu nào quá đỗi cô liêu,
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn…
Qua rồi thôn cách bến sương,
Phất phơ áo nhạt mất đường lau không.
Vô tình đâu biết trên sông.
Có người ngang lái còn trông dõi mình.

(Sang ngang. Nguyễn Đình Thư)

TH/ST