Cách đây đúng 90 năm, một cuốn sách biên khảo về danh nhân Phan Thanh Giản được xuất bản. Sách có tựa Phan Thanh Giản truyện và được xuất bản năm 1927, tác giả là Thái Hữu Võ. Trong sách có thuật lại câu chuyện Phan Thanh Giản lấy thân mình cản bánh xe vua. Năm 2015, nhà xuất bản Hồng Đức phát hành cuốn Nam Bộ với triều Nguyễn và Huế xưa của tác giả Nguyễn Đắc Xuân. Nội dung của cuốn sách này có trích lại câu chuyện nói trên với tựa là Phan Thanh Giản lấy thân mình cản bánh xe vua. Xin được ghi lại nguyên văn câu chuyện ở trang 28 :

“Tháng Giêng năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng thấy đất nước thái bình, triều đinh yên ổn bèn xuống chiếu phán rằng:

Tháng năm vua sẽ vào ngự tỉnh Quảng Nam, và sau đó sẽ tiếp tục vô Nam kỳ để tận mắt xem xét cung cách làm ăn sinh sống của dân chúng, thăm viếng phong cảnh núi sông các xứ miền Nam.

Phan Thanh Giản và nỗi oan thấu trời
Chân dung cụ Phan Thanh Giản (1796-1867)

Lúc ấy Phan Thanh Giản, vị Tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam bộ, đang giữ chức Tổng đốc Quảng Nam; nhận được chiếu Nam du của vua Minh Mạng, Phan Thanh Giản cảm thấy không yên trong lòng. Nhưng làm sao ông có thể đệ đạt điều ông suy nghĩ đến được bệ rồng? Hồi ấy có lệ cứ đến mùa xuân các quan lớn đứng đầu các tỉnh phải dâng sớ thỉnh an (tức là thư chúc sức khỏe nhà vua), và đàng sau sớ thỉnh an các quan được phép đáp từ câu chuyện lợi hại của dân tình trong tỉnh mình, hay kêu ca xin xét việc gì với vua. Trong sớ thỉnh an năm ấy, Phan Thanh Giản đáp từ rằng:

“Thần đọc chiếu biết vua sắp đi tuần thú các tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên và các tỉnh phía Nam. Thần xin kính tâu cho vua biết bốn tỉnh ấy trời đang nắng hạn, đồng khô lúa chết, gạo đắt, dân giàu thì túng, dân nghèo thì đói, lại thêm lâu ngày không mưa, khí đất thấp, nhiệt nổi lên hay sinh tật bệnh. Đã biết vua ngự thì ngàn xe muôn ngựa, quan quân hầu hạ, nhứt thiết tiêu dụng của vua, không tốn chút chi của dân cả, nhưng mà việc sửa đắp đường sá, dọn dẹp hành cung, sắm củi đuốc cho quan quân đun nấu, cắt cỏ lác cho ngựa voi ăn lính đâu cho đủ, tất nhiên phải bắt dân làm. Nếu như vậy thì dân phải lo việc công mà bỏ việc tư, không còn sức chăm sóc ruộng nương, lấy gì đủ ăn mặc cho cả năm! Thần là người được vua giao nhiệm vụ giữ đất chăn dân, không làm cho dân cám ơn nước, gội đức vua, để cho dân tình khó khan đến thế quả là tội của thần, không còn chỗ tránh. Nhưng mà thần thấy từ khi vua lên ngôi đến nay, mỗi việc đều lấy đức vỗ muôn dân, cho nên thần mới cạn lời bày tỏ, xin vua đình giá khoan đi, chờ lúc trời đất khí hòa, mùa được dân no, thì sẽ xa giá ngự đến. Chừng ấy trong thành thị, ngoài hương thôn thấy bóng cờ nghe tiếng nhạc, ắt quan dân lòng mừng hớn hở, miệng chúc muôn năm, như vậy mới thực lê thứ vui lòng. Cúi xin thượng hoàng thẩm xét”.

Công việc chuẩn bị Nam du đã xong, chỉ còn chờ ngày khởi hành, vì thế vua Minh mạng không nghe sớ can ngăn của Thanh Giản. Đến khi xa giá vào đến Quảng Nam, Thanh Giản lại tiếp tục can ngăn, nhà vua vẫn phớt lờ không nghe (!). Nhà vua cho xe lăn bánh tiếp tục vào phía trong. Biết không thể dùng lời can ngăn vua được nữa, Thanh Giản liền liều mình quỳ trước bánh xe, cản không cho xe vua đi. Các đại thần theo xa giá hết sức quở trách:

– Phan Thanh Giản điên sao dám cản đường vua tuần thú, làm mất lòng dân trông tưởng. Như thế là phạm tất, đáng tội chết!

Không ngờ, trong giờ phút đó vua Minh Mạng lại hiểu được lòng thương dân của Thanh Giản. Nhà vua nói với các quan Cơ mật rằng:

– Thanh Giản thầm lấy lời ông Mạnh Kha can vua Tề Vương để can gián ta ! Thôi các khanh hãy đình chỉ việc tuần thú, cho xa giá quay về triều !

Các quan không dám trái lệnh, phải cho xe quay về. Sau đó vua Minh Mạng cho người đi điều tra về tình hình đói kém của dân bốn tỉnh và thấy đúng như lời sớ. Nhờ thế mà Phan Thanh Giản đã cản xe vua mà không bị tội” (1).

Sự thật câu chuyện trên là như thế nào?

Sách Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quáng triều Nguyễn chép:

“Ất Mùi, Minh Mệnh năm thứ 16 (1835) tháng 6 : Tuần phủ Nam Ngãi Đỗ Khắc Thư dung túng cho thuộc lại ở tỉnh tạ sự lấy quà cáp của dân. Việc phát giác, bị tội cách chức. Dùng Đại Lý Tự khanh Phan Thanh Giản làm Bố chính Quảng Nam, hộ lý ấn quan phòng Tuần phủ Nam Ngãi” (ĐNTL, sđd, tr.689).

“Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng 3: “Bố chính Quảng Nam, hộ lý Tuần phủ Nam – Ngãi là Phan Thanh Giản bị giáng chức. Dùng : Kinh doãn Hồ Hựu hộ lý ấn quan phòng tuần phủ Nam – Ngãi, kiêm lĩnh ấn triện Bố chính ; Tả thị lang bộ Lễ Vương Hữu Quang kiêm giữ thay công việc phủ doãn Thừa Thiên.

Trước kia, vua thấy Nam, Bắc yên lặng, triều đình nhàn rỗi, bèn dụ đến trung tuần tháng 5, sẽ đi tuần Quảng Nam, trung tuần tháng 6 sẽ đi tuần Quảng Trị ; chuẩn cho quan phần việc và địa phương sở tại chuẩn y trước. Thanh Giản nhân đó, trong tập thỉnh an, có nói : “Vua đi tuần du, dân các hạt nghe tin không ai không hớn hở, muốn tai được nghe tiếng ngựa xe vua đi, mắt được thấy cờ vũ mao tươi đẹp. Nhưng lúa chiêm năm nay kém, trong khoảng tháng 4, 5 chính là mùa gieo, cấy. Một khi phải làm việc ứng tiếp, được việc này, hỏng việc kia, sợ không lấy gì mà sống trọn năm được. Xin hãy tạm đình, để tiểu dân được chuyên sức làm ruộng”. Vua xem tờ tâu, không hài lòng, bảo viện Cơ mật rằng : “Phan Thanh Giản đã nói ai nghe tin cũng đều vui mừng. Lại nói : Bận việc ứng tiếp thì hại việc làm ruộng. Đó là có ý muốn lấy lời Mạnh Kha thưa với Tề Tuyên Vương để ngầm chê ta. Này, Thanh Giản nếu thấy việc không tốt thì nói thẳng để can ngăn, sao lại được đặt lời gian xảo, bề ngoài cho là phải, bề trong chê là trái, người làm bề tôi có nên như thế không ? Vả lại, việc đi tuần du nguyên có hai ý nghĩa : nếu chỉ lấy việc đi chơi làm vui, mà chẳng quan tâm đến việc dân, thì thực không nên ; nếu thời thường tuần du các nơi, nhân đó để xét địa phương, xem phong tục, thực là phép hay của đế vương xưa. Đời Nghiêu Thuấn 5 năm đi tuần 1 lần, 1 năm đi khắp núi lớn ở 4 phương [ Núi Thái Sơn ở phương Đông, núi Hoa Sơn ở phương Tây, núi Hành Sơn ở phương Nam, núi Hằng Sơn ở phương Bắc] mà cư dân không kêu vất vả. Người làm vua mỗi lần đi tuần du là một lần kẻ hạ dân được giúp đỡ, được nghỉ ngơi. Xét những điều đã chép trong các sử sách đều đáng soi gương. Từ trước đến nay, trẫm cũng bắt chước phép xưa mà làm. Huống chi Quảng Nam ở gần Kinh kỳ trong vòng vài trăm dặm, [Minh Mệnh] năm thứ 6 và năm thứ 8, hai lần đi tuần, đến đâu cũng làm ơn, ban Phước, tha miễn thuế thân, kể có hàng vạn ; dân đen ai không thấm nhuần ơn rộng ? Những đồ vật cung ứng ở hành cung cả đến cỏ lá cho voi ngựa, cũng thuê, hoặc mua bằng giá hậu. Kẻ nghèo túng, cũng đều được nhờ. Đến như việc hầu hạ nơi cung quán, đồ đạc bày biện, mọi việc đều cần tỉnh giảm, sơ sài. Lại nghiêm sức cho những nhân viên quyền quý ở Kinh theo hầu giá, không được đòi hỏi yêu sách tí gì. Nhà trạm và đường trạm nhất nhất nghiêm túc. Các điều ấy, ai có tai mắt cũng đều nghe thấy cả. Từ Minh Mệnh năm thứ 8 đến nay, tính đốt đã 10 năm rồi. Nay nhân nhàn rỗi, lại định đi tuần. Mọi việc cũng theo lệ thường mà làm. Những nơi ngự giá đi qua, không bày đặt xa xỉ hoa lệ ; xe loan đến đâu không đòi hỏi gì. Như vậy có làm hại dân chút nào mà người ta không vui ? Cứ như Thanh Giản nói như thế, thì ra trong đó còn có ẩn tình chưa lộ rõ được.

Nay nếu vội trị tội ngay thì kẻ không biết sẽ nói là trẫm không dung lời can ngăn, lại bắt trị tội người. Duy đối với lý phải hay trái cũng nên xét kỹ. Nếu Thanh Giản đi sát dân đen, thấu suốt ẩn tình của dân, nên vì dân mà tâu trình, thì trẫm sao nỡ bắt tội ! Nếu do lòng riêng nói ra rồi mượn lời để ngăn trở, thì không nên nhù nhờ dung tha được. Vả lại, Thanh Giản trước kia ở Kinh, cũng biết hăng hái cố gắng. Từ khi bổ chức làm ở ngoài, thì sinh lười nhác. Thí dụ như : năm ngoái, sửa chữa thuyền Thanh Loan ở địa phận hạt ấy, trải hơn 1 tháng, vẫn không từng đoái đến ! Suy đó đủ biết đại khái được các việc khác. Nay có lẽ vì kho tàng, thành trì nhiều nơi chưa sửa sang, chỉnh đốn, không khỏi sợ việc, ngại khó, nên mới mượn thể để nói, mong được yên rỗi, thì tội không còn chối được, nhưng tội này hãy còn nhỏ. Nếu có lẽ vì quan lại lớn nhỏ ở tỉnh phần nhiều tham ô, thường dân ở làng xóm nhiều người oan khuất, sợ trẫm đi tuần, phát giác tội lỗi, nên mượn cớ can ngăn, để toan che đậy bưng bịt, thì tội ấy không gì to bằng !”

Liền sai Ngự sử Vũ Duy Tân, Nguyễn Bá Nghi đi dò xét. Còn việc đi tuần du hãy đình lại. Bọn Tân khi đến dò hỏi dân trong hạt, mọi người đều mong vua đến. Lại xét được những sự như công việc trong tỉnh bỏ bê trễ, quan lại tham nhũng tồi tệ, liền đem tâu lên. Vua sai đình thần duyệt kỹ lại, ai nấy đều nói là Thanh Giản lừa dối bưng bịt và xin trị tội. Rồi xin cứ theo dụ trước, cử hành điển lễ long trọng để thoả nguyện vọng dân chúng.

Vua nói : “Thế đủ biết : đã là quốc thị thì ai cũng lấy làm phải, đã là công luận thì không sao che giấu được. Phan Thanh Giản mượn lời để che đậy, đáng phải sai bắt trói đem về Kinh để trị tội, nhưng nghĩ : nay tuy xét thấy thành trì kho tàng phần nhiều chưa sửa chữa, cũng là tội về việc công và những quan lại thuộc hạ tham ô kém cỏi, không xứng với chức phận mà thôi, chứ bản thân không có tình tệ tham tang nhũng loạn. Nếu vội trị tội nặng ngay thì lòng trẫm hãy còn không nỡ. Chuẩn cho cách chức hàm Bố chính, giáng xuống làm thuộc viên lục phẩm Quảng Nam khổ sai, hiệu lực chuộc tội dưới quyền viên hộ lý Tuần phủ mới” .(2)

Qua những điều mà Đại Nam thực lục đã ghi, ta thấy :

1- Sự việc trên xảy ra vào năm Bính Thân (1836), chức vụ của Phan Thanh Giản bấy giờ không phải Tổng đốc mà là Bố chính Quảng Nam, Hộ lý ấn quan phòng Tuần phủ Nam Ngãi.

2- Việc Phan Thanh Giản dâng sớ bàn can ngăn việc tuần thú của vua Minh Mạng là có thật. Qua đó nhà vua đã đình chỉ chuyến đi để điều tả tìm hiêu sự việc, chứ không có việc vua đã đến nơi mà lại còn đứng ra cản xe !

3- Nguyên nhân mà Phan Thanh Giản không muốn nhà vua đến các địa phương mình trấn nhậm là vì lúc đó, ông mới nhận chức chỉ thời gian ngắn, ở đó tình trạng quan lại tham nhũng tràn lan, nên ông không muốn điều tiếng xấu đến tai vua. Ông đưa lý do làm việc công, bỏ việc tư đã làm nhà vua nghi ngờ và cho điều tra tìm hiểu.

4- Không có việc vua Minh Mạng điều tra và tha tội cho Phan Thanh Giản mà ngược lại, nhà vua đã giáng chức Bố chánh cùng với chức Hộ lý quan phòng Tuần phủ Nam Ngãi của ông.

Năm 1953, khi biên soạn cuốn Phan Thanh Giản (1796- 1867) do Tân Việt xuất bản, tác giả Nam Xuân Thọ đã ghi đúng như nội dung mà Đại Nam thực lục chép là chưa hề có cuộc “ngự giá” của nhà vua:

” Thanh Giản dâng sớ ngăn giá : ” Hạt đàn nghe ngự giá sắp vào đều có lòng vui. Nhưng lúc này đang độ cấy cày, nếu lo công mà bỏ tư thì dân lấy chi được no ấm ” .Vua Minh Mạng đọc sớ, đình cuộc du lãm… ” (3)

Tài liệu tham khảo:

(1) – Nam Bộ với triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân, Nxb Hồng Đức, 2015, tr. 28.

(2) – Đại Nam Thực Lục T4, QSQTN, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 908.

(3) – Phan Thanh Giản, Nam Xuân Thọ, Nxb Tân Việt tái bản lần II, 1957, tr. 21.

Tôn Thất Thọ

Theo Chim việt Cành Nam