Tôi sinh ra ở một vùng quê thuần nông nghèo, nơi người dân quanh năm chỉ biết làm bạn với vạt lúa, luống khoai. Cuộc sống đói no cứ thế nương dựa vào sự thương xót của ông trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì may ra đủ trang trải cái ăn, cái mặc. Gặp năm đói kém, thiên tai lũ lụt triền miên thì bữa nào được lửng dạ, cả năm được manh áo mới là may mắn lắm rồi.

Nhà tôi cũng không ngoại lệ.

Bố mẹ tôi đều là nông dân nghèo, suốt ngày đầu tắt mặt tối trên từng khoảnh ruộng để lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Tuy vậy, anh em tôi luôn được bố mẹ ưu tiên và dành phần lớn quỹ thời gian để tập trung cho việc học hành. Ngoài việc thi thoảng phụ giúp gia đình ít công việc vặt thì bọn tôi không phải sớm lam lũ với công việc đồng áng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa.

Hôm nào không phải đi học, được ra đồng cùng bố mẹ, tôi như cánh chim tự do sau những ngày dài bị giam giữ trong chiếc lồng chật hẹp. Bạn đồng hành của tôi là một “mẹ” bò đang chửa ễnh bụng sắp đến ngày sinh nở. Tôi hay dắt nó đi kiếm ăn chỗ mấy thửa ruộng vừa gặt xong, cỏ xanh mướt nằm bên cạnh một con hói nhỏ. Khoảng trời tuổi thơ của tôi, nơi tôi tìm được niềm vui, tiếng cười chính là ở đây.

Con hói này, “hội chăn bò” chúng tôi tự đặt tên là “hói ông Lai”. Chỉ đơn giản là bởi bên cạnh hói có mấy luống rau nhỏ ông trồng. Ông Lai là đại tá quân đội về hưu. Mẹ tôi bảo lương ông cao lắm! Cho nên tôi lấy làm khó hiểu khi thấy ông suốt ngày bỏ công sức chăm chút cho mảnh vườn bé xíu chỉ bằng cái gian nhà. Khi tôi thắc mắc “Sao ông không dùng tiền lương của ông để mua rau cho khỏe?”, mẹ chỉ cười bảo “đó là niềm vui của tuổi già”.

Hiếm có ngày nào ông không xuống đây thăm nom. Hết vun xới lại vạch từng ngọn rau, chiếc lá để bắt sâu. Nhắc đến ông, lũ chăn bò chúng tôi đứa nào đứa nấy đều sợ xanh mặt. Bởi hôm nào vì cái sự mải chơi mà chẳng may để bò ăn mất mấy cọng rau nhà ông thì coi như chúng tôi xong đời. Nhẹ thì kêu bố mẹ ra tận nơi chỉ trỏ, trách mắng; nặng hơn thì giữ lại cả mấy con bò tội nghiệp làm “vật chứng” rồi lôi lên tận bảo vệ xóm bắt chuộc.

Thế mà cái sự nghiêm khắc đến “đáng ghét” của ông vẫn không làm cho lũ trẻ chúng tôi bớt mải chơi đi được. Thậm chí mỗi ngày dường như bọn tôi lại phát minh thêm ra một trò chơi mới vui, thú và “quái” hơn.

Mặc dù vậy, thi thoảng, cũng để cố tỏ ra mình là “con gái” và mặc bọn bạn nghịch như quỷ sứ đang mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên, tôi chọn một góc bên bờ con hói trầm ngâm ngồi ngắm dòng nước đục ngầu đang lờ lững trôi, áng chừng lúc nào mực nước cũng chỉ lưng lửng đến bắp chân.

Dần dần, con hói nhỏ ấy hấp dẫn tôi nhiều hơn là mấy trò mà bọn bạn bày ra. Con hói cất giấu bao nhiêu điều mới mẻ, kì diệu mà tôi chưa từng được khám phá…

Vào mùa nước cạn, thật không còn gì sung sướng hơn khi được xắn quần cao tận bẹn, lội xuống dòng nước mát rượi để dầm chân, đùa nghịch. Từng đàn cá mương nhỏ bơi tung tăng, mấy con tôm bé xíu bám càng vào hai bên mép bờ hói, vài con cua thập thò chỗ cửa hang..Tất cả như hòa vào nhau hóa thành một bức tranh sinh động hệt mấy chương trình “thế giới động vật” mà họa hoằn lắm tôi mới được xem trên ti vi.

Thẳng Sơn bạn tôi luôn là đứa đầu têu bày trò. Nó cởi phăng cái áo rách bươm đang mặc trên người, bẻ vội một nhánh tre non uốn cong lại làm thành chiếc vợt. Có đứa còn cong đít chạy về nhà khệ nệ bưng ra cả cái rổ to đùng để làm công cụ vớt cá, tôm.

Pin by Cocoa Chocolat on Innocents Found | Kids playing, Children  photography, Happy kids

Thế nhưng, “ làm” và “tưởng tượng” lại là hai chuyện quá khác nhau. Mấy con cá nhỏ cứ như thể cố tình trêu ngươi. Chúng bơi đi bơi lại trước mắt tưởng chỉ cần với tay là có thể tóm được cả lũ. Nhưng khi thằng Sơn chỉ vừa mới đặt cái vợt “phát minh” của nó xuống nước thì mấy con cá nhỏ đã vội vàng tản ra tứ tung; những đứa khác đứa dùng tay không, đứa dùng rổ chao đi chao lại vẫn chỉ vơ lên được từng cụm rác …Sau một buổi quần thảo, thành quả cuối cùng là dăm ba con tép nhỏ nằm chỏng chơ trong rổ và một đám trẻ áo quần ướt nhẹp, mặt lem nhem bùn sình.

Về nhà, đứa may mắn thì chỉ bị bố mẹ mắng vài câu, đứa vận đen thì cứ gọi là ăn một bữa “cháo lươn” ra trò. Thế nhưng sang ngày hôm sau, mọi sự lại cứ đâu vào đấy…

***

Hói ông Lai vào mùa nước cạn còn là dịp để mẹ tôi và mấy cô, bác trong xóm đi bắt ốc về đổi bữa, kiếm thêm thu nhập trong những ngày nông nhàn.

Tôi cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu loại ốc nằm dưới lớp bùn non ấy bí ẩn ấy.

Loài trai to nhất, vỏ như hai bàn tay khum lại úp vào nhau. Tuy to nhưng thịt trai lại dai và không được ngọt. Vì thế mà nó khá “mất giá”. Cả chậu trai nặng chình chịch nhưng cân xong, bán lại cho người ta, mẹ chỉ thu về được mười mấy ngàn bạc lẻ.

Loài ốc dài và lớn tầm cỡ ngón tay theo tôi là loại ngon nhất. Tôi cũng chẳng biết rõ tiếng phổ thông nó gọi bằng gì nhưng tiếng quê tôi hay gọi tên nó là con “chụt”. Ruột “chụt” không quá dai, lại ngọt, khi tách ruột cũng dễ dàng.
Bé và nhiều nhất là loài hến. Tôi vẫn nhớ, chỉ cần vục một tay xuống lớp bùn non rồi nhẹ nhàng dùng mấy đầu ngón móc nhẹ là mấy giây sau đã mang lên được một nắm hến to đủ các kích cỡ.

Công đoạn tách vỏ hến cũng rất kì công và mất nhiều thời gian. Luộc đến sôi lăn tăn thì phải dùng đũa khuấy mạnh để vỏ và ruột rời ra. Hến nguội, mẹ tôi hay dùng cái rá bằng sắt có lỗ nhỏ để đãi. Đãi hến cũng giống như đãi gạo: tay chao, tay nhặt…Thành phẩm thu được là từng tô thịt hến sạch bùn cát nom cực kì ngon mắt và một nồi nước luộc to đùng màu trắng đục hệt màu nước vo gạo. Nước này dùng nấu canh với rau ngót hay mấy loại rau vặt trong vườn nhà thì cơm ăn không biết no.

Riêng ruột hến, tôi vẫn mê nhất món xào xúc bánh đa. Chỉ cần phi ít mỡ hành cho dậy mùi thơm rồi đổ ruột hến vào xào, nêm thêm mắm muối là xong. Bánh đa vừng là đặc sản quê tôi. Bẻ từng miếng bánh được nướng trên than hoa giòn rụm xúc ít ruột hến kèm ít rau thơm, cả nhà ăn đến no mà vẫn không thấy chán. Ngày đó tôi từng nghĩ, có lẽ đây là món đặc sản ngon nhất trần đời.

Còn một loại ốc nữa mà tôi suýt quên kể tên là ốc hút. Quê tôi có nơi còn gọi là ốc sót, ốc nút, ốc vặn…Loại này cũng nhiều nhan nhản như loài hến nhưng có giá thành rẻ nên mẹ tôi vẫn thường cất lại để ăn chứ không bán vì chẳng bõ công. Hoặc mẹ sẽ để nguyên con như vậy rồi đem luộc kèm ít lá bưởi, sả chấm mắm ớt; kì công hơn nữa thì dùng kìm bấm “đít” từng con, ướp thêm ruốc, sả, riềng, mật mía… chế biến món ốc giả cầy. Mùi ốc hút luộc, ốc hút nấu giả cầy dường như vẫn còn thơm ngào ngạt và phảng phất đâu đây trong tâm trí tôi, nhất là vào những buổi chiều mưa lạnh, bụng đã ngon ngót đói…

***

Về Kiến Giang - Bài 2: Những con hói quê hương - Báo Quảng Bình điện tử

Bao năm xa nhà, nay tôi mới lại về ngang qua con hói nhỏ ngày xưa. Nước vẫn cạn nhưng trong hơn và tôi đoán là chẳng còn mấy loài cá, tôm, ốc có thể sống ở đó nữa. Nhìn sang vườn rau nhỏ của ông Lai bây giờ chỉ còn thấy dăm ba cụm cỏ dại, đất cằn cỗi…thấy sao mà nhớ da diết tuổi thơ đến thế! Ông Lai giờ đã già yếu, chỉ biết làm bạn với cây gậy nhỏ và quẩn quanh trong nhà. Sang thăm ông, nhắc lại chuyện ngày xưa hai ông cháu chỉ cười, đôi mắt mờ đục của ông nhìn xa xăm như đang hối tiếc điều gì…

*Hói: Nhánh sông nhỏ hẹp được hình thành tự nhiên hoặc đào để dẫn nước: vét hói dẫn nước.