Cách đây nhiều thế kỷ, người Phương Tây đã soạn nhiều tài liệu liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có một số bản đồ,tư liệu và sách cổ ghi nhận các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này từ lâu đời.

10 tài liệu lịch sử châu Âu ghi nhận chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Bản đồ Đàng Ngoài Việt Nam (Ton Kin), Đàng Trong Việt Nam (Cochin Chin) cùng quần đảo Hoàng Sa (le Paracel) (có cùng một cách tô đường viền màu xanh dương nhạt), Lào (Laos), Trung Hoa (Chine) cùng đảo Hải Nam (Hainam I.), năm 1771. Cương vực Trung Hoa được giới hạn bằng đường viền màu vàng và không bao gồm quần đảo Hoàng Sa (le Paracel).

1. Nhật ký Batavia xuất bản vào các năm 1631-1636

Nhật ký của Công ty Ấn Độ – Hà Lan dẫn trong bài “La Compagnie des Indes Neerlandaises et l’ Indochine” (Công ty Ấn độ Hà Lan và Đông Dương) của J.M.Buch, đăng trên tạp chí của Trường Viễn Đông bác cổ của Pháp ở Đông Dương (Bulletin de l’ Ecole Francaise d’ Extrême Orient, tome XXXVI, năm 1936, trang 134) có chép về những sự kiện các tàu biển thuộc Công ty Đông – Ấn bị nạn tại quần đảo Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong như sau: “Ngày 20 tháng 7 năm 1634, dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), ba chiếc tàu Hà Lan tên Veehuizen, Schagen và Grootebroek, từ Batavia (Nam Dương) đến Touron cùng nhổ neo đi Formose (Đài Loan). Ngày 21 thì gặp bão ngoài khơi, nên lạc nhau. Chiếc tầu Veen-huizen tới Formose ngày 2 tháng 8, chiếc Schagen tới ngày 10 cùng tháng. Riêng chiếc Grootebroek bị đắm gần quần đảo Paracels, ngang với bắc vĩ tuyến 17. Trong số hàng hóa trị giá 153.690 florins, thủy thủ chỉcứu được một số trị giá 82.995 florins, kỳ dư bị chìm đắm kể cả chiếc tầu và 9 người bị mất tích. Số hàng hóa cứu được, họ cất dấu nơi an toàn tại đảo Paracels. Thuyền trưởng Huijich Jansen và 12 thủy thủ đi bằng thuyền nhỏ vào duyên hải xứ Đàng Trong. Họ hy vọng sẽ tìm được một thuyền lớn để ra cứu 50 thủy thủ còn ở lại trên đảo. Thuyền trưởng đem theo 5 thùng bạc và 3.570 réaux đựng trong 17 bao. Khi họ vào tới đất liền, họ không được đối đãi như ý muốn. Tất cả bạc và tiền bị tịch thâu bởi viên chức đặc trách hải môn và thương thuyền, mà người Hà Lan gọi là ongangmij.

Sau đó, họ được phép trở lại Paracels trên một chiếc tầu Nhật Bản tên Kiko, mà họ mua đứt, để đón 50 thủy thủ còn nơi đảo và lấy 4 thùng bạc còn lại. Tất cả đều được 3 chiếc tàu khác tên là Bommel, Goa và Zeeburg (cũng bị bão mà vào núp miền duyên hải xứ Đàng Trong) chở về Batavia. Tại đây viên thuyền trưởng Jansen làm báo trình về việc thuyền Grootebroek bị đắm tại Paracels và sự tịch thâu 23.580 réaux bởi nhà chức trách xứ Đàng Trong.

Hai năm sau, dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), ngày 6 tháng 3 năm 1636, hai chiếc tàu Hà Lan khác tới Tou-ron. Thương gia Abraham Duijeker tiến về Faifo đểgặp quan Trấn thủ; sau đó ông ta đi Thuận hóa (Senoa) yết kiến Chúa Thượng, để xin giao thương, đặt thương điếm và đòi số tiền 23.580 réaux đã bị tịch thâu năm kia.

Còn Thượng Vương tiếp đón Duijeker rất trọng hậu; nhưng Ngài truyền rằng: “Những việc khiếu nại đó đã xảy ra dưới thời Vua cha, nay Chúa không hề hay biết ; vả lại viên chức thuế quan ongangmij đã bị cách chức, tịch thu gia sản (vì tội đã ăn hối lộ tới 340.000 lượng bạc trong thời kỳ tại chức), đã bị xử trảm và phanh thây rồi ”. Chúa Thượng xét rằng Ngài đã xử sự công minh lắm; nay chớ nhắc lại làm chi. Ngài cũng cam đoan từ nay pháp luật rất nghiêm minh và sẽ không bao giờ xảy ra những việc đáng tiếc như vậy nữa. Để bù vào sự thiệt thòi đó, Chúa Thượng chấp thuận cho người Hà Lan được tự do giao thương với xứ Đàng Trong, và miễn cho họ sắc thuế neo bến và các tặng phẩm, (II accordait aux Hollandais le droit de libre échange dans le pays, les exemptait pour l’avenir des droit d’ancrage et des présent usuels).

Vì lẽ đó mà từnăm 1636, một thương điếm (comptoir commer-cial) của người Hà Lan đã được thiết lập tại Hội-an (Faifo) do Abraham Duijeker làm Trưởng điếm”.

Nhật ký Batavia của Công ty Ấn độ – Hà Lan trích dẫn trên ghi nhận quần đảo Hoàng Sa (Pracel) lúc đó đã được đặt dưới sự kiểm soát của Chúa Nguyễn. Thuyền trưởng và thủy thủ tàu Grootebrock được Chúa Nguyễn cho phép để trở lại quần đảo Hoàng Sa.

2. Nhật ký chuyến đi quần đảo Hoàng Sa của các giáo sĩ Phương Tây ở Trung Quốc (1701)

Trong bài “Mystère des atolls – Journal de voyage aux Paracels” (Điều huyền bí của các vành đai san hô – Nhật ký chuyến đi quần đảo Paracels) của Jean Yves Clayes, đăng trên Tạp chí Indochine (Đông Dương), số 46 năm 1941, tác giả trích dẫn đoạn nói về nỗi kinh hoàng khi qua quần đảo Paracels năm 1701 trong những lá thư của các giáo sĩ phương Tây ở Trung Quốc như sau: “Tàu nhổ neo, gió rất thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã đến ngang tầy mỏm đá Paracel. Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó – Nó trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu Amphitrite lần đầu tiên du hành đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm… có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ… Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tí nguồn dự trữ nào thì hầu như cũng như nhau mà thôi…”.

Như vậy, tài liệu này đã ghi nhận quần đảo Paracel thuộc Vương quốc An Nam.

3. Nhật ký của Pierre Poivre (1744)

Pierre Poivre là một giáo sĩ kiêm thương nhân Pháp đến xứ Đàng Trong vào khoảng thập kỷ 40 thế kỷ XVIII đã chứng kiến quang cảnh kinh thành Huế mà Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) đã hoàn thành và xây dựng năm 1744 và được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp năm 1750. Poivre đã viết tập nhật ký về xứ Đàng Trong mang tên “Mémoire sur La Cochinchine” (Paris 1744). Năm 1885, tập hồi ký được in lại trong tạp chí “Revue de l’ Extreme Orient” (tập III) với tên tiêu đề “Journal de Poivre”. Nội dung tập “nhật ký” được thuật lại trong bài “Une tentative ignorée d’ e’tablissement francais en Indochine au XVIII siècle. Les vues de L’Amiral d’Estaing” của Louis Malleret, đăng trong tạp chí BSEI Nouvelle Série, Tome XVII, No1, Sài Gòn 1942.

Khi mô tả về kinh thành Phú Xuân do Nguyễn Phúc Khoát xây dựng, Louis Malleret thuật lại về súng thần công bố trí trên tường thành như sau: “Những khoảng cách giữa các cột có đặt 1200 khẩu súng thần công, trong số 800 khẩu bằng đồng thau, phần lớn các khẩu súng đó “bắn đạn loại” 4 livres, một vài khẩu loại 6 và có khẩu loại 24 livres” mang theo phù hiệu Bồ Đào Nha và niên hiệu 1661. Người ta cũng thấy ở đây những hòm nhỏ đựng vũ khí của vua Campuchia do người Bồ Đào Nha đúc, cũng như những khẩu thần công bằng sắt cỡ đạn 6 livres, có trang trí chữ ghi của Công ty Đông Ấn Hà Lan, những khẩu súng này đã thu lượm được ở quần đảo Paracels trong số các di vật của các tàu từ Trung Hoa qua bị đắm”. Tài liệu này đã ghi nhận việc quản lý đối với quần đảo Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn.

4. Ghi nhớ của Bá tước M.d. Estaing về cuộc hành quân tập kích vào Huế (1754)

Đây là một bản ghi nhớ về kế hoạch tập kích bất ngờ kinh thành Phú Xuân mà d’Estaing, đô đốc hải quân Pháp dự định tiến hành vào năm 1758 – 1759 nhưng không được thực hiện. Bản ghi nhớ này đã được in trong cuốn “La geste Francaise en Indochine” (Hàng động của Pháp ở Đông Dương) của G.Taboulet, tập I, trang 145 -151 (Paris 1955), nhan đề “Le comte d’ Estaing médite sur un coup de main sur Huế” (Ghi nhớ của Bá tước d’Estaing về cuộc hành quân tập kích vào Huế”.

Trong bài viết, tác giả thuật lại tình hình kinh thành Huế được ghi trong bản “Ghi nhớ” của d’Estaing như sau: “Kinh thành Huế được xây dựng trên bờ một con sông, khi nước triều lên thì các luồng của tàu có thể tới đó được. Không có thành luỹ gì cả, chỉ được bao quanh bằng một bức tường gạch đơn giản cao khoảng 8, 9 bộ, chung quanh có một nơi để rất nhiều đại bác, nhiều khẩu là được để trang trí hơn là để sử dụng. Ngưòi ta cho rằng số súng đó có thể tới 400 khẩu, một phần được đúc bằng gang, một số lớn là của Bồ Đào Nha được lấy đem về từ các vụ đắm tàu trước kia ở quần đảo Paracels”.

Tài liệu này cũng ghi nhận hành động thực hiện chủ quyền của Chúa Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.

5. Ghi chép về xứ Đàng Trong (1820)

Ghi chép về xứ Đàng Trong (Notice sur la Cochinchine) là bản tường trình về nước Việt Nam đầu đời Nguyễn do Jean Baptiste Chaigneau viết vào tháng 5 năm 1820, khi ông rời Việt Nam về Pháp sau 25 năm sống bên cạnh Vua Gia Long, đăng trên tờ Bulletin des Amis du vieux Huế, 1923. J.B. Chaigneau có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thắng, một người Pháp lấy vợ Việt Nam, từng giúp Gia Long chống lại phong trào Tây Sơn. Trước khi rời Việt Nam về Pháp, Chaigneau đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp (quận công Richelieu) viết thư yêu cầu ông này báo cáo tình hình cụ thể về Việt Nam. Mở đầu bản tường trình, Chaigneau mô tả về hình thể nước Việt Nam như sau: “Nước Cochinchina mà Vua ngày nay đã lên ngôi hoàng đế, gồm xứ Cochinchina đích thực (xứ Đàng trong cũ), xứ Tonkin (Đàng Ngoài cũ), một phần vương quốc Campuchia, vài hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng. Chỉ đến năm 1816, vị hoàng đế bây giờ mới giành quyền sở hữu quần đảo này” (trang 275).

6.Ghi chép về địa lý xứ Đàng Trong (1837)

Ghi chép về địa lý xứ Đàng Trong (Note on the Geography of Cohinchina) là bài viết của Giám mục Jean Louis Taberd đăng trên Tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal (tập VI, năm 1837).

Đây là bài viết vắn tắt về Việt Nam, nhưng tác giả cũng dành một đoạn viết về Paracels:

“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến vĩ độ 11 độ Bắc, 107 độ Kinh tuyến Đông Paris. Một số nhà hàng hải vượt qua được một phần của những bãi đó nhờ vào sự may mắn hơn là sự dũng cảm. Nhưng một số khác thì thất bại trong cuộc hành trình. Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông” (trang 745).

Bài viết của giám mục J.L. Taberd đã đồng nghĩa “Paracels” với “Bãi Cát Vàng” và ghi nhận quần đảo này đã được Vua Gia Long “chính thức chiếm hữu” năm 1816.

7. Địa lý của Vương quốc Đàng Trong (1849)

Địa lý Vương quốc Đàng Trong (Geopraphy of the Cochinchinese Empire) là cuốn sách do tiến sĩ Gutzlaff viết về địa lý nước Việt Nam thời Nguyễn đăng trên Tạp chí “The Journal of the Royal Geographical Society of London” tập 19 năm 1849. Trong phần về bờ biển và hải đảo, Gutzlaff viết về quần đảo Hoàng Sa như sau: “Đây chúng tôi đáng lẽ không kể đến quần đảo Paracel (Cát Vàng), nó ở gần bờ bể An Nam 15 đến 20 dặm và lan giữa các vĩ tuyến 15 và 17 độ Bắc, và các kinh tuyến 111 và 113 độ Đông, nếu Vua xứ Cochin-China đã không đòi quần đảo ấy là của mình, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy hiểm cho người hàng hải. Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần; nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh trào qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền, phần lớn từ Hải Nam tới, đã hàng năm đến các bãi nổi này và tiến hành cuộc đi xa đến tận bờ đảo Boornéo.

Tuy rằng, hàng năm hơn mười phần trăm bị đắm, nhưng đánh cá được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất lớn. Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này (tức quần đảo Paracel, mà tác giả gọi là Kat Vang) để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc. Vậy nên một cuộc giao dịch lớn được dần dần thiết lập và hứa hẹn một đà tăng trưởng quan trọng nhờ có rất nhiều cá tới đẻ trứng trên các bãi này. Một vài đảo có cây cối cằn cỗi, nhưng thiếu nước ngọt; và những thủy thủ nào quên mang theo nước trữ đầy đủ, thường bị lâm vào cơn khốn đốn” (trang 93).

8. Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, XeyLan (1850)

Trong tác phẩm này, M.A. Dubois de Jancigny có viết về quần đảo Hoàng Sa như sau :

“Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi tư năm nay, quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát, rất đáng sợ cho các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người Nam Kỳ (Cochinchine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc chắn rằng Vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi ngài long trọng kéo cờ của Nam Kỳ (Cochinchine) lên đó”.

9. Địa lý tóm tắt (1850)

Địa lý tóm tắt (Compendio di Geografia) là sách do Adriano Balbi soạnnăm 1850. Trang 641 của sách này mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: Thuộc Vương quốc này cũng có quần đảo Paracels, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, nhóm đảo Hải tặc và Côn Đảo). Cũng trong tác phẩm này các trang 644-648 có viết về địa lý Trung Hoa không hề nhắc gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

10. Tài liệu lưu trữ Anh-Pháp về vụ tai nạn tàu “Bellona” tại Đá Bắc và tàu “Imegi Maru” vào các năm 1895 – 1896

Trong những năm 1895 – 1896 có tai nạn đắm tàu Đức “Bellona” tại Đá Bắc và tàu Nhật “Imegi Maru” tại cụm An Vĩnh, Hoàng Sa. Về vụ tai nạn này, các tài liệu ngoại giao chính thức còn lưu trữ nhiều tại Anh, Pháp và Đài Loan. Để hiểu về vấn đề này, có thể xem Công hàm của Toàn quyền Đông Dương ngày 6 tháng 5 năm 1921 trong đó có ghi:

“Tàu Bellona” và tàu Imegi Maru chuyên chở đồng do các công ty Anh bảo hiểm. Các cố gắng cứu trợ tỏ ra vô ích. Các tàu công tác gấp đã gặp phải thời tiết xấu, sau khi không thu được kết quả, buộc phải trở về Hồng Kông. Các xác tàu bị từ bỏ.

Ngư dân Trung Quốc, trên các thuyền mộc nhẹ, đã bắt đầu cướp bóc có phương pháp các tàu đắm. Họ chào mời thông qua trung gian các nhà buôn của họ tại Hội Hào để nhượng lại số đồng cướp được. Các công ty từ chối và vì một phần đồng đã được đổ lên Hải Nam, nhà chức trách tại chỗ, Bộ trưởng Anh tại Bắc Kinh và Lãnh sự Hội Hào đã can thiệp nhằm yêu cầu thu hồi lại toàn bộ số đồng này, tuyên bố rằng ngay khi xảy ra tai nạn đắm tàu, các quan tại Hải Nam đã được thông báo để họ tiến hành các biện pháp đề phòng nhằm ngăn chặn cướp bóc và họ phải chịu trách nhiệm.

Các quan đã phản kháng, cho rằng các đảo Paracels và các đảo đã bị từ bỏ, không thuộc Trung Quốc cũng như không thuộc An Nam, rằng chúng không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam, và không một chính quyền đặc biệt nào chịu trách nhiệm cảnh sát chúng”.

Khi phân tích lời văn không ai còn có thể nghi ngờ rằng chính quyền sở tại Trung Quốc đã trút bỏ mọi ý định tranh cãi chủ quyền trên các đảo mặc dù họ không công nhận sự quản lý của Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện này đã khẳng định sự dửng dưng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa trong những năm cuối cùng của thế kỷ XIX.

TH/ST