Trong lich sử, ít ai biết, dưới thời Vua Minh Mạng, người tàng trữ và nấu bán thuốc phiện 1 cân trở lên bị xử treo cổ, người vận chuyển thuốc phiện 1 cân trở lên bị xử chém ngay.
Vua Minh Mạng dụ bầy tôi rằng: “Những phường du côn lêu lổng lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật. Tổn thương cơ thể sinh mệnh”. Từ đó định rõ điều nghiêm cấm thuốc phiện.
Vua quy định: Phàm các quan lại, quân dân, ai hút vụng thuốc phiện, tang vật từ 1 cân trở xuống, đều phạt 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm; tang vật từ 1 cân trở lên thời nghĩ xử theo lệ chứa giấu thuốc phiện và tịch thu gia sản.[1]
Theo Án sát sứ Phú Yên Lê Khiêm Quang, năm Minh Mạng thứ 21, có người mật tố vợ chồng Nguyễn Công Trí nấu hút thuốc phiện. Sau khi khám xét nhà Nguyễn Công Trí, phát hiện dụng cụ hút thuốc phiện và 1 lạng nha phiến, đã lập biên bản, đem người cùng tang vật giải về xét xử. Khi xét hỏi tại công đường, Nguyễn Công Trí khai y bị bệnh nặng, uống thuốc không khỏi, được Hồ Văn Đạt mua giúp 2 lạng thuốc phiện sống, đem nấu chín, cùng hút khoảng 2 phần, còn lại cất giấu tại nhà y, khi bệnh tái phát mới hút. Vâng xét theo lệ mới quy định, xin xử Nguyễn Công Trí đánh 100 gậy và thích chữ, đày đến địa phận Hải Dương, tang vật gồm dụng cụ hút và nha phiến xin cho tiêu hủy.[2]
Một văn bản về xử tội nấu và hút thuốc phiện dưới thời Minh Mạng, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Vua Minh Mạng nhấn mạnh, việc nấu bán thuốc phiện còn gây nguy hại lớn hơn cả hút vụng thuốc phiện vì dụ dỗ nhiều người, làm cái hại càng lan rộng ra. Vua dụ bộ Hình rằng: “người hút trộm thuốc phiện, tuy hại đến việc quan, bỏ công việc, mất hết gia sản, tổn hại sức khoẻ, nhưng chỉ làm hại cho một thân, một gia đình họ mà thôi. Còn như đứa nấu, bán thuốc phiện là mưu đồ lợi lớn, dụ dỗ nhiều người, đến nỗi tập nhiễm thành thói quen, cái hại lan ra rộng, thì thiết xử tội như nhau, thực chưa được phân biệt.[3]
Vì thế, những người hàng phố làm nghề nấu thuốc phiện bán và hiện tàng trữ, bán thuốc phiện sống, thuốc phiện chín, không tới một cân trở xuống, phát đi sung quân ở viễn biên (nơi biên giới xa xôi); từ 1 cân trở lên xử giảo giam hậu (treo cổ nhưng giam lại đợi xử), tịch biên gia sản sung công[4]. Như vậy, mức xử phạt cao nhất đối với người nấu bán và tàng trữ thuốc phiện là xử thắt cổ và tịch thu gia sản. Điều này cho thấy Vua Minh Mạng rất quyết liệt và thẳng tay trừng phạt đối tượng làm thuốc phiện lan tràn khắp nơi.
Theo bản Tấu của Tổng đốc Bình Phú Vũ Xuân Cẩn vào năm Minh Mạng thứ 15, Hoàng Văn Trực bán thuốc phiện sống, chiểu theo luật đi đày 6 năm rưỡi, thích chữ, hết hạn thì giao về bản quán.[5]
Một số Châu bản triều Tự Đức cho biết vâng xét nghị định của Bộ Hình năm Minh Mạng thứ 20 ghi: phàm những người nấu thuốc phiện bán cho khách và chứa chấp giấu diếm mua bán thuốc phiện sống hoặc chín từ 1 cân trở lên đều xử giảo giam hậu, ví dụ trường hợp tên phạm Trần Bái là người Thanh, bán thuốc phiện lậu, thu được tang vật hơn 5 cân. Tra xét đã khai nhận đầy đủ. Trần Bái truyền xử giảo giam hậu.[6]
Vua Minh Mạng quy định cụ thể về việc kiểm tra các thuyền buôn nước ngoài đến neo đậu tại của biển nước ta. Đặc biệt, trong các đối tượng mua bán, vận chuyển thuốc phiện là lái buôn nước ngoài, Vua Minh Mạng sớm chú ý đến thương nhân người Thanh. Tài liệu Châu bản triều Minh Mạng còn lưu một số văn bản về việc kiểm soát các thuyền buôn nhà Thanh có mang theo thuốc phiện hay không trước khi chấp thuận cho họ vào nước ta buôn bán.
Nay truyền dụ các tỉnh Nam Kỳ cho đến các quan ai nấy đều phải tuân theo điều lệ cấm. Phàm người Thanh đến làm ăn chỉ cho phép qua lại buôn bán ở đường sông không được ra biển. Các thuyền buôn trong hạt vượt biển buôn bán không được thuê mướn người Thanh lái thuyền. Nếu có người Thanh mượn thuyền ra biển buôn, lẻn theo thuyền buôn của dân trong hạt thì phải lập tức bắt giải trừng trị nghiêm.[7]
Bên cạnh ngăn chặn thuyền buôn ngoại quốc mang thuốc phiện vào nước ta, Vua Minh Mạng quy định, phàm những thuyền công phái đi ngoại quốc mà bọn quan lại quân lính trong thuyền mua giấu thuốc phiện sống chín mang theo về thì tang vật không tới 1 cân trở xuống xử trảm giam hậu (giam đợi xử chém), 1 cân trở lên, trảm lập quyết (chém ngay), tài sản của kẻ can phạm bị tịch thu[8]. Trong quy định này, mức phạt căn cứ theo khối lượng tang vật và mức phạt cao nhất cũng là tội chết.
Với nhân thức sâu sắc về tác hại của thuốc phiện và với quyết tâm bài trừ tệ nạn này, những biện pháp nghiêm minh quyết liệt của Vua Minh Mạng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận trong suốt thời gian cầm quyền của vị vua này.
HỒNG NHUNG
Chú thích:
[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, trang 584.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 85, tờ 68.
[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, trang 584.
[4] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, trang 585.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 52, tờ 177.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 376, tờ 119.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 73, tờ 95.
[8] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, trang 585.
Theo TTLTQG