Kiểu nhà sàn hình thuyền của người Batak Toba ở Indonesia rất giống với hình ảnh các ngôi nhà sàn Việt cổ được chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam.
Tộc người Batak Toba sinh sống quanh hồ Toba ở phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia được cả thế giới biết đến với kỹ thuật xây dựng nhà sàn hình thuyền rất độc đáo.
Những ngôi nhà sàn của họ được gọi là jabu, luôn có hai đầu mái cao và vút cong như hai đầu của một con thuyền.
Nhà được xây dựng bằng gỗ lợp lá, được chia làm ba phần chính là nền móng cùng khác cột chống, thân nhà và mái nhà.
Đầu hồi phía trước của nhà thường rộng hơn đầu hồi phía sau và được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hình mặt trời, ngôi sao, gà trống, và các dạng hình học màu đỏ, trắng và đen.
Mỗi nhà sàn jabu sẽ có một cửa chính được dẫn xuống đất bằng cầu thang, xung quanh là các cửa sổ nhỏ. Thân nhà là nơi sinh sống thường cao hơn mặt đất khoảng 1,5, còn gầm nhà với hệ thống cột chống được dùng làm nơi nhốt gia súc.
Do tác động từ cuộc sống hiện đại, nhiều ngôi nhà sàn jabu mất dần những nét truyền thống. Các ngôi nhà mới xây thường có kiến trúc đơn giản hơn, sử dụng nhiều loại vật liệu công nghiệp và có thêm các công trình phụ dưới mặt đất. Dù vậy, hình dáng như những con thuyền của nhà sàn jabu vẫn là nét đặc trưng được gìn giữ.
Trong những năm gần đây, hình dáng đặc biệt của nhà sàn jabu đang được giới nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam chú ý.
Kiểu nhà sàn hình thuyền của người Batak Toba rất giống với hình ảnh các ngôi nhà sàn Việt cổ được chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn.
Theo các nhà nghiên cứu nhân chủng học, tộc người Batak Toba thuộc nhóm chủng tộc Batak, có tổ tiên là các di dân từ Đài Loan và Philippines khoảng 2.500 năm trước. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước với cách thức canh tác quen thuộc của vùng Đông Nam Á.
Hi vọng rằng trong tương lai, ẩn số về mối quan hệ văn hóa giữa người Batak và một số tộc người khác ở Indonesia với người Việt cổ sẽ được làm sáng tỏ.
Kiến Thức