Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Lê (1533-1789) trị vì một thời gian khá dài, kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi tướng Nguyễn Kim lập tông thất Lê Duy Ninh lên ngôi, tức Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà Hậu Lê, và kết thúc khi Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong tại Trung Hoa dưới thời Thanh Cao Tông.

Trong khoảng giữa thời gian này, triều đình đã biên soạn một số điều luật để “giáo hóa” người dân; từ quan lại cho đến thứ dân. Theo học giả Trần Trọng Kim, những điều luật này do vua Lê Huyền Tôn (1663-1671) biên soạn. Năm Cảnh Hưng 21 (1760) đời vua Lê Hiến Tông, viên Lang trung Bộ Lại là Nhữ Đình Toản đã diễn ra quốc âm lối văn vần, theo thể thơ lục bát. Năm 1926, ông Trần Trọng Kim đã dịch  ra Pháp văn và đăng trên tạp chí Nam Phong.

Ở đây xin được trích một số điều luật được ông Trần Khải Văn của trường Viễn Đông Bác Cổ dịch sang Việt ngữ và xuất bản tại Sài Gòn năm 1926.

Nội dung có tất cả  47 điều, bao gồm những nội dung nói về bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình; như con cái đối với cha mẹ, cha mẹ với con cái. Thái độ đối với anh em, bằng hữu, hay học trò đối với thầy giáo …Đồng thời nội dung điều luật cũng đưa ra những nghĩa vụ của mỗi người đối với làng xóm láng giềng, nêu lên những việc làm cụ thể để thực hiện, từ đó tạo nên một thôn xã có nề nếp, tất cả đều dựa trên tình làng nghĩa xóm.

Trong Lời mở đầu, bản điều lệ đã ghi rõ:

Giáo điều này được quy định vào khoảng mùa thu tháng 7 năm Cảnh Trị nguyên niên (1663), đến mùa Xuân năm Cảnh Hưng 21 (1760) lại được sửa đổi rõ ràng rồi chuyển tống cho các Nha môn quan lại tuân hành. Các quan trong hai Ty Thừa Hiến sẽ phân phó trách nhiệm cho các quan phủ, huyện, châu phải thông sức đi các phường, xã, thôn, trang, trại trưởng trong hạt biết rằng: hễ đến những ngày tế lễ Kỳ phúc, Xã điền, Nguyên đán…thì phải tập hợp tất cả nam phụ lão ấu lại rồi giảng giải khuyên nhủ cho thật kỹ càng, để cho những hạng ngu phu, ngu phụ và hạng trẻ thơ ngây dại được thấm sâu vào tai mắt, để chúng hiểu rõ những lời khuyên răn, ngõ hầu quay về phong tục thuần hậu, cùng nhau hưởng phúc thanh bình. Nếu có kẻ nào ngang ngạnh không tuân và coi là việc làm chiếu lệ thì sẽ bị trừng trị theo pháp luật”.

Trong 47 điều luật, có điều 1 là dành cho cho các viên quan văn và quan võ. Đối với quan văn phải “giữ mực công bằng, làm việc gắng sức; trong lúc nghị sự phải hiến những điều hay, bỏ những điều dỡ, khiến cho việc gì cũng được hợp lý…Khám xét việc kiện tụng thì phải phân biệt người thiện kẻ ác, khiến cho ai nấy đều thỏa tình”.

     Đối với quan võ điều luật răn: “Quan võ thì có bổn phận bảo vệ bên trong, chống chọi bên ngoài, cần phải đồng tâm hiệp lực. Trong lúc luyện binh phải nên giảng luyện thiên thời trận pháp cho được hết thảy tinh nhuệ. Chứ đừng trể nải công việc huấn luyện…”

Còn việc trị dân, hãy có độ lượng và lòng bao dung trong việc thâu thuế, trưng dịch để cho trăm họ được thảnh thơi đôi chút …Không được uy hiếp dân, giả dối mang uy lực ra để hà khắc, ngược đãi dân”.

46 điều còn lại là những điều luật mang tính lễ nghĩa dành cho tất cả mọi người trong xã hội. Xin được ghi lại sơ lược một số điều luật đó liên quan đến người dân trong Lê triều giáo hóa điều luật:

“- Điều 2: Làm con phải hiếu kính cha mẹ. Nếu cha mẹ già lão, con phải sớm tối hết lòng phụng dưỡng, chớ có khiếm khuyết. Không được cư xử với cha mẹ giống như cách đối đãi với các con, chỉ cung phụng cơm nước khi bậc phụ mẫu có làm lụng khó nhọc thôi. Về việc tang lễ, phải nhớ lấy điều lễ làm gốc. Ăn ở như vậy mới tròn bổn phận làm con.

– Điều 3: Anh em phải hòa mục với nhau; anh phải yêu em, em phải kính trọng anh. Chớ nên nghe lời người khác mà lãng quên tình cốt nhục.

– Điều 4: Vợ chồng phải kính yêu lẫn nhau, hết sức chú trọng vào đường ân nghĩa. Chồng nên tu chỉnh nơi khuê môn, dùng đức độ để răn bảo; chớ nên say đắm dâm ô tửu sắc…

– Điều 5: Bạn bè với nhau nên lấy chữ tín làm gốc; nên lấy điều thiện, điều ngay mà khuyên bảo lẫn nhau. Chớ nên dụ dỗ nhau làm điều trái đạo, và gặp mối lợi nhỏ lại phản bội nhau, như thế tình nghĩa bạn hữu sẽ không còn trọn vẹn nữa.

– Điều 6: Bổn phận của cha mẹ là phải tu thân sửa mình trước để có thể tề gia. Con trai thời phải dạy dỗ cho chúng theo đường lễ nghĩa; con gái thời phải học thủ công và nữ tắc. Phải ngăn cấm, không cho chúng đắm say tình dục, tửu sắc, cờ bạc và mọi cuộc du hý, quen phóng đãng để hại tới nền phong hóa.

Nếu cha mẹ không răn bảo được con, hay nếu con cái không vâng lời cha mẹ, hãy để phường trưởng, xã trưởng hay thôn trưởng dẫn trình nơi nha môn để trị tội; tội nhỏ thời dùng roi vọt, tội lớn thời xét xử và nghiêm trị.

– Điều 7: Thầy và trò, ai nấy đều phải làm tròn bổn phận của mình. Trước hết, thầy phải nghiêm ngặt giữ lấy mình cho được đứng đắn, chính trung để làm gương mẫu cho bầy sĩ tử. Môn sinh thời phải kính tôn bậc sư huynh, phải siêng năng trau giồi lấy thực học, phải lấy đức hạnh làm căn bản, chớ nên làm những điều hèn mọn, không được phản bội sư huynh hay coi thường lễ phép. Không được coi việc thi cử như sự cầu may. Những kẻ nào vi phạm luật này, sẽ bị trị tội.

Điều 14: Những người cùng ở một làng, phải phân chia thứ bậc theo tuổi tác; già trẻ hãy lấy lễ, nghĩa, liêm, sỉ mà dạy bảo lẫn nhau. Những người lớn tuổi đàn anh thời phải coi những người trẻ như con em mình, chớ nên cậy mình lớn tuổi mà đem lòng dè bỉu cùng hiếp đáp người dưới. Trẻ thời phải kính trọng bậc đàn anh, coi trọng như phụ huynh của mình vậy. Chớ nên ỷ vào sự hào phú mà có những thái độ kiêu căng. Gặp những ngày lễ cầu phúc hay có hội hè, người trẻ phải kính nhường người già; chớ nên vì rượu thịt mà sinh thù hiềm, như thế là không trọn tình nghĩa đồng hương vậy.

– Điều thứ 20: Những ai cùng ở với nhau một làng, một xóm thời nên luôn luôn giữ vững một lòng công chính, nên biết phân biệt lời thị phi với điều ngay lẽ phải. Nếu gặp phải việc kiện tụng, và phải đi làm chứng, thời cứ đúng sự thật mà cung khai; chớ nên tham tiền của mà kết bè kết đảng với kẻ gian tà để làm hại những người lương thiện, ngay thẳng. Ai làm trái luật sẽ bị trị tội.

– Điều 45: Người cùng một làng hay cùng một tôn tộc, thấy ai nghèo khổ thì nên cưu mang, thấy người bệnh tật thì nên giúp đỡ thuốc thang. Nếu nhà nào có tang tế, nên bảo nhau đến giúp đỡ; tùy gia phong kiệm, chớ nên đòi hỏi cỗ bàn rượu chè; cũng không được bắt họ phải tuân theo cổ tục, thường lệ, và ức hiếp tang gia đến phải bán vợ con, ruộng đất hay làm cho họ vong gia bại sản, hết đường sinh sống. Nếu có việc thủy, hỏa, trộm cướp, thời phải hết sức cứu giúp dân lẫn nhau, không được điềm nhiên ngồi xem mà phương hại tới nền phong tục nhân hậu. Ai phạm tội sẽ chịu sự trừng phạt…”

Phải nói rằng, đây là những điều luật rất thực tế, gần gủi với người dân, chẳng những dưới thời nhà Hậu Lê cách đây gần 400 năm mà thời đại nào cũng thế. Việc đặt ra những quy tắc sống chuẩn mực để mọi người thực hiện ngỏ hầu tạo dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc là bổn phận và trách nhiệm của những người đứng đầu nhà nước, bởi lẽ gia đình, làng xã chính là nền tảng của xã hội.

Tất cả những nội dung này thiết nghĩ rất cần được tham khảo trong xã hội thời đại ngày nay. Sự tiến bộ và phát triển nhiều mặt trong xã hội đồng thời lại kéo theo quá nhiều bất ổn trong đời sống văn hóa và xã hội. Tình làng nghĩa xóm nhiều nơi đã phai nhạt. Nhiều lúc, nhiều chỗ đã vơi đi tình nghĩa giữa người với người, thậm chí, nhiều hiện tượng xã hội gần đây đã xảy ra quá nhiều manh động, bạo lực, nếu không muốn nói tàn ác. Và đau lòng hơn, có trường hợp  rất tệ hại xảy ra giữa những người thân trong gia đình với nhau.

Có người cho rằng, những hiện tượng xuống cấp đạo đức mà báo chí đã thông tin trong thời gian qua xuất phát từ  một nền giáo dục khiếm khuyết : Giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội đã thiếu đi sự giáo dục nhân cách để Làm Người. Câu khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” được trưng ra chỉ như là một phong trào, nó không phản ánh đúng thực chất của việc giáo dục ngày nay. Thiết nghĩ đây là điều toàn xã hội cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.

Tôn Thất Thọ