Quán của một thời, không chỉ là quán, mà là một góc nhân gian Sài Gòn, quay mặt ra phố hứng lấy sóng gió thời cuộc để phân vân, trăn trở và lựa chọn một thái độ sống, không có quán dành riêng cho một hạng người nào, chỉ có người chọn cái ambiance khung cảnh cho riêng mình, rồi chính mỗi người cùng với bầu bạn của họ, lâu dần tạo ra phong cách của quán.
Quán cũng mang màu sắc, cá tính của một người Sài Gòn vậy. Nhưng đó chỉ là quán của một thời cũng chưa xa lắm. Hồi nhỏ, tôi sống ở một xóm nghèo của dân cu li, đạp xích lô, vác sạp chợ, thợ mộc, thợ hồ, công chức, tư chức nhỏ… Nghèo, nhưng dân xóm cứ mỗi chiều cuối tuần, hoặc gặp kỳ lương đầu tháng thường đưa cả gia đình con cái đi ăn nhà hàng; coi như một kiểu sống phải có của người thị thành. Bạn bè, người thân quen tới nhàm, đàn ông con trai, tất cả đều kéo ra quán. Lắm khi đã hết chuyện nói mà cứ cà kê ngồi đó coi “ông đi qua bà đi lại”, xỉa hết hàng mấy chục cây tăm mà vẫn không muốn đứng lên, ra về. Lạ một điều chẳng thấy chủ quán nào bực mình, cằn nhằn; nói chi tới xua đuổi!
Lớn lên, tôi nhiễm cái “món” ngồi quán hồi nào không hay. Một mình cũng ngồi, ngồi một mình. Có điều những quán tôi ghiền… ngồi, không vì món ăn thức uống độc đáo hay “đặc sản” gì, cũng không vì có kỷ niệm “người yêu vội đi lấy chồng” nào; chẳng qua chỉ là ghiền không khí quán, ghiền khung cảnh (ambiance) quán.
Một thế hệ ghiền phố
Nhứt là đường Ca-ti-na
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều…
(Nam Kỳ phong tục diễn ca – Nguyễn Liên Phong).
Những năm 60 và những năm đầu thập niên 70, có một “thế hệ” ghiền phố Catinat nay là Đồng Khởi và mấy quán đáng nhớ lắm ở cái phố cũng đáng nhớ này. “Thế hệ ghiền quán” buổi ấy rất không gần nhau về tuổi tác, địa vị xã hội và cả mức thu nhập. Từ học sinh tú tài, sinh viên, giáo chức tới văn nghệ sĩ trí thức đủ cỡ, đã thành danh hoặc mới tập tành… các dân biểu, chính khách “salon” hoặc đối lập, công chức mới tập sự hay đã là loại thượng hạng ngoại hạng, lính quèn và tướng trẻ tướng già, cả thầy tu và mấy ông Tây già còn sót của thời thuộc địa, không có quán nào dành riêng cho một hạng người nào. Chỉ có hạng người nào đó chọn cái ambiance của quán cho riêng mình, hoặc do bầu bạn cùng ngồi, lâu dần, tự dưng có một ambiance riêng.
Như La Pagode nay là trung tâm điều hành du lịch ở góc Catinat – Lê Thánh Tôn. Không biết tự bao giờ, là nơi hò hẹn, bù khú của giới văn nghệ sĩ và trí thức đủ mọi lứa tuổi và cấp độ. Quán thoáng rộng, mà không sáng lắm, tường lửng cỡ nửa thân người, mở toang ra khung cảnh phố xá, vỉa hè mà vẫn là một thế giới riêng, về sau mới lắp cửa kính, máy lạnh. Có một quầy rượu không ồn ào. Bàn, ghế bọc nệm màu nâu sậm, có tay vịn, cao hơn ghế salon nhưng thấp hơn ghế thường. Có thể ngồi ở tư thế duỗi thẳng chân, tay tựa lên thành ghế đầu ngả đúng vào thành dựa, úp một tờ báo lên đầu và lơ mơ ngủ trưa bên ly cà phê đã cạn. Những anh bồi lớn tuổi, đồng phục trắng, nơ đen, đa số là người Tàu sành sỏi tiếng Việt và tiếng Pháp… Tất cả đều lịch sự, ít lời nhưng nhiều chăm sóc, rất nhẹ nhàng đi lại như sợ phá những phút ngủ trưa của ông khách nọ.
Thời buổi trào lưu triết học hiện sinh, triết lý nhập cuộc, của văn chương viễn mơ và văn nghệ dấn thân… cũng thổi vào quán những cuộc tranh cãi, bàn luận; dù rất nghiêm túc hay lập dị ngạo mạn thì cũng đều biết tôn trọng cái ambiance của quán: sự điềm đạm lịch lãm. Cả những em bé đánh giày cũng chẳng dám kèo nài, mè nheo; có em chẳng biết học được từ đâu, còn biết nghiêng đầu chào khách kèm theo một tiếng “cảm ơn” nhỏ nhẹ.
Buổi sáng không khí trong lành, phố chưa nhộn nhịp; buổi chiều hơi oi, người đi lại vội vã hơn nhưng không xô bồ – những thời khắc ấy ngồi La Pagode bên cốc cà phê hoặc cốc rượu nhẹ, ngắm người, ngắm ta, dễ cảm được cái thú của dolce vita cuộc đời êm dịu, dù cách đó không xa, đang có một cuộc xuống đường của sinh viên học sinh trong khói lựu đạn cay mù mịt. Ai đặt tên quán là La Pagode (cái chùa) để có những giây phút quán bỗng trầm mặc, thanh lịch đáng yêu làm sao!
Bước ra khỏi “chùa” vài bước, có thể vào hiệu sách Albert Portail bề thế, sang trọng với đủ loại sách báo nhập từ phương Tây và rất cập nhật. Nhưng đi tiếp về phía góc đường Lê Lợi, ta có thể vào một quán khác hẳn: Givral, máy lạnh, cửa kính sáng choang và lố nhố nhà báo Tây, ta cùng các vị dân biểu, chính khách… Một cửa nhỏ mở ra đường Đồng Khởi sẵn sàng bán bánh ngọt Givral nổi tiếng cho khách qua đường. Xéo bên kia là Hạ nghị viện nay là Nhà hát TP và Trung tâm quốc gia báo chí.
Quán mát lạnh nhưng tin tức thì đầy tràn và nóng hổi, sôi sục như bia bọt. Thường thì sau 9 giờ sáng (dân Sài Gòn ngủ muộn) quán mới bắt đầu có khách, tới tận khuya. Khách thuộc loại tinh ý, nhạy cảm đặc biệt. Chỉ cần một, hai ông dân biểu xuất hiện ở tiền đình Quốc hội với vẻ hơi bất thường, chỉ cần một, hai sinh viên ở đâu chạy ào tới, tức tốc căng lên một băng rôn… lập tức các vị khách túa ra ngay, máy ảnh chớp lia lịa. Và chỉ một vài phút sau, cả khu vực sôi sục một cuộc hội thảo, mít tinh, biểu tình, xuống đường rầm rộ, chớp nhoáng hoặc dằng dai…
Thức ăn Tây, ta, bia, rượu, cà phê, bánh ngọt… đều không có gì đáng nói. Chỉ có tin và tin: trong nước, ngoài nước, chính trường và hậu trường, tăng quân hay giảm, rút quân; tăng hay cúp viện trợ, chiến tranh hay hòa bình… là các thứ gia vị thay đổi không ngừng cho một đĩa súp hay cốc bia mà thôi. “Radio Catinat” trú đóng ở khu vực này có lẽ suốt từ cuộc chiến với Pháp tới năm 1975. Các nhà báo nước ngoài từng ở Sài Gòn theo dõi hai cuộc chiến tranh dai dẳng, có lẽ trong các hồi ký của họ sau này, không thể không nhắc tới Givral.
Quay ra mặt phố
Có thể quán cũng là một thành phần trong cái kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của người Pháp; cho nên từ La Pagode, Givral tiếp tục đi xuống phía sông Sài Gòn, lại gặp một quán nữa cũng đầy chất Pháp: Brodard. Café-crème và bánh ngọt, các món ăn Tây – ta và rượu, cùng cách bài trí, tác phong phục vụ ngấm ngầm một phong cách Tây, không quí phái cũng không bình dân. Khách ở đây, trẻ thì học sinh sinh viên trường Tây, lớn tuổi hơn thì đủ hạng nhạc sĩ, nhạc công, vũ nữ, thương gia…
Chuyện trò ở đây, thuộc loại sống sít, hồn nhiên như đời sống; là mọi chuyện đời, chuyện tếu, chuyện đùa, chuyện làm ăn chơi bời. Một cái quán ở đó người ta dễ làm quen và bắt chuyện với nhau, có lẽ từ cái gout chung: ghiền quán! Cũng là một quán để ngồi ngắm phố qua cửa kính; nhưng để vừa ăn sáng vừa hẹn hò, vừa ăn trưa vừa bàn công việc thì đây là một nơi có ambiance dễ chịu nhất.
Ngồi quán ngắm phố có lẽ cũng là một trong những thú vui tao nhã của đời sống đô thị những năm ấy. Kem Bạch Đằng, góc Lê Lợi – Pasteur đông nhất vẫn là các cô cậu học sinh, thanh niên. Quán liền với vỉa hè, gần như không có cửa, nên đang đi có thể tạt vào quán dễ dàng, ngồi nhâm nhi cốc kem, ly nước ngắm dòng xe từ Pasteur, Lê Lợi tuôn lên, dòng người nườm nượp trên vỉa hè Lê Lợi. Lại đi về hướng chợ Bến Thành, người thích lai rai nhấm nháp cũng có ghé Thanh Thế, cũng lại là một kiểu quán mở ra cả hai góc đường Nguyễn Trung Trực – Lê Lợi. Nơi đây thường là chốn tụ hội của dân phát hành báo, nghệ sĩ cải lương, dân áp phe và cả dân sành nhậu. Thức ăn ngon vừa phải, ăn no cũng được mà làm “mồi” cũng bắt. Khách dễ tính, vui vẻ, cười to nói lớn thoải mái vì xem ra ít nhiều đều thuộc giới giang hồ quen mặt.
Khu trung tâm Sài Gòn đâu chỉ bấy nhiêu quán; nhưng chỉ bấy nhiêu quán cũng đủ phô bày cái phong cách nhiệt đới rất độc đáo của quán Sài Gòn, có thể gọi đó là quán mở. Mở ra hè phố, đón nắng gió chói chang, cùng mọi thứ tiếng động và cơ man dáng hình của người đô thị; mở ra những con đường, những chọn lựa…
“Thế hệ” ngồi quán Sài Gòn buổi ấy có người từ La Pagode, Givral, Brodard hoặc từ Bạch Đằng, Thanh Thế, bước một bước ra đường, đối diện với bao phân vân chọn lựa giữa bão tố thời cuộc rồi không biết đi đâu về đâu. Có người ngồi lì ở góc quán, ôm mãi cái thân phận và những mảnh đời phiêu lãng của mình. Có người rời quán nhập vào dòng lịch sử cuồn cuộn tử sinh…
Quán của cái ambiance xưa – cũng là một “hương vị” của văn hóa Sài Gòn như một trang sử đời sống đã trẩy xa quá rồi. Nhưng mà những thế hệ sau của Sài Gòn ngồi quán, lẽ nào không còn có nữa?
TTT