Xiêm áo ướt thì ta có thể thay đổi cái khác được, nhưng khi tư cách, nết na và phẩm hạnh đã “ướt” rồi thì biết lấy “cái khác nào, ở đâu” để thay đổi đây?…
Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một vị tiểu thư nhà đại phú quý tên là Visakha, thuở nhỏ đã thông tuệ từ ái, lớn lên lại xinh đẹp tuyệt trần. Sau này, Visakha trở thành một nữ đại thí chủ, cùng với trưởng giả Cấp Cô Độc là hai vị đại hộ Pháp có công đức vô lượng trong cúng dường Tam Bảo.
Chuyện kể rằng, tại kinh đô Savatthi lúc bấy giờ, có một vị triệu phú tên là Migara. Ông ta có một quý tử đến tuổi lập gia đình, tuy đã được giới thiệu bao nhiêu tiểu thư môn đăng hộ đối mà chàng vẫn không vừa ý. Nói mãi, cậu quý tử mới mở lời gây khó dễ, đòi cha mẹ tìm được một cô gái hội tụ đủ “năm vẻ đẹp của mỹ nhân” thì chàng mới ưng thuận.
Thế là, triệu phú Migara thuê mướn tám người bà-la-môn giỏi nhân tướng học đi khắp nơi kiếm tìm mỹ nhân đạt yêu cầu cho con trai.
Một ngày nọ, nhân dịp lễ hội, tiểu thư Visakha cùng với các thị nữ đi dạo chơi, thì đột nhiên trời mưa như trút nước. Tất cả mọi người, ai ai cũng hối hả chạy tìm một nơi nào đó để trú mưa, gồm cả những thị nữ của Visakha. Riêng tiểu thư Visakha thì không hấp tấp, không vội vã mà cứ chậm rãi, khoan thai từng bước một đi vào một chái lương đình.
Hình ảnh ấy đập ngay vào mắt mấy người trong đoàn bà-la-môn sứ giả đang đi tìm “ý trung nhân” cho con trai ông triệu phú. Họ kín đáo, lặng lẽ quan sát cô gái: cô không chỉ có dung mạo xinh đẹp, dáng vẻ đoan trang, mà còn toát lên phẩm hạnh, tư cách cao quý mà họ chưa thể nào nắm bắt hết.
Một vị lịch sự hỏi:
– Thưa tiểu thư! Sao tiểu thư không nhanh chân chạy đi trú mưa như mọi người mà lại bước đi chậm rãi, khoan thai như thế? Không ngại mưa ướt xiêm áo hay sao?
Visakha mỉm cười, dịu dàng nói:
– Thưa ông! Xiêm áo ướt thì ta có thể thay đổi cái khác được, nhưng khi tư cách, nết na và phẩm hạnh của người nữ đã “ướt” rồi thì biết lấy “cái khác nào, ở đâu” để thay đổi đây?
Vị sứ giả ngơ ngác, chưa hiểu.
Cô lại phải giải thích một cách tường tận hơn:
– Thưa ông! Nếu muốn, tôi có thể chạy nhanh hơn cả lực sĩ điền kinh nhưng tôi đã không làm vậy! Tại sao? Ví như có một vị vua đang mặc sắc phục triều đình, đội vương miện quyền quý, bỗng nhiên, quấn bào, xắn áo hối hả chạy vào cung điện thì đâu còn ra thể thống gì nữa! Một thớt ngự tượng đĩnh đạc, bệ vệ, mình mang đầy trang sức châu báu, thường thì uy nghi, chững chạc từng bước một, nay bỗng dưng đâm đầu hớt hải bỏ chạy tạo nên một cảnh tượng gì đó giống như giặc đuổi sau lưng! Một vị tỳ-kheo với từng bước chân chậm rãi, ổn định, thảnh thơi trông rất thanh thoát, khả kính cũng bị thế gian chê cười khi ông ta xốc xếch y bát chạy nhanh trên đường! Cuối cùng, một người nữ nếu xăng xái bước vội, đi nhanh như đàn ông thì còn đâu nữa cái dáng vẻ yểu điệu, khoan thai của một tiểu thư khuê các? Đấy là bốn nhân và vật trên thế gian này, bất cứ trường hợp nào cũng không được hối hả đi nhanh, bước nhanh hay chạy nhanh, thưa ông! Nó đánh mất tất cả mọi tư cách!
Khi tiểu thư Visakha trả lời, giọng nói thanh tao, dịu dàng và lý luận, ví dụ sắc bén, cụ thể của cô đã cuốn hút mọi người xung quanh đến nghe cô “diễn thuyết”. Các vị trong đoàn sứ giả bà-la-môn vốn là những bậc đa văn, học thức, mà cũng chỉ biết lặng người lắng nghe.
Khi từ giã Visakha, họ nghiêng đầu nói:
– Cảm ơn tiểu thư đã cho chúng tôi được mở rộng kiến văn!
– Thưa, không dám ạ!
Về sau, triệu phú Migara sắm sửa lễ vật hậu hĩnh, trọng thể, đích thân đến dạm hỏi Visakha cho con trai của mình. Khi về làm dâu nhà Migara, Visakha đức hạnh vẹn toàn, quán xuyến, chăm lo cho gia đình nhà chồng vô cùng chu đáo. Cô còn thuyết phục được gia đình nhà chồng lìa bỏ tà đạo, đi theo chính đạo, dành trọn cuộc đời duy hộ Phật Pháp.
Theo Thanh Ngọc / dkn.tv