Thi sĩ Vũ Đình Liên (1913-1996) sinh năm 1913 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Sau khi đậu Tú tài ở Collège du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ ở Thụy Khê, thường gọi là trường Bưởi, sau đổi thành Chu Văn An), ông ghi danh họ trường Luật ở Hà Nội một thời gian, nhưng rồi bỏ ngang để đi dạy tư và tham gia vào làng báo.
Bài thơ Ông Đồ được đăng lần đầu trên báo Tinh Hoa xuất bản ở Hà Nội số Xuân Đinh Sửu 1937. Tờ báo này xuất bản vào ngày thứ bảy do Đoàn Phú Tứ làm chủ nhiệm và Vũ Đình Liên là Chủ bút kiêm Quản lý. Đoàn Phú Tứ là nhà thơ và là nhà soạn kịch; ông lập nên đoàn kịch Tinh Hoa. Báo Tinh Hoa phát hành số đầu vào ngày 13-2-1937, ra được 13 số thì đình bản vào tháng 7-1937.
Sau khi báo Tinh Hoa đình bản, Vũ Đình Liên chủ trương tờ Tuần báo chuyên về giáo dục là Revue Pédagorique nhưng cũng chỉ ra được vài số rồi đình bản. Đến năm 1940, ông làm Tham tá sở Thương chính Bắc kỳ. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông trở về dạy học. Năm 1946, ông tham gia vào Hội Văn nghệ Cứu quốc Liên khu 3, sau đó trở lại dạy học tại một số trường trung học và biên soạn sách giáo khoa cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Bài thơ Ông Đồ ra đời trong những ngày áp Tết Đinh Sửu 1937. Một hôm thi sĩ dạo chợ Tết, đi ngang qua đền Ngọc Sơn, thấy mấy ông đồ trải chiếu bên vệ đường để “bán chữ thánh hiền” mong được chút dư dật kiếm tiền tiêu Tết ở vào thời điểm xã hội đã “bỏ bút lông đi, giắt bút chì” (bỏ Hán học để theo Tây học). Nơi đây, nhà thơ thơ họ Vũ đã chứng kiến cái cảnh khách du Xuân không còn tha thiết đến chuyện trang hoàng nhà cửa với những câu đối xưa, những bức hoành, bức phi cổ như những ngày mà Nho học còn đang thịnh hành, ở đây chỉ là một không khí vắng vẻ bao trùm quanh các ông đồ. Đêm hôm đó, Vũ Đình Liên đã sáng tác nên bài thơ này và kịp đăng trên số báo Xuân Tinh Hoa năm đó.
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản ở Huế năm 1941, hai nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét:
“Vũ Đình Liên đã để lại một bài thơ kiệt tác: “Ông Đồ”. Ông đồ mỗi năm đến mùa hoa đào lại ngồi thuê viết bên đường phố. Ông chính là di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn. Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu. Cái cảnh thương tâm của nền Nho học và các nhà Nho. Nhưng chế giễu mạt sát không nên mà ca tụng cũng không được. Phần đông các nhà Nho còn sót lại chỉ đáng thương. Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu danh, đủ với người đời”.
Nhà phê bình Hoài Thanh còn cho biết hai nguồn thi cảm chính để Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ này chính là “lòng thương người và lòng hoài cổ”. Bài thơ Ông Đồ được ông Fourniau dịch sang tiếng Pháp và được ông Lý Việt Dũng dịch sang Hán Văn với tựa là Lão Tú Tài, phiên âm như sau:
Mỗi năm hoa đào nở Mỗi niên đào hoa khai
Lại thấy ông đồ già Tổng kiến lão Tú tài
Bày mực Tàu giấy đỏ Truy nghiễn hồng tiên bãi
Bên phố đông người qua. Thông cù nhân vãng lai.
Bao nhiêu người thuê viết Đa thiểu thị tự dã
Tấm tắc ngợi khen tài Trách trách tiễn chu kỳ
Hoa tay thảo những nét Xảo bút nhất huy tựu
Như phượng múa rồng bay. Như phụng vũ long phi.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng Lãnh lạc niên phục niên
Người thuê viết nay đâu ? Cô khách hà mang nhiên ?
Giấy đỏ sầu không thắm Hồng tiên bi sắc thâm
Mực đọng trong nghiên sầu. Truy nghiễn sầu mặc kiên.
Ông đồ vẫn ngồi đấy Tú tại do tại ty
Qua đường không ai hay Quá lộ hữu thùy tri
Lá vàng rơi trên giấy Tiên thượng hoàng diệp lạc
Ngoài trời mưa bụi bay. Thiên biến tế vũ phi.
Năm nay đào lại nở Kim niên đào hựu tân
Không thấy ông đồ xưa Bất kiến cựu thời thân
Những người muôn năm cũ Trù tướng không hàng vọng
Hồn ở đâu bây giờ ? Cổ hồn hà quy vân ?
Cũng cần nói thêm, ngoài bài thơ bất hủ Ông Đồ rất nổi tiếng, năm 1982 , Vũ Đình Liên đã “tiếp nối” ý tưởng từ bài thơ này để sáng tác một bài mới có tựa Bóng Ông Đồ. Bài thơ như một sự tiếp nối mạch cảm xúc của thi phẩm bất hủ được sáng tác hơn 45 năm trước. Bóng Ông Đồ chưa thấy xuất hiện ở trên một tạp chí nào. Một người bạn của chúng tôi là nhà sưu tập sách Nguyễn Bình Phương ở Hà Nội đã tìm được toàn văn bài thơ chép tay này.
Bài thơ được Vũ Đình Liên viết lên một mảnh giấy cắt từ lịch treo tường, dán thêm một dải điều đỏ và gửi tặng gia đình người bạn thơ. Lời mở đầu ông viết: “Khai bút xuân Nhâm Tý 1 – 1982”. Tuy nhiên, theo đúng lịch, năm Nhâm Tý là năm 1972, rất có thể nhà thơ đã viết nhầm, sáng tác bài thơ khai xuân năm 1982 (Nhâm Tuất) và đề nhầm năm là “Nhâm Tý”. Cũng có thể bài thơ được sáng tác vào năm Nhâm Tý (1972) và viết tặng gửi bạn vào năm 1982 (năm Nhâm Tuất).
Một nguồn tư liệu cho biết bút tích này nhà thơ Vũ Đình Liên gửi tặng gia đình một nữ sĩ thân thiết; những người bạn thơ tri âm của ông ở miền Trung.
Dưới đây là toàn bộ bút tích của nhà thơ Vũ Đình Liên và bài thơ Bóng Ông Đồ:
Khai bút Xuân Nhâm Tý (*)
1-1982
Thân gửi anh chị … (nhà sưu tầm che tên người được tặng)
Bóng Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy bóng ông Đồ
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa.
Ôi! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi.
Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay.
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ nhân đạo, thiên cơ.
Cách mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông đồ.
Nhận xét về bài thơ này, tác giả Đỗ Ngọc Thạch trong bài viết “Vũ Đình Liên; ông đồ vẫn ngồi đấy !”đăng trên trang thông tin điện tử vanchuongviet.org đã viết:
“Bài Bóng Ông Đồ còn được Vũ Đình Liên gọi là Ông Đồ 2, để cùng với Ông Đồ 1 là bài Ông Đồ năm 1936 làm thành đôi câu đối! … Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, bài Bóng Ông Đồ, tức Ông Đồ 2 không thể đứng song song với Ông Đồ năm 1936 được! Điều này dễ hiểu bởi Ông Đồ đã là kiệt tác, đã là “độc nhất vô nhị” thì rõ ràng là không thể có Ông Đồ 2 ngang tầm! Riêng chuyện này thì Vũ Đình Liên dù có thông kim bác cổ cỡ nào cũng không thể nào hiểu nổi! Bởi như Viên Mai (nhà thơ, nhà lý luận phê bình đời nhà Thanh, Trung Quốc- CQ chú) đã nói : “Oanh già không nên hót, người già không nên làm thơ!” .Câu nói này cốt để nói với những con chim Oanh trẻ, còn Oanh già thì đâu có chịu nghe bao giờ!…”
————-
(* )Có lẽ tác giả nhầm, năm 1982 đúng phải là năm Nhâm Tuất.