Xã hội ngày càng phát triển, những sản phẩm tiện ích như: bếp ga, bếp cồn, lò vi sóng…dần được mọi người yêu thích bởi tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bếp lửa mới chính là một nét văn hóa truyền thống một thời của người Việt Nam.
Việt Nam vào thời xưa, nhà nhà đều có một gian bếp nhỏ với chiếc kiềng ba chân. Vào sáng sớm, những chiếc bếp lại được sáng lửa báo hiệu một ngày mới lại bắt đầu. Ông bà, cha mẹ lại quây quần bên bếp lửa để thổi lửa nấu cơm cùng nhau nói chuyện rôm rả.
Người Việt xưa thích những bếp lửa nhỏ, họ cho rằng nó tượng trưng cho hạnh phúc gia đình. Ngọn lửa được thắp sáng trong mái ấm gia đình báo hiệu sự hạnh phúc, ấm no. Nó cũng chính là nỗi nhớ mong của biết bao người con xa xứ, chỉ mong ngày có thể trở về bên gia đình, về bên bếp lửa hồng đỏ rực.
Hình ảnh bếp lửa cũng được đưa vào bao tác phẩm văn học Việt Nam, nó trở thành đại diện cho sự ấm no của người dân. Mùa đông, bếp lửa là nơi sưởi ấm, nơi trò chuyện, đến mùa xuân lại là báo hiệu sự đoàn tụ, báo hiệu những người con xa quê sắp trở về.
Người Việt Nam cũng có những điều cấm kỵ cho gian bếp riêng của mình như: không được dẫm chân hoặc bước qua bếp, không được gõ hoặc đánh vào bếp…Đối với người Việt Nam, bếp là nơi cư trú của ông Táo- người giữ lửa cho gian bếp mỗi gia đình, những sinh hoạt hàng ngày của con người diễn ra xung quanh bếp lửa nên sợ sẽ phạm lỗi với thần linh và sẽ thần linh trách phạt.
Bếp lửa từ xa xưa đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Ngày nay, những sản phẩm tiện tích đã dần thay thế những bếp lửa xưa. Nhưng có nhiều gia đinh Việt ở nông thôn vẫn giữ được thói quen này, giữ lửa cho sự ấm êm của gia đình.
Bếp lửa chính là cái hồn của văn hóa Việt Nam xưa. Nó đã đi qua bao thời kỳ lịch sử oanh liệt của dân tộc, cùng chiến đấu với bao chiến sĩ trên sa trường và giữ lửa cho sự ấm êm của bao gia đình Việt Nam.