Mẹ giờ đã già rồi nên hay lẫn lộn, mỗi lần tôi gọi điện đến, luôn sốt sốt sắng sắng hỏi một câu: Khi nào con về?

Không chỉ cách xa hàng ngàn cây số, phải bắt tận 3 tuyến xe, mà công việc của tôi bận rộn đến nỗi có phân thân ra cũng không làm hết việc, còn lấy đâu ra thời gian mà về quê thăm mẹ. Tai của mẹ cũng lơ đễnh lắm rồi, tôi giải thích đi giải thích lại mà mẹ vẫn như không nghe được gì, vẫn hăm hở hỏi đi hỏi lại: “Khi nào con về?” Quá tam ba bận, cuối cùng tôi đã không giữ được kiên nhẫn nên phải nói như hét vào điện thoại, giờ thì mẹ chắc nghe rõ rồi, nên lặng lẽ không nói thêm gì mà cúp điện thoại. Vài ngày sau mẹ lại gọi điện hỏi tôi câu hỏi đó, chỉ là lần này giọng bà có vẻ ngượng ngùng, không còn tự tin nữa. Giống như một đứa trẻ không được giải hòa nên vẫn chưa cam tâm.

Biết là hỏi xong thì cũng vô ích, nhưng không nhịn được nên bà vẫn hỏi. Tôi có chút mủi lòng, nên im lặng suy tư một lát. Mẹ nghe thấy giọng tôi thì lập tức vui vẻ hẳn lên, luôn miệng kể lể với tôi rằng: “Cây lựu sau nhà vừa mới nở hoa, dưa hấu ngoài vườn cũng đã sắp chín, con nhanh nhanh về đi.” Tôi khó xử: “Con bận thế này làm sao nỡ xin nghỉ ạ.” Mẹ vội vàng nói: “Sao không được, con cứ nói là mẹ bị ung thư chỉ còn sống được nửa năm nữa thôi nên phải về chăm sóc, có gì đâu mà khó nói” rồi mẹ lại cười lạc quan.

Ngày nhỏ, cứ mỗi lần mưa to gió rét, tôi không muốn đi học nên thường giả vờ đau bụng, mẹ phát hiện đã cho tôi một trận. Giờ mẹ già rồi lại đi dạy tôi nói dối, tôi vừa giận lại vừa tức cười. Những cuộc nói chuyện thế này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, tôi không cầm lòng được mà trả lời mẹ rằng tháng sau tôi nhất định về. Mẹ vui quá nghẹn ngào không nói thêm gì nữa.

Chẳng hiểu vì sao công việc tôi lúc nào cũng bận ngập đầu, cảm thấy việc nào cũng quan trọng hơn việc về nhà thăm mẹ, cuối cùng hết tháng tôi vẫn không về được. Mẹ ở đầu dây bên kia như phảng phất một nỗi buồn sâu thẳm, trong lòng tôi vô cùng áy náy: “Mẹ giận con rồi à?” Lần này tôi mới nói vậy mà mẹ nghe thấy luôn, mẹ trả lời không cần suy nghĩ: “ Con à, mẹ biết con rất bận, nhưng chỉ mất có vài ngày thôi mà”.

Mẹ gọi điện thúc giục liên tục: “Nho chín rồi, lê cũng chín rồi nhanh về ăn đi con.” Tôi nói: “Có phải cái gì hiếm đâu mẹ, ở đây thiếu gì à! Bỏ ra mấy chục nghìn thì có mà ăn ốm.” Mẹ nghe vậy chắc buồn lắm nên tôi lại vội vàng dỗ mẹ: “Nhưng toàn là hoa quả bón phân hóa học và thuốc trừ sâu thôi, làm sao ngon như quả mẹ trồng được.” Mẹ nghe xong thì bật cười đắc ý.

Hôm đó là thứ 7, thời tiết vô cùng nóng bức, tôi không dám đi đâu ra khỏi nhà, chỉ bật điều hòa ngồi yên trong phòng, con gái tôi lẽo nhẽo đòi ăn kem mút nên tôi đành phải ra ngoài mua. Ngoài trời hơi nóng bốc lên nghi ngút, tôi đột nhiên nhìn thấy bóng mẹ ở xa xa, nhìn bộ dạng của mẹ tôi biết mẹ vừa từ trên xe xuống, trên tay là một chiếc làn, sau lưng khoác một bịch nặng. Mẹ khom người tránh bên trái lại né bên phải, sợ người khác đụng phải đồ đạc của bà.

Trong dòng người đông đúc, mẹ lách đi từng bước rất khó khăn. Tôi chua xót vẫy tay gọi mẹ, mẹ ngẩng gương mặt đầy mồ hôi lên nhìn tôi, khi thấy tôi đang chạy đến gần, mẹ mừng quá không nói nên lời, nước mắt chan hòa cùng những giọt mồ hôi. Vừa về đến nhà, mẹ hồ hởi bỏ đồ trong làn ra. Tay mẹ gầy gò, gân xanh chằng chịt, cả mười đầu ngón tay đều có băng dính, ngón nào cũng có vài vết đứt đang rỉ máu, trái tim tôi đang thắt lại đau đớn, còn mẹ vẫn cười nói vô tư: “Ăn đi con, nhanh ăn đi, những quả này mẹ đã chọn kỹ càng rồi.”

Tôi không thể nào tưởng tượng được mẹ chưa hề đi đâu ra khỏi lũy tre làng, mà chỉ vì câu nói của tôi nên vượt qua hơn nghìn cây số chỉ để đến tìm con. Mẹ ngồi xe giá vé rẻ nhất, chiếc xe khách không có điều hòa, trên xe vừa nóng lại vừa bức, nhưng những quả nho và lê chín mọng kia lại nguyên vẹn, không hề bị dập nát.

Tôi vẫn không tin được vào mắt mình, sao mẹ lại đến được đây? Tôi chỉ đoán rằng trên thế giới này, chắc người mẹ nào cũng có một phép màu. Mẹ chỉ ở lại ba ngày, mẹ nói công việc tôi quá vất vả, bận rộn từ sáng đến tối, lại còn chăm sóc con cái, bà chỉ lo lắng vậy thôi chứ chẳng giúp đỡ được gì. Đến cả đồ đạc trong bếp, bà cũng không dám chạm vào vì sợ sẽ vỡ hỏng đi. Mẹ âm thầm mua vé rồi lặng lẽ xách đồ ra về.

Mới về được một tuần mẹ đã nói nhớ tôi, rồi không ngừng thúc giục tôi về nhà. Tôi mỉm cười: Mẹ ơi, mẹ kiên nhẫn một chút đi.

Ngày hôm sau tôi nhận được điện thoại của dì út, dì nói: “ Mẹ con ốm nặng rồi, con về nhà ngay đi!” Tôi sốc quá tối sầm mặt mũi, nước mắt lưng tròng chạy ngay ra bến xe, tôi vội vàng lên chuyến xe cuối cùng. Trên xe tôi âm thầm cầu nguyện, tôi hy vọng mẹ chỉ là đang dối tôi. Tôi mong rằng mẹ sẽ không sao, tôi sẵn sàng nghe những lời cằn nhằn của mẹ, và sẵn sàng ăn hết những gì mà mẹ nấu, sẵn sàng sắp xếp thời gian để thường xuyên về thăm mẹ.

Giờ đây tôi mới nhận ra một điều, bất kỳ ai có sống đến 80 tuổi cũng cần có mẹ bên cạnh. Cuối cùng tôi cũng về đến cổng làng, mẹ chầm chậm chạy ra đón tôi, bà tươi cười hạnh phúc, tôi ôm chầm lấy mẹ, vừa khóc vừa cười nói: “Mẹ nói bệnh cái gì, thế mà mẹ cũng nghĩ ra được à?” Bị trách như vậy nhưng mẹ vẫn vui, mẹ chỉ cần được nhìn thấy tôi thì tôi có trách sao cũng được.

Mẹ vui quá cười nói luyến thắng, tíu tít ra ra vào vào như con nít. Mẹ bày một bàn toàn đồ ăn ngon, đang đợi tôi khen ngợi thì bị tôi phê bình không thương tiếc: “Cháo đậu đỏ quá nhừ, vỏ bánh sủi cảo nặn quá dày, thịt kho quá mặn…” Nụ cười của mẹ đột nhiên trở nên ngượng ngùng, mẹ miễn cưỡng gãi đầu rồi quay đi. Trong lòng tôi đang cười thầm vì đắc ý. Tôi biết rằng hễ tôi mở mồm khen ngon là y như rằng mẹ ép tôi ăn bằng hết, thậm chí còn làm thêm để lúc về bắt tôi xách theo. Vì thế nên tôi mới bị mẹ nuôi thành béo tròn như thế này, có làm cách nào cũng không giảm được cân. Còn nữa, nếu không chê bai như vậy thì tôi làm gì có cơ hội được tranh vào bếp.

Tôi nấu cơm cho mẹ ăn, nói chuyện cùng mẹ, mẹ nhìn tôi chằm chằm một lúc lâu. Đôi mắt hiện rõ tình yêu thương vô bờ bến, không cần biết tôi nói gì mẹ cũng đều gật đầu tán thành, lắng nghe một cách chăm chú, thậm chí cả lúc tôi ngủ trưa mẹ cũng ngồi cạnh giường mỉm cười lặng lẽ nhìn tôi. Tôi nói: “Mẹ thương con như vậy, sao không về ở cùng con?” Mẹ nói không quen ở thành phố. Chả được mấy hôm tôi lại sốt ruột đòi về, mẹ năn nỉ tôi ở lại với mẹ thêm một hôm thôi cũng được. Mẹ đã nhờ dì lên huyện mua thức ăn, chắc chỉ một lát nữa là về đến nhà, mẹ nói hôm nay mẹ nhất định nấu cho tôi những món thật ngon.

Phố huyện cách nhà 9 km, mẹ nhờ mua tất cả những gì mẹ cho là ngon nhất về nấu cho tôi ăn, như vậy mẹ mới cảm thấy thoải mái.

Từ lúc ở nhà dì út về, mẹ hăng hái chuẩn bị đồ ăn, cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng trên bàn, tôi không thể không ngạc nhiên – Cá kho không cạo vảy, lông tơ của gà nhổ chưa sạch, đậu cô ve xào thậm chí còn có một sợi tóc… Dù là món thịt hay là món chay, đều khiến người khác không dám động đũa. Mẹ hồi còn trẻ rất sạch sẽ, thế mà bây giờ già rồi lại lôi thôi bẩn thỉu thế này.

Mẹ nhìn thấy tôi chỉ lật đi lật lại không ăn, lại tưởng rằng tôi buồn vì muốn về nên bà đành buồn bã nói đưa tôi đi bắt chuyến xe đêm. Trời tối đen như mực, mẹ nắm lấy cổ tay tôi nói rằng tôi không quen đi đường đất trong thôn. Mẹ đưa tôi ra đến cổng làng, đưa tôi lên xe mẹ không ngừng dặn nọ dặn kia, xe chuyển bánh rồi mẹ mới chịu xuống xe. Cửa xe kẹp vào áo của mẹ khiến bà suýt nữa thì té ngã, tôi thò đầu ra ngoài thấy bóng mẹ gầy gò ống thấp ống cao, tôi nghẹn ngào nói với ra: “Mẹ, mẹ cẩn thận nhé!” Tai mẹ nào có nghe rõ, vừa lò dò chạy vừa vẫy tay theo rồi gào lớn: “Con à… mẹ không giận con đâu, mẹ biết con rất bận mà.”

Tôi thật không nỡ xa mẹ, còn mẹ thì lại không quen cuộc sống nơi thành thị, cả chặng đường tôi buồn bã không biết nên phải làm sao. Sau lần đó, mẹ không bao giờ giục tôi về nhà nữa, mỗi lần gọi điện chỉ toàn kể rất nhiều chuyện vui: Con bò cái vừa sinh một con bò con, đầu xuân sang năm mẹ sẽ trồng thật nhiều hoa quanh sân… Tôi cứ thế yên lặng lắng nghe, lòng tràn đầy ấm áp và hạnh phúc.

Vào một ngày cuối năm, tôi lại nhận được điện thoại của dì út, dì nói: Mẹ con ốm nặng rồi, con mau về đi. Tôi làm sao tin được, hôm kia tôi còn vừa nói chuyện với mẹ kia mà, bà còn nói bà rất khỏe, rồi dặn tôi đừng quá suy nghĩ. Dì út chắc chỉ dối tôi như lần trước vậy thôi, tôi nửa ngờ nửa tin nhưng vẫn lập tức bắt xe về quê.

Trên đường còn mua một hộp to loại bánh kem mà mẹ thích ăn. Xe về đến đầu làng, không thấy mẹ ra đón, toàn thân tôi toát lạnh run rẩy, tôi dự cảm thấy có điều gì đó chẳng lành. Dì út nói với tôi: “Khi dì gọi điện cho con thì mẹ con đã không còn nữa, bà ấy ra đi rất thanh thản.” Tôi đau đớn gục xuống…

Muốn làm một chút gì đó cho cha mẹ, giờ thì đã muộn rồi (Nguồn: Internet)

Thì ra 6 tháng trước mẹ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhưng bà không nói với ai, vẫn vui vẻ lạc quan đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Thậm chí còn tự chuẩn bị chu đáo cho tang lễ của chính mình. Dì còn nói với tôi rằng mắt mẹ bị đục thủy tinh thể, nhìn gì cũng rất khó khăn. Tôi ôm chặt hộp bánh trước ngực, như thể trái tim vừa bị ai giật mất, nước mắt nhạt nhòa không ngừng rơi xuống.

Trời ơi sao mọi chuyện lại phũ phàng như vậy? Tôi nên trách ông trời hay phải trách bản thân vô tâm, từ nay tôi không còn mẹ nữa ư? Không còn ai gọi điện giục tôi về, không còn ai ngày ngày chờ đợi tôi… Thì ra mẹ biết chẳng sống được bao nhiêu ngày nữa nên mới liên tục gọi điện gọi tôi về, chỉ để muốn được nhìn thấy tôi thêm vài lần, nói với tôi thêm vài câu…

Thì ra ngày cuối cùng làm cơm cho tôi, đôi mắt mẹ đã không còn nhìn rõ, tôi quả thật quá vô tâm! Đêm đó khi tôi lên xe rồi một mình mẹ đã làm thế nào để lần mò về nhà? Mẹ có bị ngã không? Tôi vĩnh viễn sẽ không bao giờ biết được. Mẹ, những giây phút cuối đời mẹ vẫn vui vẻ nói với con, hoa bìm bịp nở tím hàng rào, hoa đậu tím như màu áo con mặc khi xưa. Mẹ để lại tất cả sự ấm áp và tình yêu, rồi sau đó lại lặng lẽ ra đi.

Con biết, mẹ là người duy nhất trên đời không bao giờ giận con, là người sẵn sàng chờ đợi con mãi mãi. Vì biết thế nên con mới dám để mẹ đợi lâu như vậy. Nhưng mà mẹ ơi, con thực sự có bận thật không? Hàng ngày con vẫn nghe đâu đó phảng phất câu thơ: “Ai có mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn lên mắt mẹ nghe không!” Nay con hối hận lắm mẹ ạ, những ngày tháng để mẹ cô đơn, để mẹ sống thấp thỏm trong chờ đợi!

Bạn đã bao giờ bạn thực sự quan tâm đến cha mẹ bạn? Nếu cha mẹ bạn vẫn còn sống nhớ hãy đọc bài viết này, dù bạn có sống chung với họ.

Nếu một ngày bạn thấy trong bếp mẹ dọn không còn sạch như trước;

Nếu một ngày bạn nhìn thấy những món ăn mẹ nấu không còn sạch sẽ cầu kỳ nữa;

Nếu một ngày bạn thấy nồi niêu xoong chảo không còn sáng bóng nữa;

Nếu một ngày bạn thấy hoa và cây cảnh của cha đang dần bị bỏ rơi;

Nếu một ngày bạn thấy tủ quần áo bị bao phủ đầy bụi;

Nếu một ngày bạn thấy rằng mẹ nấu ăn quả thực quá mặn;

Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thường quên tắt đèn;

Nếu một ngày bạn tìm thấy những thói quen của cha mẹ không còn nữa, hay là khi họ không còn muốn đi tắm mỗi ngày;

Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ không ăn được trái cây giòn và rau xanh nữa;

Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thích ăn rau nấu nhừ một chút;

Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thích ăn cháo;

Nếu một ngày bạn thấy rằng những hành động và phản ứng của họ chậm hơn rồi;

Nếu một ngày bạn nhìn thấy khi ăn cơm cha mẹ ho không ngừng, đừng lầm tưởng rằng họ đang bị cảm mạo hay bị ho thông thường…

Nếu một ngày bạn thấy họ không còn thích ra ngoài …

Nếu có một ngày như vậy, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn phải chấp nhận rằng cha mẹ bạn đã già, đã thực sự cần đế sự quan tâm chăm sóc của con cái rồi. Nếu bạn không thể chăm sóc, bạn nên tìm một người nào đó để chăm sóc cho họ, và hãy thường xuyên quan tâm đến họ, không để họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Ai trong chúng ta rồi cũng đến lúc phải già đi, cha mẹ sẽ già trước chúng ta, chúng ta nên đổi vị trí với họ mà suy ngẫm và chăm sóc cho họ, như vậy mới có thể kiên trì và không cảm thấy phiền phức. Khi cha mẹ không thể tự chăm sóc cho bản thân, phận làm con phải nên chú ý, việc đại tiểu tiện của họ sẽ không tự kiểm soát được hoặc còn nhiều việc họ đều không tự làm được nữa. Khi trong phòng có mùi hôi tanh, bản thân họ có thể không ngửi thấy, xin đừng bao giờ phàn nàn sao họ bẩn sao họ hôi, phận làm con là giúp họ dọn dẹp, và đừng làm tổn thương “lòng tự trọng” của họ.

Khi họ không còn muốn tắm, hãy dành thời gian để tắm cho họ, bởi vì bản thân họ tự tắm cũng không sạch được. Khi chúng ta dùng bữa, xin vui lòng chuẩn bị cho họ một phần ăn thật nhừ, bởi vì răng họ có lẽ không còn nhai được nữa.

Từ khi chúng ta sinh ra, ai bón cho ăn, ai thay tã? Khi ốm đau bệnh tật ai chăm sóc, ăn uống học hành sách vở ai lo cho? Ai là chỗ dựa của bạn trong cuộc sống? Nếu một ngày họ thực sự không thể đi được nữa, khi vai diễn đều đảo ngược trở lại bạn có thể diễn vai diễn đó được không?

Phận làm con là chăm sóc cha mẹ, như tương lai muốn con cái chăm chúng ta. Lòng hiếu thảo là phải kịp thời và đúng lúc.

TH/ST