Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Du Tử Lê (1941-2019) có hàng trăm bài thơ đã được phổ thành ca khúc, nổi trội nhất là bài hát Khúc Thụy Dudo nhạc sĩ Anh Bằng (1929-2015) phổ.Quanh bài thơ và bài hát nọ có những chuyện… ly kỳ.
TỪ NHAN ĐỀ TÁC PHẨM
Nhan đề bài thơ lẫn bài hát có 3 cách ký tự: Khúc Thụy Du, Khúc thụy du, khúc thụy du. Nhằm giản tiện, bài viết này dùng cách thứ nhất.
Vấn đề thứ nhất đặt ra: nhan đề nọ mang ý nghĩa gì?
Du Tử Lê làm thơ, rất khoái giật titre / title chứa từ Khúc, chẳng hạn:
+ Khúc cầu hoàng
+ Khúc tháng chín
+ Khúc tháng hai, chín sáu
+ Khúc tháng sáu và, đ.v.thám, n.đ.khánh
+ Khúc Hạnh Tuyền, núi sông
+ 67, Khúc thêm cho Huyền Châu
+ K. Khúc riêng chàng
Chân dung Du Tử Lê. Tranh sơn dầu: Đinh Cường
Vậy đó, trong thơ, với danh từ riêng, Du Tử Lê khi viết hoa, khi viết thường, khi viết đủ đầy hoặc giản lược, khi viết tắt, tùy hứng. Nhưng Thụy Du là cái chi chi?
Một bài báo đề cập Khúc Thụy Du của Du Tử Lê, đăng ngày 9-10-2019, có đoạn: “Khi còn sống, nhà thơ chia sẻ bài thơ là kỷ niệm tình yêu giữa ông và một sinh viên ngành dược. Ông đã lấy tên đệm của cô gái – Thụy, cộng với chữ đầu trong bút danh của mình – Du – làm nhan đề”. Nhiều bài báo khác cũng ghi tương tự. Kỳ thực, zậy mà… hổng phải zậy.
Nữ nhân vật trong Khúc Thụy Du là Huỳnh Thị Châu, còn có họ tên nửa Pháp nửa Việt Brigitte Lauré Huỳnh. Thụy không phải chữ lót. Năm 1968, Châu chưa phải sinh viên, mà còn học sinh, sau trở thành vợ của Du Tử Lê, đã sinh 2 con. Năm 1975, Du Tử Lê sang Mỹ. Năm 1978, Huỳnh Thị Châu có quốc tịch Pháp nên qua Pháp rồi sang Mỹ. Năm 1980, Du Tử Lê và Huỳnh Thị Châu li dị. Về mối tình cùng hôn cuộc này, đích thân Du Tử Lê so sánh “như một cộng nghiệp, hay chung một tai họa, một tuyệt lộ”.
Viết văn, làm báo, Huỳnh Thị Châu ký nhiều bút hiệu / bút danh như Huỳnh Dược Thảo, Đào Nương, Nghé Ngọ, Thụy Châu. Du Tử Lê từng gọi bút danh Thụy Châu, gọn hóa thành Thụy, tắt hóa thành T. Ch., trong các bài thơ Khúc Thụy Du, Khi trông thư Thụy Châu, Viết ở Fort Harisson, Và khi chia tay T. Ch., Khi xa Du và T. Ch., v.v..
Sở dĩ tôi nắm khá rõ loạt chi tiết vừa nêu bởi Hoàng Thị Châu tuyên bố trên báo Sài Gòn Nhỏ do chị làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, thực hiện ở California, rằng bản thân chị là nguyên mẫu nữ nhân vật Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư đã được Phạm Duy phổ thành ca khúc. Nội dung sự vụ được tôi trình bày tỏ tường qua bài viết Hoàng Thị ngày xưa, ngày nay đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 790 (Việt Nam, 20-7-2012) rồi trên mạng Chim Việt Cành Nam số 48 (Pháp, 8-8-2012): http://chimvie3.free.fr/48/phanxipn_HoangThiXuaNay.htm
Mặc dù chẳng có ý kiến của tôi, tuần san Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 101 (Hoa Kỳ, 10-2012) vẫn in trọn bài Hoàng Thị ngày xưa, ngày nay, nhưng đến bây giờ, tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy vẫn chưa liên lạc với người viết. Vì sao và vì sao?
DU TỬ LÊ: Ý NGHĨA?
Cùng với Khúc Thụy Du, Du Tử Lê còn nhiều lần gọi bút danh của mình trong nhiều bài thơ, kể cả trong… tranh vẽ. Tạm nêu nhan đề một số thi phẩm:
+ Tình sầu Du Tử Lê
+ Khi xa Du và T. Ch.
+ Du Tử Lê, yêu dấu nợ, T. ơi, mùa nước lớn
+ Thơ ở Du và chó xù
Bút danh Du Tử Lê khởi phát lúc Lê Cự Phách ký nơi bài thơ lục bát Bến tâm hồn đăng trên tạp chí Mai ấn hành năm 1958. Bài thơ được sáng tác năm 1957:
Lênh đênh hồn ngủ phương này
Thương mưa Hà Nội nhớ mây Hồng Hà
Mười năm dài những xót xa
Bờ hoang bến lạnh thiết tha ngọn nguồn
Mênh mông hồn ngủ phương buồn
Đêm sương Cầu Giấy, Chợ Hôm canh gà
Tóc thề nẻo gió áo hoa
Trôi từ chinh chiến trôi qua điêu tàn
Lênh đênh hồn cắm sào ngang
Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ.
Du Tử Lê tự họa sơn dầu
Mà bút danh Du Tử Lê mang ý nghĩa gì nhỉ? Con chim bói cá cười hiền:
– Tôi thích một bài thơ Đường, nhan đề Du tử ngâm. Du tử là đứa con xa mẹ và tôi họ Lê nên Du Tử Lê có nghĩa là đứa con xa mẹ dòng họ Lê. Và chính thức dùng bút hiệu Du Tử Lê. Vì tôi yêu mẹ tôi lắm. Góa bụa khi rất trẻ, bà ở vậy nuôi các con. Khi tôi bắt đầu nổi tiếng, được báo chí, họ hàng nhắc tới thì mẹ tôi chỉ thốt lên: “Ôi giời ơi! Văn chương gì chú ấy, người thì lẻo khẻo, mà chỉ thấy hút thuốc lá nhiều.”
Du Tử ngâm / 遊子吟/Khúc ngâm của đứa con đi xa do Mạnh Giao tự Đông Dã (751-814) sáng tác. Nhà thơ thời Trung Đường này lưu lại Mạnh Tông Dã gồm 2 quyển với hơn 200 bài nhạc phủ và cổ thi được tao nhân mặc khách bao thế hệ nhận định rằng cực kỳ sâu sắc, bài nào cũng… khó hiểu, ngoại trừ Du tử ngâm. Đây là bài ngũ ngôn lục tuyệt, chỉ 6 dòng, mỗi dòng 5 chữ:
慈母手中線,
遊子身上衣。
臨行密密縫,
意恐遲遲歸。
誰言寸草心,
報得三春暉。
Phiên âm:
Từ mẫu thủ trung tuyển,
Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng trì trì quy.
Thùy ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy.
Thành ngữ tam xuân huy trỏ ánh sáng mùa đầu năm, ý chỉ công lao to lớn sâu nặng của cha mẹ, khiến nhiều người liên tưởng Đoạn trường tân thanh / Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
Phanxipăng tạm dịch:
Sợi chỉ từ tay mẹ,
Nay trên áo con xa.
Mẹ khâu rất kỹ bởi,
Ngại con chậm về nhà.
Ai bảo lòng tấc cỏ,
Báo đáp được mẹ cha?
THƠ VỀ CHIẾN TRANH THÀNH TÌNH CA
Du Tử Lê sáng tác bài thơ Khúc Thụy Du vào tháng 3-1968, trong mùa xuân lửa đạn Mậu Thân, lúc tác giả 26 tuổi, làm phóng viên chiến trường, đăng lần đầu trên tạp chí Văn. Theo con chim bói cá, bản gốc bài thơ dài hơn 100 dòng, ban biên tập tạp chí Văn cắt phéng 1/3, nên khi thực hiện thi tập Thơ Du Tử Lê (NXB Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sài Gòn, 1972), tác giả đành in theo tờ Văn vì chẳng lưu bản gốc.
Tuyển thơ Khúc Thụy Du (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2018) với thủ bút của Du Tử Lê
Khúc Thụy Du là bài thơ nổi tiếng nhất của Du Tử Lê bởi nhiều nguyên nhân, chẳng phải do mở đầu tập Thơ Du Tử Lê đâu, mà nguyên nhân số 1 chính là được Anh Bằng phổ thành ca khúc giữ nguyên nhan đề, nhịp ¾, điệu boston. Anh Bằng phổ Khúc Thụy Du từ tập Thơ Du Tử Lê tái bản ở Hoa Kỳ năm 1983. Với ca khúc này, có ít nhất 2 điều cần lưu ý:
1. Lâu nay, nhiều bản in lẫn viết tay ca khúc chỉ ghi bút danh nhạc sĩ mà không ghi bút danh thi sĩ. Thậm chí, một số chương trình ca múa trên sân khấu và vô tuyến truyền hình cũng tắc trách y hệt. Nên bổ đính.
2. Bài thơ tập trung thể hiện chiến sự qua mô tả và suy nghĩ của Du Tử Lê, nhưng Anh Bằng chỉ trích những câu chữ liên quan tình yêu để phổ. Đó là quyền của nhạc sĩ. Hãy nghe Du Tử Lê kể lúc sinh thời:
– Bài Khúc Thụy Du tôi viết vào năm 1968, khoảng thời gian vừa xảy ra cái Tết Mậu Thân. Hồi đó, tôi làm phóng viên chiến trường, được cử đi tường thuật về một trận đánh mà tôi còn nhớ là ở trên đường ra Quang Trung. Khi tôi đi như vậy thì còn giới nghiêm, dọc đường gần như không có người. Tôi thấy những xác chết, những cánh tay, những phần thân thể bị văng lủng lẳng trên các dây điện. Tôi cũng nhìn thấy những con chó hoang, vì chủ đã bỏ đi lánh nạn, gặm những khúc xương người. Tôi bị chấn động trước cảnh tượng này và làm ra bài thơ. Khi về, một người bạn của tôi ngày đó, anh Trần Phong Giao, làm tờ báo Văn, làm một số báo sau biến cố Tết Mậu Thân, hỏi xin bài. Tôi đưa bài thơ đó cho anh. Tôi muốn nói Khúc Thụy Du là một bài thơ mới về chiến tranh. Nó hoàn toàn không phải là một bài thơ tình. Tình yêu trong Khúc Thụy Du của tôi chỉ là một điểm xuyết thôi. Tôi đặt vấn đề là trong một cuộc chiến tranh như vậy, chết chóc như vậy, thì tình yêu nó sẽ như thế nào, nó sẽ thảm hại ra làm sao, và cuối cùng vẫn là định mệnh con người, cuộc sống của con người nó hoàn toàn vô nghĩa, nên bài thơ mới mở đầu bằng câu hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa. Nhưng năm 1983, khi anh Anh Bằng mua được cuốn thơ đó, lại chọn ra, tôi nói rõ, anh ấy chọn ra những câu thơ nói về tình yêu chứ không phải là những câu thơ nói về chiến tranh, mặc dù những câu thơ nói về tình yêu chỉ là 1/10 của bài thơ đó.
Với Khúc Thụy Du, rõ ràng sức lan tỏa và thẩm thấu của bài hát rộng-sâu-lâu-bền hơn bài thơ nhiều. Đích thân Du Tử Lê thừa nhận vậy. Biết bao người, một mình hay đôi lứa hay tập thể, dẫu cô đơn hay hạnh phúc, rất nhiều phen đàn hát hoặc khiêu vũ hoặc lẳng lặng hòa tan bản thân trong giai điệu tuy-không-hỏi-mà-xòe-tung-muôn-dấu-hỏi thấm thía ân tình:
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao ta yêu nhau?
Vì sao môi anh nóng?
Vì sao tay anh lạnh?
Vì sao thân anh run?
Vì sao chân không vững?
Vì sao và vì sao?
Khá nhiều nam nữ ca sĩ lần lượt thể hiện bài hát Khúc Thụy Du, tạm kể chưa đầy đủ: Việt Dzũng, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Ý Lan, Vũ Khanh, Khánh Ly, Elvis Phương, Bảo Yến, Quang Dũng, Nguyên Khang, Thùy Dương, Tuấn Anh, Thanh Duy, Quang Hà, Hồng Ngọc, Hồng Mơ, Nguyễn Hồng Ân, Mai Thanh Sơn, Hồ Hoàng Yến, Giang Hồng Ngọc, Võ Hạ Trâm, v.v..
Giai điệu Khúc Thụy Du còn được chuyển thể để nhạc công độc tấu và hòa tấu bằng các nhạc cụ phương Tây lẫn phương Đông vô cùng truyền cảm.
Thơ Du Tử Lê (NXB Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sài Gòn, 1972)
với tranh bìa của Hạ Quốc Huy, mở đầu bằng bài thơ Khúc Thụy Du.
Thi tập này đã đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật của
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, bộ môn thơ
Cụm từ Khúc Thụy Du đã thành tên nhiều băng đĩa nhạc / chủ đề album, tên quán xá, thậm chí có cây bút còn ký bút danh Khúc Thụy Du. Và tuyển thơ ấn hành cuối đời Du Tử Lê cũng mang nhan đề định mệnh Khúc Thụy Du (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2018). Chiếc túi vải đựng tập thơ ấy in thủ bút Du Tử Lê:
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm,
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời,
Du Tử Lê thống kê rằng bản thân đã có hơn 300 bài thơ được phổ thành ca khúc. Tạm nêu một số theo bút danh nhạc sĩ, nhan đề bài thơ ghi trong đôi ngoặc đơn nếu khác nhan đề bài hát:
+ Phạm Duy: Tình sầu Du Tử Lê, Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (Ơn em)
+ Phạm Đình Chương: Khi cuộc tình đã chết (Lúc người chết), Quê hương là người đó, Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
+ Từ Công Phụng: Trên ngọn tình sầu (67, Khúc thêm cho Huyền Châu), Ơn em / Giữ đời cho nhau
+ Trần Duy Đức: Trong tay thánh nữ có đời tôi, Dòng suối trăm năm (Khúc Hạnh Tuyền, núi sông), Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời (Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi)
+ Song Ngọc: Hiến chương tình yêu (Hiến chương tình yêu ngày 14-2)
+ Võ Tá Hân: Cõi tôi
+ Hoàng Quốc Bảo: Người về như bụi (Một bài thơ nhỏ)
+ Khoa Nguyễn: Buổi trưa em về (Lục bát, 70)
+ Đăng Khánh: K. Khúc của Lê (K. Khúc riêng chàng), Em ngủ trong mùa đông (Chẳng bao giờ dậy nữa)
Song le, xét kỹ mọi phương diện, bài hát Khúc Thụy Du do Anh Bằng phổ vẫn nổi trội nhất, thu hút đông người biểu diễn nhất và đông người thưởng thức nhất.
Tối thứ hai 7-10-2019, nhà thơ, nhà văn, nhà báo Du Tử Lê từ trần tại nhà riêng ở Garden Grove, nam California, Hoa Kỳ, thọ 77 tuổi. Sau đó, báo chí nhiều hệ – báo in, báo nói, báo hình, báo mạng – đưa ai tín, không quên nhắc Khúc Thụy Du. Dịp này, biết bao bạn viết, bạn đọc ở gần xa nghe lại các ca khúc phổ thơ Du Tử Lê, chắc chắn nghe nhiều nhất cũng Khúc Thụy Du. ♥
Thi sĩ Du Tử Lê và nhạc sĩ Anh Bằng, tháng 11-2011
Theo Chim việt Cành Nam