Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Thật là lạ khi người xưa lại nhân cách hóa và ví von thuốc lào với một con người để mà thương nhớ. Mà cái tình ấy lại chừng như quá sâu quá đậm. Khi người ta dùng đến từ “chôn” là có vẻ như người ta muốn dứt khoát, muốn đoạn tuyệt vĩnh viễn với một điều gì đó. Chôn như chôn cất một mối tình, hay chôn vùi một dĩ vãng, vào tận đáy lòng chẳng hạn. Đau đớn lắm nhưng cũng dứt khoát lắm. Nhưng tuy đã chôn chặt như vậy mà dường như người ta vẫn biết rằng mình không chịu đựng được nỗi niềm nhung nhớ, không chịu đựng nổi nỗi chia lìa kia. Chính vì vậy người ta không đập vỡ hẳn điếu bát đi, mà chỉ chôn nó xuống đất, vì đã tiên liệu rằng một buổi chiều nào đó không cầm được lòng lại sẽ phải đào “cố nhân” lên.

Ngày xưa chưa có thuốc lá nên thuốc lào chiếm lĩnh toàn phần, và chỉ hiện diện ở Việt Nam nên còn được phong cho danh phận là loại thuốc “quốc hồn quốc túy”. Với người sính chữ, thuốc lào còn được gọi một cách âu yếm, văn vẻ là “tương tư thảo”.

***

Khởi thủy, theo truyền thuyết được kể lại rằng, một vị tướng mang quân đi đánh xứ Ai Lao đã tìm thấy loại lá thuốc dùng để hút này rồi mang về đất Việt trồng. Xứ sở Ai Lao còn gọi là xứ Lào, vì thế loại thuốc lá này được gọi là thuốc lào để ghi lại xuất xứ. Vùng đất đầu tiên người ta gieo trồng thuốc lào là vùng Đồng Tĩnh ở miền Bắc. Ca dao ngày xưa còn có câu:

Ai về Đồng Tĩnh, Huê Cầu

Đồng Tĩnh bán thuốc,

Huê Cầu nhuộm thâm

Về sau tương truyền rằng một số cô thôn nữ ở vùng Đồng Tĩnh sánh duyên cùng các chàng trai xứ Vĩnh Bảo. Và khi theo về quê chồng, họ mang giống thuốc và những kinh nghiệm trồng bón theo như món hồi môn. Vĩnh Bảo là đất gần biển, phong thổ rất hạp nên thuốc trồng ở đây rất tốt và có vị thơm đậm đặc biệt. Về sau, qua những người buôn hàng chuyến, thuốc lào trồng ở Vĩnh Bảo lại được vận chuyển về Đồng Tĩnh để được gia giảm chế biến và đóng thành từng bánh phân phối đến Hà Nội và khắp các nơi. Kỹ thuật ướp tẩm phơi phóng thường do gia truyền từ đời này sang đời khác. Theo thời gian, ở đó hình thành những làng nghề chế biến thuốc chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam. Có bà lão theo nghề từ khi còn là cô bé 13 tuổi cho đến nay đã trên 70, bà không hút nhưng lại có khả năng thẩm định chất lượng thuốc bằng khứu giác, và chỉ dùng tay sờ vào cũng biết được độ ẩm cũng như các yếu tố quan trọng khác của thuốc.

Trong Nam, Cái Sắn cũng là một hiệu thuốc lào có tiếng.

***

Người ta dùng hai phương tiện chính để hút thuốc lào: một là bằng điếu bát, hai là bằng điếu cày. Ngoài ra, khi có nhu cầu hút mà lỡ không có hai vật này, có người chỉ cần một búng nước trong miệng và vấn một miếng giấy tạp, hay giấy báo, thậm chí bằng một miếng lá chuối, rồi cho một “bi” thuốc vào đầu vấn, châm lửa rít với ngụm nước lùng bùng trong miệng là xong. Hút xong, lại nhổ toẹt búng nước đi. Chúng tôi xin trình bày tuần tự về hai cách hút thuốc lào bằng điếu cày và bằng điếu bát sau đây.

Điếu cày

Điếu cày thường được làm bằng ống nứa, hay ống tre cái, rỗng ruột. Dài ngắn tùy theo ý thích, điếu càng dài càng đỡ nóng cổ, nhưng lại cồng kềnh, bất tiện khi cần mang đi xa. Điếu dài còn được gọi là trường điếu. Sau này, người ta còn dùng ống nhựa hoặc ống kim loại (thường bằng nhôm) để làm thân điếu. Người ta thường bịt đồng quanh miệng điếu cho đẹp và dễ chịu khi miệng điếu tiếp xúc với miệng người hút. Khoảng cách từ đáy của điếu đến vị trí đặt nõ phải được tính toán chuẩn xác sao cho chứa đủ lượng nước cần thiết. Dưới thân điếu được gắn hay được buộc chặt một chân điếu làm bằng sợi mây, hay bằng tre, có khi bằng kim loại như cái giá súng. Với hình thể như thế làm người ta liên tưởng đến khẩu súng cối, nên điếu cày còn được gọi là khẩu “bazôka”. Mỗi lần hút được gọi là một “bi”. Và động tác hút thuốc còn được gọi là “bắn”. Câu nói trên cửa miệng của người sành điệu mà đôi khi chúng ta nghe là “Bắn vài bi cho đời lên hương!”. Có khi thân điếu còn được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo với nhiều hoa văn hay hình thể rồng mây quấn quanh thân. Có thể xem những ống điếu như thế là các tác phẩm nghệ thuật.

Đọc thêm  Ký ức chợ trời Sài Gòn trước 1975

Có lẽ ngày xưa người hút thuốc lào sành điệu thường trang bị cho mình cả hai loại điếu để đi mây về gió. Điếu bát là điếu cố định, chỉ sử dụng tại nhà. Còn điếu cày là điếu di động, để dành cho những khi ra khỏi nhà mang theo cho tiện. Có thể dắt bên hông hay cho vào túi xách theo. Và con đường mỗi ngày của nông dân xứ ta là từ nhà ra ruộng-đi cày-nên được gọi là điếu cày chăng? Người viết không xác quyết là đúng, nhưng biết đâu chừng đây là một giả định chính xác.

Theo lời họa sĩ Trịnh Cung thuật lại, hiện nay ở Cali có một người bạn của ông đang sở hữu một ống điếu cày nhỏ nhất thế giới. Chiếc ống điếu này chỉ nhỏ và có chiều dài hơn một ngón tay trỏ nhưng được chế tạo rất tinh xảo. Có người muốn mua lại với giá cao như chơi một món đồ cổ nhưng ông không bán.

Âm thanh của nõ điếu

Nõ điếu được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Ở miền Nam người ta thường làm bằng kim loại. Có nơi làm bằng mắt tre. Nhưng theo lời người sành điệu thì nõ nên được làm bằng gỗ tốt. Và loại gỗ đạt chuẩn nhất là loại gỗ “nghiến”, một trong bốn loại được xem là thiết mộc. Chất gỗ rất rắn và cấu kết các sớ thật chặt nên rất khó bị cháy, hay bị hư hỏng. Trong nõ có một phần được bào mỏng tựa như cái “dăm” trong kèn saxo, còn được gọi là cái “lưỡi gà”, nó có công dụng tạo ra âm thanh khi người hút rít hơi, và chính nó quyết định âm thanh được tạo ra khi hút của từng nõ điếu. Nõ điếu có 3 âm vực khác nhau từ cao xuống thấp. Cao là: pét pét pét…; trung bình là: păp păp păp…; và âm vực sau cùng là: pộp pộp pộp… Âm vực của nõ càng cao thì càng được cho là có giá trị. Thuật ngữ của các “tiên ông” thuốc lào là kêu nghe “ròn tan”. Âm thanh này còn tùy thuộc vào độ rít khói, vị trí của miệng điếu đặt trên miệng, và kỹ thuật hút của từng người. Vào những thập niên trước ở miền Bắc có một danh thủ trong nghề chế tạo nõ điếu có tên là Phó Néo. Tài nghệ của ông lừng lẫy khắp nhiều vùng. Âm thanh của các nõ điếu do ông chế tạo rất phong phú và có nhiều cấp độ chất lượng khác nhau. Và dĩ nhiên giá cả tùy thuộc vào từng loại nõ một. Giá cái cao nhất là 2 đồng, so với mức lương của công nhân viên trung bình vào dạo ấy, khoảng bốn mươi đồng một tháng, là khá cao. Nếu nõ bị đặt sai vị trí thì khi rít khói nước sẽ bắn vào miệng. Để tăng thêm hương vị đậm đà của khói thuốc, người ta còn dùng nước nấu với cam thảo, hoặc có người dùng rượu ngon để tăng thêm độ nồng say và khoái cảm. Theo y học dân gian tương truyền rằng chất nước có mùi rất khủng khiếp trong điếu ấy có thể trị được các chứng bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào hoặc sán lãi. Người ta còn cho rằng thuốc lào ít có hại hơn thuốc lá vì khi khói đã được lọc qua một lớp nước sẽ làm giảm bớt lượng nicotine.

Đọc thêm  Độc đáo tuyến đường sắt dành cho tàu thủy thời Pháp thuộc

Đóm

Đóm là thanh ruột tre dài khoảng hai tấc được vót mỏng rồi phơi khô để dùng làm đồ mồi lửa. Trên bàn của người hút thường có một ngọn đèn dầu được để ngọn lửa thật nhỏ bằng hạt đậu để mồi đóm lấy lửa. Người ta thường đựng đóm trong một ống tre cột bên vách nhà cạnh bàn thuốc nước. Khi dùng lâu ống sẽ lên nước bóng lưỡng như một vật trang trí.

Còn một loại đóm khác của dân điệu nghệ được dùng bằng hạt na (trái mãng cầu ta) mang phơi khô. Sau đó, người ta tách đôi hạt ra, bỏ phần nhân trắng trong ruột đi. Khi hút thì dùng một que thép nhỏ bằng cây tăm, đầu được mài rất nhọn, xiên vào phần giữa của mảnh hạt rồi châm vào ngọn lửa. Vì trong hạt này có một loại tinh dầu rất đượm nên khi cháy sẽ tạo ra một ngọn lửa rất nóng, màu xanh như lửa gas, và có mùi thơm.

Các quan và những người giàu có ngày xưa thường có một đứa bé chuyên chăm lo việc sắp đặt điếu đóm. Khi quan hút thì đứa bé này châm đóm, rót trà, và làm những tạp vụ khác. Từ đó chúng ta có thêm thành ngữ “điếu đóm” để ám chỉ những kẻ nịnh bợ, luồn cúi, có nhân cách hèn hạ.

Hộp đựng thuốc

Bánh thuốc lào được phân ra và đựng trong những hộp nhỏ cho tiện việc mang theo bên mình. Ngày nay, người hút thường đựng thuốc trong các hộp bằng kim loại, có khi là một hộp thuốc lá 555, có khi là một hộp kẹo ngậm. Người sành điệu cho vào đó một vài miếng vỏ quít cho thơm và giữ thuốc có được độ ẩm làm dịu khói. Trong một truyện ngắn trong tập Vang Bóng Một Thờicủa nhà văn Nguyễn Tuân, có một nhân vật dùng vỏ quả cam phơi khô làm hộp đựng thuốc có chạm khắc một hổ phù. Hộp thuốc này được sử dụng như một tín vật tượng trưng cho quyền lực, số má của nhân vật hảo hán ấy. Khi cần thiết, anh ta giao nó cho đàn em, và người này chỉ cần đưa ra chiếc hộp đựng thuốc ấy như một sự thay mặt cho người đàn anh là đủ để giải quyết những va chạm hay khúc mắc ân oán trong chốn giang hồ.

Kỹ thuật hút thuốc lào

Người điệu nghệ có nhiều cách phun khói thuốc khác nhau. Khi gặp loại thuốc có chất khói thơm dịu thì người ta thường thở khói qua đường mũi để thưởng thức hương vị thơm nồng thẩm thấu qua viêm mạc. Khi chất khói không thơm, người ta lại có khuynh hướng thở khói ra bằng miệng. Có người thì bặm kín môi cho khói tuôn ra từ một bên khóe mép. Đặt đầu của ống điếu bên phía mép phải thì phun khói ra bên mép trái, và ngược lại. Cũng có người lại đặt miệng điếu ở giữa và biểu diễn phun khói ra khóe mép của cả hai bên. Khói tia ra rồi bốc lên cao thành hình hai vòi cong như “râu rồng”. Thường sau khi hút xong, họ chiêu ngay một chén trà đậm đã rót sẵn từ trước. Có người chỉ súc miệng bằng trà, có người uống luôn. Trà đậm có hiệu năng làm mất đi mùi khói thuốc cho khỏi hôi miệng và giảm bớt độ say. Người hút cần biết làm hai động tác thông điếu và xĩ thuốc. Thông điếu là thổi vào ống điếu cho số khói còn đọng lại trong điếu của người hút trước thoát ra hết trước khi mình sử dụng. Xĩ thuốc là thổi cho tàn thuốc trên nõ bay ra sau khi mình hút xong.

Đọc thêm  Những hình ảnh hiếm về Sài Gòn năm 1979

Miền Bắc thường có các quán nước chè bán kèm thuốc lào và luôn có sẵn điếu bát hoặc điếu cày cho khách dùng. Một nơi khác mà người hút thường ngồi là trong xó bếp. Có những cơn say thuốc ngất ngây bên bếp lửa làm người hút có khi ngã vào bếp cháy cả râu tóc. Nhưng cái thú đón một ngày mới bằng một cơn say đằm bên bếp ấm, nghe mưa lất phất rơi trên mái lá mang về cái rét ngọt của mùa đông đất Bắc thì vô cùng quyến rũ. Hút xong bi thuốc, ngồi đó tính toán về những gì sẽ làm trong ngày, hay ngẫm ngợi về nhân tình thế thái trong trạng thái mơ hồ như thực như mộng như gần như xa.

Điếu bát

Điếu bát cũng có một công thức chế tạo như điếu cày, nghĩa là khi hút khói thuốc sẽ được lọc qua nước, nhưng khác ở hình thể. Thường thì bát được làm bằng sành, có khi bằng sứ, lớn bằng chiếc ấm trà cỡ trung, có vẽ hoa văn hay một số họa tiết thủy mạc hoặc những câu thơ chữ Hán Nôm bên ngoài. Bát được đặt trong một chiếc tô cũng làm bằng cùng một thứ chất liệu. Trên có một nõ điếu để têm thuốc và một cần điếu bằng trúc dài được bắt cong. Ngoài ra còn có một que kim loại dùng làm que thông điếu hay để xiên đóm hạt na.

Thuốc lào ở Sài Gòn

Theo bước chân Nam tiến, thuốc lào cũng trở thành một trong những món “ăn chơi” của người miền Nam. Trong chuyến di cư vào Nam năm 54, trong những hành lý mang theo, người ta còn mang theo thuốc lào và điếu bát. Từ đó trong Nam có những hiệu thuốc lào nổi tiếng như thuốc lào 999 hay thuốc lào Cái Sắn. Những khu có người Bắc tụ họp sinh sống thường có quán bán nước chè, sau này là trà đá, vài món quà vặt như chuối, kẹo đậu phộng… và thuốc lào. Những năm trước, trong các sân ga Sài Gòn, Bình Triệu thường có những quán như thế này để phục vụ khách đi tàu. Ngày nay ở thành thị không còn mấy ai hút thuốc lào, có lẽ vài mươi năm nữa rồi nó cũng chỉ còn lại trong hồi ức như một nét văn hóa dân gian, như tục ăn trầu chẳng hạn. Nhưng nếu trong một buổi sáng nào đó ở Sài Gòn mà bạn nổi hứng muốn tìm say với một bi thuốc lào thì tìm ở đâu? Tôi xin giới thiệu quán cà phê nằm trong cửa sau dinh Thống Nhất, ở đó luôn có điếu cày và thuốc lào ngon để bạn có thể ngửa mặt nhả khói lên các vòm cây cổ thụ xanh cao.

Quê hương trong khói thuốc

Buổi chiều giáp tết ở một nơi xa quê hương. Màu nắng hắt vàng lên bức tường lấm tấm rêu, nhưng không gian thì lạnh buốt màu tuyết lấp lánh kim nhủ trên các ngọn cây. Hai người đàn ông ngồi trên vạt sân sau nhà, họ bày bữa rượu cuối năm sau khi đốt nén hương tưởng nhớ gia tiên. Xong tuần rượu đầu, người lớn tuổi hơn lấy từ túi xách ra chiếc điếu cày và gói thuốc lào, rồi bật quẹt ga rít một hơi thuốc. Người trẻ tuổi đón lấy điếu từ bạn, làm theo những động tác được chỉ dẫn một cách vụng về. Đây là lần đầu tiên anh hút thuốc lào. Cơn say sặc sụa từ ngụm khói thuốc lào đầu đời thấm đẫm nỗi hoài hương. Làm sao mà không thể say ngất ngây khi trong hương thuốc ấy có tẩm ướp nắng gió thổ ngơi của quê nhà. Một quê nhà xa hút. Mơ hồ trong khói thuốc buổi chiều năm tận tháng cùng ấy có giọt nước mắt lưng tròng của kẻ thiếu quê hương.

Nam Đan