Khi mới tập tành nghiên cứu, tôi chọn môt đề tài rồi đi tìm tư liệu. Dần dần tôi khám phá ra rằng có khi mất cả năm tìm kiếm cũng không đi đến đâu, ngược lại, trong lúc tìm kiếm tôi bắt gập một đề tài hay một tên người cứ nhắc đi nhắc lại mãi với nhiều chi tiết có vẻ lý thú, đủ để viết một bài. Nhân vật Nguyễn Hoằng đã đến với tôi trong trường hợp này.

Tôi bắt đầu lưu ý đến cái tên Nguyễn Hoằng khi đọc các di thảo của Nguyễn Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ thường nhắc đến l.m. Nguyễn Hoằng, coi như một người bạn đồng chí hướng : cả hai cùng theo đạo Thiên chúa, thông thạo Pháp ngữ, và cùng sẵn lòng giúp triều đình trong những cuộc đàm phán với người Pháp khi nước Pháp sang xâm chiếm nước ta dưới thời vua Tự Đức. Tôi tự hỏi tại sao người ta chỉ nói đến Nguyễn Trường Tộ mà một nhân vật như Nguyễn Hoằng lại không ai nhắc tới ? Hỏi nhưng rồi nhiều việc nên cũng quên đi.

Khát vọng canh tân của Nguyễn Trường Tộ qua góc nhìn của người Pháp - Tin  tức xuất bản

Sau đó lại thấy Nguyễn Hoằng xuất hiện nhiều lần trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên, nhiều đến nỗi tôi không đành lòng bỏ qua mà phải ghi hết số những trang có nói đến Nguyễn Hoằng. Cũng chỉ là ghi để đó, chưa ý thức rõ rệt sẽ dùng để làm gì.

Tôi chỉ quyết định tìm hiểu Nguyễn Hoằng khi lại bắt gập tên ông trên những trang sách của người Pháp như Hồi ký của bác sĩ quân y Hocquard… Sau khi thu thập được một số tài liệu tạm đủ, tôi bắt đầu đọc kỹ để dàn dựng bài viết và tôi đã “sững sờ” khi nhận ra Nguyễn Hoằng không phải là người có tâm huyết với nước như tôi tưởng mà lại là… “tay sai” của người Pháp ! Thoạt đầu tôi cố đem Nguyễn Trường Tộ ra để bác bỏ ý kiến của Pháp, bào chữa cho Nguyễn Hoằng, thấy không xong tôi lại đem thuyết của Pháp ra để đánh đổ những bằng chứng của Nguyễn Trường Tộ cho thấy rõ ràng Nguyễn Hoằng thực sự đã nhiều lần đứng về phía triều đình chống Pháp, song rút cục tôi vẫn không sác định được Nguyễn Hoằng là người của triều đình hay là tay sai của Pháp ?

Sách Khai Tâm - Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên - Cao Tự  Thanh dịch và giới thiệu

CON NGƯỜI

Nguyễn Hoằng quê ở huyện Hương khê (Hà tĩnh) (1). Không biết đích xác ông sinh năm nào và mất năm nào, chỉ biết ông sống cùng thời với Nguyễn Trường Tộ (1830-71), Phạm Phú Thứ (1821-82), Phan Thanh Giản (1796-1867). Trương Vĩnh Ký (1837-98). Chứng tích đầu tiên cho thấy ông xuất hiện trên chính trường năm 1862, với chức thông ngôn cho Pháp, lúc ấy chắc ông vừa học xong chưa bao lâu, trên dưới 20 tuổi , có nghĩa là ông sinh khoảng 1842 (1862 – 20 = 1842), ông mất giữa thế chiến I, tức khoảng 1916 (2).

Thuở nhỏ học đạo ở Poulo Pinang (Mã lai) từng làm l.m. ở Vinh (Hà tĩnh) rồi Saigon và được Giáo hội tiến cử ra làm thông ngôn cho Pháp. Ông thông thạo tiếng Pháp và hơi biết Hán ngữ.

Đại Nam Thực Lục chỉ cho biết Nguyễn Hoằng bị Tự Đức cách chức vì xảo quyệt, gian dối. Người Pháp phê bình tường tận hơn : Tuy trí tuệ chỉ bậc trung nhưng tính tình mềm dẻo, tế nhị, lại ưa mánh mung, khôn vặt, giáo giở, ham quyền thế (3). Bác sĩ Hocquard vừa tới Huế (1886) đã tìm gặp Nguyễn Hoằng và ghi lại những nhận xét sau đây trong Hồi ký của ông :

“Viên thông ngôn số một của triều đình là một giáo sĩ theo đạo Thiên Chúa, biết rõ phong tục của chúng ta, đã từng sang Pháp một lần. Trung tướng de Courcy trước kia ghét cha Then (4) là người tham lam, giả dối nên đã đưa Nguyễn Hoằng lên thay thế. Nguyễn Hoằng khá tận tâm với Pháp, đã khôn khéo và nhanh chóng lấy được lòng vua Đồng Khánh nên được trọng dụng và rất có uy thế, các quan lớn trong triều đều phải kính nể, nhưng địa vị bấp bênh.

Nguyễn Hoằng ở một ngôi nhà đỏm đáng, gần các Bộ, do nhà vua ban cho, với những bồn hoa, bể nước thả cá vàng, rèm cửa mầu sặc sỡ. Phòng khách trưng bầy toàn đồ danh mộc quý giá, chạm trổ tinh vi… nhưng tuyệt không thấy một vật gì thờ phụng đạo giáo như cây thập giá hay tranh ảnh các thiên thần mà chỉ thấy những câu đối sơn son chữ thếp vàng, những bình hương bằng đồng chạm trổ, những lọng che, kiếm chuôi ngà nạm bạc.

Nguyễn Hoằng người bé nhỏ, gầy gò, có cặp mắt đen rất sắc, chòm râu bạc trắng, răng đen, đôi bàn tay chăm sóc cẩn thận, mặc một chiếc áo dài đen ra ngoài áo cánh lụa trắng , quần rộng bằng đũi, đi giầy tây. Cái búi tóc đã muối tiêu dưới vành khăn nhiễu đen xếp nếp ở trán theo kiểu người Huế. Trang phục của ông không có một cái gì nhắc cho ta biết ông là một giáo sĩ đạo Gia-tô.

Triều phục của ông gồm quần lụa đỏ, áo tía, hai tay áo rộng thùng thình, đi chân không xỏ vào đôi giầy hạ bằng da. Khi vào triều giữ đúng nghi lễ, nói năng nhỏ nhẹ (5).

SỰ NGHIỆP

1862 : Giáo hội đề cử ra làm thông ngôn cho Pháp.

1863 : Được phái đoàn Phan Thanh Giản chọn thêm làm thông ngôn tiếng Pháp trong chuyến đi điều đình chuộc ba tỉnh miền Đông (6). Cùng đi chuyến này còn có Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho Pháp.

1865 : Nguyễn Trường Tộ hẹn với Nguyễn Hoằng khi thuyền Tây tới thì cùng lên Kinh vì nhận thấy viên thông ngôn của Pháp cố ý không dịch những điều bất lợi cho Pháp. Cả hai tình nguyện giúp triều đình dịch nguyên văn, khi đanh thép, lúc mềm mỏng.
Trước kia Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đã sai người liên lạc với Nguyễn Hoằng để hỏi tình hình nhưng Nguyễn Hoằng chưa tiện nói, nay có thể trực tiếp hỏi ý đồ của Tây. Nguyễn Hoằng cũng tiønh nguyện đưa hai đoàn du học sinh sang Pháp, giúp họ phiên dịch, giải thuyết những điều họ chưa rõ (7).

1866 : Vua bảo Viện Cơ mật là xem bản dịch sách Tây ra chữ Hán thấy khác nhau. Viện thần tâu vì phải dịch ra tiếng la tinh, chữ Pháp, tiếng ta rồi chữ Hán, cấu trúc khác nhau. Xét Nguyễn Hoằng là đạo đồ, giỏi Pháp ngữ, hơi biết Hán tự, xin cho về kinh dịch sách và dậy học (8).

8-1866 : Nguyễn Trường Tộ xin cho Nguyễn Hoằng cùng đi Gia Định tìm gập những quan Tây trước kia chống soái phủ để xem có cách gì cứu vãn tình thế (9).

11-1866 : Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Hoằng được quan Hiệp biện (Phạm Phú Thứ) cho đi bí mật gập lãnh sự Y pha nho và dặn dò phải xem ý tứ trước khi thổ lộ mật ý (10). Có quan hai lục quân và quan ba thủy quân nhờ Nguyễn Hoằng xin cho về kinh giúp việc (11).

Vua Tự Đức sai Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Hoằng đi Gia Định mua sách Pháp.

Sai cả hai sang Pháp, đặc biệt ban cho mỗi người 10 lạng bạc để về quê thăm, phụng dưỡng mẹ già trước khi đi (12).

Sai Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Tăng Doãn, cha Hậu đi Pháp mua tầu bè, vật liệu, thuê người v.v…

1872 : Sai Nguyễn Hoằng đi Gia Định mua sách Pháp. Tướng quyền tạm của Pháp soạn được 9 loại. Trả lại 3 loại thuộc đạo giáo (13).

1874 : Nghị hòa ở Bắc đã thành. Thưởng quan chức, Nguyễn Hoằng không nhận, ban cho kim khánh và 20 lạng bạc ; g..m Bình được một đồng kim tiền ngũ phúc, ba đồng ngân tiền các loại ; l.m. Đăng (người Pháp) được một đồng kim tiền tam thọ và ba đồng ngân tiền các loại. (14).

1875 : Bộ Lại dâng trình 16 loại sách Tây (sách dậy lặn mò dưới nước, dậy chế đạn phá, binh thư, phép cưỡi ngựa bắn súng, thao luyện lính kỵ mã, luật). Bộ Lễ xin cho l.m. Nguyễn Hoằng giữ chức Chủ sự Ty Hành nhân phiên dịch. Bọn ấy bẩm không đủ sức dịch sách chuyên môn, ngay cả l.m. Đăng cũng không dịch nổi. Thuê Tây thì lâu và đắt. Xin giao cho Viện Cơ mật tạm giữ đợi người đi du học thành tài về dịch (15).

4-1875 : Nguyễn Hoằng coi Ty Hành nhân làm việc ở Thương bạc.

Theo Papin thì Nguyễn Hoằng có dự phái đoàn Pháp tại Huế năm 1875 (16).

1-1881 : Vua bảo Viện Cơ mật và Ty Thương bạc : “Việc giao dịch nhiều, giao hết cho Nguyễn Hoằng dịch e tự tiện thêm bớt, làm hỏng việc. Nên sức cho nhiều người dịch để đối chiếu, không nên chuyên nghe một người” (17).

5-1881 : Nguyễn Hoằng, Chủ sự Ty Hành nhân, làm việc ở Thương bạc, bị cách, giải về Hà tĩnh, nghiêm ngặt quản thúc.
Nguyên do : Sứ nước Pháp là Săm-bô (de Champeaux) nhiều lần qua Thương bạc nhờ quan Thương bạc xin cho vào chầu tâu việc. Quan Viện Cơ mật và quan Thương bạc cho là không hợp lệ, chỉ cho vào triều kiến. Nguyễn Hoằng bẩm kín với quan là Chủ suý ấy nói nếu không thuận sẽ đem tầu binh vào ức hiếp. Quan Thương bạc cho người thông ngôn khác đến hỏi kín, viên sứ ấy nói không có chuyện ấy, vua ghét là giáo giở, xảo quyệt nên bắt tội (18).

1885 : Trung tướng de Courcy lập Chánh Mông (Đồng Khánh) lên ngôi xong liền ra Bắc, giao binh quyền lại cho Thiếu tướng Prudhomme, phụ tá đại diện lâm thời ở Huế và chính quyền cho de Champeaux. Trung tướng đã cách chức cha Then, thay thế bằng Nguyễn Hoằng. Prudhomme muốn chứng tỏ sự quy thuận của Đồng Khánh bằng cách khiến Nguyễn Hoằng gợi ý cho nhà vua làm theo ý của người Pháp, thí dụ khuyên Đồng Khánh đi kinh lý, ra mắt công chúng có quân đội Pháp hộ vệ, nhằm củng cố uy quyền trước nhân dân. Kết quả là chuyến du Xuân năm 1886 của Đồng Khánh có Nguyễn Hoằng tháp tùng, quân đội Pháp hộ vệ, sau lễ triều yết ở điện Thái hòa (19).

2-1885 : Chuẩn cho Bang biện Ty Hành nhân đáp tầu đi Gia Định. Chuẩn cho Ty ấy phụng giữ, dịch học (20).

1886 : Paul Bert, được cử làm Toàn quyền, ép triều đình cách chức Nguyễn Hoằng, giải về Yên hòa (Hà tĩnh) rồi gửi thư cho Trương Vĩnh Ký yêu cầu lập tức trở lại Kinh để dẫn dụ vua Đồng Khánh hành động “thuận lợi cho công việc của chúng ta” (21).

Lần lượt được triều đình và người Pháp trọng dụng rồi lại bị cả hai cách chức, phải chăng vì Nguyễn Hoằng thuộc loại người có tài năng, tính tình chính trực, thẳng thắn, thấy phải thì làm, không sợ uy quyền, không nhất định phải trung thành với phe nào nên cuối cùng bị cả hai bên cùng ghét bỏ ?

Xét về tài năng và trí tuệ thì Nguyễn Hoằng chỉ vào bậc trung, làm thế nào để có thể leo được cao trên con đường hoạn lộ với cả hai phe ?

Tuy xuất thân là thông ngôn cho Pháp nhưng có thể nói lúc đầu Nguyễn Hoằng chưa có chủ kiến nên chịu ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ mà ngả về phía triều đình. Lúc ấy Nguyễn Hoằng chỉ đóng vai phụ Nguyễn Trường Tộ. Đến khi Nguyễn Trường Tộ mất rồi, Nguyễn Hoằng mới được cất nhắc lên chức vị cao như Chủ sự Ty Hành nhân, dần dần được mọi người kính nể, mới nẩy sinh lòng ham quyền thế, tìm cách củng cố địa vị bằng những mánh khóe mưu mẹo vặt như mượn thế de Champeaux dọa nạt triều đình để làm tăng vai trò quan trọng của mình. Tự Đức vốn đã nghi ngờ Nguyễn Hoằng gian dối, nên nhân cơ hội này cách chức Nguyễn Hoằng, đuổi về quê, nghiêm ngặt quản thúc (1861). Bẵng đi một thời gian không thấy ai nhắc đến Nguyễn Hoằng trên chính trường rồi đột nhiên lại thấy triều đình Đồng Khánh tin dùng Nguyễn Hoằng, thực ra là de Courcy và Prudhomme đã gài Nguyễn Hoằng vào làm thông ngôn số một để lèo lái cho Đồng Khánh làm theo ý người Pháp. Nhưng chỉ sau đó ít lâu Paul Bert lên làm Toàn quyền, không tin cậy Nguyễn Hoằng, ép triều đình cách chức Nguyễn Hoằng một lần nữa (1886) để thay thế bằng Trương Vĩnh Ký.

Ngẫm cho kỹ, Nguyễn Hoằng chỉ là một người bình thường, mấy lần làm quan to không phải vì tài năng mẫn cán mà chỉ nhờ gập thời vận, cờ đến tay biết phất, tính tình mềm dẻo, không lạm dụng quyền thế nên từng là nhân vật số hai của triều đình, chỉ đứng sau có Kinh Lựơc Sứ Nguyễn Hữu Độ, nhạc phụ của đồng Khánh, mà không bị tai tiếng gì, dẫu địa vị bấp bênh song vẫn được các bạn đồng liêu kính nể.

Nguyễn Hoằng không dứt khoát theo bên nào không phải vì trực tính, không phụng sự một lý tưởng nào, không phục vụ ai mà thực sự chỉ phục vụ cho bản thân mình. Sinh thời ông đã có lúc là ngôi sao sáng, không thua kém gì Nguyễn Trường Tộ hay Trương Vĩnh Ký, nhưng sau khi chết thì trong bộ ba ấy ông là người mờ nhạt nhất, không còn ai nhắc đến ông nữa. Không bị ai thù hận nhưng cũng chẳng ai luyến tiếc, không “lưu danh vạn thuở”, cũng không “lưu xú vạn niên”.

Hà Nội  tháng 8-2008

CHÚ THÍCH

1- Thực Lục, XXXI, 41.

2- Hocquard, p. 609, note 1 (Papin) – Tây Hành Nhật Ký, 57.

3- Bouchot, 55, trích Chailley, Paul Bẻt au Tonkin, 65.

4- Hocquard, 608-9, note 2 : Cha Then tên là Nguyễn Hữu Thơ, l.m. ở Huế, quê ở Quảng bình, sinh năm 1835, mất năm 1892. Học ở Poulo Pinang, biết tiếng Pháp, chữ Hán và La tinh. Đồng nghiệp của Nguyễn Hoằng. Bị người Pháp coi là giả dối, xảo quyệt, tham lam.

5- Hocquard, 608-10.

6- BAVH Avril-Juin 1919, 170, “Journal de Phạm Phú Thứ”, bản dịch của Ngô Đình Diệm. Bản dịch của Quang uyển, Tây Hành Nhật Ky, 57.

7- Nguyễn Trường Tộ, 157, sớ số 7.

8- Thực Lục XXXI, 41.

9- Nguyễn Trường Tộ, 189, sớ số 17.

10- Ng.T. Tộ, 207, sớ số 22.

11- Ng.T. Tộ, 212, sớ số 23.

12- Ng.T. Tộ, 442, Phụ lục II, trích Lê Thước, “Tiểu sử Nguyễn Trường Tộ tiên sinh”.

13- Thực Lục, XXXII, 229.

14- Thực Lục, XXXIII, 24.

15- Thực Lục, XXXIII, 164.

16- Hocquard, 609.

17- Thực Lục, XXXV, 15.

18- Thực Lục, XXXV, 32. Rất có thể Nguyễn Hoằng bị oan và chính de Champeaux đã dọa rồi chối.

19- Nguyễn Xuân Thọ, 375, 403 – Phan Khoang, 375.

20- Thực Lục, XXXV, 199.

21- Bouchot, 55, trích Général X…, L’Annam de 1885-86, note 1. Hocquard, 609.

SÁCH THAM KHẢO

BOUCHOT Jean, Pétrus Trương Vĩnh Ký. Erudit cochinchinois (1837-1898), 1925.

CHAILLEY, Paul Bert au Tonkin. Trích Genéral X…, L’Annam de 1885 à 1886, note 1.

Đại Nam Thực Lục Chính Biên, tập XXXI đến XXXVI. Hà nội : KHXH, 1968 đến 1978.

Dr HOCQUARD Charles Edouard, Une Campagne au Tonkin.París : Hachette & Cie, 1892 ; Paris : Arléa, 1999 (avec annotations de Papin).

NGUYỄN XUÂN THỌ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Xuất bản ở Mỹ, 1995.

PHẠM PHÚ THỨ, “Journal de Phạm Phú Thứ” bản dịch của Ngô Đình Diệm. Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), Avril-Juin 1919. Bản dich của Quang Uyển, Tây Hành Nhật Ký, nhà xuất bản Đà nẵng, 1999.

PHAN KHOANG, Việt Nam thời Pháp thuộc (1884-1945), Saigon, 1961 ; tái bản ở Mỹ, không đề năm và nhà xuất bản.

TRƯƠNG BÁ CẦN, Nguyễn Trường Tộ. Con người và Di thảo. TPHCM, 1988.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Theo Chim việt Cành Nam